221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1100666
Ông Dương Xuân Nam: Các hoa hậu trả lời hay đấy chứ!
1
Article
null
Ông Dương Xuân Nam: Các hoa hậu trả lời hay đấy chứ!
,

 - Các người đẹp của chúng ta thiếu tự nhiên, gượng ép và hay nghĩ một đằng nhưng lại nói một nẻo. Trình độ tiếng Anh chưa được tốt. Tất nhiên bây giờ thì có nhiều tiến bộ. Còn về sắc đẹp, chiều cao chúng ta không thua, dần dần khắc phục được. - ông Dương Xuân Nam.     

Ông Dương Kỳ Anh và 3 hoa hậu: Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Huyền và Mai Phương Thuý.

Đẹp hình thể nhưng kiến thức thấp thì không thể là hoa hậu 

Quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ trên thế giới đã thay đổi nhiều theo thời gian. Còn cách nhìn vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam có thay đổi như thế nào từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ nhất đến cuộc thi này?   

- Mỗi người có quan điểm khác nhau về vẻ đẹp phụ nữ, nhưng dẫu sao cũng có một mẫu số chung: Đó là vẻ đẹp tiêu biểu cho phụ nữ của một dân tộc nào đó, ở một vùng nào đó hay một châu lục nào đó... Quan điểm của BGK cũng như BTC cuộc thi sắc đẹp đầu tiên cũng gần với thế giới: vẻ đẹp Hoa hậu VN phải tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.

Tất nhiên từ lần đầu tiên đến nay có sự thay đổi. Ví dụ năm 1988 có thí sinh cao 1m70 và rất đẹp nhưng ban giám khảo không chọn, mà chọn Bùi Bích Phương chỉ 1m60 thôi, bởi thời bấy giờ chiều cao 1m70 không tiêu biểu cho người Việt Nam. Đến năm 90 cũng vẫn chưa được chấp nhận. Người đẹp Vân Anh (TP.HCM) cao 1m73, ban giám khảo đã bàn cãi khá căng thẳng bởi phía giám khảo TP.HCM gồm những người nổi tiếng như đạo diễn Việt Linh, hoạ sĩ Phan Kế Hãn rất ủng hộ Vân Anh, nhưng cuối cùng người Việt Nam vẫn chỉ chấp nhận hoa hậu Diệu Hoa với 1m63. Bây giờ thì những người cao từ 1m60 trở lên mới được đi thi.

Hoa hậu Ngọc Khánh.

Quan điểm cái đẹp cũng được nâng lên rất nhiều. Ở những năm 88, 90, không ai chấp nhận hoa hậu Ngọc Khánh bởi gương mặt hơi hoang dã, hiện đại. Nếu chúng ta lấy thước đo những năm 60 dùng cho bây giờ thì không vừa nữa, hoặc lấy bây giờ để đo cho tương lai cũng không đo được. 

Ngay cả kiến thức cũng thế. Trước đây chỉ cần biết chữ là các người đẹp được đi thi, còn bây giờ phải tốt nghiệp trung học mới được đăng ký tham gia. Đấy là chưa kể đến các tiêu chuẩn khác như biết vi tính, ngoại ngữ... 

Vậy với ông, nét đẹp nào của người phụ nữ là không thể thay đổi?

- Vẻ đẹp của tâm hồn, của một hình thể hài hoà thì thời nào cũng vậy thôi. Một người dù nhiều nét đẹp mà sống mũi quặp hoặc đôi mắt lé thì cũng không thể đẹp được. Hay những người đẹp về hình thể nhưng kiến thức quá thấp thì cũng không thể làm hoa hậu được. Tôi ví dụ năm 1996, Hồng Yến (Hoa khôi Đồng bằng Sông Cửu Long) có hình thể đẹp nhưng kiến thức hạn chế nên chỉ là á hậu thôi. Cho nên tìm người đẹp rất khó. Người xưa có câu: ’’Mỹ nhân tự cổ như danh tướng’’, tức là mỹ nhân từ cổ đến nay cũng hiếm như tướng tài. 

Thưa ông, nếu không có các cuộc thi người đẹp thì cuộc sống có gì hụt hẫng không? Và tác động thực sự vào xã hội của các cuộc thi hoa hậu từ trước đến này được thể hiện như thế nào?

- Hoa hậu là hoạt động văn hoá hấp dẫn, mới mẻ. Với những cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được truyền hình trực tiếp từ năm 2004, 2006, 2007 thì số lượng người xem qua màn ảnh nhỏ (do các cơ quan đưa ra) là 29 triệu người. Từ người tham gia cho đến người xem, người quan tâm đều ý thức về vẻ đẹp của mình hơn, từ đó mỗi người chắc chắn sẽ giữ gìn vẻ đẹp đó, không chỉ về hình thức mà cả về danh dự, phẩm chất. 

Đó là chưa kể nhiều hoa hậu VN đã làm cho vị trí trên bản đồ sắc đẹp của nước ta từ số 0 trở thành thứ mười mấy trên thế giới. Ở VN trong các lĩnh vực thể thao, kinh tế, văn hoá... chưa có lĩnh vực nào chỉ số đứng thứ mười mấy cả, chỉ có sắc đẹp thôi. Đó là tín hiệu vui và là kênh quảng bá hình ảnh đất nước VN trên thế giới. Người ta biết đến Việt Nam có rất nhiều người đẹp. Khi tôi chấm Hoa hậu Châu Á ở Indonesia, xuống những vùng hẻo lánh xa xôi, tôi đã rất ngạc nhiên khi hàng trăm người mang ảnh rất to của Nguyễn Thị Huyền ra đón vì tưởng cô đến đó.

Việt Nam có nền văn hoá ứng xử thấp

Phần thi ứng xử vẫn luôn luôn là mối quan tâm của công chúng. Và thực tế, công chúng thường thất vọng về kiến thức và phông văn hoá của những người đẹp. Theo ông, nguyên do là từ đâu? Vì đó là hiện trạng chung của thế hệ trẻ VN hay vì những người có nhan sắc thì không cần quan tâm đến trí tuệ nữa?

- Trước tiên tôi muốn nói rằng, bây giờ có nhiều cuộc thi hoa hậu và những tai tiếng từ việc trả lời ứng xử chủ yếu không phải từ các Hoa hậu Việt Nam mà ở những cuộc thi khác. Các đêm chung kết mấy năm gần đây của Hoa hậu Việt Nam đều được truyền hình trực tiếp, và mọi người đều thấy Nguyễn Thị Huyền, Ngô Phương Lan, Mai Phương Thúy trả lời hay đấy chứ! 

Thứ hai, do Việt Nam chúng ta có nền văn hoá ứng xử thấp so với mặt bằng thế giới. Các thiếu nữ lớn lên trong nền văn hoá đó thì ứng xử của chúng ta thấp hơn họ cũng phải thôi. Lỗi đó ở giáo dục, ở xã hội không tạo cho con người ứng xử một cách tự nhiên.  

Hoa hậu Bùi Bích Phương. Ảnh: Phúc Chu

Thứ 3 do các thí sinh còn ít tuổi, đứng trên một sân khấu lớn thường rất bối rối. Tôi ví dụ ở Hoa hậu Thế giới người Việt năm ngoái, người đẹp Thanh Mai là một MC nổi tiếng nhưng đứng trên sân khấu cũng lúng túng. Còn quan điểm người đẹp thì ứng xử kém, năng lực kém, tôi nghĩ không hẳn như thế. Hoa hậu Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Ngọc Khánh, Ngô Phương Lan, Mai Phương Thúy là những người rất thông minh. Tất nhiên cũng phải nói rằng Trời không cho ai tất cả, nhưng con người cố để khắc phục được điều đó thì họ cũng vươn lên rất nhiều.  

Chắc chắn ông là người theo dõi rất kỹ lưỡng những cô gái đẹp trong các cuộc thi Hoa hậu thế giới hay Hoa hậu hoàn vũ, vậy Hoa hậu VN cần khắc phục những thua kém cơ bản gì so với các Hoa hậu của các nước khác?  

- Có hai vấn đề: Một - đó là ứng xử của các người đẹp chúng ta thiếu tự nhiên, gượng ép và không xuất phát từ đáy lòng. Thế giới người ta nghĩ thế nào nói như vậy. Còn chúng ta nghĩ một đằng nhưng lại nói một nẻo, nói theo bài vở, nói theo... ai đó. Thứ hai là trình độ tiếng Anh (bởi ở các cuộc thi hoa hậu của thế giới, thí sinh phải giao tiếp bằng ngôn ngữ quốc tế này) chưa được tốt. Tất nhiên bây giờ đã có nhiều tiến bộ. Hai cái đó chúng ta còn hạn chế. Còn về sắc đẹp, chiều cao thì chúng ta không thua, có thể dần dần khắc phục được.

Không thể chọn Hoa hậu đẹp nhất

Sau khi đăng quang, các hoa hậu thường bước vào một đời sống khác. Với ông, vương miện đó có lúc nào lại trở thành sự đe doạ với cuộc sống yên bình của người phụ nữ không?

- Phải nói một điều thế này, những người của công chúng thì phải sống theo nguyện vọng của công chúng. Hoa hậu là người của công chúng nên những nguyện vọng cá nhân phải hạ xuống, và đó là điều rất khó khăn. Ví dụ việc Mai Phương bỏ nhà đi chơi, nếu người bình thường làm thế thì không ai để ý, nhưng vì Mai Phương là hoa hậu nên đó lại là một scandal. Tôi cho rằng không chỉ với hoa hậu mà tất cả những người nổi tiếng, người của công chúng thì trước hết họ sống vì mong muốn của công chúng đã, sau đó mới sống với bản thân.

Hoa hậu Mai Phương Thuý. Ảnh: Phúc Chu

Dù nhiều cô gái lọt vào vòng chung khảo đẹp "ngang" nhau, thì cuối cùng Ban giám khảo vẫn phải tìm ra lý do để chọn lấy một người. Ông là người trao vương miện cho tất cả các HHVN, nếu bây giờ phải chọn Hoa hậu của các Hoa hậu đó, ông sẽ chọn ai?

- Đó là điều rất khó khăn vì mỗi hoa hậu có nét đẹp riêng, có thành quả riêng, thành tích riêng nên tôi không thể chọn ai vào thời điểm này.

Có dư luận rằng 2008 là năm cuối cùng của ông với tư cách trưởng ban giám khảo cuộc thi HHVN. Vậy ông có thấy hụt hẫng nếu một ngày phải rời xa nó?

- Năm cuối hay năm đầu tôi chưa biết được. Tuy nhiên, vừa qua báo Tiền Phong, công ty Tiền Phong và một công ty nữa đã cùng bàn thảo để ra đời một công ty tư vấn, đào tạo những người đẹp Việt Nam, để họ chuyên nghiệp hơn trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước và thế giới.

Gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nhiều năm, vậy còn điều gì ông cảm thấy chưa hài lòng?

- Còn nhiều điều tôi chưa hài lòng lắm. Điều tôi mong muốn nhất mà chưa đạt được, đó là Hoa hậu Việt Nam sẽ trở thành Hoa hậu Thế giới. Tuy vậy, vị trí của VN trên bản đồ sắc đẹp thế giới đã ngày càng tốt lên, và tôi rất hy vọng sắp tới thứ hạng của Việt Nam sẽ cao hơn.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

  • Sơn Hà

    Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,