Phát huy khoa học lịch sử về chủ quyền lãnh thổ

Cập nhật lúc 21:02, 11/11/2010 (GMT+7)

- Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lần thứ VI hôm nay (11/11), Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nói Hội cần quan tâm đến những bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Giới khoa học lịch sử cả nước đã có cuộc tề tựu kể từ 5 năm nhiệm kỳ V (2005 - 2010), với những trăn trở về việc phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam như một tổ chức xã hội nghề nghiệp gắn bó chặt chẽ với những vấn đề của đời sống chính trị, tư tưởng và văn hóa của đất nước.

Sau 44 năm hoạt động, như Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nhận định, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có những đóng góp thực sự thiết thực cho xã hội.

Mô tả ảnh.
Ảnh: XL

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Tổng thư ký Hội, nhà sử học Dương Trung Quốc, ngoài các hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ hàng đầu liên quan đến phát triển khoa học lịch sử nước nhà, trong 5 năm qua, một trong những dấu ấn là việc Hội thực hiện chức năng giám định, tư vấn, phản biện khoa học.

Nổi bật nhất là những kiến nghị và đóng góp của Hội với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị và trong dư luận xã hội đối với công trình khai quật và bảo vệ di tích Hoàng thành Thăng Long kéo dài từ năm 2003 đến nay, xây dựng và bảo vệ hồ sơ đề cử di sản văn hóa thế giới…

Gần đây, Hội đã phối hợp với bộ, ngành chức năng nghiên cứu toàn bộ tư liệu lịch sử và hồ sơ đàm phán giữa hai chính phủ Việt Nam, Trung Quốc để biên soạn sách “Biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc”, và đang triển khai đề án “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”, góp phần tích cực nâng cao hiểu biết của xã hội về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Trên tinh thần trách nhiệm, Hội đã phát biểu ý kiến tư vấn đối với Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử - văn hóa Việt Nam như vấn đề Biển Đông, vấn đề xây dựng một nhận thức mới về lịch sử và văn hóa miền Trung, miền Nam, nâng cao chất lượng giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc…

Tăng cường hơn nữa chức năng giám định, tư vấn của Hội đáp ứng nhu cầu của Đảng, Nhà nước, xã hội là một trong những phương hướng, hoạt động của nhiệm kỳ mới mà Hội đặt ra trong 5 năm tới.

Phát biểu tại Đại hội, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cho rằng, Hội cần phấn đấu để tập hợp rộng rãi giới sử học và những lực lượng xã hội quan tâm đến lịch sử, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động sử học, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, đấu tranh chống những khuynh hướng xuyên tạc lịch sử, làm phương hại đến lợi ích dân tộc.

Thường trực Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh việc Hội quan tâm đến lịch sử hiện đại gắn liền với những chiến công và thành tựu to lớn của dân tộc đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới hôm nay, quan tâm đến những bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ của đất nước, nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức lịch sử trong và ngoài nhà trường, nâng cao nhận thức, kiến thức về lịch sử dân tộc cho các thế hệ trẻ…

Một trong những trăn trở của giới khoa học lịch sử tại Đại hội lần này, đó là việc biên soạn một bộ “Quốc sử” đồ sộ của thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng Quỹ Phát triển sử học để khuyến khích việc học tập lịch sử của thế hệ học sinh, sinh viên và khen thưởng các công trình sử học có giá trị. Thường trực Ban Bí thư. thay mặt Đảng, Nhà nước, khẳng định sự ủng hộ đối với giới khoa học lịch sử trong những hoạt động tâm huyết đóng góp cho đất nước.

  • Linh Thư

Ý kiến của bạn

Các tin khác