Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:
Các nhà văn trẻ bây giờ ít dám dấn thân
17:12' 18/09/2003 (GMT+7)
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

(VietNamNet) - Trong một buổi nói chuyện với độc giả, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nói: ''Trong các tác phẩm của tôi, tôi luôn hướng đến các bạn trẻ. Điều tôi muốn nói với các bạn là: Các bạn hãy tin vào chính mình!''. Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng các nhà văn trẻ bây giờ ít người dám dấn thân...

 - Thưa ông, ông từng nói tới sự dấn thân, xin ông cho biết rõ hơn về sự dấn thân của nhà văn trong văn học?

 - Lê Quí Đôn đã từng nói: ”Nếu trong đầu không có ba vạn cuốn sách, bước chân không đi nhiều chặng đường… thì không có gì để kể cho người khác nghe". Vậy trước khi muốn trở thành nhà văn thì phải sống đã, sống một cách thiết thực nhất. Đừng ngại, đạo Phật đã có một câu: Người nào càng gặp nhiều tai hoạ thì người đó càng gặp nhiều may mắn.

Riêng văn học, có thể nói nó khó nhất trong bảy môn nghệ thuật (múa, âm nhạc, kiến trúc, điện ảnh…) có lẽ vì đặc trưng của văn học là có cùng vũ khí ngôn ngữ với chính trị, tôn giáo. Người viết bài dễ vấp phải hai trở ngại này. Đấy là chưa kể đến các vấn đề khác như: ái tình, tiền bạc… đều khiến nhà văn bị hiểu nhầm, từ gia đình tới xã hội… Chính vì thế đòi hỏi rất nhiều sự dấn thân ở nhà văn.

 - Ông có nói: nhà thơ nguy hiểm, nhà văn khó khăn, không lẽ ai cũng thế?

 - Điều này phụ thuộc vào điều kiện, tính cách từng người. Trong cuộc đời còn có cả Thượng đế và sự cố gắng của mỗi chúng ta! Không chỉ nhà văn, nhà thơ mới cần sự dấn thân mà trong bất kỳ công việc nào cũng cần phải có sự dấn thân như anh thợ nề, khi anh ta xây nhà anh ta cũng phải dấn thân, cũng phải nỗ lực mới được. Lẽ dĩ nhiên tôi muốn nói tới những anh thợ nề, những nhà văn, nhà thơ thực sự.

 - Ông đã bắt đầu sự nghiệp văn chương như thế nào? ''TuổI hai mươi yêu dấu'' có phải là một chặng đường mà ông đã trải qua?

 - Tôi sinh ra không phải là một nhà văn mà sau khi trải qua rất nhiều công việc, cho tới năm 1986, tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Đó là giai đoạn nước ta đang bắt đầu công cuộc đổi mới, còn rất nhiều bề bộn, ngổn ngang, truyện ngắn mang tính thời sự rất hợp với lúc đó. Trải qua hơn 10 năm tôi có 50 tác phẩm, cho tới nay vẫn đứng được với thời gian. Có thể nói tôi viết những truyện này với ý cổ điển nhưng mặt khác cũng xem đó là sự luyện tập để viết tiểu thuyết. Còn Tuổi 20 yêu dấu là tựa đề một cuốn tiểu thuyết mới, tôi viết về tuổi 20 của mình. Cuốn này tôi viết để tham dự cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn tổ chức.

 - Có ngườI nói: so với “Tướng về hưu” thì đây là bước lùi trong sự nghiệp của ông và ở đó ông toàn… nói bậy?

 - Tôi chẳng thấy tôi bậy cái gì. Cơm tám giò chả vốn là đặc sản của Việt Nam, nhưng nếu ăn mãi cũng chán! Đây chỉ là nhận xét của một người khi đọc bản thảo của tôi, ý kiến này vừa đúng, vừa không đúng. Đúng vì Tuổi 20 yêu dấu so với… Tướng về hưu, còn không đúng vì đây mới là một thời kỳ mới của tôi và nó là một bước tiến. Tôi rất mong cuốn sách đến tay bạn đọc và lắng nghe ý kiến của mọi người, rất tiếc là nó chưa được in, và đến 2004 cuộc thi mới kết thúc.

 - Ông có thường đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ không, ai trong số họ có ấn tượng với ông? Ông có nhận xét gì và có lời khuyên gì dành cho lớp “hậu bối”.

 - Tôi có đọc nhưng không thường xuyên, trường hợp nào đăc biệt thì mới đọc kỹ. Trong số những tác giả trẻ mà tôi biết thì Nguyễn Việt Hà – tác giả Cơ hội của Chúa là một nhà văn có tài. Còn với các nhà văn trẻ bây giờ, tôi rất tiếc cho họ vì họ đã không chịu dấn thân, dễ đầu hàng hoàn cảnh, nên chưa làm được điều gì lớn. Chỉ còn một cách là phải sống trước đã, phải biết quý giá trị cuộc sống của mình, phải học hỏi, phải đi nhiều và đừng sợ hãi thì mới có cái để kể. Cuộc sống phải có trả giá, có yêu thương, có đau khổ, có từng trải mới có sự độ lượng, lòng khoan dung và khi không còn vấp ngã nữa ta mới thấy cuộc sống tươi đẹp hơn. Điều này không ai dạy bảo được, ngoài sự trải nghiệm của chính mình.

 - Thời trẻ ông đã viết trong tác phẩm ''Giọt máu'' của mình, đại ý: văn chương như miếng thịt ba chỉ, phải đáp ứng được thị hiếu khách hàng, đây có phải là tuyên ngôn văn chương của ông? Ông đánh giá gì về văn chương Việt Nam đương đại?

 - Trường hợp này tôi viết khi còn trẻ, cách ví đó rất ngộ nghĩnh, buồn cười. Song tôi nghĩ, người bán hàng lương thiện là người đáp ứng được nhu cầu khách hàng, cũng như người thợ nề lành nghề phải xây được cả cung đình và hố xí. Nhà văn và người thợ nề lành nghề phải làm được những tác phẩm khác nhau. Những điều còn lại bạn nên hỏi những nhà phê bình văn học.

 - Trong truyện ngắn ''Đời thừa'', Nam Cao đã chính thức khẳng định quan điểm văn chương của mình và đây như là tuyên ngôn nghệ thuật của các nhà văn Việt nam, chẳng lẽ ý kiến của ông lại đối lập?

 - Đức Thích Ca đã từng nói: Các ngươi đừng tin vào những lời rao giảng của ta, hãy tin vào lòng mình. Đó là một câu nói đúng. Bạn, đừng vội tin vào Nam Cao, đừng vội tin vào Nguyễn Huy Thiệp…. Trước tiên phải tin vào chính mình. Đây cũng là điều tôi muốn nói với độc giả của mình.

 - Ông có phải là một người hâm mộ đạo Phật? Ông thường nói với các con mình điều gì?

- Tôi rất thích các câu nói của Đạo Phật, vì nó thường gắn liền với đời sống, lý giải mọi vấn đề của cuộc sống một cách đơn giản. Các câu nói của Đạo Phật thường đúc rút những triết lý sâu sắc nhưng cũng rất giản dị. Khi trò chuyện với các con tôi cũng ứng dụng một số câu nói đó. Nhưng điều mà tôi luôn nói với các cháu là phải trang bị cho mình phương tiện tối thiểu để bước vào cuộc sống: Bên cạnh những điều cơ bản khác thì vi tính và ngoại ngữ là hai thứ rất cần thiết. Lẽ dĩ nhiên là phải tự tin!

- Xin cảm ơn ông! 

  • Thục Nhi (thực hiện)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát động cuộc thi viết thư ''Hà Nội niềm tin và hy vọng'' (18/09/2003)
Hai cuốn sách chuyên khảo về Hà Nội (18/09/2003)
Barbra Streisand ra album mới ở tuổi 62 (17/09/2003)
Đà Nẵng khai trương dự án điêu khắc đá (17/09/2003)
"Khám phá âm nhạc": Dự án kết hợp văn hoá và giáo dục (17/09/2003)
Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ 4 tại Việt Nam (16/09/2003)
ASEAN - Nhật Bản xích lại gần nhau qua những sắc màu (16/09/2003)
Sôi động những ngày văn hoá Việt trên đất Thuỵ Điển (16/09/2003)
Abba được công chúng yêu mến hơn Elvis (16/09/2003)
"Tuần lễ âm nhạc Việt Nam - Thụy Điển" - đa dạng và hấp dẫn (16/09/2003)
Trưng bày phác thảo (vòng 2) cuộc thi mẫu tượng đài Lý Thái Tổ (16/09/2003)
Vietnam Collection Grand Prix 2003: Tìm sự sáng tạo (15/09/2003)
Nhà thiết kế Võ Việt Chung muốn 'thay đổi để đi vào cuộc sống' (16/09/2003)
Johnny Depp lại thắng lớn với "Once Upon a Time in Mexico" (15/09/2003)
Nhóm họa sĩ giải phóng và bức tranh sơn mài 1 triệu USD (15/09/2003)
Tro ve dau trang