Dấu Chân Online 24: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VII)

Cập nhật lúc 10:21, 27/10/2010 (GMT+7)

Dấu chân Online

Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 24: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VII)
Tiếng gầm gừ của chú chó chăn cừu đùa nghịch với chủ đã đánh thức chúng tôi. Con chó trùng trục, nặng trịch và to như một con bê nhỏ, một bên tai bết máu. Chó chăn cừu là con vật thân thiết của dân đồng cỏ. Nó giúp người lùa đàn cừu hỗn độn vô tổ chức đi ăn trên cánh đồng, bảo vệ chúng khỏi những kẻ thù như cáo, sói. Chúng cũng là người bạn trung thành của những mục dân cô đơn và lang bạt.

Nhưng chó chăn cừu cũng rất dữ. Mỗi khi chạy gần một khu lều trại nào đó, nỗi e ngại lớn nhất của chúng tôi là gặp bọn này. Xe chạy qua, chúng đứng thành một vòng cung, nhe hàm răng nhọn hoắt, mắt long lên, gầm gà gầm gừ sẵn sàng đợp một nhát. Co tít chân lên bình xăng, chỉ còn cách là thốc ga phóng thật nhanh, nhưng bọn này cũng chả vừa, chúng sẵn sàng đuổi theo tới cả nửa cây số. Chỉ khi chủ của chúng huýt sáo gọi về, chúng mới luyến tiếc rời bỏ con mồi đang chạy bạt mạng. Trong sách lonely planet, mục “ Kỹ năng Sinh tồn “ ngay ở đầu, câu đầu tiên mà LP gợi ý du khách là phải học thuộc câu “ làm ơn nhốt chó lại “ bằng tiếng Mông Cổ!


Trông chú chó hiền lành thế này mà cũng tẩn nhau với sói một trận ra trò


Con chó của chủ nhà cũng vừa có một chiến tích lẫy lừng tối hôm trước: Đánh nhau với sói. Sói về ngay gần nhà, chỉ ở cánh đồi bên kia, cậu chủ trỏ tay vào đám rừng ngay trước khu trại.

Hành trình đi tìm sói hoang trên những con đường hoang dã, đôi khi tụt xuống những khe núi lởm chởm.

Giống như rồng ở phương đông, sói là linh vật của dân Mông Cổ. Khác với rồng, tuy là một con vật kỳ bí, không có thật nhưng dường như cùng phía với con người, sói lại là kẻ thù hiện hữu của mọi sinh vật trên đồng cỏ. Sự đấu tranh sinh tồn giữa các loài vật trên đồng cỏ với con vật tàn bạo, thông minh, lạnh lùng là sói đã không cho phép bất kể một kẻ yếu ớt nào có thể tồn tại trên đồng cỏ. Sói là thầy dạy cho những con ngựa Mông cổ có thể chạy hàng trăm dặm một ngày. Sói cũng dạy cho những chiến binh Mông Cổ gan dạ và mưu lược những kỹ năng và chiến thuật trong chiến đấu. Mông cổ cũng không có những con thú ăn thịt như hổ báo hay sư tử, do vậy sói là chúa tể các loài vật. Người Mông cổ coi mình là con của sói, ngay cả sau khi chết đi cũng để thân xác của mình trên đồng cỏ cho sói xơi, và sói lại là phương tiện để đưa hồn người về với trời. Cũng từ sói mà cảm hứng với Mông cổ của chúng tôi tràn đầy để thực hiện chuyến đi này, đó là sau khi đọc quyển sách “ Tô tem sói “.


images298448_soi3.jpg
Bộ da sói mới lột treo ở một quán bia trong làng


Tuy sói không còn nhiều nhưng tinh thần sói vẫn còn ở các thế hệ của người Mông ?

Ngày nay, sói vẫn còn ở rất nhiều vùng của Mông cổ, trên đường đi, dễ dàng nhìn thấy các dấu vết của nó, như ở đây, con chó chăn cừu đánh nhau với sói tai còn đầy máu, dù rằng đây là khu du lịch chỉ cách đường lớn chừng gần 10 km. Hoặc nhiều chỗ khác, bạn có thể thấy những bộ da sói màu xám tro, mới lột, treo trên tường. Cầm bộ da sói khoác lên người, bạn vẫn như cảm thấy từng đường gân thớ thịt của nó còn đang căng lên, cặp mắt lạnh lùng và đầy sát khí đang nhìn chòng chọc vào bạn, những cái nanh nhọn hoắt giơ ra chuẩn bị cho cú táp cuối cùng…

Tính cách sói bao đời nay vẫn tồn tại trong tin thần những người Mông Cổ

Sói bây giờ cũng là động vật được bảo vệ cẩn thận. Có nhiều khu bảo tồn cho loài sói. Nhưng cũng có rất nhiều khu có sói hoang. Sói sinh sản cũng rất nhanh và những thợ săn sói vẫn còn việc làm. Thợ săn sói ngày nay không được tự do bắt giết sói như xưa, và phải có quota để bắn sói. Bộ da sói được bán cả ở ngoài chợ đen với giá rất rẻ chừng một vài chục đô la, nhưng nếu đem ra sân bay không có giấy chứng nhận, bạn có thể bị tịch thu thậm chí bị phạt. Còn bộ da sói bán tại các cửa hàng lớn giá hàng trăm đô nhưng có chứng nhận đàng hoàng.

Trên đường đi, ngoài bóng dáng mờ ảo của sói, cũng có nhiều thú hoang khác. Chuột đồng, rái cá cạn, nhím, chim ưng, quạ, thiên nga và rất nhiều loại chim. Hệt như trong “totem sói”, chuột đồng và rái cá cạn nhiều vô kể, chỉ cần cắt ngang cánh đồng là bạn đã gặp chúng chạy tung tăng, nhảy lóc tóc. La là trên đầu, những cánh chim ưng lượn vòng vòng, chậm rãi, nhẫn nại. Nhưng chỉ thoắt một cái, những vòng lượn thung dung kia bỗng chuyển thế tấn công, bổ thẳng từ trên trời xuống một cú trời giáng. Khi vút lên, trong cặp móng sắc nhọn của nó đã là một chú chuột đồng đang giãy giụa một cách tuyệt vọng. Cũng nhiều chỗ, bạn thấy một chú ngựa hoặc bò tội nghiệp nằm chết từ bao giờ, xung quanh vây kín đặc một đàn chim quạ, tưng bừng trên trời những đàn chim các loại đang chờ bữa tiệc no nê. Ngoại trừ 4 loài gia súc chính là dê, cừu, bò, lạc đà, người Mông cổ cũng chẳng nhậu các loài thú hoang trên như người Việt ta, nên chúng tha hồ mà sinh sôi nảy nở. Một trò chơi khá phổ biến trong dân gian cũng tương tự như trò chơi xúc xắc, nhưng người ta thay thế con xúc xắc bằng một đốt xương chân, thường là cừu, đã mài bóng lên, mỗi mặt của lóng xương này tượng trưng cho một con thú, tung lên mặt nào lên trên là mà trúng con ngựa thì thắng.


Chim ưng? Đại bàng ?? Trên cánh đồng nhiều như ruồi

Chạy đêm xuyên qua cánh đồng, chúng tôi cũng suýt đâm sầm vào một gia đình nhà cáo. Bọn cáo mắt bắt sáng xanh quắc, trong đêm đen tự dưng thấy mấy đốm sáng lè lè nhìn trợn trừng, tò mò và đe dọa, để rồi đàn cáo chạy vút qua, bóng đuôi cáo phất phơ trước ánh đèn xe loang loáng.

Một trong những hình ảnh đầy ấn tượng về thiên nhiên hoang dã mà tận mắt chúng tôi nhìn thấy, đó là cảnh một con đại bàng đang xơi trọn một chú cừu. Nhìn xa trên cánh đồng, con đại bàng lù lù, đen thẫm như một đống đất. Chỉ khi đến gần, nhìn sải cánh dang của nó phành phạch cất lên, rộng tới hơn vài mét, chúng tôi mới thật sự giật mình. Con đại bàng không e ngại gì bọn người xe cộ đồ đạc. Chiếc xe cào cào chất đầy đồ và người ngồi trên cũng khá kềnh càng, thế nhưng so sánh với sải cánh và kích thước của con đại bàng, cũng chỉ sêm sêm. Đằng kia, chú cừu tội nghiệp dúm dó, dường như tê liệt hòan toàn và không còn chạy được một bước. Ruột nó đổ lòng thòng, máu me be bét. Con cừu này nặng chừng 15 kg, bị tha bổng từ đẩu từ đâu ra giữa cánh đồng. Nó vẫn còn sống và đứng vững, tuy không chạy được. K hi lại gần, mới thấy nó đang bị con đại bàng bám trên lưng bằng móng vuốt sắc nhọn. Còn đại bàng kia, cứ ung dung mà moi ruột con cừu tội nghiệp từ đường hậu môn, mặc cho nó không kêu nổi một tiếng tuyệt vọng. Chả mấy chốc, toàn bộ lục phủ ngũ tạng của con cừu sẽ bị moi sống…Lúc này, tuy con đại bàng đã bay xa ra một đoạn chờ bọn người tò mò bỏ đi, nhưng con cừu cũng như đã chết. Nó lặng ngắt, run rẩy, đau đớn chờ cái kết cục tất yếu của tự nhiên…



Quanh hồ Khovskhol là những cánh rừng ôn đới bạt ngàn xen lẫn những trảng cỏ


Sau nhiều ngày cắt ngang trên thảo nguyên vắng bóng người, giờ đây, chúng tôi đã trở lại với trục đường chính, xuyên qua thành phố nhỏ Moron, thành phố nằm trên trục đường từ Đông sang Tây. Từ đây, chúng tôi lại hướng lên phía bắc, tới hồ Khovskhol.

Từ đây trở lên, về mặt địa chất và tự nhiên, cũng là rìa của vùng Siberi rộng lớn của nước Nga, Trên đường có những hồ muối nhỏ, muối bạc trắng bên bờ. Những hồ muối này thường là những điểm mà gia súc, thú hoang cùng tập trung vừa uống nước vừa liếm muối.


Cảnh đẹp mê hồn của Khovskhol

Du khách đến Mông cổ không thể không lên Khovskhol, mặc dù nó nằm tít phía bắc và đi lại khá vất vả mới tới nơi. Hồ nước ngọt này nằm sát biên giới với Nga, là một trong 14 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Nó chứa một lượng nước từ 1-2 % lượng nước ngọt trên toàn thế giới. Từ đầu này đến đầu kia hồ khoảng 130 km, gần bằng từ Hà nội đến Lạng Sơn , chiều ngang chỗ lớn nhất cũng hơn 35 km. Hồ rộng hơn 2700 km2, chỉ kém toàn bộ Hà nội bây giờ một chút!

Khovskhol được coi là Thụy sỹ của Mông cổ, và là một nơi tuyệt đẹp. Mé trái của hồ là những dặng núi cao trên 3000 mét, mùa hè vẫn thấy tuyết phủ. Mé phải là những dãy núi thấp hơn, nơi được coi là cuộc sống hoang dã thật sự vẫn còn, dù rằng tòan bộ Mông cổ luôn được coi là đất nước của hoang dã. Nơi đây, những cánh rừng tai ga bạt ngàn, những đàn sói hoang dã ban đêm vẫn tru lên những tiếng vọng gọi bầy, những cung đường chỉ có thể vượt qua bằng ngựa.
Thảnh thơi châm điếu thuốc, ngắm hồ xanh ngắt như biển


Phía bắc hồ, chỉ một chặng nhỏ là tới biên giới Siberi của nước Nga, và theo đường chim bay, phía Đông Bắc chừng hơn 100 km là tới hồ Baikan lớn nhất thế giới. Cảm giác đến được Siberi, mà lại bằng xe cào cào thật sự làm chúng tôi phấn khích.

Tuy thế, phần du lịch phổ biến chỉ có ở phía Nam của hồ, nơi có thị trấn Khatgal. Ở đây cũng là căn cứ cho những chuyến khám phá quanh hồ. Các chuyến đi thông thường chỉ chạy tới chừng khoảng 30 km phía tây hồ, từ đó, đường sẽ vượt qua những chặng đèo cao ngất và thường xuyên bị phá hỏng do tuyết tan vào mùa xuân. Quanh hồ, mỗi mùa một vẻ đẹp khác nhau. Mùa xuân cây cối nảy nở, sinh vật bừng lên sau giấc ngủ đông. Tuyết tan làm nước cuồn cuộn lăn những hòn cuội to bằng cái mũ cối trên sông Eg, nối vào sông Selenge, cấp nước cho hồ Baikan.

Mùa hè, cây cối xanh tốt và có khá nhiều mưa. Ngay giờ đây, cơn mưa sầm sập làm chúng tôi phải bỏ kế hoạch khám phá bằng xe máy và thuê một chiếc xe uaz 12 chỗ. Bác già lái xe vạm vỡ như một con bò mộng, nét mặc quắc thước, gần như nguyên mẫu trong truyện tranh Thoát Hoan thuở xưa. Bác từng là đấu sĩ m ôn đấu vật, là môn thể thao truyền thống được yêu thích ở xứ này. Chiếc xe của bác, như mọi xe khác, được bọc kín bên trong bằng những lớp mút. Điều này khá lạ lẫm khi chiếc xe đầu tiên đón chúng tôi ở sân bay, nhưng chỉ sau vài cây số bầm dập bên trong xe, trên những con đường lắc lư, bạn sẽ biết ngay công dụng của nó.

Sau cơn mưa, nắng bừng lên, trời cao vòi vọi và hồ bỗng dưng xanh thăm thẳm như đại dương, vẻ thăm thẳm này là do độ sâu tới 262 mét tạo ra. Nước hồ vẫn lạnh buốt và chỉ cần quẳng mấy chai bia xuống chừng nửa giờ, bạn có những cốc bia ướp lạnh ngon tuyệt.


Vì nước rất lạnh nên chỉ ném hai chai bia xuống chừng 10 phút là như để trong tủ lạnh cả ngày.

Mùa đông, hồ đóng băng sâu tới hơn 1 mét, nối một tuyến đường bộ từ Nam tới Bắc hồ, Xe vận tải nặng vẫn đi trên những con đường này, cho tới khi toàn bộ khu vực trở thành khu bảo tồn thiên nhiên thì việc vận tải bằng xe qua mặt hồ đóng băng mới bị cấm do những e ngại về việc ô nhiễm, nhưng cũng có tới 40 xe đã bị thụt băng và chìm xuống đáy hồ sâu thẳm.

Xưa kia, chiến thuật di chuyển trên mặt hồ đóng băng cũng là một trong những chiến thuật thần tốc của các đạo quân Mông cổ khi chinh phạt nước Nga xa xôi. Dưới cái rét giá ghê người, quân Nga ngủ đông trong những tòa thành ấm áp, trong khi đó, quân Mông cổ tranh thủ lúc đường hồ đóng băng dễ đi, và với khả năng chịu đựng phi thường, họ rút ngắn quãng đường chuyển quân và thần tốc đánh chiếm các thành phố của Nga.


Từ những chú bé mấy tuổi đã phải biết cưỡi ngựa lùa cừu ra đồng


Một sự cố nho nhỏ nhưng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lịch trình chuyến đi: mất chìa khóa xe. Liên lạc với câu lạc bộ xe ở Ulanbator, họ yêu cầu tháo phần đầu xe ra, gửi máy bay ( hàng ngày ) về UB, họ sẽ làm cho chìa khóa và gửi lại lên! Tất cả chừng 3 ngày ! Thật sự loay hoay và không biết phải xử lý thế nào! Và thật là may mắn, chúng tôi gặp được một người Mông cổ lạ kỳ. Gaanbar đã từng học thạc sỹ ở Nhật, nhưng giờ đây, anh bỏ tất cả trở về quê hương sống bằng những nghề đơn giản như sửa chữa ô tô, cơ khí, tin học, dạy học, buôn bán lặt vặt tại gia. Lý do đơn giản chỉ vì anh không thể không sống ở quê, nơi có hồ Khovskhol xinh đẹp. Như rất nhiều người Mông cổ khác, anh có thể làm tất cả mọi thứ. Nếu đêm trước, anh hỳ hục tháo giá chở hàng một chiếc xe cào cào ra hàn lại thì hôm nay, anh lại gặp phải một ca khó hơn là đánh một chiếc chìa khóa mà không có bất kỳ cái gì làm mẫu. Anh loay hoay tháo tháo lắp lắp toàn bộ cái đầu xe ra rồi hẹn chúng tôi một đêm nữa. Để rồi, lúc 3 giờ sáng, anh gọi điện hoan hỉ báo là đã xong chiếc chìa khóa đó. Chiếc chìa khóa được cắt từ một mảnh tôn thùng phuy, giũa từng li và lại cắm vào thử từng chút một. Chỉ bằng cách lay nhẹ để cảm nhận mức độ bi khóa bị ấn xuống, Gaanbar đã làm được chiếc chìa khóa kỳ lạ trong một đêm.

Cuộc sống du mục giữa thiên nhiên đã hun đúc con người Mông cổ nên một tính cách thật “ Mông cổ” . Người Môn g cổ tự coi mình là người châu Á nhưng hồn châu Âu. Cuộc sống du mục nay đây mai đó, lấy thảo nguyên làm nhà, lấy đàn cừu làm bạn đã khiến họ phải tự chủ tất cả. Một người đàn ông trên thảo nguyên phải biết chăn ngựa, biết vắt sữa, biết săn sói, biết dựng lều, biết may áo, biết sửa xe, biết hát, biết nhảy. Tóm lại là biết tuốt tuồn tuột, thậm chí phải biết cả đỡ đẻ cho vợ. Một người phụ nữ Mông cổ, biết làm bơ, phó mát, quản lý gia đình và khi cần, cũng phải cưỡi ngựa, lùa cừu, đuổi sói. Vì phải làm đủ thứ như vậy, trông phụ nữ luôn đầy sức sống.

Nhưng cũng có một chú ý nho nhỏ, ấy là khi gặp một người say. Người Mông cổ say là một trong những “ nguy hiểm “, theo LP. Cũng vẻ nồng ấm và cương trực ấy, khi rót một tí cồn vào, biến thành một sự “ mất kiểm sóat”. Họ có thể gây sự, lè nhè, quấy rối. Một gã say ngồi vất vưởng bên đường, khi được hỏi đường, đã chỉ chúng tôi đi một hướng, thế rồi, lúc sau, vòng lại hỏi đường cho chính xác, đã rất nhiệt tình bảo để tao dẫn bọn mày đi. Thế rồi, gã cùng vợ hăm hở vác con xe Nga chạy tít tắp trên cánh đồng dẫn chúng tôi vòng vèo hết núi này đến núi nọ. Đến một ngã ba, chừng mới được nửa đường, hắn trỏ một ngả rồi rẽ về ngả kia mất hút. Té ra, gã muốn rủ cả bọn đi về phía nhà mình cho vui nên dẫn chúng tôi đi con đường vòng!

Nếu gặp một người say thì tốt nhất là bạn không nên có bất kỳ phản ứng gì với y. Chúng tôi cũng gặp một cô gái âu đạp xe xuyên Mông trên đường, cô bạn kể cắm trại thi thoảng cũng có một chú say thò đầu vào lều, nhưng rồi cũng chỉ cần đẩy hắn ra là xong.



Những cô gái chân dài hơn cẳng ngựa...


...và cũng thô ráp như ngựa


Trái ngược với sự thô ráp của đàn ông, phụ nữ Mông cổ khá là xinh đẹp. Khi ở Việt nam, ta thường tưởng tượng phụ nữ Mông cổ mặt tròn xoe, da căng bóng, ửng hồng, mắt híp tịt, người thấp đậm. Cũng có nhiều người đúng hệt như những gì ta tưởng tượng, nhưng phần lớn những cô gái Mông cổ khác chân dài thượt như chân ngựa, ngực phơi phới như ức ngựa, tóc phất phơ như bờm ngựa, mắt đen mọng như mắt ngựa, mông căng tròn như mông ngựa. Những dòng phụ nữ như ngựa hoang này, nhìn thấy ta như chỉ chực chồm lên ta, đá ta một phát bay tít…

Hai ngày ở hồ Khovskhol thật là ít ỏi được kết thúc bằng một trận đấu bóng chuyền giao hữu giữa đội tuyển nam TBG và đội nữ tuyển thủ Mông-cổ-bán-hàng-lưu-niệm. Sân bóng chuyền rộn ràng 3 thứ tiếng Mông Anh Việt. Mấy em bán hàng cao mét bảy, ngực phây phây, má hây hây dần cho các bạn Việt một trận thua cháy túi, cũng là lúc trời bắt đầu mịt mùng.

Tới đây, hành trình của chúng tôi đã được phần lớn. Phần còn lại là chặng đường đến với kinh thành cổ xưa của Thành Cát Tư Hãn, nằm ở phía nam của cung đường này.

(Còn tiếp)

Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 24: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VII)

(Dấu Chân Online chuyển thể từ ký sự: Cào cào trên thảo nguyên Mông Cổ của bạn đọc Tabalo - Taybacgroup)

  • Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
Mời bạn click vào đây để tìm hiểu thông tin về bộ sách đôi
Mời bạn click vào đây để tìm hiểu thông tin về bộ sách đôi "Tựa vai và đưa tay đây mình nắm!" - "Những lá thư trong chai" sắp phát hành của Blog Việt

Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn

Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet

Ý kiến của bạn

Các tin khác