Cascadeur Lữ Đắc Long: Làm Cascadeur không có nghĩa là liều mạng!
11:02' 08/04/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong khi dòng phim chính thống vẫn đang thống trị, phim thị trường mới đang nhen nhóm thì dường như phim hành động quả là điều xa vời. Các Cascadeur VN làm gì để sống? Phóng viên VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn một trong những chuyên gia đóng thế hàng đầu VN, anh Lữ Đắc Long về công việc nguy hiểm nhưng khó sống này.

Rất ít diễn viên có thể đảm nhận được những cảnh nguy hiểm không dùng đến kỹ xảo thế này.

- Vì sao anh chọn công việc nguy hiểm này?

 

Cascadeur Lữ Đức Long: Tôi bắt đầu làm Cascadeur từ năm 1988. Ban đầu tôi đến với công việc này rất tình cờ, sau nhiều lần theo chân các đoàn làm phim tự nhiên thấy đam mê nghề Cascadeur. Điểm đặc biệt của công việc này là mỗi phim có những pha nguy hiểm khác nhau nên bắt buộc người đóng thế phải sáng tạo và càng vượt qua khó khăn thì càng thấy thích.

Theo anh, đóng thế đòi hỏi ở Cascadeur tố chất gì?

Cascadeur Lữ Đức Long: - Làm Cascadeur bắt buộc người ta phải có nghề, tính toán thật chính xác và còn cần có sự dũng cảm nữa. Làm cascader không đồng hành với sự liều mạng vì liều mạng là chết. Anh em làm công việc này đang ở trong những điều kiện vô cùng khó khăn nên nhiều khi yếu tố quyết định lại là may mắn. Có những pha đang lái xe lao từ bên đỉnh đồi này sang đỉnh đồi khác cách nhau chừng 80m thì dây cáp trục trặc, Cascadeur bị bắn văng ra nhưng thật lạ là người đóng thế đó không chết. Nhiều khi những pha tưởng rất đơn giản nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Điều đó đòi hỏi ở mỗi Cascadeur phản xạ cực nhanh và có kinh nghiệm dày dạn. Đa số những người đóng thế đều giỏi võ thuật, am tường việc điều khiển xe phân khối lớn và nếu sống lâu với nghề thì còn cần phải biết diễn xuất hành động...

Nói vậy thì đây là một công việc kén người?

Cascadeur Lữ Đức Long: - Lượng Cascadeur ở VN hiện nay có tới cả ngàn người nhưng những người đóng thế thực sự có nghề chỉ dừng lại ở con số 30 mà đa số đều thuộc lớp già như tôi. Ngoài sự dũng cảm và lòng nhiệt tình, làm Cascadeur còn cần có năng khiếu và tay nghề.

 

Ở VN, nghề Cascadeur trên danh nghĩa không hề phát triển phần do kinh phí đầu tư cho những phim hành động không có thêm nữa đây là thể loại mà các nhà làm phim chưa thử sức thực sự. Trước sân chơi hạn hẹp như thế đã có khi nào anh nghĩ đến chuyện từ bỏ công việc mình đã gắn bó gần 20 năm?

Lữ Đắc Long, phóng viên ảnh kiêm cascadeur.

Cascadeur Lữ Đức Long: - Ngay lúc này chúng tôi cũng đang bỏ nghề đấy thôi. Lúc nào có phim thuê thì đi làm không thì ngồi... ngáp. Dòng phim hành động VN chưa thực sự phát triển nên các Cascadeur đương nhiên là thường xuyên thất nghiệp. Rất nhiều người theo đuổi công việc này chỉ để kiếm cơm, có khi mỗi lần diễn chỉ kiếm được vài chục ngàn.

Nhưng nghe nói Cascadeur Việt Nam lại được các nhà làm phim nước ngoài đánh giá cao...

Cascadeur Lữ Đức Long: - Bộ phim VN gần đây nhất tôi tham gia đóng thế là Người Mỹ trầm lặng nhưng với các bộ phim nước ngoài thì hoàn toàn khác. Mỗi lần sang đóng thế ở nước ngoài chúng tôi rất được nể trọng và được coi có trình độ ngang với các Cascadeur Mỹ. Tháng 11/2004 tôi và 7 anh em khác có sang Ấn Độ để đóng thế cho bộ phim Người hai mặt (Ấn Độ) chừng 1 tháng và rất được xem trọng, thậm chí chúng tôi còn đóng thế cho các Cascadeur của họ.

Vậy có nghĩa là cascader VN chỉ thiếu một môi trường làm phim hành động để có thể thể hiện mình?

Cascadeur Lữ Đức Long: - Tại VN, do phim hành động không phát triển nên những người đóng thế khó mà "ăn theo" được. Chúng ta thiếu một thị trường làm phim hành động còn về các Cascadeur VN, tôi nghĩ họ có đủ niềm đam mê và tay nghề. Rất nhiều các nhà làm phim Hong Kong và Australia khi sang VN đã thực sự ngỡ ngàng và không nghĩ ta lại có Cascadeur nên mang theo cả người đóng thế. Lý do có lẽ là vì họ không có thông tin về Cascadeur VN và chúng ta cũng chưa biết tự P.R. cho mình.

Lữ Đắc Long đóng thế cảnh tự thiêu.

Nói đến Cascadeur người ta nghĩ ngay đến hình ảnh những con người dũng cảm lao vào những cảnh nguy hiểm đến tính mạng của diễn viên. Trong suốt 17 năm làm Cascadeur, anh nhớ pha nào nhất?

Cascadeur Lữ Đức Long: - Pha đóng thế tôi nhớ nhất lại là từ chuyến đi Ấn Độ. Trong một cảnh quay, cả 25 Cascadeur cùng bay lên lầu nhưng vì giây cáp quá căng nên chúng tôi bị đập vào kính. Có đến 16 người phải đi cấp cứu trong đó có một Cascadeur VN. Khi đó tôi thực sự hoảng loạn và chỉ còn cách oà khóc. Người nặng nhất bị hôn mê tới 4 ngày và bác sĩ cũng đã mời gia đình các nạn nhân đến nhìn mặt lần cuối nhưng may mắn là không ai mất mạng. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh đó tôi lại thấy sợ và không dám làm nghề. Sau tai nạn ấy, khi quay lại cảnh nguy hiểm trên, người ta còn phải làm lễ cúng, thậm chí giám đốc sản xuất còn gọi 4 chiếc xe cấp cứu chờ sẵn bên ngoài để sẵn sàng cấp cứu.

Đây là công việc nguy hiểm và ai đã làm Cascadeur thì hấu hết luôn phải chuẩn bị tư thế vào viện. Anh thì sao?

Cascadeur Lữ Đức Long: - Tai nạn khi đóng thế là điều không tránh khỏi và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi nhớ năm 1994, khi quay một cảnh nguy hiểm tôi vào bệnh viện với chiếc lưng bị bỏng nặng. Bác sĩ hỏi tôi vì sao, tôi chỉ trả lời là "đi đóng phim", người bác sĩ chỉ thốt lên "mày bị khùng à?". Từ đó tôi không bao giờ dám nói điều đó nữa. Khi đóng thế, sự rủi ro là không thể lường trước được.

Đóng thế là một công việc nguy hiểm đến tính mạng, vậy phản ứng của gia đình anh thế nào?

Cascadeur: đánh cược tính mạng cho những pha nguy hiểm.

Cascadeur Lữ Đức Long: - Tất nhiên là chẳng người thân nào lại muốn mình làm nghề nguy hiểm này. Chưa bao giờ tôi nói với gia đình là mình làm Cascadeur. Suốt từ khi kết hôn năm 1990 bà nhà tôi không hề biết tôi đang làm công việc nguy hiểm này chứ nếu không thì bị cấm lâu rồi.

Đóng thế là một công việc đầy thách thức vậy cát-sê cho mỗi pha đóng thế là bao nhiêu?

Cascadeur Lữ Đức Long: - Nếu chỉ đóng những pha bình thường thì mỗi ngày có thể được trả từ 200.000-400.000đ. Các pha khó hơn như cháy nổ, té lầu, đâm xe thì được chừng 3.5 triệu, pha bay dây thì được khoảng 1.5 triệu và chia đều cho êkíp chừng 10 người. Tất nhiên Cascadeur phải tự lo bảo hiểm và đồ nghề. Đó là chưa kể đến việc chúng tôi phải tự đi... chào hàng, tự tìm đến các đạo diễn để kiếm việc.

Một công việc khó khăn nhưng lại có thu nhập thấp và bấp bênh như vậy "bắt buộc" Cascadeur phải sống bằng nghề tay trái, như anh chẳng hạn...

Cascadeur Lữ Đức Long: - Chưa ai có thể chỉ sống bằng nghề Cascadeur, người nào cũng phải tự... thủ cho mình một nghề tay trái.

Ở VN, ngoài việc thiếu một cái nhìn đúng đắn về nghề đóng thế, sự thiếu vắng của những bộ phim hành động, sự hoạt động cầm chừng của Cascadeur là do còn thiếu một sự đào tạo chuyên nghiệp?

Cascadeur Lữ Đức Long: - Tôi nghĩ chuyện đào tạo Cascadeur ở VN không phải là việc cần làm lúc này. Việc cần nhất là thiếu một dòng phim để anh em thử sức và thiếu đạo diễn chuyên về hành động.

  • Bích Hạnh (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tống Bạch Thuỷ: Tôi không muốn những vai hiền lành nữa! (07/04/2005)
"Dàn hợp xướng": Đẳng cấp mới của điện ảnh Pháp? (31/03/2005)
Phim "Gió thiên đường": Ai cưa sừng làm nghé? (29/03/2005)
Hollywood khóc vì... phim sex! (28/03/2005)
ĐD Lê Hoàng: Đợi chuông reo sẽ bắn...vào tim khán giả! (28/03/2005)
Đổi tên hay là chuyện rượu cũ bình mới? (26/03/2005)
Đã bán tại chợ 2 bộ phim VN cho Malaysia (25/03/2005)
Không có chỗ cho diễn viên trẻ? (24/03/2005)
Xem minh tinh Hàn Quốc trong… phim ma Việt Nam? (22/03/2005)
Mang phim ta đi chợ để ngó phim Tây? (21/03/2005)
Những ngôi sao mới mọc trên bầu trời Hollywood (20/03/2005)
Hậu Cánh diều vàng 2004: Hội chứng giải nhì? (18/03/2005)
Cánh diều vàng 2004: "Điện ảnh VN đang trở lại số 0"? (16/03/2005)
Phim thị trường và phim nghệ thuật: Cuộc đấu không cân sức! (16/03/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang