221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1131975
Các PMU vẫn tiêu tiền vô tội vạ
1
Article
null
Các PMU vẫn tiêu tiền vô tội vạ
,

 - Kiểm toán việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản của các ban Quản lý dự án (QLDA) cho thấy, các Ban này chi tiêu lãng phí tiền tỷ vào việc mua thiết bị, máy móc rồi đắp chiếu. Hàng trăm ôtô, xe máy mua vượt chuẩn, sử dụng sai mục đích phải kiến nghị thu hồi.

Từ 8/7 đến 31/8/2008, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm tra việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản của các Ban QLDA thuộc 4 bộ (NN-PTNT, Y tế, GTVT, GD-ĐT) và 4 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Ninh Bình) theo Chỉ thị 17 ngày 25/7/2007 của Thủ tướng CP.

Hàng chục chiếc ôtô đã được đưa ra bán đấu giá sau vụ việc liên quan đến Ban quản lý dự án 18 (Bộ GTVT). nh tienphong.vn

Chơi sang, tiêu tiền vô tội vạ

Kết quả kiểm toán cho thấy, sẵn có tiền trong tay, các ban QLDA của 4 bộ và 4 địa phương trên đã mua sắm tài sản, thiết bị làm việc vượt tiêu chuẩn, sai mục đích 95,3 tỷ đồng.

Trong đó, các ban QLDA đã "vung tay" mua nhà, đất hơn 9,4 tỷ đồng, xây dựng vượt tiêu chuẩn 4,5 tỷ đồng. Ôtô và phương tiện đi lại mà các ban đặc biệt chú trọng nên đã "ngốn" tới 53,5 tỷ đồng ngoài danh mục cho phép để mua sắm. Cụ thể, 1 tàu trục thả phao 2 tấn, tàu công tác không đúng nguồn (8,7 tỷ); 73 ôtô vượt chuẩn (32,9 tỷ) và 16 chiếc không có trong hợp đồng tư vấn giám sát (7,6 tỷ); mua160 xe máy ngoài chế độ trang bị cho cán bộ (4,3 tỷ)...

Hình như các ban QLDA thích "xài sang" nên không do dự khi chi tới 17,9 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị làm việc cao hơn tiêu chuẩn chế độ, sai mục đích đối tượng, như: máy tính xách tay 61 chiếc, giá trị 1,3 tỷ; điện thoại di động 26 chiếc, giá trị 172 triệu đồng (trung bình 6,6 triệu đồng/chiếc)...

Ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, dẫn chứng thực tế đáng lo ngại, một số tiền lớn được các ban QLDA này bỏ ra mua máy móc, thiết bị đắt đỏ rồi đắp chiếu, hoặc sử dụng sai mục đích.

Điển hình là các trang thiết bị y tế, sau khi đưa về các bệnh viện mà không sử dụng được, hay bị hỏng ngay từ khi bàn giao lắp đặt, như 7 thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Thủy (688 triệu đồng), 10 thiết bị Bệnh viện Đa khoa Tam Nông (618 triệu đồng), 14 thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa Bình Xuyên (533 triệu đồng)...  thuộc Ban QLDA Y tế nông thôn; 7 thiết bị, 1.725 xe đạp cho Trung tâm Y tế Vĩnh Yên trị giá hơn 1,4 tỷ đồng (Ban Quỹ toàn cần phòng chống sốt rét)...

Tính đến năm 2008, các ban QLDA thuộc 32 bộ, ngành và 56 tỉnh đang quản lý và mua sắm tổng tài sản 2.366 tỷ đồng. Đây là tài sản công, được hình thành từ các nguồn kinh phí của NSNN. Song, có tới 27/39 bộ, ngành và 37/64 địa phương, 12/19 tổng công ty chậm trễ, chưa tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng CP tại Chỉ thị 17 ngày 25/7/2007 gửi Bộ Tài chính trước 30/9/2007.

Kể cả các bộ, ngành địa phương có báo cáo thì cũng có sai sót, điển hình như Bộ NN-PTNT phản ánh thiếu một số tài sản tương ứng số tiền hơn 5 tỷ đồng, Bộ GD-ĐT thiếu 3,4 tỷ đồng.

Thậm chí, với lý do "lãng xẹt" là không có chỗ lắp đặt, nhiều thiết bị vẫn đang hoen gỉ dần trong kho, gây tốn kém, lãng phí tiền của Nhà nước như 2 máy trợ thở, 1 máy xét nghiệm sinh hoá ở Bệnh viện Đa khoa Tam Nông (324 triệu đồng); 1 máy siêu âm đen trắng, 1 máy trợ thở ở Bệnh viện Đa khoa Cẩm Khê (368 triệu đồng)... Chưa kể, có thiết bị tồn kho đã 4 năm nay do không biết cách sử dụng.

Mua về rồi sử dụng không hết, tiện thể, các ban QLDA còn "vô tư" đi mượn và cho mượn ôtô, máy móc, thiết bị, điển hình như Ban QLDA của Bộ NN-PTNT cho Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng mượn 1 xe, cho Văn phòng Bộ dùng nhờ 1 xe...

Kiến nghị thu hồi 29 ôtô

Theo Kiểm toán Nhà nước, do các ban QLDA sử dụng nguồn vốn ODA hoặc vốn viện trợ nước ngoài thực hiện theo quy định của Hiệp định được ký kết nên các ban đều "tranh thủ" mua sắm trang thiết bị, tài sản, phương tiện làm việc vượt tiêu chuẩn.

Trong khi đó, ODA thực chất là nguồn vốn NSNN vay nước ngoài để đầu tư phát triển mà Chính phủ vay và phải trả nợ. Rõ ràng là việc sử dụng nguồn vốn này đang rất lãng phí và làm giảm hiệu quả của dự án.

Do vậy, KTNN cho rằng có tới 156 xe ôtô, 159 xe máy, 1 tàu công tác cần phải xử lý.

Trong đó, KTNN đề nghị Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi 29 xe ôtô để xử lý, gồm 23 xe của Bộ NN-PTNT điều chuyển không đúng thẩm quyền (dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn); 5 xe của Bộ GTVT (3 xe do Bộ quyết định điều chuyển nhưng không có văn bản của Bộ Tài chính, 2 xe do Cục Đường bộ điều chuyển cho các công ty quản lý và sửa chữa đường bộ, sau lại trả về Ban QLDA đường bộ II khi chưa có ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Tài chính); 1 xe của Bộ Y tế (Dự án chăm sóc sức khoẻ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên) điều chuyển xe cho Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng mượn.

Ngoài ra, cần kiểm tra tính pháp lý hồ sơ 70 xe ôtô do Bộ GTVT quyết định điều chuyển trên cơ sở công văn của Bộ Tài chính mà không có quyết định cụ thể.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi 1 tàu công tác loại S1 mà Công ty Quản lý và sửa chữa giao thông thuỷ bộ Nghệ An đang sử dụng, do Cục Đường sông điều chuyển không đúng thẩm quyền, để xử lý theo đúng quy định.

Các ban QLDA phải báo cáo các Bộ để xử lý 57 xe ôtô theo chế độ. Cụ thể, Ban Quản lý các dự án 18 báo cáo Bộ GTVT xử lý 34 xe, bán đấu giá hoặc điều chuyển 24 xe; Ban QLDA Biển Đông báo cáo Bộ GTVT xử lý 1 xe của dự án cầu Yên Lệnh; Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, Ban QLDA Cục Lâm nghiệp tổng hợp và báo cáo Bộ NN-PTNT xử lý các tài sản của dự án đã kết thúc nhưng chưa xử lý 22 xe ôtô.

Số 157 xe máy của các dự án đã kết thúc cần tiến hành bán đấu giá, thu hồi nộp tiền vào NSNN, gồm Ban Quản lý các dự án 18 (Bộ GTVT) 100 xe và Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) 57 xe.

Tổng số tiền thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước tại các ban QLDA là trên 1,8 tỷ đồng.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,