Trên 21.000 tỷ đồng được cam kết đầu tư vào Thanh Hóa
19:19' 26/06/2003 (GMT+7)

Công ty Xi măng Nghi Sơn, Thanh Hoá.

(VietNamNet) - 28 dự án với tổng số vốn 21.117 tỷ đồng đã được 10 doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Thanh Hóa, nhân Hội thảo "Thanh Hóa-Cơ hội đầu tư và kinh doanh" diễn ra hôm qua (25/6). Trong đó, đáng kể nhất là 3 dự án tổng trị giá 15.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) của công ty xi măng Nghi Sơn.

Tuy nhiên, ông Lê Khả Đấu, Giám đốc Sở Thương mại Thanh Hóa cho biết, công ty xi măng Nghi Sơn sẽ còn phải báo cáo với Hội đồng quản trị để thông qua ba dự án này, gồm dự án mở rộng nhà máy xi măng giai đoạn 2 và xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Tổng công ty Sông Đà cũng cam kết sẽ đầu tư 4.197 tỷ đồng với 7 dự án về xây dựng khu đô thị mới, nhà văn hóa Hàm Rồng, khu du lịch sinh thái, sản xuất đá xây dựng, công trình thủy lợi.

Tại Hội thảo, ông Đấu đã nêu bật: "Thanh Hóa có 10 cái nhất về ưu đãi". Đó là doanh nghiệp được hưởng giá thuê đất thấp nhất; được hưởng 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho những dự án đầu tư thuộc khu vực 3, giảm 70% đối với khu vực 2 và 50% đối với khu vực 1; doanh nghiệp được hỗ trợ lại 100% số thuế thu nhập đã nộp trong 3 năm đầu và 50% cho 4 năm tiếp theo đối với khu vực 1, 5 năm đầu và 6 năm tiếp theo đối với khu vực 2, 7 năm đầu và 10 năm tiếp theo đối với khu vực 3; doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng mới, thị trường mới đạt giá trị 50.000 USD trở lên sẽ được thưởng 1% trên trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó...

Theo số liệu được đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố tại đây, đến nay Thanh Hóa mới thu hút được 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 443 triệu USD, vốn thực hiện 394 triệu. Thanh Hóa hiện xếp thứ 11 trong 61 tỉnh thành cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Để cải thiện môi trường đầu tư, Thanh Hóa còn cả một chặng đường dài. Dù có "10 cái nhất về ưu đãi", tỉnh vẫn nhận được rất nhiều kiến nghị từ phía các doanh nghiệp. Khi phát biểu tại Hội thảo và trao đổi riêng với phóng viên VietNamNet, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, Thanh Hóa phải xây dựng một cơ chế thông thoáng cho lĩnh vực đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xin thủ tục dự án, tăng tính minh bạch trong cung cấp thông tin...

Theo góp ý của ông Tổng Giám đốc Tổng công ty VINACONEX, Thanh Hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Sở, ban ngành và các huyện; cần xây dựng và ban hành một cơ chế ưu đãi đầu tư công khai, rõ ràng, đặc biệt là chính sách về đất đai, đầu tư phát triển đô thị...

Ông cũng đưa ra đề xuất, các vị lãnh đạo cơ sở (quận, huyện) cũng nên có theo bước lãnh đạo cao nhất của tỉnh là tổ chức những buổi tiếp xúc trực tiếp, sẵn sàng nghe và chỉ đạo giải quyết ngay các vướng mắc, nguyện vọng của nhà đầu tư. Theo ông, "có như vậy hoạt động đầu tư mới có thể sớm được thúc đẩy".

Đại diện cho các tổ chức nước ngoài, bà Amanda Carlier, chuyên viên của Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho rằng, Thanh Hóa cần giảm thiểu các phiền hà đối với doanh nghiệp. Bà cho biết, theo một nghiên cứu gần đây của WB, trung bình một doanh nghiệp ở Thanh Hóa một năm mất 26 ngày đi làm việc trực tiếp và chính thức với cơ quan chức năng. Đó là chưa kể thời gian "không chính thức" và "bán chính thức".

Thanh Hóa còn có một điểm yếu nữa là nguồn nhân lực rất dồi dào với 3,5 triệu dân nhưng chất lượng tay nghề lại không cao. Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Thế Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, để chuẩn bị dự án lọc dầu số 2 tại Nghi Sơn, tỉnh sẽ phải tổ chức nhiều khóa đào tạo tay nghề cho người dân, còn nhân sự cao cấp thì đành dựa vào Tổng công ty Dầu khí.

Dù vậy, cùng với sự quyết liệt và quyết tâm của các lãnh đạo cao nhất và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, với những đường hướng đúng đắn, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn được xây dựng trong những năm tới sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh.

  • Đ.H
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
DN được hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (26/06/2003)
''Chưa biết bao giờ cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trở lại'' (26/06/2003)
''Loạn'' thu hút đầu tư (26/06/2003)
Quy mô dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng (26/06/2003)
Cước truy cập Internet tốc độ cao ADSL không quá 1 triệu đồng/tháng (26/06/2003)
Kết luận bước đầu là cá chim trắng (26/06/2003)
Cấp thêm E/C cho các lô hàng dệt may nhỏ cần xuất gấp sang Mỹ (26/06/2003)
Mua bất động sản ở Mỹ: Chưa tìm ra khu Diamond Star! (26/06/2003)
VASEP tiếp tục phát hành Sách trắng phản đối DOC (26/06/2003)
Nhập siêu vượt ngưỡng, xuất khẩu có dấu hiệu chững (25/06/2003)
Tháng 7, sẽ có hội thảo chuyên đề về cá chim trắng (25/06/2003)
Nha Trang hẹn gặp tháng 8 (25/06/2003)
Công ty TNHH Bắc Sơn đã chiếm đoạt, nợ thuế như thế nào? (25/06/2003)
Thị trường di động: Cuộc đua mới của các nhà cung cấp dịch vụ (25/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang