Mekong Festival 2003: "Đất phương Nam" vẫy gọi
10:07' 03/10/2003 (GMT+7)

Chợ nổi - nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước.

Cơn mưa lớn ập xuống khiến giờ khai mạc Mekong Festival 2003 phải lùi lại khoảng 30 phút. Dù vậy, dòng người vẫn tấp nập đổ về Công viên nước Cần Thơ - địa điểm diễn ra lễ khai mạc... Đây là lần đầu tiên một liên hoan du lịch quy mô lớn được tổ chức ở ĐBSCL với nhiều hoạt động (hội thảo, hội chợ triển lãm, liên hoan ẩm thực, tái hiện chợ nổi, đua ghe ngo - thuyền rồng, hội diễn nghệ thuật dân tộc...) diễn ra trong 5 ngày...

"Điểm đến" của tương lai

Kéo dài trên 100 phút, chương trình khai mạc Festival được dàn dựng khá công phu với mong muốn giới thiệu với người xem hình ảnh vùng đất ĐBSCL giàu tiềm năng thông qua hình tượng nghệ thuật làm bật lên bản sắc văn hoá, văn minh sông nước miệt vườn cùng những  thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội.

Từ các tiết mục biễu diễn, chủ điểm xuyên suốt chương trình là "Chín rồng hội tụ" và "Điểm đến" của tương lai. Trên nền bài ca "Đất phương Nam", hình ảnh chủ đạo là chín con rồng xanh từ sông mẹ (Mekong) toả thành 9 dòng sông chảy ra biển cả, phần một của chương trình dẫn dắt người xem khái quát quá trình khai hoang, lập nghiệp của cha ông ngày trước. Thiên nhiên ĐBSCL thuở khai mở tuy khắc nghiệt (qua hình ảnh của cọp và cá sấu), song còn là mảnh "đất lành" cho những cư dân tha phương. 

4 cụm tiết mục: "Đất lành chim đậu", "Trái ngọt cây lành", "Rừng biển cuối trời" và "Chung một dòng sông" trong phần 2 của chương trình khai mạc tái hiện lại quá trình xây dựng quê hương Nam Bộ. Với các tiết mục dân ca Nam Bộ, ca cổ, hoà tấu nhạc tài tử, theo dõi  phần này, người xem còn được lướt qua các điểm nổi bật của thiên nhiên và văn hoá, lịch sử vùng ĐBSCL; bản sắc văn hoá truyền thống của 4 dân tộc Việt - Khmer - Chăm- Hoa.

Và phần cuối, thông qua hình ảnh xe, thuyền tấp nập nhằm gây khí thế tượng trưng cho sự phát triển của vùng đất phương Nam, chương trình muốn tạo ấn tượng với người xem về một ĐBSCL - "điểm đến" của tương lai...

Với sân khấu thiết kế 3 tầng - trên mặt nước và trên bờ - cùng những cây cầu di động, chương trình khai mạc kết hợp biểu diễn cả dưới nước và trên bờ phần nào tạo được ấn tượng mới lạ. Một số tiết mục gây được sự chú ý như: Múa sen (80 diễn viên); hợp xướng "Chín dòng sông hát" (114 người biễu diễn)... Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng - Tổng đạo diễn chương trình- cho biết: Qua chương trình khai mạc, chúng tôi muốn gieo tình cảm vào lòng người xem, qua đó lay gọi, thu hút du khách, các nhà đầu tư đến với người và đất ĐBSCL... ".

"Sắc màu" phương Nam

Các hoạt động trong khuôn khổ Festival như hội chợ, liên hoan ẩm thực, tái hiện chợ nổi... cũng đã khai mạc cùng ngày. Từ 18 giờ, tại khu vực bến Ninh Kiều, chợ nổi  - một đặc trưng trong hoạt động giao thương ở Nam Bộ - bắt đầu được tái hiện thu hút khá đông người xem. Với trên 100 tàu, ghe chở các loại hàng hoá như trái cây, nông sản... dập dìu trên sông tạo nên khung cảnh như tại các chợ nổi Cái Răng, Phong Điền... vốn  rất quen thuộc với người dân miệt sông nước và là "địa chỉ" được khách phương xa tìm tới khi đến ĐBSCL.

Tuy nhiên, khung cảnh tái hiện chỉ có đông đúc ghe bán, nhưng lại quá hiếm hoi cảnh mua bán, nét đặc trưng của văn hóa thương hồ. Khu vực nhà hàng Hoa Sứ là nơi diễn ra liên hoan ẩm thực "Món ngon Nam Bộ" khai mạc lúc 10 giờ sáng trở nên đông đúc hơn vào buổi tối. Song "không gian ăn uống" ở những "phòng dã chiến" trở nên... luộm thuộm trong không khí ẩm ướt sau trận mưa. Tại đây, trong suốt thời gian diễn ra Festival, 26 gian hàng thuộc 20 đơn vị ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL, TPHCM, Đăk Lăk... trình diễn cách chế biến, giới thiệu khách tham quan thưởng thức khoảng 150 món ăn...

Nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ Festival Mekong 2003 khác sẽ lần lượt diễn ra từ nay đến ngày 6/10 như: Đua ghe Ngo - thuyền Rồng; đêm hội nghệ thuật dân tộc; giao lưu hướng dẫn viên du lịch; diễu hành tàu du lịch, thuyền văn hoá đi chợ nổi Cái Răng; hội thảo "Tiềm năng và giới thiệu du lịch ĐBSCL"...

Từ các hoạt động này, ban tổ chức muốn tạo ra một hình ảnh một "Đất phương Nam" đậm sắc thái văn minh sông nước miệt vườn, giới thiệu bản sắc và tiềm năng du lịch vùng sông nước Cửu Long với khách gần xa. Tuy nhiên, liệu những hạn chế lâu nay của du lịch ĐBSCL (thiếu sự liên kết vùng, sản phẩm du lịch nghèo nàn...) sẽ được khắc phục sau liên hoan này để hấp lực từ ngành "công nghiệp không khói"của vùng châu thổ này đủ sức... vẫy gọi khách phương xa?

Những điểm đến trong Liên hoan du lịch đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Festival 2003):

 
 

Biển Ba Động (Trà Vinh)

Ba Động (cách thị xã Trà Vinh 50km) là một bãi tắm hoang sơ như một chấm son của Trà Vinh.

Đồng Tháp Mười (Long An)

Rộng 600.000ha. Đồng Tháp Mười phần lớn thuộc Long An, phần còn lại thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Đang đi trong rừng tràm ngút tầm mắt, du khách không khỏi sững sờ khi thấy hiện ra đầm sen mênh mông với những bông hoa tím hồng, tím sen, trắng, hồng phấn... ngây ngất hương say.

Đua ghe Ngo (Sóc Trăng)

Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng có quy mô lớn nhất trong các tỉnh ĐBSCL. Trong lễ Ok Om Bok, (15 - 16 tháng 10 âm lịch) , thu hút hàng trăm nghìn người từ khắp nơi về trẩy hội.

 

 

Sân chim (Bạc Liêu) 

Cách thị xã Bạc Liêu 5km, đây là sân chim vào loại nổi tiếng nhất Việt Nam. Sân rộng 130ha, có hơn 40 loài với khoảng 40.000 con chim hoang dã.

Dinh Cậu (Kiên Giang)

Dương Đông là thủ phủ của Phú Quốc. Ở đây có nhiều cảnh đẹp, nhưng Dinh Cậu là nổi tiếng hơn cả. Đây là một đền thờ xây từ năm 1939, có những nét kiến trúc cổ độc đáo.

 

 

Đua bò (An Giang) 

Dolta là ngày lễ tưởng nhớ ông bà, tổ tiên của người Khmer, diễn ra từ 29/8 đến 1/9 âm lịch. Dịp này người Khmer vùng Bảy Núi tổ chức hội đua bò rất sôi nổi, thu hút hàng vạn người các nơi về dự.

Sản phẩm xơ dừa (Bến Tre)

Bến Tre là xứ sở của dừa với khoảng 40.000ha. Từ dừa, người dân Bến Tre tạo ra rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ trái dừa khô, gáo dừa... và cả từ xơ dừa.

 

 

Sếu đầu đỏ (Đồng Tháp) 

Tràm chim Tam Nông cách thị xã Cao Lãnh 45km, rộng 7,6ha, ở đây có loại sếu đầu đỏ là loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ "loài có nguy cơ tuyệt chủng" của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang)

à ngôi chùa lớn nhất của Tiền Giang, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Trong điện có 60 pho tượng bằng gỗ quý, trong đó có bộ Thập Bát La Hán tạc năm 1906, được coi là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng của đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

Thành phố ven sông (Cà Mau) 

Cà Mau là vùng đất mới, chung quanh toàn đầm lầy, rừng và sông rạch chằng chịt. Bảy sông chính là sông ông Đốc, Cái Lớn, Đầm Dơi, Trèm Trẹm, Bảy Hý và Bạch Ngựa.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) 

Cần Thơ có hai chợ nổi trên sông là chợ nổi Phụng Hiệp, chỗ bảy con kênh gặp nhau và chợ nổi Cái Răng (chợ Lệ Bình) từ TP. Cần Thơ đi theo Quốc lộ 1, hướng Nam 5km.

 

 

Làng gốm mỹ nghệ (Vĩnh Long) 

Làng gốm Vĩnh Long nằm dọc theo sông Tiền, nhiều lò xây kế bên nhà dân trông rất lạ mắt. Gốm đỏ của Vĩnh Long nổi tiếng đất Nam Bộ.

(Theo Lao Động, Thế Giới Ảnh)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cơ hội khám phá văn hoá ẩm thực Nhật Bản (03/10/2003)
Đề nghị công nhận múa rối dân gian là di sản văn hoá thế giới (03/11/2003)
Ranh giới giữa nói dối và giả dối (03/10/2003)
Tìm lại hình ảnh người Hà Nội trong văn học nghệ thuật (02/10/2003)
Sôi động ''Tháng Đức tại Việt Nam'' (02/10/2003)
Khai mạc Mekong Festival 2003 (02/10/2003)
Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên đường đi sân bay Nội Bài (02/10/2003)
Câu chuyện 'chết non' của ca khúc (02/10/2003)
Phát hành bộ tem "Du lịch Sapa" (02/10/2003)
Lê Minh Phượng tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2003 (02/10/2003)
Đồng quê trong tranh Đại Đồng (03/11/2003)
Triển lãm đồ đồng phục chế Trung Quốc tại Hà Nội (01/10/2003)
"Duyên xưa" vọng từ quá khứ (01/10/2003)
Album thứ 3 của Ronan sẽ trình làng vào ngày 17/11 tới (01/10/2003)
Sập sân khấu ở Anh, gần 20 người bị thương (01/10/2003)
Tro ve dau trang