221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1243039
"Bộ sẵn sàng báo cáo Quốc hội về giáo dục đại học"
1
Article
null
'Bộ sẵn sàng báo cáo Quốc hội về giáo dục đại học'
,

 - Khẳng định sẵn sàng báo cáo Quốc hội về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tin ở khả năng của địa phương trong việc giám sát chất lượng các trường nếu được phân cấp. Ông cũng kêu gọi sinh viên tham gia kiểm soát chất lượng trường mình học.

Tại buổi thảo luận tổ sáng 22/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Văn Toàn nói, vừa qua một số báo đã đăng nhiều bài về giáo dục đại học, song các đại biểu Quốc hội muốn có báo cáo toàn diện.

Trao đổi với VietNamNet, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Nếu ý kiến này phản ánh lên và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì Bộ sẽ cung cấp trong kỳ họp này báo cáo tổng thể về giáo dục đại học: những gì đã đạt được, khó khăn, yếu kém, giải pháp… để ĐBQH hiểu, chia sẻ, góp ý.

“Đó là điều rất tốt”, ông Nhân nói.

Mô tả ảnh.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bên lề kì họp Quốc hội. Ảnh: Vân Anh

82% trường ĐH mới đảm bảo điều kiện cơ bản để hoạt động...

Phóng viên: Thưa ông, dư luận cho rằng các trường ĐH đang được mở ra ồ ạt ở Việt Nam. Chỉ trong 2 năm 2006, 2007, có tới 40 trường ĐH mới hoặc được nâng cấp từ cao đẳng. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Từ năm 1998 đến tháng 9/2009, cả nước có 32 trường đại học mới và 55 trường đại học được nâng cấp từ trường cao đẳng.

Tức là có thêm 87 trường đại học sau 12 năm. Năm 1997 cả nước chỉ có 62 trường đại học. Như vậy, số đại học đã tăng từ 62 lên 149, bằng 2,4 lần.

Đây không phải là ý muốn chủ quan của Chính phủ mà là thể hiện nhu cầu vừa nâng cao chất lượng, vừa nâng cao số lượng người được đào tạo trình độ đại học của các cơ quan sử dụng lao động, của người học và gia đình và của các nhà đầu tư cho giáo dục.

Trong 55 trường đại học được nâng cấp từ trường cao đẳng thì 52 là từ cao đẳng công lập, chiếm 95 %, và 3 là từ trường cao đẳng tư thục.

Tức là Nhà nước, mà trước hết là qua các tỉnh, thành phố và các bộ, đã đề xuất nhu cầu này và đầu tư từ ngân sách cho việc này. Các trường cao đẳng này đã có thời gian hoạt động thường từ 10 đến 30 năm, có cơ sở vật chất khá tốt và hoạt động có nề nếp.

 
Đây không phải là ý muốn chủ quan của Chính phủ mà là thể hiện nhu cầu vừa nâng cao chất lượng, vừa nâng cao số lượng người được đào tạo trình độ đại học của các cơ quan sử dụng lao động, của người học và gia đình và của các nhà đầu tư cho giáo dục

Trong số 32 trường đại học mới thành lập thì có 30 trường là trường đại học dân lập và tư thục, chiếm 94 %, còn 3 là trường đại học công lập.

Như vậy, thực tế chủ trương của Nhà nước là dùng ngân sách để đầu tư chủ yếu cho nâng cấp một số trường cao đẳng thành trường đại học và thành lập rất ít trường đại học mới khi thật cần thiết.

Đại đa số các trường đại học thành lập mới là tư thục và dân lập, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Các đại học này chỉ có thể được thành lập, khi UBND các tỉnh ủng hộ về chủ trương, sẵn sàng cho thuê đất nếu chủ đầu tư có nhu cầu, xác nhận đủ các điều kiện thành lập trường.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 47 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng cả nước giai đoạn 2001-2010. Đây là một căn cứ quan trọng để xem xét việc cho phép thành lập trường.

Việc tăng các trường ĐH, CĐ giai đoạn 1998-2009 đã làm tăng số sinh viên. Năm 1997, cả nước chỉ có hơn 80 sinh viên/1 vạn dân thì năm 2009 đã gần 200 sinh viên/1 vạn dân.

Tuy nhiên, con số này rất thấp so với một số nước vào năm 2005. Ví dụ của Thái Lan là 374 sinh viên/1 vạn dân, Chi lê là 407, Hungari là 432, Nhật là 316, Pháp là 359, Anh là 380, Úc là 504, Mỹ là 576, Hàn Quốc là 674.

Kì thi tuyển sinh ĐH tại trường ĐH Công đoàn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Kì thi tuyển sinh ĐH tại trường ĐH Công đoàn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2020 Việt Nam đạt khoảng 450 sinh viên/1 vạn dân, tương đương  với Hungari năm 2005, ít hơn bình quân của 5 nước Nhật, Đức, Pháp, Anh, Úc là 357 vào năm 2005.

Trong vòng 7 năm, từ 1998 đến 2005, chỉ có 6 trường đại học ngoài công lập được thành lập, còn từ 2006 đến 2009, trong vòng 4 năm có 24 trường đại học tư thục được thành lập.

Sở dĩ có tình trạng này là vì Luật Giáo dục năm 1998 tuy cho phép 4 loại hình đại học: công lập, bán công, dân lập và tư thục, song các đại học ngoài công lập còn rất mới mẻ với xã hội ta, các nhà đầu tư còn thận trọng.

Với Luật Giáo dục mới 2005, chỉ còn  2 loại hình là đại học công lập và tư thục. Qua thực tế, các nhà đầu tư tin cậy nhiều hơn vào chủ trương phát triển bình đẳng đại học tư thục và công lập, do đó số lượng dự án thành lập trường đại học tư thục tăng mạnh.

Cũng phải thấy rằng xã hội hưởng ứng chủ trương xã hội hóa là điều đáng mừng. Sẽ rất tốt khi có quy trình, tiêu chuẩn và kiểm soát được chất lượng các trường.

Nhưng thực tế, có những trường ĐH mở ra nhưng không hề đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng giảng viên. Vậy, ông đánh giá thế nào về năng lực thẩm định dự án khi cấp phép cho các trường đó?

Đúng là có một số trường đại học khi đi vào đào tạo vẫn chưa đủ các điều kiện cần thiết theo quy định của luật pháp.

Tuy nhiên, số này không nhiều. Trong số 87 trường đại học được thành lập từ 1998 đến tháng 9/2009, có 54 là đại học công lập chiếm 63%; trong đó, có 52 nâng cấp từ cao đẳng, 2 trường thành lập mới. Nhìn chung, đảm bảo khá tốt các điều kiện cơ bản để hoạt động.

Trong 33 trường đại học dân lập và tư thục được thành lập từ 1998 đến nay, có 6 trường đại học dân lập đã có thời gian hoạt động từ 6 đến 10 năm, nhìn chung đã có cơ sở vật chất khá. Còn 27 trường đại học tư thục, chiếm 30% tổng số trường đại học mới được thành lập từ 2006 tới nay.

Mô tả ảnh.
SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng


Qua kiểm tra cho thấy, có 11 trường, chiếm khoảng 40% đã triển khai xây dựng cơ sở vật chất theo đúng kế hoạch, còn lại, 60% còn lại triển khai chậm. 16 trường triển khai chậm này chiếm 18% tổng số trường đại học mới.

Tức là khoảng 82% số trường đại học mới được thành lập từ 1998 đến nay đảm bảo điều kiện cơ bản để hoạt động hoặc đang được xây dựng theo đúng tiến độ kế hoạch.

Thưa ông, tại sao có tình trạng một số trường đại học vẫn tuyển sinh, giảng dạy khi không đạt các yêu cầu mở ngành đã cam kết?

Sở dĩ có tình trạng này là vì các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, việc thẩm định các điều kiện mở ngành đào tạo không nhất thiết phải tiến hành tại cơ sở đào tạo, mà có thể chỉ kiểm tra hồ sơ. Đây là nguyên nhân căn bản nhất.

Thứ hai, sau khi đã tuyển sinh, Thanh tra Bộ hàng năm có kiểm tra một số trường về điều kiện đào tạo, có xử lý các cơ sở sai phạm, song không có quy định nào yêu cầu phải thanh tra tất cả các cơ sở mới đi vào hoạt động trong thời gian nào.

Thực tế 2 năm 2007, 2008, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thanh tra 19 trong số 33 trường đại học mới thành lập từ 1998. Trong đó, 13 trường được thanh tra về các điều kiện đảm bảo giảng dạy theo quy định như cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo. Tức là chỉ khoảng 40% số trường được kiểm tra, còn 60% không được kiểm tra

Nếu phải thanh tra cả các trường đã thành lập từ trước 1998 thì tổng số trường đại học và cao đẳng phải thanh tra là 377 trường. Nếu mỗi tuần Bộ thanh tra được 2 trường thì phải 3,5 năm mới hết một vòng.

Trong tháng 10/2009, ĐH Phan Thiết được báo chí phản ánh là một cơ sở đào tạo ĐH đã tuyển sinh khóa 1 khi chưa đủ điều kiện tuyển sinh. Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), tổ phó tổ kiểm tra Trường ĐH Phan Thiết cho biết đây là khu giảng đường chuẩn bị cho năm học 2010-2011 của trường. Ảnh: Bộ GD-ĐT cung cấp.
Trong tháng 10/2009, ĐH Phan Thiết được báo chí phản ánh là một cơ sở đào tạo ĐH đã tuyển sinh khóa 1 khi chưa đủ điều kiện tuyển sinh. Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), tổ phó tổ kiểm tra Trường ĐH Phan Thiết cho biết đây là khu giảng đường chuẩn bị cho năm học 2010-2011 của trường. Ảnh: Bộ GD-ĐT cung cấp.

Thứ ba, các trường đã được thanh tra, có sai phạm được xử lý không đủ nghiêm khắc, không có biện pháp buộc các đơn vị sau đó phải kiên quyết khắc phục sai phạm.

Các sai phạm về đào tạo, tuyển sinh có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 49. Ví dụ, nếu tuyển sinh vượt 20% chỉ tiêu có thể bị phạt đến 40 triệu đồng; sử dụng giảng viên đại học không đủ tiêu chuẩn bị phạt đến 15 triệu đồng, vi phạm tỷ lệ giảng viên cơ hữu bị phạt đến 20 triệu đồng…

Theo Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 153 thì Bộ trưởng có trách nhiệm xử lý trường đại học làm trái điều lệ theo các mức độ: nhắc nhở bằng văn bản, quyết định tạm ngừng tuyển sinh, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm ngưng hoạt động của trường, trình Thủ tướng Chính phủ hoặc phối hợp với các cơ quan chủ quản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giải thể trường.

 
Tự mỗi trường phải quản lý lấy, chính giáo viên trong trường phải tham gia quản lý nhà trường, chính sinh viên trong trường là chủ thể chứ không phải tất cả cứ đổ lên “trên”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân
Thực tế, việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền mới được thực hiện từ năm 2007.

Cụ thể là đã xử phạt 19 trường đại học, cao đẳng tuyển sinh vượt 20% chỉ tiêu với số tiền phạt từ 40 đến 60 triệu đồng mỗi trường. Còn việc quyết định tạm ngừng tuyển sinh mới thực hiện một lần đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp.

Thứ tư, Bộ GD-ĐT không tham mưu cho Chính phủ phân cấp cho UBND các cấp, các sở giáo dục và đào tạo có quyền kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục đại học. Trong khi theo Nghị định 49 thì UBND các cấp và thanh tra Sở GD-ĐT có thể và có quyền xử phạt hành chính các cơ sở giáo dục sai phạm.

Thứ năm, mỗi trường đại học có hàng trăm giảng viên, hàng nghìn sinh viên nhưng lực lượng đông đảo này chưa tham gia vào việc kiểm tra các trường đại học tuân thủ các quy định về đào tạo, quản lý trường đại học.

"Không phải tất cả cứ đổ lên “trên"

Thế còn vai trò sinh viên, thưa ông? Họ cũng có thể tham gia giám sát chất lượng chính trường họ học, bởi Bộ đã có quy chế “3 công khai”: trường cam kết chất lượng giảng dạy, tên tuổi giáo viên, cơ sở vật chất, giáo trình, thu chi tài chính?

Đúng vậy! Cơ quan thanh tra của Bộ, các vụ, cục của Bộ, mỗi đơn vị chỉ khoảng 15-20 người, lại xa các trường hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cây số.

Trong khi đó, tại mỗi trường có hàng trăm giáo viên, hàng ngàn, hàng vạn sinh viên, hàng ngày chứng kiến mọi hoạt động của trường.

Vì lợi ích của mình và xã hội, trước hết sinh viên hãy phản ánh ngay ở trường những yếu kém, không đạt chuẩn của quá trình đào tạo, của điều lệ trường, và nhà trường phải trả lời những chuyện đó.

Mô tả ảnh.
Chính sinh viên trong trường là chủ thể chứ không phải tất cả cứ đổ lên “trên”. Trong ảnh: SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM xem thông báo tuyển dụng tại  ngày hội việc làm do trường tổ chức. Ảnh: Thái Phương

Chúng ta phải xác định là không nên đặt vấn đề chỉ có nhà nước quản lý trường đại học mà tự mỗi trường phải quản lý lấy, chính giáo viên trong trường phải tham gia quản lý nhà trường, chính sinh viên trong trường là chủ thể chứ không phải tất cả cứ đổ lên “trên”.

Một xã hội phát triển tốt thì mọi người phải tham gia làm chủ chính công việc hàng ngày ở nơi mình làm việc.

Nhưng nếu sinh viên khi phản ánh chất lượng giáo dục của chính trường mình đang học thì họ sợ bị trù úm?

Sinh viên có thể phản ánh với tư cách cá  nhân nhưng cũng có thể thông qua tổ chức của mình như Đoàn, Hội sinh viên hoặc lấy ý kiến đánh giá bằng phiếu mà không sợ bị trù dập.

  • Vân Anh (Thực hiện)

Xem phần 2: Giải thể trường phải có quá trình
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,