"Đội quân ảo" của Tổng thống Mỹ đi đâu?
- Điều gì đã xảy ra với đội quân hùng hậu những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Barack Obama trên Internet? Đó là câu hỏi không ít nhà quan sát chính trị đặt ra sau thất bại của đảng Dân chủ trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Mỹ.
Còn nhớ cách đây 2 năm, ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama đã làm nên điều kỳ diệu trong cuộc đua vào Nhà Trắng: giành được sự ủng hộ của hơn 2 triệu người Mỹ tham gia Facebook và khoảng 112.000 thành viên Twitter.
Chiến dịch tranh cử trực tuyến rầm rộ của ông Obama. Ảnh: anishvshah |
Chính những lá phiếu của lực lượng cử tri này đã giúp ông Obama trở thành “siêu” chính trị gia đầu tiên trên hành tinh sử dụng thành công sức mạnh của Internet để vận động tranh cử và thắng cử.
Lúc đó, rất nhiều người tin rằng tất cả những công dân mạng từng giúp ông Obama lên làm Tổng thống sẽ tiếp tục vây quanh và ủng hộ các chính sách tích cực của ông.
Tuy nhiên tới nay, “đội quân ảo” của ông Obama, trong đó phần lớn là giới trẻ, dường như đã “xịt hơi”. Ngược lại, các thành viên đảng Trà (Tea Party) - một phong trào bảo thủ ủng hộ đảng Cộng hòa - lại vùng lên sử dụng Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác để tạo nên một “quả đắng” cho phe Dân chủ.
Tờ Newsweek (Mỹ) cho biết chỉ sau 2 năm, phong trào quảng bá các hoạt động chính trị của ông Obama trên các blog, mạng xã hội và truyền thông trực tuyến đã tan nhanh hơn “bong bóng”. Có thể đưa ra nhận định này khi kiểm tra lượng truy cập vào trang web BarackObama.com, vốn được đội ngũ vận động tranh cử của ông Obama tạo ra trong chiến dịch tranh cử năm 2008.
Theo công ty nghiên cứu thị trường ComScore, số lượng khách truy cập trang web trên đã “tuột dốc không phanh” từ con số 8,5 triệu lượt tháng 10/2008 còn có 664.000 lượt vào tháng 9/2010. Tương tự, My.BarackObama.com, trang mạng xã hội có hàng ngàn hạng mục nhỏ như “Những bà mẹ đơn thân vì Obama” và “Những chiến binh vì Obama”, cũng rớt khách từ con số 4,2 triệu lượt truy cập xuống còn 549.000 lượt.
Chuyên gia Internet Don Tapscott cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thay đổi được cách bầu cử của cử tri online nhưng không thành công trong việc thay đổi cách thức giúp họ hỗ trợ ông lãnh đạo nước Mỹ. Quá trình “hậu bầu cử”, ông Obama đã mất đi sự ủng hộ của nhiều người trẻ.
Trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, “Tổ chức vì những người Mỹ” (Organizing for America) - một nhóm mới phụ trách hoạt động truyền thông mạng cho phe Dân chủ - cũng đã cố hết sức để kéo lượng cử tri trẻ từ “đời sống ảo” ra đời thực bầu cử. Tuy nhiên, nỗ lực của họ thất bại.
Kết quả nghiên cứu của Học viện chính trị Harvard cho thấy, hàng trăm ngàn cử tri mạng ở độ tuổi từ 18 - 29 đã quay lưng với ông Obama. Trong cuộc bầu cử vừa qua, khối cử tri quan trọng đối với đảng Dân chủ là cử tri trẻ đi bỏ phiếu giảm đáng kể. Nghiên cứu của tổ chức CIRCLE cho thấy số cử tri dưới 30 tuổi tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ lần này ít hơn khoảng 1 triệu người so với cuộc bầu cử năm 2006. Khoảng 9 triệu người trong độ tuổi từ 18 đến 29, tức chỉ 1/5 thanh niên Mỹ, đến các phòng bỏ phiếu trên cả nước trong ngày 2/11.
“Họ cảm thấy mất liên hệ với những phong trào ủng hộ Obama mà họ từng giúp gây dựng”, ông John Della Volpe, Giám đốc khảo sát tại Học viện chính trị Harvard, đối tác quản lý của SocialSphere, nói. Trên thực tế, theo luật, khi đã trở thành Tổng thống Mỹ, ông Obama không được tiếp xúc riêng với những người đã bỏ phiếu cho ông như trong thời kỳ tranh cử. Ông không được tạo ra các trang web của riêng mình mà phải sử dụng trang web WhiteHouse.com để trao đổi thông tin với mọi người. Điều này đã hạn chế “sợi dây” liên lạc giữa ông Obama và những người ủng hộ.
Trong khi đó, một loạt cá nhân xuất sắc từng sát cánh giúp ông Obama thiết lập phong trào tranh cử trực tuyến cũng đã ra đi. Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook, người từng rời Facebook để dẫn dắt các nỗ lực tranh cử trên mạng xã hội của Obama, giờ đây đang hứng thú với việc tạo ra một mạng xã hội mới có tên gọi Jumo. Blue State Digital, người tư vấn của trang BarackObama.com, vẫn cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho trang này song đã chuyển sang công việc khác. Joe Rospars, đồng sáng lập Blue State Digital, người từng là giám đốc truyền thông cho chiến dịch tranh cử của Obama, đã quay trở lại Blue State Digital sau khi ông Obama thắng cử.
Một số chuyên gia Internet cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ Tổng thống Obama đã không đáp ứng những điều mà cử tri online mong đợi. Cách đây 2 năm, nhiều người đã mơ tới một “Chính phủ phiên bản 2.0”. Ở đó, chính phủ thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin để người dân theo dõi những hoạt động đang tiến hành trong chính quyền liên bang, gồm việc chi tiêu ngân sách và tiến trình lựa chọn những quyết định quan trọng. Ngoài ra, còn có những trang web tương tự change.org giúp người dân bày tỏ điều họ muốn Tổng thống làm, đưa ra các ý tưởng về chính sách, luật lệ và bỏ phiếu bình chọn ngay trên mạng.
Tuy nhiên, giấc mơ cộng tác giữa chính quyền - người dân theo kiểu nguồn mở như trên đến nay vẫn dang dở. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không giải quyết triệt để nhiều phong trào “hot” trên mạng như: yêu cầu đóng cửa nhà tù trên vịnh Guantanamo, bãi bỏ chính sách “Không hỏi và đừng nói ra “(Don’t ask, don’t tell) liên quan tới người đồng tính trong quân đội Mỹ, ủng hộ kết hôn đồng tính, đòi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan...
Có thể nói, sự tan rã “đội quân ảo” của Tổng thống Obama là một bài học về bản chất dễ thay đổi của Internet. Trong “thế giới ảo”, một phong trào xã hội mới lạ có thể thu hút hàng triệu người tham gia. Nhưng để giữ họ lâu dài lại là chuyện khác. Một khi luật đối thoại bị phá vỡ, công dân mạng sẽ cất bước ra đi. Khi đó, các đối tượng từng được họ quan tâm có thể phải gánh cú sốc nặng nề.
-
Võ Giang