TP.HCM cần nhắm đến mục tiêu Bangkok?
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là một trong những “tác giả” của các cuộc “xé rào” vượt lên cơ chế vào thập niên 1980 tại TPHCM. Với vị trí là người lãnh đạo TP.HCM lúc đó ông đã thẳng thừng tuyên bố với các cơ quan lo “cơm, áo, gạo, tiền”: không để dân đói, cứ làm, nếu vào tù tôi sẽ mang cơm đi nuôi.
Hai mươi năm sau, tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần VIII vừa qua, vẫn còn đau đáu nghĩ về “xé rào” để “mở” đường, ông tâm sự: Bây giờ "con đường" phải đi là hội nhập, phát triển. TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung phải so mình với các thành phố lớn của các nước phát triển chứ không thể “ru mình” bằng những chiến thắng của hôm qua.
- Thưa nguyên Thủ tướng, hiện nay người ta thường nói: TPHCM “xé rào” để hội nhập. Vậy, theo ông phải “xé” như thế nào?
- TP.HCM là đô thị lớn nhất ở VN, nguồn lực và những điều kiện phải nói là có sẵn và mạnh mẽ hơn những thành phố khác trong nước. Như các lãnh đạo nêu lên trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP vừa qua, TP.HCM phấn đấu tăng trưởng 11% đến 12%. Muốn vậy, phải có một mục tiêu nhắm đến để bứt phá - đó là thành phố Bangkok.
Quá trình phát triển của Sài Gòn trước đây, có thời gian dài Bangkok không bằng Sài Gòn. Bây giờ thì Bangkok vượt lên. Để cả nước bắt kịp Thái Lan phải có thời gian. Nhưng TP.HCM với tất cả những điều kiện hiện nay, với lợi thế của mình, chung cũng như riêng, trước hết phải nhắm bắt kịp Bangkok. Đây là một trung tâm gần mình nhất, từ trước đã có quan hệ qua lại. Đó là mục tiêu mà theo tôi, thành phố cần vươn đến.
Cần bao nhiêu năm nữa để TP.HCM "nhắm" kịp mục tiêu Bangkok? |
- Thưa ông, trong bộ máy quản lý của TP.HCM vẫn còn tình trạng một số ít cá nhân, tập thể có ý tưởng mới, tư duy mới, cách làm mới thường bị cô lập, còn nhiều thành phần giỏi “nói leo, ăn theo” lại được nhiều người ủng hộ?
- Một phần do ảnh hưởng lịch sử của TP.HCM, của VN. Khi tình hình bế tắc thì anh vượt lên, thay đổi cái đầu, thay đổi tư duy, như tinh thần của Đại hội VI. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, cái “gốc” của vấn đề là con người thôi. Nếu bên trong, mình chưa huy động được đủ điều kiện, đủ cái tầm để vượt lên, thì huy động bên ngoài. Cái chính là “ta phải thắng chính mình” để huy động, tập hợp lực lượng, thu hút trí tuệ của nhiều cái đầu.
- Theo nguyên Thủ tướng nói: muốn bức phá “ta phải thắng chính mình”. Nhưng có ý kiến cho rằng khó khăn nhất bây giờ lại là vượt lên chính mình, chứ không phải “ta với địch” ?
- "Địch với ta" cũng có lúc khó chứ không phải dễ đâu! Nhưng “ta với ta” cũng không phải là dễ. Vậy chúng ta phải đặt ra một cách dứt khoát, dù khó đến mấy “ta với ta” cũng phải giải quyết đến nơi đến chốn. Tức là cái đúng, cái sự thật phải chấp nhận. Khó thì có khó nhưng đâu phải không giải quyết được. Còn có cơ quan cấp trên mình xem xét nữa chứ!
- Đúng như ông nói cái gốc của vấn đề là con người, nhưng làm thế nào để giải quyết thấu tình đạt lý khi thủ trưởng đơn vị không được quyền cách chức người dưới quyền trực tiếp nếu không có ý kiến của cấp ủy?
- Cán bộ đảng viên, được bổ nhiệm đều liên quan cấp ủy, tức cấp ủy phải xem xét đánh giá và đồng ý. Vậy bây giờ người ta làm không được, cơ quan chức năng trên phải bàn kỹ, chịu trách nhiệm đề nghị với cấp ủy, với cơ quan đang sử dụng thay ngay. Cái này mang tính chất lề lối. Nếu bàn bạc phối hợp một cách tránh nhiệm với nhau, thì giải quyết được tất cả mọi vấn đề.
Cơ chế là của mình, nếu thấy không phù hợp thì phải sửa. Cơ chế đâu phải trời cho, cũng không phải do ai bên ngoài bắt buộc mình. Đó cũng là đòi hỏi ở cái đầu. Cái đầu phải xoay cho kịp nhịp độ phát triển và sự phát triển. Bởi vì “ta với ta” mà! Chứ đâu phải là " ta với ai khác". “Ta với ta” cái gì còn trục trặc, chưa khơi thông được, thì phải gặp nhau để giải quyết.
Người quyết định cuối cùng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của thành phố, trọng tài là ở đó. Nhưng nếu cơ quan lãnh đạo cao nhất của thành phố không giải quyết được (giả dụ như thế) thì còn cấp trên của thành phố nữa, cứ như thế mà làm.
Vấn đề đã đặt ra rồi thì phải giải quyết triệt để, chứ không nói suông được.
- Xin cảm ơn ông!
-
Hảo Huynh
TP.HCM không bằng lòng với ngày hôm qua!
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết cho biết: TP.HCM sẽ tiếp tục tìm tòi để đổi mới và không bao giờ bằng lòng với ngày hôm qua!
TP.HCM chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển
(VietNamNet) - Chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển, đổi mới toàn diện là mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2006 - 2010 của TP.HCM.
“TP Hồ Chí Minh phải về đích trước!"
Phát biểu tại ĐH Đảng bộ TP.HCM lần VIII, TBT Nông Đức Mạnh cho rằng: Mỗi "bước đi" của TP.HCM ảnh hướng đến "bước đi" của cả nền kinh tế.