Chống tham nhũng: Khi cả thế giới muốn khôi phục lòng tin

Cập nhật lúc 06:18, 13/11/2010 (GMT+7)

Hội nghị quốc tế chống tham nhũng (IACC) lần thứ 14 diễn ra tại Thái Lan thu hút đại diện của hơn 130 quốc gia; hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc đều có chung một tâm điểm - nỗ lực chống tham nhũng.

Một thực tế cho thấy, giờ đây, tham nhũng không phải là chuyện của một nước, một chính phủ đơn lẻ, hay chỉ là vấn đề xảy ra với thế giới đang phát triển. Nó là “tai họa” toàn cầu, đe dọa cuộc sống, xói mòn sự phát triển, và làm tắt ngấm hy vọng cùng niềm tin của người dân vào một xã hội công bằng hơn.

s
Hội nghị quốc tế chống tham nhũng lần thứ 14 diễn ra ở Bangkok. Ảnh: BBC

Ở bất cứ nơi nào, người ta vẫn có thể chứng kiến cảnh, quan chức bỏ túi triệu USD tiền hoa hồng, chính khách khoe khoang sự giàu có, hay cảnh sát chẳng hề giấu diếm tuyên bố luật pháp trong tay. Người dân toàn cầu đều có thể đối mặt hàng ngày với quá nhiều ví dụ tham nhũng khiến họ hoài nghi về phẩm chất quan chức, năng lực quản lý và khả năng hạn chế của chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Chủ đề của IACC năm nay là: “Khôi phục lòng tin: Hành động toàn cầu vì sự minh bạch”.

Nhưng rõ ràng, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Tờ Time cho hay, người Philippines bắt đầu chỉ trích Tổng thống mới đắc cử gần đây là Benigno Aquino III khi cho rằng, ông đã quên khẩu hiệu đưa ra lúc tranh cử: “Không có tham nhũng, không còn đói nghèo”. Trong tháng 9, Campuchia bắt tay vào một kế hoạch chống tham nhũng - nhưng đó là động thái chỉ diễn ra sau nhiều năm áp lực từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Những cường quốc kinh tế của khu vực cũng cùng chung mối lo. Tham nhũng và lạm phát “sẽ gây ra ảnh hưởng bất lợi với sự ổn định” của Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên CNN gần đây. Vào tháng 8, trong một cuộc họp với cơ quan pháp luật Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo cảnh báo sẽ chống lại việc cho phép tham nhũng lan tràn trong chính phủ. Ông khẳng định: "Ở thời bình, tham nhũng là nguy cơ lớn nhất với một đảng cầm quyền, và lý do căn bản của tham nhũng là quyền lực không được giám sát và hạn chế thích hợp".

Pratyush Sinha, người đứng đầu Ủy ban Giám sát của Ấn Độ đã nghỉ hưu tháng 9 vừa qua, tiết lộ, gần 1/3 người Ấn Độ tham nhũng và một nửa người nước này đang ở ranh giới giữa tham nhũng và liêm khiết. . Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), một cơ quan chống tham nhũng toàn cầu, vào tháng 2 năm nay đã xếp Ấn Độ đứng hàng thứ 84 trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch. Khoảng 60% quan chức được khảo sát thừa nhận đã từng gạ gẫm tiền đút lót. Sinha nhấn mạnh rằng, trong quá khứ, những người tham nhũng từng đối mặt với sự rẻ khinh của xã hội và kết luận: "Điều này đã biến mất”.

Tờ Time đưa ra nhận định, có một thực tế là, chính các tổ chức đảm nhận trọng trách chống tham nhũng lại thường xuyên tham nhũng. Tờ này dẫn số liệu khảo sát của TI năm ngoái ở 69 quốc gia, theo đó, hầu hết những người sống ở thế giới đang phát triển thừa nhận thực tế rằng, yêu cầu hối lộ phổ biến nhất là cảnh sát. Cuộc thăm dò đưa ra ví dụ về những gia đình nghèo tại Mexico, đã phải dành khoảng 1/5 thu nhập cho các khoản hối lộ nhỏ nhặt. Nạn hối lộ gia tăng ở các nước trên khắp châu lục, khiến các gia đình thêm gánh nặng trong khi phải vật lộn để đối phó với cuộc suy thoái toàn cầu.

Dĩ nhiên, tham nhũng, hối lộ không chỉ giới hạn trong lực lượng hành pháp. Theo kết quả một cuộc khảo sát tại Bangladesh, 44% bệnh nhân ở các cơ sở y tế công cộng phải hối lộ nhân viên y tế.

Hay ở Thái Lan, nhiều cha mẹ thường đưa con vào những trường học tốt hơn, danh tiếng hơn bằng việc hối lội giáo viên một khoản gọi là “tiền trà nước”. Theo thống kê của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan, nước này tổn thất khoảng 3,3 tỉ USD/năm vì tham nhũng, hối lộ.

Tại Hội nghị chống tham nhũng quốc tế đang diễn ra ở Bangkok, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij cho rằng, tham nhũng làm giảm tính cạnh tranh của kinh tế vì làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp tại Thái Lan. Đồng thời, ông đã đề cao quyết định của 27 công ty hàng đầu Thái Lan khi ký kết một thỏa thuận ngừng các khoản hối lộ cho quan chức chính phủ.

Diễn ra trong 4 ngày (10 - 13/11) với 4 phiên họp toàn thể và khoảng 40 phiên thảo luận nhóm, thu hút đại biểu đến từ hơn 130 quốc gia, các tổ chức quốc tế, IACC 14 đã cho thấy tính cần thiết và cấp bách của nỗ lực chống tham nhũng.

Trong khi đó, ngày 12/11, G20 cũng đã thông qua kế hoạch hành động chống tham nhũng, điều mà nhóm này cho rằng là “lực cản nghiêm trọng” với tăng trưởng kinh tế.

Kế hoạch hành động chống tham nhũng, thúc đẩy môi trường kinh doanh sạch được tuyên bố vào phiên kết thúc diễn đàn kinh tế kéo dài hai ngày ở Seoul. "Tham nhũng đe dọa sự toàn vẹn của thị trường, làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng, làm biến dạng phân bổ nguồn lực, phá hủy lòng tin của công chúng và suy yếu quy định pháp luật”, tuyên bố của G20 về kế hoạch hành động chống tham nhũng khẳng định.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Là lãnh đạo của các quốc gia thương mại lớn, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt để ngăn ngừa và chống tham nhũng, thiết lập khuôn khổ pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh sạch và tiếp tục hỗ trợ các nước G20 trong nỗ lực xây dựng năng lực chống tham nhũng".

Chống tham nhũng để khôi phục lòng tin, hơn bao giờ hết, là trọng trách đặt ra cho mỗi quốc gia giữa bối cảnh toàn cầu có quá nhiều thách thức, thất vọng và hoài nghi.

  • Thái An

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác