221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1069277
Liệu có "thổ phỉ" ở giữa lòng ngành than?
1
Article
null
"Vàng đen" vẫn chảy qua biên-Kỳ 2:
Liệu có 'thổ phỉ' ở giữa lòng ngành than?
,

 - Những người làm than có kinh nghiệm ở Quảng Ninh, thậm chí cả người phát ngôn công an tỉnh Quảng Ninh cũng tỏ ra nghi ngờ số lượng than lậu bị bắt lớn như vậy có nguồn gốc từ than "thổ phỉ"?

"Chưa thấy ai mót than mà làm giàu!"

Không phải đến cuộc chiến cao điểm với than lậu do Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng phát động vừa qua, thì vấn nạn than lậu, than thổ phỉ ở Quảng Ninh mới "nóng". Vấn đề chỉ thực sự nóng khi số lượng than bị tạm giữ do nghi "lậu" chỉ trong vòng 3 ngày lên tới gần 100 ngàn tấn, trên 104 con tàu. Và con số 10 triệu tấn than xuất lậu hằng năm được đưa ra.

Đây được coi là một nguồn than "thổ phỉ". Số lượng than này được hút từ dưới khe suối, lòng sông lên, chắc chắn chẳng bao giờ có được hoá đơn hay giấy phép khai thác khoáng sản, giấy chứng nhận nộp thuế... nghĩa là chẳng thể chứng minh nổi nguồn gốc hợp pháp theo quy định. Ảnh chụp tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) ngày 15/5/2008.


VietNamNet
đã có cuộc trao đổi với người phát ngôn của Công an tỉnh Quảng Ninh, thượng tá Nguyễn Trịnh Đông về vấn đề này:

- Cá nhân ông đã từng nhìn thấy việc đào trộm than bởi những gia đình nhỏ lẻ, hoặc thu gom đầu nguồn, khe suối mà có thể làm giàu?
Khu vực Đông Bắc này từ Đông Triều đến Cẩm Phả, vòng cung than rất là lớn, dân cư sống đan xen, quá trình mở rộng các mỏ có một thực tế là để giải phóng cùng một lúc thì có thể nói ta chưa có điều kiện, nên khai thác đến đâu ta di dân giải phóng đến đó.

Do vậy, đúng là có hiện tượng nhiều hộ dân sống trên than. Những điểm người ta đào bới than trong nhà dân là có, nhưng với lao động thủ công thì cực kỳ khó khăn. Đào than kiểu này bị cấm, vì là than không hợp pháp. Một ngày đào bới không được bao nhiêu, chỉ sống dư giả một chút chứ làm giàu thì không có ai… Ý tôi nói là chưa có ai đào than trong nhà mà giàu được, chứ còn ở Quảng Ninh hiện nay có rất nhiều đại gia làm than giàu lên.

- Lâu nay chúng ta quan niệm than lậu là than khai thác nhỏ lẻ, than “thổ phỉ,” nhưng trong vòng 3 ngày CA tỉnh QN tạm giữ được 104 con tàu với gần 100.000 tấn, vậy thì than lậu lấy đâu ra nhiều như vậy?
Than thổ phỉ trước đây người ta tự ý đào bới ở những nơi cơ quan chức năng chưa kiểm tra tới hoặc là không kiểm tra tới được "Than lậu" là từ người ta thường quen dùng, còn than xuất lậu thì phải qua biên giới. Vừa qua Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho phép một số công ty được phép xuất than tiểu ngạch, trong 1 năm được phép xuất mấy chục vạn tấn than.

Có một thực tế là khi vào khai trường, người ta khai thác, ai là người kiểm tra, ai là người giám sát và ai đảm bảo chỉ trong định lượng đó thôi? Chỗ này chính là cái sơ hở... Cái này thì tôi chưa nắm, giao cho từ đâu đến đâu, mốc nào mỏ nào có giao cho các công ty này không hay là giao cho các đơn vị vào khai thác không có cụ thể… Trong thực tiễn tài nguyên thì cái vỉa than nó chạy, cho nên giao khoảng chứ không ai có thể chính xác từng mét.

- Rõ ràng than bị bắt giữ là rất nhiều, nhiều đến mức không thể đào bằng thủ công, như vậy Công an Quảng Ninh có cho rằng có ngay thổ phỉ trong lòng ngành than?
Thổ phỉ trong lòng ngành than thì chúng tôi chưa đặt ra và chúng tôi cũng chưa bao giờ nói vậy. Việc có móc nối trong ngoài hay không, có sự tuồn than từ trong mỏ ra bên ngoài tư nhân hay không thì có lẽ phải chờ kết quả điều tra của những vụ án mà chúng tôi đang tiến hành. Sau này kết quả thế nào sẽ trao đổi đúng với bản chất của vấn đề.

Mặc dù câu trả lời của ông Đông không đi thẳng vào vấn đề bởi "phải chờ kết quả điều tra", nhưng nhóm phóng viên chúng tôi cũng có một cuộc đột nhập thành công vào các khai trường của các mỏ ở khu vực Cẩm Phả, nhờ sự giúp đỡ của một người dân địa phương tốt bụng.

Những lỗ hổng "chết tiền" của TKV

Với ngành than và những người biết về than ở Quảng Ninh, 3 cái tên mỏ Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc 6 không phải quá xa lạ. 3 mỏ than này thuộc 3 công ty của TKV quản lý, là 3 mỏ có trữ lượng và chất lượng than được xếp vào loại "đẹp" nhất Việt Nam.

Vào khai trường mỏ than Cao Sơn, chỉ có những chiếc xe siêu tải như thế này chạy trong mây bụi mù mịt ,có lúc không nhìn thấy đường đi.


Vào khu khai trường của các mỏ luôn có các trạm gác với barie và bảo vệ túc trực 24/24h, từ đường vào cho tới đường ra. Vào đây, chỉ thấy những chiếc xe siêu tải khổng lồ ngất ngưởng chạy trên đường mù mịt bụi than.

Hiện tại, thông tin đưa ra ngoài để khẳng định "điểm hở" của ngành Than là việc ngành này có chủ trương khai thác than tận thu, trực tiếp giao toàn bộ phần việc này cho Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại TKV (Công ty CPĐTTM TKV). Công ty này lại ký 11 hợp đồng với các công ty tư nhân bên ngoài đưa lực lượng, thiết bị vào mỏ khai thác than với số lượng hàng chục vạn tấn (công an tỉnh Quảng Ninh đã thu 6 hợp đồng ở khai trường công ty than Mạo Khê, 5 hợp đồng ở khu vực than Vàng Danh).

Chưa hết, công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định việc khai thác tận thu rất lỏng lẻo, không có hoàn nguyên môi trường. Nhiều doanh nghiệp trong ngành than do thiếu thiết bị máy móc cũng hợp đồng thuê mướn các doanh nghiệp bên ngoài vào khai thác than. Trong ranh giới mỏ cũng tồn tại một số điểm thu gom trái phép. Dù ngành Than có tới trên 4 ngàn cán bộ nhân viên bảo vệ nhưng cũng sơ hở vì ranh giới quản lý quá rộng.

Điều này đã là tiền đề cho "vàng đen" chảy từ mỏ ra ngoài, chế biến phân loại tại các bãi tập kết rồi lên tàu, kẹp quota lên đường xuất khẩu.

Tại khai trường thuộc mỏ than Cao Sơn, bằng mắt thường chúng tôi cũng quan sát thấy khu vực đổ bã xít nằm ngay sát khu vực đã chế biến. Người dẫn đường vốn cũng là dân kinh doanh than không ngần ngại phân tích: Khi đưa được xe ngoài vào mỏ với những hợp đồng cho phép, hàng trăm chiếc chạy trong đêm lẫn ngày mù mịt bụi này, ai dám cam đoan sẽ kiểm soát được hết những đoàn xe đó chỉ bốc bã xít có than mang ra ngoài?

Ai dám cam đoan không có những bản hợp đồng "miệng", để rồi trong đêm những xe chở bã xít phía dưới thùng là than, trên phủ một lớp bã xít chạy thẳng ra bãi tập kết, khi mà sự giám sát chỉ bằng mắt thường và lại quan sát trong đêm?

Vòng ngược lên đỉnh, nơi chứa nguồn bã xít, chúng tôi được chứng kiến thêm quy trình khai thác khá lỏng lẻo của ngành Than.

Theo đó, than khai nguyên vừa khai thác từ mỏ ra sau quy trình sàng, phân loại, chỉ còn lại bã xít sẽ theo máng hắt lên khu vực đã quy định sẵn để tập trung. Tại đây, có các công nhân mỏ phân chia theo ca sẽ nhặt nốt những than cục còn trộn lẫn trong đất đá một lần nữa, trước khi bã xít được bán ra ngoài dưới hình thức "tận thu".

Cùng trong 1 khu vực bãi chứa, than thành phẩm đã qua sàng nằm cạnh nơi đổ bã xít thải chỉ vẻn vẹn vài mét. Ai có thể dám khẳng định là trong những chuyến xe chở bã xít ra khỏi khai trường mỏ không có vài chuyến xe than? Ảnh chụp tại mỏ than Cao Sơn (Cẩm Phả, Quảng Ninh) ngày 15/5/2008.


Tuy nhiên, một công nhân làm than ở Cẩm Phả cười khi trả lời về việc tận thu lần cuối tại bãi thải bã xít kiểu này. Theo đó, chế độ lương cho công nhân nhặt than như thế này không có thay đổi nhiều. Ví dụ, theo quy định công nhân mỗi ngày nhặt 1 tấn than cục tận thu như vậy, được trả tròn lương. Nhưng nếu họ nhặt được 2 tấn, thì lương cũng không tăng bao nhiêu, bởi đơn giá sẽ được tính giảm đi. Điều đó sẽ hoàn toàn không khuyến khích được người lao động. 
 

Cũng đồng nghĩa với việc, công nhân ở công đoạn cuối này chỉ cố hoàn thành đủ chỉ tiêu, số còn lại thì... bỏ đó. Bằng mắt thường quan sát, cũng thấy rõ lẫn trong đống đất đá có nhiều than cục đen nhánh chen thành từng lớp dày.

Chỉ cần vậy, và với những chuyến xe chuyên dụng chạy giữa bụi mịt mù, những khu vực tập kết được quây kín như một vòng tròn luẩn quẩn không có bước chân người lạ "lạc" vào được. Ngành Than cứ hô hào chống than lậu, nhưng than lậu theo cách hiểu là than "thổ phỉ", than đào bới trong vườn nhà, than tận thu đầu rừng, cuối nguồn, ven sông.... chắc chắn không thể đủ cho những đoàn tàu ngày đêm vận chuyển đầy than ra biển.

Và tất nhiên, để có thể hợp thức hoá nguồn than tận thu này, và tận thu từ nhiều nguồn thu gom khác nữa, giới kinh doanh than phải "quay" thêm một loạt giấy tờ khác để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nó.

  • Trường Minh - Quang Cường

      Bài 3: Lá bùa "hô biến" than thổ phỉ thành than sạch

Ý kiến độc giả

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,