Đà Nẵng khai trương dự án điêu khắc đá
08:39' 17/09/2003 (GMT+7)
Cắt băng khai trương Dự án Điêu khắc đá Đà Nẵng sáng 16/9.

(VietNamNet) - Như VietNamNet đã đưa tin, Chi hội Mỹ thuật (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng) với sự hợp tác của Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) đang xúc tiến dự án xây dựng một trung tâm điêu khắc đá tại làng đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước. Sau một thời gian dài tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng, sáng 16/9, dự án này đã chính thức khai trương, mở ra một triển vọng mới cho sự phát triển của ngành điêu khắc Việt Nam.

Sự khởi đầu thuận lợi

Mùa xuân năm 2001, nhà điêu khắc nổi tiếng người Na Uy Oyvin Storbeakken đã đến tham dự một dự án điêu khắc tổ chức ở Non Nước theo lời mời của nhà điêu khắc Phạm Hồng (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Đà Nẵng). Qua đó, ông đã thiết lập được mối quan hệ công việc và bắt tay vào việc hướng dẫn các nghệ nhân địa phương làm quen với các dụng cụ và kỹ thuật điêu khắc mới. Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam và Na Uy đã hỗ trợ ông để tiến hành một dự án thí điểm kéo dài từ tháng 12/2001 đến tháng 7/2002. Thông qua sự tiếp xúc rất mới mẻ giữa các nghệ nhân điêu khắc ở các trình độ khác nhau, mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Na Uy ngày càng thể hiện khả năng thắt chặt và phát triển. Nhận xét về các nghệ nhân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, nhà điêu khắc Oyvin Storbeakken rất khâm phục sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm lâu năm về nghề chạm khắc đá của họ. Ông nhận thấy: “Niềm đam mê của họ chịu sự ảnh hưởng của truyền thống, lịch sử, tôn giáo và văn hoá. Bằng cách cung cấp thêm trang thiết bị, khuyến khích niềm đam mê và khả năng sáng tạo ở các nghệ nhân điêu khắc làng đá mỹ nghệ Non Nước, chúng ta có thể tạo điều kiện cho họ hội nhập vào nghệ thuật quốc tế và mở rộng thêm thị trường!”.

Nhà điêu khắc Oyvin Storbeakken đang trả lời phỏng vấn báo chí bên cạnh bức tượng “Nữ hoàng trên băng” sắp được hoàn thành.

Từ đó, Oyvin Storbeakken phối hợp với Chi hội Mỹ thuật Đà Nẵng lập dự án xây dựng một trung tâm điêu khắc đá ngay tại Non Nước với mục tiêu góp phần vào việc phát triển môi trường thuận lợi để các nhà điêu khắc Việt Nam có cơ hội phát huy khả năng nghệ thuật. Qua quá trình tìm kiếm đối tác tài trợ, những người lập dự án đã bắt gặp sự đồng cảm từ NAV, một tổ chức của Na Uy hoạt động tại Việt Nam  từ năm 1994 với ba vấn đề chính được đặc biệt chú trọng là HIV, nước sinh hoạt và bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi nguy cơ bạo lực. Dự án điêu khắc đá Đà Nẵng cũng là dự án đầu tiên trong lĩnh vực văn hoá mà NAV tham gia tại Việt Nam . Do vậy, trong thời gian đầu tiếp xúc, đôi bên đã không khỏi có những bỡ ngỡ, bất đồng. Bà Liv Steimoeggen, đại diện thường trú của NAV tại Việt Nam, thổ lộ: “Đây quả là dự án đầy thử thách đối với NAV. Chúng tôi muốn so sánh mối quan hệ giữa NAV với các tác giả dự án và Chi hội Mỹ thuật Đà Nẵng như là một cuộc hôn nhân. Phải sau 10 tháng cùng tìm hiểu, trao đổi để giải quyết những mối bất đồng về mục tiêu của dự án, chúng tôi mới đi đến lễ đính hôn. Đó là cuộc họp đầu tiên của Ban dự án. Theo hiểu biết của chúng tôi về truyền thống cưới hỏi ở Việt Nam thì họ hàng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu có một thành viên trong họ hàng phản đối thì cuộc hôn nhân có thể bị đổ vỡ. Đáng mừng là “họ hàng” hai bên hết sức giúp đỡ chúng tôi. Kể cả sau khi quyết định chung sống với nhau rồi cũng có thể nảy sinh những bất đồng. Nhưng chúng tôi tin rằng, nếu thực sự yêu thương nhau thì mọi việc đều được giải quyết tốt đẹp. Và đến năm 2013, chúng ta sẽ kỷ niệm 10 năm cuộc “hôn nhân” này!”. Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Long cũng khẳng định: “Là những người có trách nhiệm trong cuộc hôn nhân này, tôi khẳng định đây là cuộc “hôn nhân” được tìm hiểu kỹ càng, và chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp!”.

Nhà điêu khắc Oyvin Storbeakken cho hay, từ sự phối hợp với nhà tài trợ, dự án được bổ sung lồng ghép một số chương trình thuộc dự án của NAV tại Việt Nam so với mục tiêu ban đầu, nhưng vấn đề tập trung nhất vẫn là nghệ thuật điêu khắc. Theo đó, một Trung tâm điêu khắc đá sẽ được xây dựng tại Non Nước, một nơi có bề dày truyền thống về khai thác và chạm khắc đá, thuận lợi về sân bay và hải cảng giúp mọi người từ khắp nơi dễ dàng đến đây, và có các trại trẻ mồ côi có thể lựa chọn những em có năng khiếu để đào tạo...

Hướng mở đầy triển vọng của dự án

Tại lễ khai trương dự án, nhà điêu khắc Oyvin Storbeakken, Giám đốc dự án, nêu rõ: Trung tâm điêu khắc đá Non Nước là nơi để các nhà điêu khắc trong và ngoài nước đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về nghệ thuật điêu khắc. Các nhà điêu khắc quốc tế có thể đến đây thuê phòng ốc, trang thiết bị, nghệ nhân để thực hiện tác phẩm của mình. Với nguồn thu từ các hoạt động này, Trung tâm sẽ có đủ khả năng để duy trì sau khi NAV hoàn tất dự án. Thông qua hoạt động của Trung tâm, các nghệ nhân địa phương sẽ được hướng dẫn làm quen với các thiết bị và kỹ thuật mới. Các khoá huấn luyện của Trung tâm ngoài việc đem đến những ý tưởng và nguồn cảm hứng mới, còn nâng cao khả năng cảm nhận nghệ thuật và tạo cơ hội cho việc phát huy các giá trị dân tộc và tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên các khoá đào tạo này không nhằm mục đích thay thế các khoá đào tạo về điêu khắc ở Việt Nam mà nó đóng vai trò như một phần bổ sung vào việc rèn luyện kỹ năng cho các nghệ nhân điêu khắc địa phương. Hiệp hội điêu khắc Nauy sẽ chọn 3 nhà điêu khắc Nauy đại diện cho tổ chức của mình trong việc cung cấp tài liệu và tư vấn các vấn đề liên quan đến hoạt động điêu khắc của trung tâm.

Do Trung tâm thu hút cả nghệ nhân Việt Nam lẫn quốc tế nên cũng sẽ hướng đến việc hình thành một Công viên Điêu khắc để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật về trước mắt cũng như lâu dài. Đây sẽ là điểm thu hút ngày càng nhiều công chúng đến tham quan, chiêm ngưỡng. Các tác phẩm có giá trị nhất sau khi trưng bày tại Công viên Điêu khắc sẽ được tặng lại cho Đà Nẵng để dựng tại các bờ sông, bãi biển, công viên... nhằm góp phần tạo cho thành phố có một “không gian điêu khắc nghệ thuật”, tạo ra nét văn hoá hiện đại. Môi trường làm việc và an toàn lao động tại Trung tâm cũng được đặt biệt chú trọng, trang bị các thiết bị bảo hộ để tránh bụi và tiếng ồn, đưa nơi đây trở thành mô hình cho các xưởng đá trong khu vực và trên phạm vi cả nước theo hướng hoà hợp và hội nhập.

Giám đốc dự án Oyvin Storbeakken nhấn mạnh: “Nhiều nhà điêu khắc trên thế giới đang tìm đến Italia để thực hiện các tác phẩm của mình song chi phí cho việc này rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam là nơi rất có tiềm năng vì ở đây giá cả của công cụ, nhân công và các dịch vụ khác rẻ hơn rất nhiều. Chất liệu đá ở đây không thua kém gì ở Italia. Tôi đã thực hiện một tác phẩm tham dự Festival Huế 2002 và hiện đang trưng bày ở Huế, một tác phẩm khác có tên “Nữ hoàng trên băng” cũng đang được thực hiện bằng chất liệu đá ở đây. Ngoài ra, tay nghề kỹ thuật của các nghệ nhân ở đây cũng rất cao. Với việc trở thành một nơi có điều kiện làm việc và dịch vụ tốt, có chất lượng cho các nhà điêu khắc nước ngoài, Trung tâm có thể tạo ra lợi nhuận và lợi nhuận đó sẽ được dành để hỗ trợ cho các nhà điêu khắc Việt Nam. Đó là một sự phát triển có tính bền vững!”.

Trong quá trình hoạt động của Trung tâm cũng sẽ lồng ghép các chương trình giáo dục truyền thông về HIV/AIDS một cách thích hợp do NAV chịu trách nhiệm nhằm tăng cường nhận thức về hiểm hoạ này cho các đối tượng quan tâm đến dự án. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các trại trẻ mồ côi trong khu vực lựa chọn những trẻ em mồ côi lớn tuổi và có năng khiếu để đào tạo thành những nhà điêu khắc trong tương lai...

Giám đốc dự án Oyvin Storbeakken cho hay, dự án này sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn, từ 2002 – 2004 và 2005 – 2006. Trong giai đoạn 1, NAV đã quyết định tài trợ 775 nghìn USD để xây dựng nhà xưởng, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho các nhà điêu khắc nghệ thuật sáng tác tại chỗ và mở lớp dạy nghề điêu khắc cho khoảng 15 trẻ em mồ côi. Đánh giá về dự án này, Thứ trưởng Bộ VH-TT Lê Tiến Thọ nêu rõ: “Đây là dự án đầy tiềm năng, hứa hẹn nhiều cơ hội thúc đẩy ngành điêu khắc đá mỹ nghệ truyền thống của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung lên một bước mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Mặt khác, qua dự án còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực bậc cao có đủ khả năng tiếp cận với các khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật điêu khắc trên thế giới!”.                                                                                        

  • Thanh Hải

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Khám phá âm nhạc": Dự án kết hợp văn hoá và giáo dục (17/09/2003)
Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ 4 tại Việt Nam (16/09/2003)
ASEAN - Nhật Bản xích lại gần nhau qua những sắc màu (16/09/2003)
Sôi động những ngày văn hoá Việt trên đất Thuỵ Điển (16/09/2003)
Abba được công chúng yêu mến hơn Elvis (16/09/2003)
"Tuần lễ âm nhạc Việt Nam - Thụy Điển" - đa dạng và hấp dẫn (16/09/2003)
Trưng bày phác thảo (vòng 2) cuộc thi mẫu tượng đài Lý Thái Tổ (16/09/2003)
Vietnam Collection Grand Prix 2003: Tìm sự sáng tạo (15/09/2003)
Nhà thiết kế Võ Việt Chung muốn 'thay đổi để đi vào cuộc sống' (16/09/2003)
Johnny Depp lại thắng lớn với "Once Upon a Time in Mexico" (15/09/2003)
Nhóm họa sĩ giải phóng và bức tranh sơn mài 1 triệu USD (15/09/2003)
Tranh đương đại Việt Nam đang thoi thóp? (15/09/2003)
1939, năm vàng của Hollywood (14/09/2003)
NSND Trần Phương - Đường xa còn ham rong ruổi (14/09/2003)
Ly Hoàng Ly tham dự '"Chương trình viết văn quốc tế" tại Mỹ (13/09/2003)
Tro ve dau trang