Ranh giới giữa nói dối và giả dối
16:08' 03/10/2003 (GMT+7)
Nhà văn Chu Lai sẽ tranh luận thẳng thắn với độc giả.

(VietNamNet) - “Tôi ghét nhất sự giả dối” – không ít người thốt lên điều đó nhưng không ai dám cầm chắc rằng mình chưa từng dối ai một lần trong đời. Nhưng làm sao đủ bản lĩnh để mình trở thành người khéo léo mà vẫn tránh xa sự giả dối? Nhà văn Chu Lai đã có mặt tại tòa soạn VietNamNet để tranh luận với độc giả về đề tài trên trong chuyên mục Chat với người nổi tiếng.

 

Không ít người thốt lên điều đó nhưng không ai dám cầm chắc rằng mình chưa từng dối ai một lần trong đời. Hoặc rằng, có người cứ tin mình đang hết sức thành thật nhưng thói đạo đức giả đã là người bạn đồng hành trong tâm  hồn từ lâu mà họ không thể tự nhận biết hoặc không chịu biết. Không thành thật với chính bản thân mình cũng là sự giả dối – không phải ai cũng chịu nhận thẳng vào sự thật này.

 

Và đôi khi lằn ranh giữa sự giả dối và khéo léo cũng hết sức mong manh. Không phải một bệnh nhân ung thu nào cũng bình tĩnh khi biết án tử hình đang chờ mình. Một người vợ dù  biết rằng tình yêu của chồng đối với mình vẫn nồng nàn như xưa nhưng họ sẽ vẫn bị sốc đến mức chết đi được nếu phải nghe lời thành thật thốt ra từ người chồng đã thề hẹn trăm năm: “Anh không còn yêu em nữa”. Con người dù cứng cáp đến đâu nhiều khi cũng dễ  suy sụp vì phải  biết, phải nghe một sự thật mà lẽ ra người đối thoại khéo léo không được phép bộc bạch.  Lời nói dối đôi khi lại trở thành hữu ích nếu  biết rõ ràng rằng sự thật trong trường hợp đó không có ích cho ai; nhưng với người khắt khe, họ sẽ kết tội chủ nhân của những lời nói dối kia là  “dối trá”. Lúc đó ai sẽ biện minh cho  người nói dối có dụng ý tốt. Bởi thế, thời xưa mới có chuyện sứ giả bị vua chém đầu vì thành thật đưa tin dữ.

Nhưng nói đi, nói lại, giả dối vẫn là thói xấu bị muôn đời căm ghét. Từ cổ chí kim cũng không ai cổ xuý cho thói giả dối. Nhưng làm thế nào để nói dối có ích mà không bị kết tội là giả dối? Làm sao đủ bản lĩnh để mình trở thành người khéo léo mà vẫn tránh xa sự giả dối? 

Nội dung cuộc tranh luận

Hong Van [hong_van@clipsalvn.com] - Nam -
- Làm sao mình có thể biết người đó giả dối (sống đạo đức giả) với mình, có nhiều người cứ vui vẻ làm như không có chuyện gì với cháu nhưng thật ra rất ghét cháu mà người ta hay nói câu: Bằng mặt không bằng lòng", cháu rất muốn chú trả lời dùm!
- Chào các bạn, hôm nay tôi cùng các bạn trao đổi với nhau về một vấn đề hết sức nhạy cảm  nhưng chắc chắn là sẽ rất thú vị. Đó là về sự nói dối và sự giả dối. Hai cái này gần nhau như một hơi thở. Chỉ cần thở mạnh là cái nọ xọ ra cái  kia, khó phân biệt được. 

 

 Bằng mặt không bằng lòng! Là một triệu chứng, một căn bệnh trầm kha của loài người nhưng nếu không có nó thì sự sống này sẽ buồn biết chừng nào. Thế nào để biết là một người giả dối? Có trăm ngàn định nghĩa, có hàng tỷ tín hiệu. Nhưng, mỗi một người chỉ có thể hiểu được sự giả dối của người kia bằng sự trải nghiệm của mình chứ không ai nói hộ được hết. Bởi sự giả dối cũng có hàng triệu kiểu khác nhau

Luu Phuong Binh [Binhlp@edt.com.vn] - Nam -
- Đề tài rất hấp dẫn. Thực ra ai cũng biết trung thực ảnh hưởng to lớn đến người cầm bút trong nhiều lĩnh vực. Từ góc độ vật chất như miếng cơm manh áo, nhà cửa, tiêu chuẩn này kia cho đến những cái vô hình nhưng cực kỳ quyết định là nhân cách, lương tâm hay tư tưởng tác phẩm... Tất thảy đều bị trung thực hay giả dối chi phối. Dù không có ích cho ai hay khi nói ra sự thật có thể dẫn đến vỡ tim thiệt hại tính mạng của một vài người, trăm người thì thói dôí trá vẫn đáng bị kết tội. Không có bất cứ hoàn cảnh nào mà lời nói thiếu trung thực được coi là có ích cả. Đó là cách ngụy biện rất tầm thường của những người hay nói dối và viết dối. Tất nhiên ở đây cần phân biệt rạch ròi nhận thức của người viết. Có thể con người trong cả một quãng đời rất dài viết những điều mà chúng ta ngày nay đọc xong đều cho là giả dối. Đừng cho là người đó xấu. Có thể trong nhận thức anh ta vẫn cho đó là chân lý. Ghê tởm nhất là đã biết đó là điều không đúng mà vẫn đi rao giảng hay viết lên say sưa đến nỗi lâu ngày anh ta lừa được chính cả bản thân anh ta. Có người bảo sao cứ chê thằng này giả dối lắm nhưng đọc nó vẫn cảm thấy hay. Xin thưa: nó đã lừa đựơc chính nó để đẻ ra cảm xúc đấy. Nếu thành thật nó còn hay hơn, hoặc đến một lúc nào đó người ta sẽ không thấy hay nữa và không đọc nó nữa. Có câu chuyện vui của những người hay đi bia ôm như sau : Giải pháp nào để đối phó với các bà vợ khi bị truy xét mà tuyệt đối không phải nói dối nhưng vợ cũng không hề biết mình phạm tội. Tôi nghĩ chắc chỉ có mỗi võ khâu miệng lại. Nhưng im lặng là đồng ý cơ mà. Cuối cùng lại tốt nhất là chỉ bia chứ đừng ôm. Viết là nghề rồi mà chỉ viết sự thật thì khó lắm. Song theo tôi khó các nhà văn chân chính vẫn cứ phải làm... Anh có chia sẻ những ý kiến trên không anh?
- Câu hỏi của bạn dài như một cánh rừng và chứa những ý tưởng cũng nhiều như cây rừng. Tôi chỉ xin tỉa một cây nhỏ nhất, gầy nhất: Đó là giả dối trong bất cứ cái gì còn có thể nhắm mắt cho qua được nhưng giả dối trong văn học là điều không thể. Bởi như thế không còn là văn học nữa. Văn học là sự kết dính. Sự giả dối sẽ làm các con chữ rời ra như cơm nguội và như vậy thì sao có thể hay được như bạn nói. Còn biết nó là điều giả dối mà vẫn say sưa dao giảng vẫn viết đắm đuối, thì anh ta đang làm một cái hành vi nào đó chứ không phải hành vi sáng tạo.

Nam P. Ta [ttpnam78@comcast.net] - Nam -
- Chau thay ra`ng cu'' khe''o le''o thi` do`ng nghi~a voi gia doi va` noi do''i. Co`n nhu~ng nguo`i thang ti''nh thi` co'' co^'' noi do''i cu~ng khong the noi duoc. Chu co'' lo`i phan do''i na`o khong?
- Cháu lại nhầm lẫn tệ hại giữa giả dối và nói dối rồi! Nói dối thì có hai chiều, có thể có sự nói dối ngọt ngào, chân thật, đồng thời có cả sự nói dối bất nhẫn. Nhưng sự giả dối chỉ có một! Như thế sự khéo léo của một con người chỉ là sự khéo léo chứ không bao giờ đồng nghĩa với giả dối và nói dối cả.

 

Nói dối và giả dối là thuộc tính, mặt thứ hai của con người. Cho nên, người thẳng tính có kiểu nói dối của người thẳng tính, chứ không phải người thẳng tính là không bao giờ biết nói dối cả. Thẳng mà cong, rất gần nhau!

Mai Huơng - Nữ - Nghệ An
- Chào nhà văn Chu Lai, nhà văn thật có duyên với độc giả VietNamNet, theo nhà văn thì có khi nào người ta thấy nói dối là một điều tốt không? Nói dối và giả dối khác nhau có nhiều không ạ?
- Nói dối nhiều khi là tốt chứ. Nếu trong cuộc đời cái gì cũng nói thật cả thì trái đất này tan tành mất. Một trong những điển hình của sự nói dối thánh thiện đã được phản ảnh sắc nét trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười của ĐD Đặng Nhật Minh. Nói dối và giả dối khác nhau về bản chất. Nói dối có lợi và có hại, có xấu và có tốt tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo đối tượng nhưng giả dối chỉ có một. Đó là sự xấu, thấp và hèn.

khung troi - Nữ 28 tuổi - can tho
- Sống giả dối với bản thân mình để mang lại niềm vui cho ngừơi khác, theo anh có nên không?
- Rất nên! Muôn đời nên! Đó là một sự nói dối hy sinh, một sự nói dối thần thánh, một sự nói dối đáng tôn thờ. Kể cả người đó không biết mình đem lại hạnh phúc cho họ bằng sự nói dối nhiều khi đến khổ đau của mình. Đấy là sự nói dối vị tha và ngọt ngào. Có thể tìm được ngàn vạn những ví dụ như thế trong cuộc đời.

lê na - Nữ 18 tuổi - 32 phú hòa f 7 q tân bình
- Chào chú. Con cũng chỉ mới biết trang này trước đây vài phút. Thật ra, con bị người ta lừa dối cũng không ít, nhất là người đó lại là bạn thân của con, con nhận ra điều đó nhưng chỉ im lặng, và tất nhiên họ không biết. Chú thấy con có nên im lặng như vậy mãi không? Tại con chỉ sợ nói ra thì tình bạn thêm sứt mẻ!
- Không nên im lặng. Sự im lặng của cháu sẽ đồng loã cho sự giả dối tồn tại và gào thét. Nhất là một khi sự giả dối đó đã được lặp đi lặp lại không ít lần như cháu nói. Có hai cách ứng xử với người bạn này, một là quay đi để không bao giờ quan hệ lại nữa. Hai là nói thẳng, nói hết mà người ta quen gọi là sự dằn vặt để rồi sau đó cũng ra đi. Cái ra đi thứ nhất cao thượng nhưng âm ỉ, cái ra đi thứ hai ồn ào nhưng tách bạch, tuỳ cháu chọn một trong hai.

gaucon - Nữ 22 tuổi - Nhatrang
- Nói dối không hẳn hoàn toàn xấu tuỳ theo mục đích của việc nói dối đó gây ra tác hại gì không. Theo tôi thì tôi vẫn mong có sự thẳng thắn và rõ ràng, nhưng không dễ gì lúc nào ta cũng thẳng thắn được nếu ta biết phản ứng của người tiếp nhận như thế nào. Do đó, nói dối phát sinh, vậy tôi xin hỏi trong trường hợp như vậy, hành vi nói dối có nên không? Tôi không nói đúng hay sai vì lẽ tất nhiên nói dối là sai, tôi chỉ hỏi nên hay không mà thôi!
- Có một ví dụ thế này, mỗi một sáng nọ có một cô gái vừa ốm dậy đưa đôi mắt ai oán nhìn lên bạn hỏi: ''Nhìn tôi khó coi lắm phải không?'', mà bạn lại nói: ''Khó coi lắm!'' thì chắc chắn cô ấy sẽ nằm xuống ốm tiếp, ốm nặng hơn. Còn bạn, lái giọng một chút: ''Không, vẫn đẹp, chỉ hơi buồn một tí'' thì người bạn ấy có khi khỏi bệnh.

Cứ đại loại những câu chuyện như vậy, chúng ta sẽ tìm thấy vô vàn những cái nên nói dối và những cái không nên nói dối. Tất nhiên, được nói thật vẫn "ngọt lưỡi" hơn.

nguoi ham mo - Nữ 21 tuổi - ha noi
- Chào chú, theo chú, trong tình yêu có nên giả dối không?
- Tất nhiên là không. Đơn giản đã giả sao có thể gọi là yêu được. Hoặc nếu như yêu được thì sớm muộn cái giả nó cũng lộ ra ngay. Giả trong ánh mắt, giả trong ngôn từ và mách nhỏ với bạn nhé: có một cách tìm cái giả khá chính xác, đó là trong nụ hôn.

Chopchep - Nữ 20 tuổi - Hà Nội
- Chào chú Chu Chu Lai. Cháu rất vui đuợc tham gia giao lưu trực tuyến với chú. Cháu có một câu hỏi gửi tới chú và rất mong chú trả lời. Nếu cháu yêu chồng của nguời khác và lại quan hệ tồt với vợ của nguời ta và không muốn họ chia tay thì trong trường hợp này cháu có phải là nguời sống giả dối không? Chú đã gặp trường hợp này bao giờ chưa? Nếu con gái chú ở hoàn cảnh của cháu, chú sé khuyên thề nào. Mong chú trả lời cháu. Cháu cám ơn chú.
- Vấn đề là ở cái cách cháu yêu chồng của bạn cháu như thế nào. Nếu cháu triển khai thành hành động cụ thể mà lại cứ vẫn cứ đối tốt với vợ người ta thì giả dối đứt đi rồi. Nhưng tình yêu được kìm nén, yêu âm ỷ, yêu không thành lời thì cái đó lại là sự cao thượng. Nếu tình trạng ấy có thật thì tình yêu của cháu là thật. Bởi bằng kinh nghiệm chú hiểu một tình yêu thật thì không chỉ yêu người con trai ấy mà lại yêu luôn vợ hoặc bạn gái người ta.

Quang Minh - Nam 21 tuổi - Hà Nội
- Thế anh đã bao giờ nói dối chưa?
- HÌnh như có và có nhiều nữa là khác. Nếu không thì lúc này tôi đã vi vu trên trời như một bậc á Thánh rồi còn đâu để ngồi  chuyện  trò với bạn nữa.

Minh Ha - Nữ - Tp HCM
- Chào anh Chu Lai, có một lần tôi đã nói dối để không xảy ra không khí quá căng thẳng giữa 2 vợ chồng nhưng không ngờ chồng tôi đã phát hiện ra và hình như từ đó hắn ít tin tôi hơn. Hầu như có 1 chủ đề gì tuơng tự là lại đem chuyện cũ ra giễu tôi. Tình hình là rất khó cải thiện. Xin nhà văn cho tôi một lời khuyên?
- Trời đất, thế thì chồng của bạn là một người quá tinh. Sống với một người quá tinh chỉ cần động đậy con ngươi là họ biết mình nói gì thì quả là khó sống thật! Nhưng vẫn có thể sống được, vẫn có thể thỉnh thoảng nói dối một cách chân thành được nếu cái quá tinh đó có sự nhân hậu cộng vào để khỏi tạo ra những lời chế giễu. Sự giễu cợt trên một tấm tâm tình chân thật, đó là quả mìn lúc nào cũng sắp nổ dưới giường ngủ của bạn.

Nguyeãn Thuøy Linh - Nữ 29 tuổi - Tænh Traø Vinh
- Theo nhà văn một người miệng thì nói, hứa nhiều lắm nhưng không làm được gì nhiều, có phải là kẻ giả dối không?
-  Kẻ này miễn bàn và miễn chấp nhận trong cả tình trường lẫn chính trường. Tiếc rằng những kẻ như thế này đang tồn tại  không ít trong cuộc đời.

Duong Minh Hai - Nam 32 tuổi - Goa university- India
- Chào nhà văn, lại được gặp Đ/c trên Net. Nhà văn nói rằng: "Lời nói của Nàng đã chắp cánh cho tôi qua những cánh rừng, nhưng 10 năm sau trở về chân tay còn lành lặn, Nàng lai đứa con người khác đến thăm". Có lẽ đây là sự nói dối lớn nhất, hay sự giả dối lớn nhất mà trong đời nhà văn từng gặp. Tôi nghe nói nhiều đến "lời nói dối ngọt ngào" chứ chưa bao giờ nghe "sự lừa dối ngọt ngào cả", Đ/c nghĩ sao?
- Trong trường hợp này cố gái ấy không nói dối và cũng không lừa dối. Tôi cam đoan rằng, khi nói ra câu đó Nàng đã chiết nó ra từ tim, một trái tim chân thật tưởng rằng không thể chân thật hơn được nữa. Khi trở về, mọi sự có khác đi thì đó lại là do hoàn cảnh ngặt nghèo, một hoàn cảnh không phải ai cũng chịu được. Ta thường nói đó là sự thuỷ chung. Chính vì câu nói ấy, một câu nói hết sức gan ruột thì mới đủ sức để làm điểm tựa cho chàng trai đi suốt những cánh rừng.

Đào Quang Minh - Nam 21 tuổi - Hà Nội
- Chào chú!. Thế chú đã bao giờ lừa dối ai chưa?. Là nhà văn nổi tiếng chú đã bao giờ lừa dối độc giả của mình chưa?.
- Đối với độc giả nếu đã lừa dối thì làm sao còn được gọi là nổi tiếng. Nổi tiếng nói gọn lại là sự yêu mến, sự hâm mộ. Nếu lừa họ, dù siêu lừa thì họ cũng nhận ra ngay và lập tức đào hố chôn anh ngay. Vả lại, trong văn chương, sự giả dối chỉ có thể kéo giật tác phẩm xuống mà chìm trong tăm tích. Còn khi nó đã nổi lên rồi, bản thân nó đã chứa đựng sự trung thực.

Dương Tiến Dũng - Nam 30 tuổi - Đà Nẵng
- Có câu ngạn ngữ rằng "thói xấu lúc đầu như một nguời khách qua đuờng, sau thành một nguời ở chung nhà và sau nữa trở thành một ông chủ khó tính " theo Anh việc hình thành tính cách giả dối và nói dối có nằm trong tiến trình trên không?
- Thường là như thế. Mọi sự cái gì cũng có thể quen được cả, kể cả nỗi khổ đau, tuyệt vọng và cái chết. Nhưng, sự giả dối từ vị thế một người khách qua đường rồi biến thành ông chủ thì điều đó, một mặt chứng minh sức mạnh vô biên của thói xấu, một mặt chứng minh sự yếu đuối, cái dễ nhiễm thói xấu của người đời. Câu hỏi của bạn là chủ đề của một cuốn tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết chỉ mang giá trị cảnh tỉnh chứ không bao giờ thoả đáng trong sự trả lời. Buồn nhỉ? Thôi, âu đó cũng là cuộc đời. Ta thử nhắm mắt lại cùng hình dung nhé, 5 tỷ người trên trái đất này mà người nào cũng nói thật như đếm cả, nói thật trong mọi trạng huống tình cảm, tâm lý thì hành tinh này cũng một màu lắm nhỉ?

HUYNH HUU LOC - Nam 24 tuổi - 24A/19 AU CO P14 TANBINH
- Nếu có thể nói dối để người khác tôn trọng mình thì có nên không? Giống như là nói khoác!
- Không có sự nói khoác và nói dối nào để cho nguời khác tôn trọng được mình cả. Nếu người khác có cái tôn trọng ấy thì dứt khoát anh ta mang mầm bệnh trong người.

Tran Thuy Giang - Nam 35 tuổi - 45 Ba Dinh - Da nang
- Chào anh, tôi cảm thấy hình như ngày nay có nhiều người nói dối hơn những năm tháng chiến tranh, gian khổ. Tôi nhận thấy bệnh nói dối nhiều nhất thường xuất phát từ căn bệnh trầm kha "Thành tích", "Tham nhũng", "Cửa quyền"... Theo anh có cách gì để giảm bớt không? Nếu cứ đà này thì còn biết tin ai nữa, chỗ nào cũng toàn "quảng cáo".
- Câu hỏi của bạn ảm đạm quá! Ảm đạm như chính đầu óc tôi hiện giờ. Nhưng tôi lại không cho rằng thời nay nhiều nói dối hơn thời trước, có lẽ thời nào cũng như nhau cả mà nó chỉ thay đổi xống áo cho sự nói dối mà thôi. Nếu trước đây, sự nói dối được nguỵ trang kín đáo thì bây giờ có thể ngang nhiên hơn. Còn 3 căn bệnh bạn nói, xin lỗi nó lại hoàn toàn nằm ở một khía cạnh khác, một khía cạnh mà ta phải có một buổi chuyện trò thật riêng mới thấu đáo được. Tuy nhiên, tham nhũng, cửa quyền... bản thân nó đã chứa sự giả dối rồi. Thậm chí là một sự giả dối độc ác. Hẹn bạn dịp sau.

Giotthuyngan - Nữ 28 tuổi -
- Tôi quen một nguời đàn ông, anh ta đa tình, phóng đãng và quyến rũ hệt như một Don Juan, điều lạ là anh ta chưa bao giờ nói dối hay dấu diếm con nguời thật, những tính xấu của mình, vậy mà phụ nữ vẫn điêu đứng vì say mê anh ta. Vậy, theo nhà văn, điểm chính yếu ở chỗ anh ta quá hấp dẫn hay anh ta quá thành thực? Hay vì phụ nữ chúng tôi nói chung thuờng quá mù quáng trong yêu đuơng?
- Cả ba thành tố đều đúng! Cái nhân vật đàn ông ấy đến tôi cũng thấy hấp dẫn, và nếu tôi là con gái, tôi cũng sẽ mê anh ta bởi vì anh ta biết thành thực, thành thực ngay cả cái xấu của mình. Mà khi anh ta đã bộc lộ hết cái xấu ta thường gọi là "Don Juan" đó mà bạn vẫn mê mẩn thì lại là tại bạn rồi. Mà cũng tại cả anh ta. Song, lại có lẽ chẳng tại ai cả mà tại cái từ trường bí ẩn của tình yêu.

Ở đời người con trai đẹp ở tính cách, người con gái đẹp ở sự nết na và nhan sắc. Anh con trai có tính cách thì dù có đi tù thì cô gái ấy vẫn mê mẩn, chăm chỉ đi thăm nuôi. Còn nếu không có tính cách, tức là không có "mùi" thì... đến ông Trời cũng bỏ. Và cái người đàn ông đa tình mà lại dám nói rằng mình đa tình ấy là một tính cách. Tính cách đàn ông!

A Man - Nam 33 tuổi - Hanoi
- Chào chú!. Chú đã lần nào nói dối để cứu người khác chưa? Và đã lần nào nói dối mà lại được việc chưa?
- Có lẽ trong cuộc đời của một con người không ít lần vì người khác mà ta đã buộc phải nói dối, nhất là trong các mối quan hệ tình cảm. Và tôi cũng không nằm trong ngoại lệ. Chỉ có điều không sao nhớ nổi.

Vũ Thái Sơn - Nam 26 tuổi - Phú Yên
- Chào nhà văn, em nghĩ sử dụng từ "khéo leó" cũng chỉ là ngụy biện cho sự giả dối mà thôi, tình cờ em có đọc một bài báo với đề"Chu Lai - Sợ vợ cũng là một giá trị nghệ thuật", vậy giá trị nghệ thuật đó như thế nào hay cũng chỉ ngụy biện mà thôi?
- Xin cải chính lại, nguyên văn câu nói đó là: ''Sợ vợ cũng là một giá trị đàn ông" chứ không phải là "nghệ thuật". Như vậy, tôi là một kẻ nói thẳng đấy chứ, quá thẳng nữa là khác, chứ có khéo chút nào đâu. Bởi sau bài báo đó, vợ tôi cũng chẳng yêu tôi hơn mà bạn bè thì cứ nhìn tôi như "quân hằn quân thù".

Theo tôi, cái khéo léo gần cái mềm mại hơn là cái giả dối, vì khéo léo bao giờ cũng nằm trên cửa miệng các bà mẹ khi buông lời khen con dâu. Tất nhiên, khéo léo quá, khéo mọi lúc mọi nơi, khéo ngay cả với những trường hợp không thể khéo nổi mà vẫn khéo thì đồng ý với bạn, nó đã bắt đầu chuyển làn sang giả dối rồi. Giống như khôn ngoan không xa sự khôn lỏi bao nhiêu.

Lê Quang Việt - Nam 25 tuổi - Hà Đông, Hà Tây
- Theo chú tác hại lớn nhất của sự giả dối là gì? Làm thế nào để giúp đỡ một người khi họ cảm thấy thế giới xung quanh họ toàn những điều giả dối?
- Sự giả dối có ngàn điều tác hại nhưng cái tác hại ghê ghớm nhất của nó là làm cho con người không còn tin nhau. Giả dối ở một tình bạn, ở một tình yêu... đã là một điều không thể chấp nhận được. Nhưng sự giả dối trong công việc, trong chính trường, trong các quan hệ cộng đồng có thể dẫn đến hiểm họa.

Làm sao lại có thể xung quanh toàn những người giả dối được. Nếu thế thì trái đất này tan rồi. Nếu bị rơi  vào cảm giác đó, tốt nhất bạn hãy ra ngồi một mình trước biển hoặc đi tha thẩn một mình trong nghĩa trang chiều, khi đó đầu óc sẽ thoáng nhẹ hơn và sự chân thật, những tấm tình chân thật sẽ bất chợt hiện về.

Nguyễn Văn Long - Nam 40 tuổi - Vũng Tàu
- Xin chào Nhà văn! chắc là khi nhận đuợc câu hỏi của các bạn gái hâm mộ thì Nhà văn sẽ sung suớng hơn đúng không? Việc Tổng thống Bush tung thông tin rằng chính quyền Sadam Hussen sản xuất vũ khí giết nguời hàng loạt và tổ chức mua vật liệu nguyên tử để rồi tiến đánh IRAQ là hành động giả dối hay nói dối dư luận? theo nhà văn thì sao?
- Tại sao lại nghĩ tôi như thế? Cái gì nhiều quá cũng nhàm. Suốt một ngày phải trò chuyện với phụ nữ quá căng thẳng rồi cứ phải làm duyên làm dáng, cứ phải chọn từ chọn chữ, bây giờ bông được trò chuyện với người cùng giới thì thoải mái lắm chứ! Nào, cái thứ mà gọi là "lý do để tấn công Iraq" đó không còn là giả dối và nói dối nữa, mà đó chính là một thủ đoạn độc ác không chấp nhận được.

Dương Tiến Dũng - Nam 30 tuổi - Đà Nẵng
- Nói dối nhình chung là không tốt, nhưng ca dao lại có câu "Lời nói khong mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", theo anh có một chút gì mâu thuẫn không?.
- Ơ hay, Lựa lời sao lại đồng nghĩa với dối lời được nhỉ? Tôi đảm bảo với bạn trong 10 câu nói thì bạn đã phải sử dụng đến 9 câu lựa lời rồi. Lựa lời ở đây thuộc về phạm vi văn hoá ngôn từ. Ví dụ, một đôi trai gái đang đi trên đường đê vắng bỗng cô gái nói Anh đứng lại đây, em xuống kia, em đi... ấy một cái. Đó là lựa lời, chả lẽ cô gái lại nói thẳng ra à?

Phạm Hoàng Anh - Nam 25 tuổi - Hà nội
- Sao chú không trả lời chaú? Chú cũng đang nói dối phải không ạ ?
- Hoàng Anh ơi, chú chưa kịp trả lời chứ không phải không trả lời. Cũng như người chưa kịp yêu khác và người không yêu khác. Yêu mà bảo không yêu là nói dối. Không yêu mà bảo là yêu còn nói dối nặng hơn. Chú hứa nếu các cô gái VietNamNet xinh đẹp ngồi cạnh chú tìm ra câu hỏi trước của cháu thì chú sẽ trả lời ngay. Khi tìm ra mà lại không trả lời, chú đành cam phận là người nói dối vậy.

huynh thi hanh thu - Nữ 20 tuổi - 62 huynh thuc khang hoi an q nam
- Chao nha van chu lai. Tai sao con trai thuong hay noi doi?
- Cháu lấy cái gì làm bằng để khẳng định con trai nói dối nhiều hơn con gái. Theo chú, hai bên nói dối ngang nhau chỉ khác, con trai nói dối to lên, con gái lại nói dối khẽ xuống, khẽ gần như bằng không. Nói thêm, con gái có một vũ khí nói dối thảm sầu, đấy là ánh mất của họ. Lạ quá! cứ nhìn vào đôi mắt nồng nàn ấy, gã con trai nào cũng nghĩ rằng cô ấy đang yêu mình nhưng rồi nàng không yêu ai cả. Bởi ánh mắt của nàng nồng nàn từ trong bụng mẹ.

TRAN BINH - Nữ 24 tuổi - TP.HCM
- Chao chu! khi hai vo chong không con tinh yeu nua nhung vi con cai ho không li di ma tiep tuc guong ep duy tri mot gia dinh va` lai không biet rang con cai không the song trong khong khi gia dinh bi dau doc nhu the. Ho không sai voi chuan muc dao duc. Nhung nhu the lai phi nhan van boi nhan van la yeu thuong con nguoi va vi hanh phuc con nguoi. Hoa ra ban than dao duc van co'' cho^? cho gia doi.....Xin hoi y kien cua Chu'' a.
- Đọc câu hỏi của Trần Bình, chú bỗng giật mình và cam đoan rằng nửa nhân loại trên trái đất này đều giật mình. Bởi chằng thế mà nhà triết học vĩ đại Anghen đã có cả một cuốn sách viết về gia đình và hôn nhân gia đình. Sống vì con, đấy là bổn phận thần thánh của người làm cha làm mẹ nhưng cũng vì con mà biến nhau thành địa ngục thì lại là không phải là vì con nữa mà là vì sự nhu nhược, lười nhác và độc ác của chính mình. Đứa con lúc ấy chỉ còn là một bình phong rách rưới mà họ mang ra làm phương tiện tránh gió.

Chao ôi! phàm đã động đến chuyện này là động đến tất cả lẽ đời, đến thế giới nhân tình của kiếp người cũng là động đến một nỗi nhức nhối cá nhân, nó sẽ đằng đẵng theo ta đến suốt các thiên niên kỷ sau này. Hai giờ đồng hồ không nói được điều gì hết, nếu nói nữa thì chính tôi cũng sẽ là ngừoi giả dối. Xin chấm dứt ở đây, tạm biệt, hẹn gặp lại các bạn thân yêu!

VietNamNet

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tìm lại hình ảnh người Hà Nội trong văn học nghệ thuật (02/10/2003)
Sôi động ''Tháng Đức tại Việt Nam'' (02/10/2003)
Khai mạc Mekong Festival 2003 (02/10/2003)
Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên đường đi sân bay Nội Bài (02/10/2003)
Câu chuyện 'chết non' của ca khúc (02/10/2003)
Phát hành bộ tem "Du lịch Sapa" (02/10/2003)
Lê Minh Phượng tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2003 (02/10/2003)
Đồng quê trong tranh Đại Đồng (03/11/2003)
Triển lãm đồ đồng phục chế Trung Quốc tại Hà Nội (01/10/2003)
"Duyên xưa" vọng từ quá khứ (01/10/2003)
Album thứ 3 của Ronan sẽ trình làng vào ngày 17/11 tới (01/10/2003)
Sập sân khấu ở Anh, gần 20 người bị thương (01/10/2003)
Ánh sáng ''chân dung tưởng tượng'' làm nên màu sắc (01/10/2003)
Ngày hội cho những người mê sách (01/10/2003)
Cơ hội vàng cho các hoạ sĩ Việt Nam (30/09/2003)
Tro ve dau trang