Câu chuyện 'chết non' của ca khúc
13:59' 02/10/2003 (GMT+7)
Lam Trường - ''ngôi sao'' ca nhạc hiện nay.

(VietNamNet) - Những ca khúc của nền âm nhạc thị trường hiện nay bị coi là "chết non" có phải chỉ là "nhạc trẻ" hay không? Hay tất cả những sản phẩm âm nhạc thị trường đều sẽ "chết non" như vậy? Chúng ta cần minh định các khái niệm để "nhạc trẻ" khỏi mang tiếng oan, và điều quan trọng hơn, cần chấp nhận một thực tế:  Nền kinh tế thị trường không loại trừ các lĩnh vực nghệ thuật vốn xưa này là "tháp ngà", là ngôi đền thiêng của Cái Đẹp.

Bao nhiêu tuổi là "chết non"?

"Chết non" hay "thọ" là khái niệm tương đối. Tuổi thọ sinh học của con người thay đổi từ xứ sở này sang xứ sở khác, từ thời kỳ lịch sử này sang thời kỳ lịch sử khác. Một người Nhật Bản đầu thế kỷ 21 sống đến 50 tuổi có thể coi là chết non, nhưng một người dân Phi châu ở những quốc gia nghèo khó nhất thế giới cùng thời điểm này sống đến 50 tuổi có thể được coi là thọ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam thời nay cũng khác thời xưa.

Vậy chúng ta sẽ lấy tiêu chuẩn nào để nhận xét rằng một ca khúc là "chết non" nếu như chỉ so sánh tuổi thọ của nó với những ca khúc cách đây 5 thập kỷ? Thời thế đã thay đổi, chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử mà tốc độ sống, tốc độ cảm xúc, tốc độ tư duy ngày một nhanh. Những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày cũng bị cuốn vào tốc độ chóng mặt đó. Chúng ta thay đổi thị hiếu, thói quen và nhu cầu theo trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường.

Một chiếc xe máy hay một chiếc điện thoại di động bao lâu sẽ trở thành lạc hậu, lỗi thời? Một tháng, các công ty băng đĩa tung ra thị trường bao nhiêu sản phẩm âm nhạc? Những "ngôi sao" sân khấu ca nhạc mọc và rụng với tần số ngày một chóng mặt, làm sao chúng ta lại đòi hỏi ca khúc phải thọ?

Ông bà ta ngày xưa có thể dùng một cái cối đá giã gạo từ thế hệ này sang thế hệ khác đến mức nó chỉ bị thải bỏ khi đã mòn tận đáy. Còn bây giờ, chúng ta thải một chiếc sơmi không còn hợp mốt ngay khi nó còn mới. Vậy làm sao mà nhà sản xuất lại phải đưa ra thị trường những sản phẩm bền như Elextrolux "50 năm vẫn chạy tốt"? Những sản phẩm hàng chục năm vẫn sử dụng "ngon lành" thường chỉ là ở các xã hội mà nền kinh tế chưa phát triển, cuộc sống còn nghèo nàn, con người còn đặt tiêu chuẩn "ăn chắc mặc bền" lên hàng đầu.

Vậy hãy đặt hiện tượng ca khúc "chết non" vào bối cảnh đó để thấy không chỉ "nhạc trẻ" mà cả "nhạc già" nữa, nếu sinh hạ trong thời điểm này cũng sẽ khó mà thọ được, nó có thể là một ca khúc "già" ngay từ khi chào đời.

Cách đây vài thập kỷ, các ca khúc tiền chiến có một môi trường khác và phải coi giai đoạn đầu của nền tân nhạc Việt Nam với Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước... là "thời đồ đá" của nền sản xuất âm nhạc. Cho đến nay, những thính giả trung thành của loại âm nhạc đó vẫn là các thế hệ "lão thành", và không thể coi hiện tượng các ca khúc tiền chiến sống đến tận đầu thế kỷ 21 là "thọ".

Một hiện tượng khác, các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như là một biểu hiện của tuổi thọ khi cũng có không ít những thính giả mê nhạc Trịnh Công Sơn thuộc thế hệ trẻ. Những lời du ca buồn bã về thân phận và tình yêu của Trịnh Công Sơn phản ánh tâm trạng con người trong và sau chiến tranh giống  như một thứ hoa lâu tàn, nhưng giờ đây cũng đã bắt đầu lùi vào ký ức. Có thể coi hiện tượng này như một tàn dư của văn hoá tiền - thị - trường, khi mà quan niệm thẩm mỹ của thế hệ bây giờ đang tuổi trung niên vẫn chiếm thị phần không nhỏ trong đời sống âm nhạc. Và ngay thế hệ trẻ cũng có cũng có không ít người chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm thẩm mỹ của cha anh.

Một ví dụ khác về thị phần âm nhạc: Rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang khai thác "thâm canh" những hoài niệm Hà Nội của những người Hà Nội xa quê hương và cả những người yêu Hà Nội, luyến tiếc một Hà Nội của dĩ vãng. Nhưng rõ ràng, những cảm xúc "nostalgic" như thế không thuộc về thế hệ trẻ và không có trong nhạc trẻ.

Tại sao ca khúc "chết non"?

Thế hệ trẻ hiện nay - công chúng của nhạc trẻ - là sản phẩm của nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ và hơn nữa, là sản phẩm của thời đại thông tin. Chỉ trong một thời gian rất ngắn gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự hội nhập quốc tế, chúng ta thấy  tivi, cassette, CD, VDC, DVD... và "phần mềm" kèm theo là sản phẩm âm nhạc phương Tây tràn ngập thị trường tới mức làm bão hoà các kênh nghe - nhìn.

Nền âm nhạc Việt Nam cũng bị cuốn vào cơn lốc đó. Không thể trách công chúng, cũng không thể trách các nhạc sĩ trẻ. Nếu chúng ta có một nền điện ảnh tràn ngập loại phim "mì ăn liền", một nền hội hoạ toàn những tranh "souvenir" thì sao lại không có một nền âm nhạc toàn những ca khúc thương mại có tuổi thọ ngắn ngủi?

Nhiều ý kiến cho rằng ca khúc trẻ "chết non" vì được sáng tác vội vã, cẩu thả với tay nghề kém cỏi và tư duy cũ mòn, và chúng ta đòi hỏi các nhạc sĩ phải sâu sắc trong sáng tạo, phải tâm huyết, phải đầu tư công sức cho những sản phẩm "hàng chợ"!

Trên thị trường âm nhạc, các nhạc sĩ là người sản xuất, ca khúc là hàng hoá. Vậy tại sao lại đo lường tuổi thọ của thứ hàng hoá chỉ nhằm tới một nhu cầu tiêu dùng hết sức phù du? Các ca khúc trẻ hiện nay có thể "chết non", có thể chỉ là "hàng chợ", nhưng rõ ràng thuộc một chủng loại khác so với các ca khúc tiền chiến hay ca khúc truyền thống cách mạng. Nhất là không thể so sánh với nhạc cổ điển hay dân ca vì sự so sánh ấy là hết sức vô lý, què quặt.

Một dẫn chứng khác có thể đưa ra để tô đậm tình trạng khủng hoảng các chuẩn mực thẩm mỹ hiện nay là nhạc giao hưởng Việt Nam. Dẫn chứng này có thể làm nhiều người cảm thấy bất an. Một tác phẩm khí nhạc công phu như Bản giao hưởng số 8 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam vừa được công diễn gần đây chẳng hạn, bạn nghĩ rằng nó sẽ "thọ" bao lâu? Hay nó cũng "chết non" như các ca khúc thị trường? Có người nói rằng, những tác phẩm như thế không phải là "chết non" mà là nó chưa hề được sống! Nếu chỉ công diễn trước một cử toạ vài chục người rồi chìm vào im lặng, không được quảng bá, không có CD bán ra thị trường và chắc là khó có lần công diễn lại, thì tuổi thọ của nó là bao nhiêu?

Liệu chúng ta sẽ chờ đợi bao lâu để thời kỳ "nhiễu nhương" này qua đi, để ngày nào đó công chúng sẽ lại nô nức đến nhà hát nghe các tác phẩm khí nhạc tương tự như Bản giao hưởng số 8? Và hơn nữa, công chúng  thưởng thức các tác phẩm khí nhạc sâu sắc và công phu của các nhạc sĩ Việt Nam như thế nào? Những tác phẩm thuộc loại "không ăn liền" như thế có tuổi thọ là bao nhiêu?

Chúng ta hãy khách quan nhìn nhận thực trạng đáng buồn của nền âm nhạc Việt Nam, rồi từ đó có cách đánh giá công bằng hơn với ca khúc nhạc trẻ hiện nay. Ừ thì nó "sến", nó lai căng, nó hời hợt, thậm chí ngô nghê (chỉ cần trích dẫn một số ca từ nhạc trẻ là bạn sẽ không thể không đồng ý với những nhận xét nặng nề như vậy), nhưng có cầu ắt có cung. Chúng ta đã làm gì để đào luyện thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng trẻ? Chúng ta đã cung cấp cho công chúng trẻ những thực đơn tinh thần nào trong mấy chục năm qua để rồi bây giờ kêu rằng thế hệ trẻ hụt hẫng về thẩm mỹ, lệch lạc về thị hiếu?

Tìm câu trả lời cũng không khó. Cũng giống như khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, vào AFTA rồi vào WTO, ở một sân chơi rộng lớn và cạnh tranh ác liệt, sẽ rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị nuốt chửng, bị "chết non". Đó là vì chúng ta không chuẩn bị đủ cho cuộc chơi lớn ấy khi mà hội nhập là điều không tránh khỏi. Nền âm nhạc Việt Nam cũng đang chới với khi chúng ta mở rộng cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

Không thể "bao cấp âm nhạc" mãi cho công chúng và cũng không thể phủ nhận thực tế: Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật cao quý nhưng đồng thời là một qui trình sản xuất và là một thị trường. Các nhà sản xuất (kể cả nhạc sĩ sáng tác) và người tiêu dùng là công chúng cũng phải thích ứng với các quy luật của thị trường.

Bạn sẽ thắc mắc là tại các quốc gia khác, tình hình có như vậy không? Chắc chắn là ở những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương đương với chúng ta, tình hình cũng y hệt. Đây là một cuộc khủng hoảng tất yếu, chỉ có thời gian và những nỗ lực chung của toàn xã hội - trong đó có các nhạc sĩ và những người làm công tác quản lý - mới có thể khắc phục dần những yếu kém, bệnh hoạn buổi giao thời.

Những ca khúc "chết non" - hãy cứ để chúng được "chết non" vì chúng thuộc một chủng loại yểu mệnh và chúng cũng không có nghĩa vụ phải sống lâu dài để phục vụ một công chúng mà thị hiếu thẩm mỹ chao đảo, ngơ ngác như hiện nay.

Trên thảm lá rụng dày đặc ấy sẽ mọc lên một cánh rừng mới. Những di sản của quá khứ sẽ không mất đi - các nhạc sĩ "lão thành" cũng không cần phải lo lắng về tài sản tinh thần thế hệ trước để lại - cũng như những đặc trưng văn hoá của cộng đồng sẽ được thế hệ trẻ kế thừa trong một khung cảnh mới, với những chuẩn mực thẩm mỹ mới. Sẽ đến ngày các ca khúc không "chết non" nữa nhưng chắc chắn sẽ là thế hệ ca khúc khác - những ca khúc của tương lai - chứ không phải những ca khúc thị trường mà chúng ta đang phải nghe.

  • Nguyễn Văn 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát hành bộ tem "Du lịch Sapa" (02/10/2003)
Lê Minh Phượng tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2003 (02/10/2003)
Đồng quê trong tranh Đại Đồng (03/11/2003)
Triển lãm đồ đồng phục chế Trung Quốc tại Hà Nội (01/10/2003)
"Duyên xưa" vọng từ quá khứ (01/10/2003)
Album thứ 3 của Ronan sẽ trình làng vào ngày 17/11 tới (01/10/2003)
Sập sân khấu ở Anh, gần 20 người bị thương (01/10/2003)
Ánh sáng ''chân dung tưởng tượng'' làm nên màu sắc (01/10/2003)
Ngày hội cho những người mê sách (01/10/2003)
Cơ hội vàng cho các hoạ sĩ Việt Nam (30/09/2003)
''Nét đẹp thoáng qua'' đoạt giải nhất “Cảm xúc Hà Nội 2003” (30/09/2003)
"Gặp gỡ Hà Nội 2003" - điểm hẹn của Ngũ tấu kèn quốc tế (30/09/2003)
Việt Nam tham gia Diễn đàn văn hóa châu Á (30/09/2003)
"The Rundown" - "ma mới bắt nạt ma cũ" (29/09/2003)
Múa Việt Nam sẽ khoe sắc ở Malaysia (29/09/2003)
Tro ve dau trang