Tham nhũng giáo dục: Không đổ lỗi cho phụ huynh
- "Chấp nhận việc trả phí thêm để có thể có chỗ cho con trong trường học tốt phần nào phản ánh sự không tin tưởng vào hệ thống giáo dục. Sự mất tin tưởng là đáng sợ, là điều hệ trọng. Bạn không biết tin tưởng vào đâu, vậy những điều giáo dục đã làm được là gì?" - Phó Đại sứ Thụy Điển Marie Ottosson trao đổi về chủ đề Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 7 sáng nay (28/5) tại Hà Nội.
>> Tổng Thanh tra Chính phủ nhắn nhủ đến thầy Đỗ Việt Khoa
Theo bà Ottosson, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục là chủ đề đối thoại được đề xuất từ phía Chính phủ Việt Nam. Tham nhũng trong giáo dục gây nguy hại cho chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
"Với tư cách nhà tài trợ, chúng tôi mong muốn nhìn thấy sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tham nhũng trong giáo dục ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo", bà nói.
Phó Đại sứ Thụy Điển Marie Ottosson: Trẻ con có thể sẽ không tin vào xã hội nếu biết bố mẹ phải trả những khoản phí không chính thức... Ảnh: XL
Theo nhận định của các nhà tài trợ, mức độ tham nhũng trong giáo dục và hậu quả tác động xã hội Việt Nam như thế nào?
Có tồn tại tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam. Trong một hệ thống, người ta chấp nhận việc cha mẹ phải bỏ tiền cho con học thêm để có kết quả tốt hơn và thầy cô giáo chấp nhận việc dạy thêm để có thu nhập. Thậm chí, các thầy, cô cảm thấy đó là công việc khá tốt cho cuộc sống của họ.
Cả hai nhóm này tỉ lệ khá cao. Thật khó để thay đổi thái độ vì hai nhóm này đều cảm thấy hài lòng về điều họ làm. Điều này cho thấy một phần hệ thống giáo dục vận hành như thế nào.
Trong một xã hội phát triển, thái độ đó rất cần phải thay đổi. Cũng như việc cha mẹ sẵn sàng bỏ một khoản phí không chính thức để xin cho con mình vào học trường tốt. Những gia đình có thu nhập thấp, nghèo hơn, sẽ không thể có cơ hội chi trả. Họ sẽ thiệt thòi hơn về cơ hội.
Mất niềm tin
Bà nói cần thay đổi thái độ. Vậy thái độ đang tồn tại đó phản ánh điều gì về hệ thống giáo dục xung quanh việc bố mẹ có điều kiện trả tiền để con cái có cơ hội học kết quả tốt hơn trong khi thầy, cô giáo có cơ hội đảm bảo cuộc sống?
Chấp nhận việc trả phí thêm để có chỗ cho con trong trường học tốt phần nào phản ánh sự không tin tưởng vào hệ thống giáo dục. Sự mất tin tưởng là đáng sợ, là điều hệ trọng. Bạn không biết tin tưởng vào đâu, vậy thì những điều giáo dục làm được là gì? Đây là một vấn đề lớn.
"Nếu bọn trẻ biết cha mẹ chúng phải trả những khoản phí dục giáo không chính thức, chúng có thể không tin tưởng vào xã hội". Ảnh: VNN |
Trong trường học, cần miêu tả rõ ràng những chi phí cụ thể phải trả. Ở nghĩa khái quát hơn, đó là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Theo bà, nguyên nhân nào có thể khiến giáo viên, hiệu trưởng phải tham nhũng? Có quan hệ gì giữa các yếu tố kinh tế và tham nhũng không, như lương quá thấp chẳng hạn?
Người ta nói rằng lương thực tế của giáo viên ở Việt Nam thấp, không đủ để họ đảm bảo cuộc sống.
Nhưng một nghiên cứu của Tổ chức Hướng tới minh bạch chỉ ra lương thấp không phải là lý do duy nhất dẫn đến tham nhũng trong giáo dục.
Người nghèo chịu thiệt
Liệu có thể đổ lỗi cho người "tạo cơ hội" tham nhũng như việc bố mẹ tự nguyện chi những khoản không chính thức để tìm cơ hội học tập tốt cho con cái? Thậm chí có thể tạo ra những phong trào "chạy" trường ở các thành phố lớn?
Đó là một thực tế buồn. Nhưng tôi nghĩ không thể đổ lỗi cho phụ huynh trong tình huống này. Bất cứ cha mẹ nào cũng luôn muốn những điều kiện tốt nhất dành cho con mình, nhất là những cơ hội về học hành, nếu họ có khả năng và có cơ hội để làm việc đó.
Nếu họ có khả năng chi trả và được hệ thống chấp nhận, thì một người làm sẽ khiến mọi người cùng làm. Họ nhận thức được là họ có khả năng trả và ý thức làm việc đó. Đó là lý do vì sao chúng tôi tin rằng cần chống tham nhũng vì hơn ai hết, người nghèo bị tổn thương, thiệt thòi hơn.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi một đứa trẻ từ bé đã biết cha mẹ có tiền và "chạy" đua tìm kiếm nơi học tập tốt cho con như ở một số thành phố lớn của Việt Nam, thưa bà?
Nếu bọn trẻ biết cha mẹ chúng phải trả những khoản phí dục giáo không chính thức, chúng có thể sẽ không tin tưởng vào xã hội. Thái độ này còn khó thay đổi hơn sự sửa đổi pháp luật.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế trong thập kỷ qua. Bây giờ, để đạt ngưỡng phát triển cao hơn, kinh tế phải phát triển dựa trên những niềm tin lớn hơn. Cũng như giáo dục phải có sự thay đổi, mà ở đó không chấp nhận sự tồn tại của tham nhũng.
-
Xuân Linh