- "Một trong những cương lĩnh của ASEAN là duy trì sự ổn định và an ninh tại khu vực để từ đó phát triển. Nếu không có hoà bình, không nước nào có thể phát triển ổn định", ông Djauhari Oratmangun - Tổng Giám đốc Ủy ban ASEAN - Indonesia, Trưởng nhóm quan chức cấp cao (SOM) của Indonesia tại ASEAN trao đổi với báo chí.
Không hòa bình, không thể phát triển ổn định
Trên vai trò trưởng SOM của Indonesia tại ASEAN, ông đánh giá ra sao về các nội dung đối thoại tại ASEAN 2010 diễn ra tại VN?
Tôi thực sự rất ấn tượng trước tiêu đề “Từ tầm nhìn đến hành động” của năm ASEAN 2010. Đây là thời điểm để ASEAN hành động. Chúng tôi hoàn toàn được thuyết phục rằng vai trò Chủ tịch của Việt Nam sẽ mang đến nhiều hành động hơn cho ASEAN.
Nhưng đã gần nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi ASEAN được thành lập, ý nghĩa "hành động" nên được hiểu như thế nào?
Thực tế, tầm nhìn của ASEAN đã được khẳng định trong 41 năm qua. Đây là năm thứ hai ASEAN đi vào thực hiện Hiến chương chung. Một trong những cương lĩnh của ASEAN là duy trì sự ổn định và an ninh tại khu vực để từ đó chúng ta có thể phát triển. Nếu không có hòa bình, không có nước nào có thể phát triển ổn định. Vì vậy, kết quả là trong hai mươi năm qua, tại khu vực không hề có xung đột nào.
ASEAN đang là một khối thống nhất, vững chắc và ngày càng phát triển. Ảnh: LAD |
Chúng ta đều có cơ hội hòa bình để phát triển. Hãy đặt câu hỏi tại sao ngày càng nhiều quốc gia muốn trở thành đối tác đối thoại với ASEAN, từ Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu đến Trung Quốc, New Zealand… Đó là bởi họ thấy ASEAN đang là một khối thống nhất, vững chắc và ngày càng phát triển. Đó cũng là lý do họ luôn chủ động có các cuộc đối thoại trên diện rộng và sâu với ASEAN.
Hiến chương ASEAN - kim chỉ nam hành động
Liên kết nội khối đang là mục tiêu mà ASEAN hướng tới. Theo ông, ASEAN cần có hành động gì để hiện thức hóa mục tiêu này?
Thực hiện Hiến chương của ASEAN. Tất cả các thành viên của ASEAN đều cam kết sẽ thực hiện đầy đủ Hiến chương của ASEAN. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển của ASEAN trong tương lai. Chỉ có việc thực hiện đầy đủ mới có thể khiến cho ASEAN phát triển vững mạnh. Chúng tôi đang tìm kiếm các công cụ, cách thức đảm bảo các thành viên ASEAN thực hiện đầy đủ Hiến chương chung của khu vực.
Theo ông, để ASEAN đi vào hoạt động hiệu quả hơn, cần nỗ lực và hành động hiệu quả hơn từ các chính phủ như thế nào?
Việc thực hiện không phải chỉ từ chính phủ mà từ người dân. Ngày càng nhiều người Indonesia hợp tác với VN và cả người dân. Cũng như người dân VN có nhiều hiểu biết hơn về Việt Nam, chẳng hạn như Indonesia đang phát triển như thế nào, chúng ta có cùng màu da. Việc tổ chức Hội nghị ASEAN tại đây cũng là cách để người VN hiểu rõ hơn về ASEAN. Tôi nghĩ chúng ta đang phát triển đúng hướng.
Không thể bác bỏ sự thành công của ASEAN, nhưng rõ ràng khối vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, đặc biệt là hướng tới mục tiêu thành lập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, thưa ông?
Tôi nghĩ thế này, không quốc gia nào muốn gia nhập ASEAN nếu họ không thấy mình được hưởng lợi cho đất nước họ từ việc gia nhập khối. Chúng ta đang thu hẹp khoảng cách về kinh tế giữa các nước thành viên. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của một cộng đồng chung ASEAN.
Indonesia là quốc gia đầu tiên đóng vai trò trung gian tổ chức hội đàm về vấn đề Biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN. Tranh chấp Biển Đông cũng được thảo luận trong khuôn khổ các phiên họp của quan chức SOM ASEAN. Ông có thể cho biết quan điểm của Indonesia trong vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng ASEAN cần thực thi đầy đủ cam kết về Quy tắc ứng xử Biển Đông và thảo luận chi tiết về việc ký kết bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông với Trung Quốc. Do là nước đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông, nên Indonesia đã chủ trì nhiều hội thảo về vấn đề này, đưa các thành viên của ASEAN và Trung Quốc cùng ngồi để bàn luận về các lợi ích chung và tìm ra giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
-
Phương Vũ