221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1253384
Chất lượng đại học: Bộ tiêu chuẩn kiểm định chưa chuẩn
1
Article
null
Chất lượng đại học: Bộ tiêu chuẩn kiểm định chưa chuẩn
,

 - Liệu hình ảnh chất lượng của các trường có hiển thị chính xác nhờ những "liều thuốc thử" mà các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hiện hành đã “pha chế”?

Kỳ 1: ’Đo’ chất lượng đại học bằng ’thước cao su’?

 

Mô tả ảnh.
Ảnh: Phạm Hải.
  Kỳ 2:  

 Kiểm định chất lượng ĐH Việt Nam: Tiêu chuẩn đã chuẩn chưa?

61 tiêu chí kiểm định hiện hành bao quát hầu như tất cả các lĩnh vực của một trường đại học, cụ thể là: sứ mạng và mục tiêu giáo dục (tiêu chuẩn 1); tổ chức, cơ cấu quản lý và đội ngũ nhân lực (tiêu chuẩn 2, 5); chương trình giáo dục và hoạt động đào tạo (tiêu chuẩn 3, 4); người học (tiêu chuẩn 6); hoạt động học thuật và ứng dụng khoa học (tiêu chuẩn 7); quan hệ quốc tế (tiêu chuẩn 8); cơ sở vật chất và tài chính (tiêu chuẩn 9, 10).

Nếu so sánh với quốc tế, có thể nhận thấy, Việt Nam sử dụng đến 10 tiêu chuẩn kiểm định, trong khi nhiều nước chỉ sử dụng khoảng phân nửa số này. Nếu nhìn vào số tiêu chí tình hình còn cách biệt hơn nữa. Nhiều nước chỉ sử dụng khoảng 20-25 tiêu chí mà thôi.

Vậy là thoạt nhìn, tiêu chuẩn tiêu chí đánh giá kiểm định của chúng ta có vẻ rất đầy đủ và chi tiết.

Vậy mà trong thực tế sử dụng bộ tiêu chuẩn ấy để đánh giá kiểm định chất lượng các trường đại học, dường như kết quả đánh giá lại không đủ tin cậy.

Tính liên quan

Vấn đề đáng nói đầu tiên là tính liên quan của các tiêu chí.

Nhìn vào 61 tiêu chí hiện hành, có thể nhận ra không ít các tiêu chí ít liên quan đến vấn đề chất lượng của một trường đại học.

Đơn cử, tiêu chí về tổ chức quản lý yêu cầu trường đại học phải “có hệ thống văn bản để tổ chức, quản lý một cách có hiệu quả các hoạt động của nhà trường” (tiêu chí 2.2) có thể khiến chúng ta phải “ngạc nhiên” vì tư duy của bộ tiêu chuẩn về yêu cầu đảm bảo chất lượng của trường đại học.

Chẳng lẽ, trường đại học – nơi quy tụ các nhà trí thức được học hành bài bản của xã hội – lại có thể là nơi tổ chức, quản lý không có văn bản rõ ràng đến nỗi phải đưa ra yêu cầu về tài liệu quản lý làm tiêu chuẩn để xác nhận chất lượng giáo dục?

Một yêu cầu như thế, lẽ ra, chỉ là yêu cầu tối thiểu để xem xét việc duy trì hay giải thể trường đại học, chứ không thể là tiêu chuẩn của chất lượng giáo dục.

Thậm chí, có tiêu chí còn xét đến hoạt động của tổ chức đoàn thể trong nhà trường, đến việc phân công phân nhiệm trong nhà trường,…

Chúng ta có thể phải tiếp tục “giật mình” với khoảng 20% số tiêu chí kiểu như thế trong bộ tiêu chuẩn hiện hành. Khó lòng để nói các chuyên gia của chúng ta không hiểu việc này, nhất là phần lớn những chuyên gia góp phần xây dựng bộ tiêu chuẩn này là những người đã qua du học.

Sự đồng đều

Một điểm khác để bàn là sự đồng đều giữa các tiêu chí. Mỗi tiêu chí được hiểu là phải đề cập đến một yêu cầu cụ thể nào đó của “bài toán” chất lượng giáo dục.

Nhưng thực tế bộ tiêu chuẩn hiện hành cho thấy, có những tiêu chí đặt ra hàng chục yêu cầu phức tạp, thậm chí “bất khả thi”, ngược lại có những tiêu chí chỉ yêu cầu một điều gì đó rất đơn giản.

Có tiêu chí chỉ yêu cầu trường đại học thực hiện một thứ công việc hoàn toàn mang tính kỹ thuật như “thực hiện đầy đủ chế độ định kỳ báo cáo cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý về các hoạt động và lưu trữ đầy đủ các báo cáo của nhà trường” (tiêu chí 2.7).

Trong khi đó, có tiêu chí lại đòi hỏi trường đại học phải đối mặt với hàng loạt các yêu cầu phức tạp như “chương trình giáo dục có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động” (tiêu chí 3.2).

Không bàn đến độ khó của các tiêu chí, chỉ tính riêng chuyện chênh lệch giữa các tiêu chí định lượng về kỹ thuật với các tiêu chí định tính về giá trị đã cho thấy bộ tiêu chuẩn thiếu tính nhất quán.

Lại có tiêu chí buộc các trường đại học đối mặt với một yêu cầu “bất khả thi” kiểu như: “đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không ít hơn kinh phí của trường đại học dành cho các hoạt động này” (tiêu chí 7.5).

Chúng ta đang mong đợi các hiệu quả thực tế từ các chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của giới đại học, nhưng không thể vì thế mà có một đòi hỏi vô lý là nghiên cứu khoa học phải có “lời” bằng tiền.

“Lời” của hoạt động nghiên cứu khoa học là một thứ “siêu lời”, không thể đếm theo kiểu đếm tiền, và có khi phải đến vài chục năm sau mới thấy được cái “lời” ấy.

Nhiều sản phẩm điện tử viễn thông hiện đại ngày nay là cái “lời” từ vốn đầu tư khoa học của vài chục năm trước. Cho nên không thể tư duy về hiệu quả và giá trị của hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ một cách đơn giản theo kiểu vừa nêu.

Không chuẩn

Vấn đề thứ ba là các thuật ngữ trong bộ tiêu chuẩn được sử dụng không có chỉ dẫn và có khi không chuẩn.

Bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ở cấp quốc gia mà lại có thể chấp nhận những thuật ngữ và diễn giải không chuẩn kiểu như “có thư viện điện tử được nối mạng” (tiêu chí 9.1), “có đủ số phòng học, giảng đường lớn” (tiêu chí 9.2).

Dẫu có thể đây chỉ là những lỗi kỹ thuật nho nhỏ, nhưng việc chúng có mặt trong bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học của quốc gia có thể làm cho chúng ta cảm thấy không an lòng.

Thêm nữa, nhiều thuật ngữ không được chỉ dẫn để đảm bảo tính nhất quán khi thực hiện đánh giá.

Tiêu chí 3.4 yêu cầu chương trình giáo dục đại học của các trường phải “tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế”.

Nhưng thế nào là “chương trình tiên tiến quốc tế”, hay cứ chương trình của quốc tế sẽ là tiên tiến? Thế nào là “tham khảo”, hay cứ có liếc mắt vào một chương trình nước ngoài nào đấy thì sẽ được xem là “tham khảo” rồi?

Những vấn đề kiểu như vậy của bộ tiêu chuẩn có thể làm “vênh” các kết quả đánh giá, cho dù các đoàn đánh giá có làm việc nghiêm túc đến đâu.

Những tưởng cần có thêm thời gian để rút kinh nghiệm và chỉnh lý bộ tiêu chuẩn đánh giá trường đại học, thế nhưng sau đó hàng loạt bộ tiêu chuẩn khác tiếp tục… ra lò để kiểm định trường cao đẳng, trường trung cấp, trường phổ thông, kiểm định chương trình giáo dục,…

Những bộ tiêu chuẩn ấy cũng lại “na ná” như bộ tiêu chuẩn kiểm định trường đại học, và cũng vướng vào những điểm chưa chuẩn tương tự như trên.

Các trường đang vào cuộc ráo riết để tự đánh giá đơn vị mình theo các bộ tiêu chuẩn này.

Chúng ta cũng có quyền dự báo về những sự “ngỡ ngàng” tiếp theo của xã hội ở thời điểm kết quả kiểm định sẽ được công bố.

Liệu hình ảnh chất lượng của các trường có hiển thị chính xác nhờ những "liều thuốc thử" mà các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hiện hành đã “pha chế”?

  • Song Nguyên 

Bài 2: Công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục: 8 bỏ làm 10

 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,