Thị trường di động: Cuộc đua mới của các nhà cung cấp dịch vụ
14:55' 25/06/2003 (GMT+7)

Người tiêu dùng sẽ được lợi nhờ giá cả cạnh tranh.

(VietNamNet) - Cho đến thời điểm này, mặc dù GPC và VMS vẫn giữ những vị trí hàng đầu trên thị trường di động toàn quốc (Vinaphone 1.350.000 thuê bao, MobiFone khoảng 850.000 thuê bao), nhưng việc mở cửa thị trường viễn thông đã khiến hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông này chuyển mình để phù hợp với thời cuộc.

Cánh cửa thị trường rộng mở...

Với số dân trên 80 triệu người, tiềm năng của thị trường cung cấp dịch vụ điện thoại di động Việt Nam rất lớn. Để làm chủ được những miếng bánh thị phần ngọt ngào, các nhà cung cấp đang phải chạy đua lấy lòng khách hàng.

Việt Nam hiện có 6 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động cấp phép gồm GPC, VMS (đều thuộc VNPT), Vietel, ETC, SPT, Hanoi Telecomp. Trong đó, GPC và VMS đang cung cấp dịch vụ di động Vinaphone và MobiFone sử dụng công nghệ GSM. Saigon Postel tháng 7 tới mới nhập cuộc với mạng S-phone sử dụng công nghệ CDMA, còn Vietel cũng đang chuẩn bị tham gia cuộc đua vào cuối năm nay.

Trong cuộc tranh tài đó, việc cạnh tranh bằng giá cả được loại ngay từ đầu bởi các doanh nghiệp chưa được quyền quyết định. Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ là cơ quan cân đối giá thành giữa các dịch vụ, vì vậy sẽ không thể có mức giá chênh lệnh giữa các dịch vụ di động toàn quốc.

Các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ CDMA cũng sẽ phải chấp nhận mức giá tương đương với công nghệ GSM.

Vì vậy, các doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc cạnh tranh bằng công nghệ cao, chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, bổ sung những chiêu thức khuyến mãi, hậu mãi phong phú.

Xác định rõ đối tượng khách hàng cũng là một khâu quan trọng. Một ví dụ là Cityphone, dịch vụ mới do Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) cung cấp tại Hà Nội và TP.HCM. Với lượng thuê bao đạt 2,2 triệu máy di động GSM, cùng 10.000 thuê bao di động nội vùng, dịch vụ này chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng là người có nhu thập thấp như sinh viên, học sinh, viên chức và những người không có nhu cầu ra khỏi nội thị.

Cạnh tranh bằng công nghệ và chất lượng

Dù đến tháng 7 này Saigon Postel mới cung cấp dịch vụ di động, nhưng GPC và VMS đã đón đầu bằng cách tung ra một loạt dịch vụ mới như Mobiplay, Vinatext... chủ yếu nhắm vào đối tượng có nhu cầu sử dụng điện thoại di động, nhưng chỉ để nghe và nhắn tin. 

Trước đối thủ nặng ký nhất là Saigon Postel với mạng S-phone sử dụng công nghệ CDMA, hứa hẹn mang đến tốc độ truyền tải dữ liệu với tốc độ cao, truy cập Internet, xem phim, ca nhạc và hạn chế đến mức thấp nhất việc gián đoạn cuộc gọi, tăng cường chế độ bảo mật thông tin, tiết kiệm năng lượng giúp tăng thời gian thoại của pin... thì Vinaphone và MobiFone cũng đã đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lên công nghệ GPRS.

GPRS phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin di động GMS cho phép truyền dữ liệu nhanh, hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin di động thế hệ thứ ba (3G). Khách hàng có thể nhắn tin đa phương tiện (MMS), gửi e-mail, và đặc biệt là truy cập Internet tốc độ cao với cước phí theo lưu lượng dữ liệu, tiếp cận các dịch vụ như giao dịch thương mại, chứng khoán, giao thông, chat trực tuyến... một cách hiệu quả.

Về phía Saigon Postel, mặc dù chưa chính thức cung cấp dịch vụ trên thị trường nhưng cũng đã đề nghị các cửa hàng di động nhận làm đại lý với mức hoa hồng ưu đãi. Có nguồn tin còn cho rằng, có thể Saigon Postel sẽ chấp nhận đổi thiết bị đầu cuối GSM sang CDMA cho khách hàng có nhu cầu dùng mạng CDMA, và biết đâu được nếu điều đó xảy ra, thì ai dám chắc là mạng CDMA có thể sẽ còn vượt xa mức 200.000 thuê bao vào cuối năm nay như dự đoán của Saigon Postel.

Xét cho cùng, cuộc đua này đang tạo thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước trên đà hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Người dùng sẽ được hưởng lợi

Việc có nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động sẽ tạo cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Họ sẽ được quyền chọn một nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất với giá thành hợp lý nhất và phù hợp với nhu cầu của họ nhất. 

Các nhà cung cấp dịch vụ di động GPC và VMS, đứng trước một thị trường cạnh tranh cao như vậy, cũng sẽ cải tiến chất lượng mạng lưới, tăng cường các dịch vụ giá trị gia tăng và chế độ chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, sẽ có một số đợt giảm giá viễn thông trong thời gian tới nhằm thu hút khách hàng.

  • Ngọc Lý

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Diện tích giảm, vụ đông xuân vẫn được mùa (25/06/2003)
Tất cả DN kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới đều vi phạm (25/06/2003)
Thiếu giống cây rừng có giá trị kinh tế (25/06/2003)
Sản phẩm công nghiệp tăng 15,7 % trong 6 tháng đầu năm (25/06/2003)
Cục Sở hữu trí tuệ không cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá (25/06/2003)
Tiếp tục hỗ trợ dịch vụ công cho nông dân Việt Nam (25/06/2003)
Từ 1/7, tổng kiểm tra các cây xăng trên cả nước (25/06/2003)
Cá tra, basa Việt Nam có thể vào Australia (24/06/2003)
Mở đường bay thẳng Hà Nội - Paris (24/06/2003)
ASOCIO ICT Summit 2003: Cơ hội số cho mọi người (24/06/2003)
Vốn chờ công trình ở Thừa Thiên-Huế (24/06/2003)
DOC đã sử dụng 4 yếu tố bất hợp lý (24/06/2003)
Sẽ thu hồi đất nông, lâm trường sử dụng sai mục đích (24/06/2003)
Sở hữu tài sản không đảm bảo visa du học (24/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang