221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
830762
Lũ miền Trung: 7 người chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Lũ miền Trung: 7 người chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
,

(VietNamNet) - Mưa lũ đầu mùa tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nhấn chìm 40.000 ha lúa và hoa màu. Đã có 7 người chết do lũ (Quảng Trị 1, Bình Thuận 5, ĐăkLăk 1).

Soạn: AM 868253 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đắp đê cứu lúa ở xã Phong Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình)


40.000ha lúa và hoa màu chìm trong nước

Mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên 2 ngày qua đã làm lũ trên hệ thống các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên. Lũ sông Sêrêpôk tại Bản Đôn cũng đã lên đỉnh và đạt mức 173m lúc ngày 14/8. Mực nước các sông khác ở Tây Nguyên và sông Đồng Nai cũng lên cao.

Tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh: Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên - Huế; Bình Thuận; Đồng Nai; Lâm Đồng; ĐăkLăk; ĐăkNông cho thấy, đến nay, gần 5.000 ngôi nhà đang ngập chìm trong nước lũ. 8.000m3 đất đá và 15.600m3 đê cát bị sạt lở. 250.000m3 đê nội đồng bị vỡ. Gần 33.5000ha lúa và 5.000 ha hoa màu bị ngập.

Theo thông báo sơ bộ của Ủy ban Phòng chống lụt bão (PCLB) TW, đến chiều nay (16/8) đã có 7 người chết, một người bị thương. Trong đó, ở Quảng Trị, 1 thanh niên đi tắm bị chết đuối; tại Bình Thuận 2 người đi câu bị lũ cuốn và 3 người đi làm ruộng về bị lật thuyền; ĐăkLăk 1 người vớt bọc mủ cao su bị lũ cuốn trôi.

Quảng Bình: Thiệt hại 50 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Bình, 525 ngôi nhà, 2 trạm y tế, 4 chợ tại huyện Lệ Thuỷ bị ngập trong nước; 20km đường giao thông nông thôn cũng bị ngập, gây ách tắc giao thông trên địa bàn. Hơn 2.100 ha lúa, ngô và rau màu bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có gần một nửa bị hư hỏng hoàn toàn.

Riêng các xã Tân Thuỷ , Dương Thuỷ, Cam Thuỷ, Liên Thuỷ và thị trấn Kiến Giang có gần 500 ha lúa, ao cá bị ngập và mất trắng.

Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có nhiều tuyến đê bao nội đồng, đê cát bị vỡ và sạt lở với khối lượng trên 265.000 m3. Hiện mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống trên diện rộng ở huyện Lệ Thuỷ. Huyện đã kịp thời cử cán bộ đến các vùng bị ngập lụt để động viên và chỉ đạo nhân dân chống lụt. Tại các tuyến đê nội đồng bị sạt lở, đê cát bị vỡ,

Hàng ngàn nông dân trong huyện đã tập trung gia cố, đào đắp để ngăn nước lũ ảnh hưởng đến sản xuất.

Soạn: AM 868247 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhân dân Lệ Thuỷ (Quảng Bình) tập trung hộ đê.

Thừa Thiên - Huế: Nước ngập trắng 23.000ha lúa

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nối liền với tâm thấp trên vùng giữa biển Đông, từ 12/8 đến 14/8, Thừa Thiên - Huế đã có mưa to và rất to, gây ra đợt lũ sớm trên các sông.

Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN Thừa Thiên - Huế, đến 2h chiều nay (16/8), mưa bắt đầu giảm ở thượng nguồn các sông và vùng đồng bằng, mức nước cũng đang xuống chậm. Tuy nhiên, lũ sớm đã làm một người dân ở xã Thượng Lội, huyện Nam Đông bị thương và gây thiệt hại nặng nề đến diện tích lúa hè thu, hoa màu và nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, Thừa Thiên - Huế bị ngập trên 23.000ha lúa hè thu, trong đó có 3.500 ha lúa bị ngập nặng, tập trung chủ yếu tại các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc... Hơn 230ha nuôi trồng thủy sản tại Phú Vang, Hương Trà cũng bị nước lũ tràn qua.

Nguy hiểm là đã có 7m đê ở Điền Hải, 5m đê ở Phong Bình (đều thuộc Phong Điền), bị vỡ. Tại Hương Thủy, 4km đê đã bị tràn, 0,37km đê bị sạt lở. Đoạn đê Vũng Hà (Phú Lương) thuộc huyện Quảng Điền cũng bị vỡ khoảng 65m.

Tỉnh vừa xuất 1.000 bao tải, 80 rọ đá dự trữ để xử lý tại đoạn đê cống Vũng Hà. Lãnh đạo tỉnh cũng đi kiểm tra các khu vực thấp, trũng, xung yếu như huyện Quảng Điền, Hương Trà, đập Thảo Long... để có biện pháp xử lý kịp thời. Các xã cũng huy động máy bơm để ứng cứu kịp thời cho diện tích lúa bị ngập, đặc biệt tại các vùng trũng. Hiện nước bắt đầu rút dần.

Ban chỉ huy PCLB Thừa Thiên - Huế ước tính, tổng giá trị thiệt hại ban đầu là 14 tỷ đồng.

Lâm Đồng: Đỉnh lũ cao nhất 4 năm qua

Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Lâm Đồng vừa thông báo, mưa lũ gây thiệt hại nặng tại huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh. Tại Cát Tiên, gần 1.700 ngôi nhà bị ngập, 1 nhà bị lũ cuốn trôi. 817 người dân phải di dời lên vùng đất cao tránh lũ.

Thống kê đến thời điểm này cho thấy, gần 940ha lúa bị ngập có khả năng mất trắng, 111ha dâu, 81ha mía, 1.998 giếng nước... cũng không thoát khỏi nước lũ. Tuy nước lũ bắt đầu chững lại, nhưng huyện Cát Tiên vẫn gần như bị cô lập do nước ngập trắng  nhiều đoạn trên quốc lộ 721, sâu 0,6-1,5m, dài hàng cây số khiến xe cộ không lưu thông được, muốn vào Cát Tiên chỉ có phương tiện duy nhất là đi bằng xuồng máy.

Tại Đạ Tẻh, 722 căn nhà bị ngập, trong đó 15 căn ngập nặng. 1.280ha lúa ngập, trong đó có khả năng mất trắng 532 ha lúa đang thời kỳ làm đòng và chuẩn bị thu hoạch. Đó là chưa kể tới diện tích mía, dâu, sắn... cũng bị ngập rất lớn. Tổng giá trị thiệt hại ước tính tại Đạ Tẻh khoảng 1 tỷ đồng.

Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN Lâm Đồng, đây là năm đỉnh lũ lên cao nhất kể từ năm 2002.

Soạn: AM 868251 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phụ nữ cũng vác cát hộ đê.

Đề phòng lũ quét vùng núi Nghệ An - Thừa Thiên - Huế

Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư dự báo, hôm nay (16/8) lũ trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục lên. Mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có khả năng lên mức báo động 1, có nơi lên mức báo động 2.

Trong khi đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng tiếp tục lên. Đến ngày 19/8, mực nước cao nhất tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,3m (trên báo động 1 là 0,3m), tại Châu Đốc lên mức 2,65m (trên báo động 1là  0,15m).

Do vậy, người dân cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi thuộc các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế và lũ lớn ở nam Tây nguyên.

Ngoài ra, thời tiết sắp tới sẽ có mưa, mưa rào ở nhiều nơi, có nơi mưa vừa đến mưa to tập trung ở các vùng cao thuộc khu vực phía bắc tỉnh Đồng Nai. Mực nước sông Đồng Nai ở Tà Lài có khả năng lên mức 113,5m, mức nước sông La Ngà ở Phú Hiệp lên mức 105m, trên báo động 1. Tổng lượng nước đổ về sông Đồng Nai từ Hiếu Liêm trở xuống sẽ tăng đột ngột, có khả năng gây ngập úng ở những vùng thấp ven sông Đồng Nai. Do vậy, tỉnh này cũng cần đề phòng ngập lụt.

Ban Chỉ đạo PCLB TW đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh từ Nghệ An đến Lâm Đồng triển khai ngay phương án phòng chống lũ theo cấp báo động; bảo vệ nhân dân ở những vùng thấp có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở; khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu; bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo đề nghị của tỉnh Bình Thuận, Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chiều qua đã đề nghị Tổng công ty Điện lực, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi xem xét việc giảm khai thác lượng nước qua các tổ máy Đa Mi nhằm giảm ngập lũ cho hạ du, tạo điều kiện để người dân thu hoạch lúa đã chín và bảo vệ lúa đang trổ.

  • Hà Yên - Ng.Tâm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,