221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1023576
Đề phòng tội phạm mại dâm và buôn người: Thiếu đủ thứ!
1
Article
null
Đề phòng tội phạm mại dâm và buôn người: Thiếu đủ thứ!
,

(VietNamNet) -  Tội phạm liên quan đến mại dâm và buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng hoạt động tinh vi, trong khi công tác phòng chống lại vấp phải câu chuyện muôn thủa: thiếu kinh phí.                     

 

Gái mại dâm trá hình “người doanh nghiệp”

 

Năm 2007, các  tỉnh, thành phố trong cả nước đã chữa trị cho 5.104 gái mại dâm, một nửa chữa tại các trung tâm và một nửa là tại cộng đồng (trong đó có gần 4 nghìn đối tượng được dạy nghề, tạo việc làm). Các địa phương nổi lên trong công tác này là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An.... Tuy nhiên hiện nay tại nhiều tỉnh thành, có 60% số gái mại dâm đang chữa trị, giáo dục tại các trung tâm là của năm 2006 chuyển sang, số đến hạn trở về tái hoà nhập cộng đồng nhiều hơn 30% với số được đưa vào trong năm 2007.

 

Gái mại dâm bị bắt hồi đầu tháng 4/2007 tại p.Đa Kao, Q.1, Tp.Hồ Chí Minh
Gái mại dâm bị bắt hồi đầu tháng 4/2007 tại p.Đa Kao, Q.1, TP Hồ Chí Minh


Cũng trong năm ngoái, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, lực lượng chức năng đã triệt phá 1.057 vụ hoạt động mại dâm với khoảng 2.500 đối tượng. Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Tiền Giang, Đồng Nai.... là những địa phương triệt phá được nhiều vụ nhất. Các vụ được triệt phá chủ yếu là các đường dây lớn với nhiều đối tượng tham gia, nhưng số gái mại dâm được xử lý đưa vào các cơ sở chữa bệnh rất hạn chế. Điển hình như vụ khách sạn Lake Side Hà Nội hồi tháng 10/2007 bắt 16 gái mại dâm nhưng chỉ lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh được 4 trường hợp.

 

Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), hiện xuất hiện nhiều đường dây môi giới mại dâm cho người nước ngoài, thậm chí một số doanh nghiệp sử dụng gái mại dâm như “người của doanh nghiệp” đi với khách nước ngoài để dễ làm ăn, hoặc một số tour du lịch cho khách nước ngoài vào Việt Nam sắp xếp gái mại dâm đi cùng đoàn. Ngoài ra gái mại dâm hiện nay có xu hướng hoạt động độc lập, sử dụng điện thoại di động và internet để liên lạc trực tiếp với khách mua dâm.

 

Nhiều tụ điểm “mại dâm công cộng” đã bị triệt phá lại tái diễn trở lại. Thủ đoạn, hành vi của tội phạm liên quan đến mại dâm ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là các vụ việc có tổ chức, hoạt động bằng các đường dây liên kết, móc nối chặt chẽ giữa mại dâm và buôn bán phụ nữ, trẻ em (PN,TE); mại dâm trong kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, mại dâm ở khu vực ngoại biên.

 

451 nạn nhân bị buôn bán đã trở về

 

Như đã nói trên, một số không ít các vụ án mại dâm có liên quan đến việc buôn bán PN,TE. Năm  qua, cả nước đã có 451 nạn nhân bị buôn bán trở về. Tính chung từ đầu năm 2005 đến tháng 11/2007 có trên 2.300 nạn nhân trở về bằng nhiều hình thức: tự trở về, giải cứu, tiếp nhận chính thức... Chiếm phân nửa trong số này là các nạn nhân tự trở về, như nạn nhân ở các tỉnh: An Giang, Thanh Hoá, Cần Thơ, Tây Ninh...

 

Trong những năm gần đây, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em (PN,TE) ra nước ngoài diễn biến hết sức phức tạp. Có chiều hướng phát triển cả về tính chất và quy mô như có tổ chức chặt chẽ, liên quốc gia. Hiện nay, tội phạm buôn bán PN,TE núp bóng dưới nhiều hình thức như: xuất cảnh trái phép, kết hôn giả, lừa đảo lao động, du lịch... sau đó ép làm mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp.

Buôn bán PN,TE diễn ra ở bốn tuyến rõ rệt: hai tuyến đầu diễn ra ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng... chiếm 70% tổng số vụ trên toàn quốc) và biên giới Việt Nam - Campuchia (An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang...); tuyến thứ ba buôn bán quốc tế tới các địa điểm như Macau, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và tuyến cuối cùng buôn bán trong đất liền, xuyên qua Campuchia và Lào đến Thái Lan và Malaysia.

Điều đáng nói là bên cạnh số đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, nhiều phụ nữ trẻ em đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm mại dâm khi về thăm quê vì đồng tiền lại trở thành tội phạm lừa bán PN, TE kể cả người thân trong gia đình. Bọn tội phạm thường lợi dụng địa hình biên giới hiểm trở, đường tiểu ngạch... cũng như lợi dụng việc đơn giản hoá trong thủ tục xuất nhập cảnh giữa Việt Nam và Trung Quốc để thực hiện hoạt động buôn bán.

Vẫn chuyện kinh phí

Vẫn theo đánh giá của Cục phòng chống tệ nạn xã hội, đầu tư cho công tác phòng chống mại dâm và phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em hiện nay quá ít, không tương xứng với nhiệm vụ. Ngân sách chủ yếu là lấy từ kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương trong nguồn chi đảm bảo xã hội, nên nhiều nơi không bố trí kinh phí cho chương trình này, hoặc bố trí rất ít.

 

Phòng chống tệ nạn xã hội phải được thực hiện chủ yếu ở xã, phường nhưng hầu như các địa phương không có ngân sách để chi cho công tác này cấp xã. Ở nhiều tỉnh thành, hầu hết nhiệm vụ chỉ dừng lại ở việc quản lý hành chính như chỉ đạo, lập kế hoạch, tổng hợp một số tình hình, thậm chí sao chép thông tin, thiếu nhân lực và kinh phí để triển khai các hoạt động cụ thể có tính chuyên môn.

 

Cuối cùng sự phối hợp giữa các ngành trong việc trao đổi thông tin về xác định nạn nhân, tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về còn thiếu tính liên tục, gây hạn chế trong công tác hỗ trợ.

 

  • Đỗ Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,