- “Năm 20 tuổi tui có người thương, đã bàn đám cưới. Nhưng ảnh sảy ghe rồi mất. Tui thương hoài, không đành lòng yêu người nào khác. Giờ qua ngưỡng 30, cũng thèm một mái ấm, thèm tiếng trẻ con nhưng biết đến bao giờ…?” - chị Út nén tiếng thở dài chia sẻ. Sóng nước rì rào như lặng đi trong chốc lát…
Chợ nổi Long Xuyên (TP Long Xuyên, An Giang) tấp nập ồn ào từ sớm tới khuya. Lặng chìm dưới dáng vẻ ồn ào, sầm uất ấy là cuộc mưu sinh gian khó của những người dân lao động miền sông nước.
Trăm nghề kiếm ăn
Chợ nổi là nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Cửu Long. Nếu Cần Thơ nổi tiếng với chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Cái Răng thì An Giang có chợ nổi Long Xuyên làm say lòng du khách. Nhưng đằng sau một vùng sông nước rộng lớn, khoáng đạt, nhộn nhịp ấy là những phận người lao đao kiếm sống.
Để mưu sinh, những người dân nơi đây nghĩ ra hàng trăm thứ nghề lớn, nhỏ từ buôn bán khắp miền tới chèo ghe mướn quanh chợ, từ bán hàng tạp hóa trên sông đến nghề trông bè cá thuê… Người có vốn to làm to, vốn nhỏ làm nhỏ, người không có vốn thì bán sức lao động, làm thuê đủ kiểu.
Chị Tám Tro, 38 tuổi ở ấp An Hòa Bắc, có tới mười năm làm nghề chở ghe thuê trên sông cho biết: “Với những người không có vốn như tui thì chở ghe mướn là đỡ nhất. Trước đây tui hay đi chở hàng thuê, nhưng giờ khu du lịch phát triển, tui chủ yếu đi chở khách tham quan. Làm lai rai cũng đủ sống”.
Bà Năm Sàng, người phụ nữ một đời gắn với chợ nổi Long Xuyên. |
38 tuổi đời là 38 năm chị lênh đênh theo con nước trên sông. Chị kể: “Đời sông nước ai cũng kinh qua trăm nghề. Như tui lúc nhỏ theo cha đi buôn bán khắp bề. Đến khi lấy chồng, theo chồng thì đi chở ghe thuê”.
Chị Tám đưa chúng tôi tới thăm gia đình ông Khiêm - bà Năm Sàng, một thương hồ lâu năm trên sông Hậu này. Hai ông bà đều đã 60 tuổi, đang lúi húi lựa trái, đóng bao cho khách.
“Nhà tui ở Cần Thơ, cũng có vườn, có ruộng nhưng bỏ lâu rồi. Làm không đủ ăn mới phải tìm lên làm ăn ở đây” - bà Năm Sàng bùi ngùi tâm sự.
Nghèo khó nên ông bà tìm đến Long Xuyên làm ăn đã 30 năm ròng. Mùa nào thức ấy, nào dưa hấu, khoa lang, mít, bưởi… mỗi chuyến từ 7-10 ngày, hai ông bà một tháng cũng thu được 2-3 triệu đồng. Ông bà có được 3 người con, đều đã trưởng thành, có cuộc sống riêng nhưng đứa nào cũng mải vật lộn với tổ ấm riêng, chưa đâu vào đâu.
Thương con, thương cháu và cũng không muốn sống dựa vào ai, hai ông bà vẫn chưa chịu về quê an hưởng tuổi già. “Đời thương hồ, kiếm đồng tiền lời cực lắm con ơi. Khi đêm khi hôm, sơ sảy là mất mạng như chơi. Lời lãi theo con nước, cũng phập phù dữ lắm!”, ông Khiêm tâm sự, gương mặt khắc khổ bần thần trong nắng.
Ông vừa qua một trận cảm gió nặng, nghe trong người còn uể oải. Nhưng mệt thì mệt, vẫn phải gắng gượng chạy hàng, không thể để một mình bà Năm chèo chống... “Tui gắng đi hai, ba năm nữa, tích xíu vốn để về quê sum vầy con cháu. Mình già rồi, không thể dãi dầu mưa nắng trên sông mãi được”, ông Khiêm bộc bạch. Tuổi già trên đầu như lèn thêm một nỗi âu lo khắc khoải trong lòng ông.
Ông Khiêm, bà Năm, chị Tám Tro vẫn còn an nhàn chán so với nhiều người phiêu dạt trên con sông Hậu này kiếm sống. Những gia đình ít vốn hơn chỉ có con thuyền nhỏ xíu, bập bềnh chở theo những hàng tạp hóa, cà phê hay đồ ăn, len lỏi vào từng xóm chợ bán kiếm lời. Những lao động nghèo chẳng có gì làm vốn ngoài sức lao động của mình. Ngày ngày họ gồng mình chuyển hàng thuê qua các ghe, đêm đến lặn lội đi thả lưới trên sông…
Những chị Hai, anh Sáu, những cô Ba, chú Mười… sống cả đời trên dòng sông hiền hòa mà nhiều sóng gió này họp nhau thành làng, thành xóm. Cuộc đời họ hợp thành một bức tranh đời với biết bao mảng màu sáng tối trên sông.
Chìm nổi những ước mơ
“Kể sao cho xiết những chuyện đời sông nước! Tui còn có chồng, có con chia sớt. Ông bà Năm Khiêm dù già cũng có hai vợ chồng cùng nhau lèo lái. Chớ thương nhất là những người cô quả, đơn thân kiếm sống” - chị Tám Tro trầm ngâm nhận xét. Sống trên chợ nổi này đã lâu, chị không lạ gì trước những phận người như thế.
Ông Khiêm trầm ngâm kể chuyện đời thương hồ của vợ chồng ông/ Em Ni sớm nghỉ học phụ má đi bán hàng trên sông. |
Chị Út Duyên năm nay 32 tuổi. Nhà chị có 4 anh chị em đều đã có gia đình. Riêng chị đến giờ vẫn tròng trành đơn độc trên sông. Ghé qua ghe chị hỏi chuyện, chị Út cười mà đôi mắt buồn xa xăm: “Tuổi này rồi tìm được bến đậu khó lắm cưng ơi”… Gương mặt người con gái miền Tây sạm đen vì sương gió. Những nét duyên thời thiếu nữ vẫn còn phảng phất, nhưng cuộc sống vất vả như đã hằn vết trên mặt chị.
“Năm 20 tuổi tui có người thương, đã bàn đám cưới. Nhưng ảnh sảy ghe rồi mất. Tui thương hoài, không đành lòng yêu người nào khác. Giờ qua ngưỡng 30, cũng thèm một mái ấm, thèm tiếng trẻ con nhưng biết đến bao giờ…?” - chị Út nén tiếng thở dài chia sẻ. Sóng nước rì rào như lặng đi trong chốc lát…
Nối dòng tâm sự, chị Út Duyên mới giãi bày: “Tui một mình nuôi thân, cứ đủng đỉnh mà làm. Chỉ nhọc sớm khuya và những đêm nằm nghe sóng vỗ. Thương mình, mà cũng tủi phận. Tui chỉ có con thuyền này làm bạn. Mà giờ nó cũng cũ mục, tui đang rao bán 5-7 triệu. Vầy mà hoài chưa có người tới hỏi mua…”.
Câu chuyện đang dở thì một chiếc xuồng nhỏ sáp vào mời mua nước. Một đứa nhóc tóc vàng hoe, đen nhẻm cười toe nhanh nhảu chào hàng. “Dạ con tên Ni, con nghỉ học lâu rồi. Đi học trên bờ tốn tiền lắm cô ơi, con ở nhà phụ má đi làm cho em con đi học” - Ni vô tư trả lời.
Những đứa nhóc nghỉ học vì nhà nghèo, tí tuổi đầu đã biết chèo xuồng đi kiếm tiền như Ni không hiếm trên dòng sông này. Ba Ni mất khi thằng nhỏ mới 5 tuổi, má Ni một nách hai đứa con, cho được một đứa đi học đã vất vả lắm.
“Một ngày hai lần đưa đón con đi học vừa tốn thời gian vừa tốn tiền. Nhưng đời tui đã cực vầy, thằng anh nó đã phải thiệt thòi, cố cho thằng em đi học biết đâu sau này đỡ đần được chút…”- mẹ bé Ni thổ lộ.
Tôi cảm nhận, trong cái nắng trưa gay gắt, mơ ước nhỏ nhoi của chị như một thoáng gió an lành, xoa dịu đi những gian nan của đời sống.
Mơ một gia đình, cất được nhà trên đất, một cuộc sống ổn định, được lên bờ đi học là những ước mơ giản dị của những phận đời bé nhỏ mưu sinh trên chợ nổi Long Xuyên. Không biết đến bao giờ những mơ ước ấy mới trở thành hiện thực, không biết bao giờ những phận đời trên chợ nổi này mới bớt lênh đênh…
-
Quỳnh Anh