221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
830832
Quảng Bình: Lệ Thủy kiệt sức nhìn lũ tràn đê
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Quảng Bình: Lệ Thủy kiệt sức nhìn lũ tràn đê
,

(VietNamNet) - 2h sáng ngày 15/8, mưa không ngớt, nước dâng cao uy hiếp toàn bộ tuyến đê dài hơn 800m. Chủ tịch xã Nguyễn Cao Côi phát lệnh huy động hết nhân lực và phương tiện để giữ đê.

Phụ nữ, người cao tuổi cũng có mặt. Lượng bao cát dự phòng gần 1.300 chiếc đã sử dụng gần hết, UBND huyện hỗ trợ thêm 500 chiếc vẫn chưa đủ. Phải huy động trong dân, cứ mỗi hộ 5 chiếc...

Hàng ngàn lượt người bất chấp mưa, gió, cần mẫn, hối hả đào đất cho vào bao cát. Người khỏe hơn lập tức vác lên vai, yếu thì hai người khiêng một bao, lội qua vùng nước ngập đến thắt lưng trèo lên đê đắp thành một phòng tuyến chắn lũ.

Soạn: AM 868279 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nhân dân Lệ Thuỷ (Quảng Bình) tập trung hộ đê.

Phía HTX Đại Phong, hơn 500m đê cũng đang bị uy hiếp... Gần 1.000 lượt bà con nông dân được huy động với hàng tấn rơm cuộn (bà con dùng để nuôi nấm) được cấp tốc chuyển đến chặn dòng lũ. Kế đó là bao đất được chuyển đến để tôn cao mặt đê... Lương khô, mì tôm, nước uống được phục vụ tại chỗ.

Anh thanh niên Lê Việt vừa vác một bao tải đất nặng trịch chèn xuống mặt đê, quay về chỗ lấy đất nói nhỏ: “Hôm qua đến giờ toàn ăn mì tôm sống. Nhưng có mì tôm là tốt rồi...”.

Chị Nguyễn Thị Hà - mẹ của hai con nhỏ, chồng là bộ đội ở xa cũng lăn lộn đắp đê, cứu lúa từ tối hôm trước, chưa kịp về nhà xem các con ăn uống thế nào. Chị vừa vuốt mồ hôi vừa trả lời: “Mệt nhưng ai cũng phải cố... Của đang nằm đó không lẽ để mất đi...”.

Bí thư Đảng ủy xã Võ Văn Khơ đang ốm phải diều trị tại bệnh viện nhưng đã có mặt tại những điểm đê xung yếu để động viên, chỉ đạo bà con hộ đê, chống lũ. Đưa tay khoát rộng ra cánh đồng lúa, anh cho biết: “Vùng đồng này có  khoảng 80% diện tích lúa được cơ cấu giống mới HT1, có chất lượng cao. Hiện giá trên thị trường là 35.000 đồng/kg. Lúa năm nay được mùa, ước tính năng suất đạt trên 50 tạ/ha. Chúng tôi cố gắng giữ đê đến cùng...”.

Chiều, tối, mưa bớt nặng hạt và tạnh hẳn, tưởng như ai cũng thở nhẹ... Nhưng lúc này nước từ thượng nguồn đổ về càng mạnh, mực nước trên sông Kiến Giang, trên các tuyến kênh mương được báo là tiếp tục lên. Thông tin được cập nhật từng giờ. Đồng chí Phạm Hữu Thảo, phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban PCBL huyện nhấc điện thoại gọi cho Trạm thủy nông Mỹ Trung:

- A lô, Mỹ Trung mực nước dưới đó thế nào?

- Báo cáo anh, nước sông Long Đại lên cao, tiếp tục chảy ngược lên Kiến Giang. Mực nước hạ lưu và thượng lưu đang chênh nhau 0,2 m...

Anh Thảo nặng nề buông ống nghe. Mực nước chênh nhau có nghĩa là lối thoát lũ duy nhất của Lệ Thủy qua cống Mỹ Trung ra sông Nhật Lệ, ra biển đã bị chặn lại. Nước nguồn đổ về, đường thoát bị bịt kín, những cánh đồng lúa của Lệ Thủy khó còn hy vọng...

Gần nửa đêm. Nước tiếp tục lên... Toàn bộ tuyến kê bao, đê kè vùng trọng điểm lúa trở nên bất lực. Nước lũ tràn qua với sức mạnh khủng khiếp. Từng lớp bao dất, cát chắn bị cuốn trôi, nước réo như thác chồm qua đê, xé toang từng đoạn đê xung yếu đổ xuống ruộng lúa...

Soạn: AM 868249 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nước đã tràn vào đồng lúa.

Tuyến đê vùng trong của Phong Thủy do bà con nông dân HTX Đại Phong đang “trấn giữ'’, đến 12h đêm bị vỡ toác một đoạn gần 30m. Hàng trăm người ào xuống chắn dòng lũ; rơm, rạ, bao tải... cấp tập chuyển đến. Đoạn đê vỡ hàn được lại, nhưng cả tuyến đê dài vẫn như “rung rinh” trước lũ...

Xã Sơn Thủy có 350 ha lúa, đến chiều ngày 15/8 mới chỉ có 30 ha bị ngập. Các điểm đê xung yếu vẫn được giữ vững. Tuy nhiên đến 1h sáng 16/8, nước lũ tràn vỗ mặt toàn bộ tuyến đê. 350 ha lúa bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông. 

Ngay giờ phút này, lãnh đạo UBND huyện Lệ Thuỷ đang trực tiếp kiểm tra tại nhưng vùng đê xung yếu, tại những vùng bị ngập lụt  và chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hộ đê chống lũ, cứu lúa.

Các xã An Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, Cam Thủy, Xuân Thủy, thị trấn Kiến Giang, Hợp tác xã Bình Minh (xã Dương Thủy)..., hàng ngàn người dân tập trung cứu hộ đê, kè, cống , đập bị sạt lở...

Trong hai ngày 13 và 14/8, trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) đã có mưa to và rất to gây ngập lụt trên diện rộng. Lượng mưa đo được tại Phan Xá (Lệ Thuỷ) từ 7 giờ ngày 14 đến 7h ngày 15 trên 240 mm; nước sông Kiến Giang lên đến mức báo động 2 (1,96m).

Mưa lớn làm ngập lụt diện tích gieo trồng các địa phương trong  huyện. Tính sáng 16/8, Lệ Thuỷ có gần 3.000 ha lúa hè thu bị ngập (có khả năng mất trắng trên 1.000 ha); gần 1.600 ha hoa màu, sắn , rau, đậu ; trên 410 ha lúa-cá, 60 ha ao hồ bị ngập; gần 350 m đê bao nội đồng bị vỡ; 15.600m3 đê cát bị cuốn trôi...

Tại vùng đồng trên 200 ha lúa chín sáp của xã Phong Thuỷ - Liên Thủy, từ chiều ngày 14, hàng trăm lao động của HTX Thượng Phong đã được tập trung để tôn cao tuyến đê bao nội đồng giáp với thị trấn. Trạm bơm Phù Sa hoạt động hết công suất để bơm nước từ cánh đồng đổ ra sông.

  • Ng.Tâm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,