221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1082284
Sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ do lún lệch đài móng
1
Article
null
Sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ do lún lệch đài móng
,

 - Chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã báo cáo với Chính phủ nguyên nhân sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ là do lún lệch đài móng. Từ kết quả điều tra này, Bộ Công an sẽ vào cuộc xác định trách nhiệm các bên liên quan.

"Ủy ban chúng tôi mới nêu nguyên nhân còn xem xét trách nhiệm thế nào, Bộ Công an sẽ nghiên cứu".
Sáng 26/9/2007, hai nhịp dẫn của cầu Cần Thơ bất ngờ sụp đổ, làm hơn 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Ngay sau đó, Thủ tướng đã thành lập Ủy ban Nhà nước điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố và đề xuất hướng xử lý, trong thời hạn một tháng.

Tuy nhiên, đến nay, sau 9 tháng điều tra Ủy ban mới tìm ra nguyên nhân.

Chủ tịch Ủy ban, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, Ủy ban này đã loại bỏ các nguyên nhân như do thiết kế hệ thống kết cấu đỡ tạm, lún lệch giữa móng trụ tạm và trụ chính, chiều dày lớp đất đắp, trời mưa trước khi xảy ra sự cố, sự tăng tải nhanh do bê tông cầu đợt 10 và 11 được đổ liên tiếp vào hai ngày trước đó...

"Nguyên nhân chính, khởi nguồn của sự cố là do lún lệch của đài móng trụ tạm thượng lưu T13U theo hướng dọc cầu từ phía bờ ra phía sông. Lún lệch đài móng đã làm tăng nội lực trong các bộ phận của trụ tạm gây đứt buloong liên kết của một số thang giằng xiên dẫn tới các thanh đứng của trụ tạm này bị mất ổn định. Theo đó là sự sập đổ các kết cấu bên trên trụ tạm", ông Quân giải thích.

Cụ thể, móng trụ tạm thượng lưu T13U được đánh giá là yếu nhất. Diễn biến sập đổ xảy ra như sau: Lún lệch trong một đài móng trụ tạm T13U. Các thanh giằng xiên 81, 64, 65 lần lượt bị đứt dẫn tới oằn thanh cột trụ 46 kéo theo sập đổ toàn bộ kết cấu đỡ tạm.

Trụ tạm này sập trước nên bản bê tông có xu hướng nghiêng dốc về phía thượng lưu. Vì vậy đã có nhiều công nhân và vật dụng rơi xuống nóc các nhà tại phía thượng lưu.

Ông Quân cho biết, điều tra của Ủy ban cho thấy, sự sập đổ do mất ổn định xảy ra trong khoảng 20 giây. Ngay sau khi trụ tạm trên bị sập, bản bê tông cầu bị gãy thành nhiều đoạn, trọng lượng bản cầu tác dụng lên đỉnh trụ P13 rất lớn (khoảng trên 1.000 tấn) nên phá vỡ liên kết bản bê tông với đỉnh trụ chính. Đây chính là nguyên nhân gây ra tiếng nổ và khói trắng bốc lên từ đỉnh trụ chính theo lời kể của một số nhân chứng.

Hiện trường vụ sập cầu Cần Thơ. Ảnh: VNN
Bộ trưởng Quân nói thêm, theo quy định áp dụng cho công trình thì trách nhiệm chính của thiết kế là phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng, tức là đảm bảo an toàn chịu lực của hệ thống  kết cấu đỡ tạm. Tuy vậy, việc xảy ra lún lệch trong phạm vi hẹp của một đài móng trụ tạm, nguyên nhân chính gây ra mất an toàn kết cấu trong trường hợp này, có thể xem là tình huống rủi ro, khó lường trong thiết kế thông thường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, phía Nhật Bản hoàn toàn thống nhất với kết quả điều tra trên.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc bản tóm tắt từ hơn 1.000 trang tài liệu báo cáo kết quả chỉ nêu nguyên nhân mà chưa xác định trách nhiệm các bên liên quan, Bộ trưởng Quân khẳng định: "Trách nhiệm thuộc về cả 3 chủ thể: đầu tư; nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Hiện, nhà thầu và tư vấn Nhật Bản đã thực hiện trách nhiệm dân sự thông qua việc đền bù thiệt hại".

Ông Quân nói thêm, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, sau khi có kết luận này của Ủy ban quốc gia, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét,  nghiên cứu đề xuất phương án xử lý rõ hơn.

"Người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm cùng với những cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ và để xảy ra sự cố", ông Quân nói.

Ngay từ đầu, tôi đã nhận trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước với dự án, của Bộ và của chủ đầu tư, nhưng trách nhiệm đến đâu, trách nhiệm thế nào thì để UB Điều tra Nhà nước xác định nguyên nhân và từ đó xác định trách nhiệm của Bộ, của chủ đầu tư và của cá nhân tôi đến đâu. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng.

Các cơ quan của Bộ trong chức năng tham mưu cũng phải có trách nhiệm trong thời gian vừa qua, kể cả trong bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư. Trong đó có Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục Giám định và quản lý chất lượng, Ban quản lý dự án là người thay mặt Bộ, thay mặt chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm. Tất cả đều phải chờ ý kiến cuối cùng của UB Điều tra Nhà nước. (Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng).

  • Lê Nhung 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,