Tranh đương đại Việt Nam đang thoi thóp?
08:39' 15/09/2003 (GMT+7)

Nghệ thuật sắp đặt vẫn còn xa lạ với nhiều người Việt Nam.

Sự tụt giá của tranh Việt Nam có vẻ như là chuyện bình thường, quá lắm chỉ làm vơi đi một tí túi tiền mấy ông hoạ sĩ, mấy chủ gallery... Nhưng nếu nhìn nghiêm túc sẽ thấy nhiều vấn đề đáng báo động đỏ: Thiếu hụt vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan mỹ thuật, nạn ăn cắp tranh trắng trợn, hoạ sĩ tự sao chép chính mình làm mất uy tín mỹ thuật Việt Nam trước thế giới... Đây có thể là một bài học về sự tha hoá của một bộ phận người làm nghệ thuật hội hoạ hôm nay.

Dù quanh quẩn trong vài thị trường hẹp chủ yếu ở Đông Nam Á nhưng tranh Việt Nam vẫn xứng đáng là món hàng xuất khẩu tiên phong của thời kỳ bắt đầu đổi mới. Chỉ tiếc "món tiên phong ấy" đã nhanh chóng đánh mất thị trường.

Câu chuyện bi hài

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, so với các loại hình nghệ thuật thì hội hoạ quả là cởi mở hơn cả. Các hoạ sĩ trẻ đã có những cách tân rất mạnh trong sáng tác của mình. Mọi trào lưu nghệ thuật tạo hình hiện đại từ bên ngoài ồ ạt xâm nhập chào mời các hoạ sĩ. Những giá trị đã được công nhận ở chặng đường trước bỗng chốc bị quên lãng, bị phủ định. Và ở cái lúc mà hạt gạo, hạt cà phê hay hàng dệt may trầy trật chưa tìm được thị trường ngoài nước, thì người nước ngoài  đã hào phóng bỏ tiền ra mua tranh Việt Nam với giá "nằm mơ" của các hoạ sĩ. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, câu chuyện nhiều bi hài về thực trạng hội hoạ Việt Nam được bắt đầu.

Các nhà phê bình thuộc những gallery  thường là bậc trung ở những nước châu Á quanh Việt Nam "phát hiện" và định giá tranh của các hoạ sĩ Việt Nam, họ tổ chức triển lãm cá nhân hoặc nhóm, cộng với những lời bình hoa mỹ về vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng tạo hình Việt Nam. Nhưng tất nhiên tiêu chí đầu tiên của họ là có lãi cho gallery họ cộng tác.

Trong khi đó nền phê bình của chúng ta thì quá ư hời hợt. Ông Kaomi Izu, một nhà phê bình sắc sảo, chuyên viên phân tích tranh nổi tiếng của Nhật Bản đã nhiều năm theo dõi mĩ thuật Việt Nam nhận định: "Phê bình mỹ thuật ở Việt Nam riêng về mặt thông tin đã có gì bất ổn. Có thể nói là nó vừa thiếu cụ thể vừa thiếu tính khái quát. Chính các họa sĩ và công chúng mỹ thuật Việt Nam đã phàn nàn nhiều về sự lệch lạc phổ biến trong thái độ, phương pháp chủ quan trong phê bình quá lấn lướt, hoặc đào sâu phân tích tâm cảnh và các cơ sở hiện thực của tác phẩm, hoặc sa đà thể hiện các suy tưởng, liên tưởng của mình như một sự hồi âm trước tác phẩm chứ ít khi quan tâm đến chính tác phẩm như một "văn bản" tự thân có giá trị "biểu đạt" độc lập với tác giả. Hệ quả tai hại của thái độ và phương pháp này là gì? Có thể nói, cho dù tác giả hay tác phẩm được tán dương hết cỡ bằng đủ loại mỹ từ cũng chẳng đem lại giá trị thực sự cho tác giả hay tác phẩm đó".  

Các chủ gallery trong nước tuy có chậm chân đôi chút, nhưng đã ào ạt mở các phòng tranh;dựng các bộ sưu tập, mua đứt cũng có, ký gửi cũng có... Không buôn gì lãi bằng buôn tranh, một cái tủ lạnh giá vài triệu nhưng lãi cũng chỉ dăm bảy chục nghìn. Đằng này tranh pháo giá "trên trời", lãi cũng "trên trời". Chỉ trong vài năm, chỉ riêng Hà Nội và TP. HCM mật độ gallery đã lên hàng cao nhất nhì thế giới (khoảng 2.000 gallery). Nhưng may ra chỉ dăm ba gallery có được người đứng đầu sắc sảo, nhạy cảm với công việc có tính chuyên nghiệp của mình. Nói chung, các gallery hiện thời chỉ là cửa hàng để quảng cáo tranh cho các hoạ sĩ là chính.

Cái gọi là "sức sáng tạo" của mỹ thuật những năm qua đến giờ quả là đang trong tình trạng "hụt hơi". Đó là kết quả tất yếu của việc vẽ tranh theo thị trường. Cũng theo ông Kaomi Izu: Ở Việt Nam hiện tại, nếu có hoạ sĩ nào vẽ mà không cần bán, chỉ cần vẽ sao cho "hết ý" với tài năng của mình, thì trong một khoảng thời gian ngắn thôi, tranh của hoạ sĩ đó sẽ "chạm nóc". Việt Nam - nói thật - chưa có nhiều niềm tin về nền văn hoá của mình.

Vai trò nhà nước đối với đời sống mỹ thuật. Vai trò đó được thể hiện qua (ít nhất) hoạt động của ba cơ quan: Vụ mỹ thuật, hội mỹ thuật, bảo tàng mỹ thuật. Nếu trong thời bao cấp, họ "quản chặt" đường lối sáng tác, cấp phát tài chính, tổ chức triển lãm, định hướng phê bình Việt Nam... thì bây giờ hầu như việc gì cũng thả nổi hoặc thu hẹp vai trò đến mức không thể hẹp hơn nữa. Có vai trò rất quan trọng định thang giá trị nghệ thuật của thị trường mỹ thuật, nhưng Bảo tàng mỹ thuật quốc gia thường chẳng đủ kinh phí để mua nổi những bức tranh tiêu biểu cho mỹ thuật thời kỳ đổi mới. Còn Vụ, Hội nặng "hoạt động phong trào" thiếu trách nhiệm trước nạn ăn cắp bản quyền tác giả, nạn sao chép nhái tranh lẫn nhau tràn lan trong giới mỹ thuật.

Giải pháp nào để vực dậy tranh đương đại Việt Nam

Nghệ thuật không phải ngành công nghiệp, cứ đổ tiền đầu tư là thoát khỏi lạc hậu. Nó phụ thuộc vào sức sáng tạo nhẫn nại của hoạ sĩ, vào một tầng lớp người giàu có biết thưởng thức mỹ thuật sẽ đầu tư vào tranh thay bằng chỉ biết mua đất, mua ôtô... Nói vậy không có nghĩa chỉ còn mỗi cách "chờ đợi" bởi có một việc cần làm ngay là "dọn vệ sinh" cho con đường đi tới mỹ thuật bằng pháp luật. Bằng pháp luật phải quét sạch tệ nạn ăn cắp, nhái tranh... của nhau trắng trợn trong giới hoạ sĩ. Giới nhạc sĩ đã và đang làm việc này có hiệu quả thông qua Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả (Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Có nhiều hoạ sĩ giàu hơn nhạc sĩ, nhiều chủ gallery giàu hơn bầu sô...

Vậy tại sao tất cả đều chỉ kêu than mà không góp sức, của để thành lập một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho chính mình? Xin cam đoan rằng đây sẽ là giải pháp lấy lại uy tín của mỹ thuật Việt Nam, bởi một nền nghệ thuật đích thực, trước hết, trên hết, cần phải trung thực đã!

(Theo LĐ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
1939, năm vàng của Hollywood (14/09/2003)
NSND Trần Phương - Đường xa còn ham rong ruổi (14/09/2003)
Ly Hoàng Ly tham dự '"Chương trình viết văn quốc tế" tại Mỹ (13/09/2003)
"Women Rock!" - khi các nghệ sĩ biểu diễn chống ung thư (13/09/2003)
Khai mạc Lễ hội giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Nhật Bản (13/09/2003)
Trần Chung - Nhạc sĩ của mọi miền đất nước (13/09/2003)
"Tôi sẽ làm tất cả để chặng đường âm nhạc của mình thật dài" (14/09/2003)
Khai mạc dự án "Khám phá âm nhạc và múa" (03/11/2003)
"Ai là nhà vô địch? - Phim hoạt hình đầu tiên về SEA Games 22 (12/09/2003)
Xem múa đương đại Pháp trong... nhà để xe (12/09/2003)
Từ tình yêu tạo nên ánh sáng (12/09/2003)
Dang dở với ''Xanh, đỏ và vàng - Go! Stop!... in between...'' (03/11/2003)
Lễ khai mạc SEA Games 22 sẽ có nhiều màn trình diễn rất mới (12/09/2003)
''Anh hùng xạ điêu'' gánh quá nhiều quảng cáo (11/09/2003)
Paul Simon và Art Garfunkel lưu diễn sau 10 năm gián đoạn (11/09/2003)
Tro ve dau trang