221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1241821
"Còn nể nang thì chẳng giải quyết được ĐH làm trái luật"
1
Article
null
'Còn nể nang thì chẳng giải quyết được ĐH làm trái luật'
,

 - Đã có nhiều cuộc thanh tra sau những vụ việc "nóng" báo chí phanh phui. Tuy nhiên, không xử lý được đến cùng hoặc xử lý không đủ răn đe. Trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng sự nể nang với các cơ sở, với Bộ chủ quản và với cả những người đi trước đã quyết theo hướng đó thì chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Các trường đã làm trái luật

a
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Cần phải chọn đúng điểm thanh tra, nếu sai phải xử lý nghiêm". 
(Ảnh K.O)

GS Nguyễn Minh Thuyết nói, học phí thu không đủ bù chi là chuyện có thật. 

Chính vì lý do đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về "Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo", trong đó có chấp nhận một hướng giải quyết là tăng học phí theo lộ trình để phần nào hỗ trợ, bù đắp cho các trường phần còn thiếu khi sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó thì năm học 2009-2010 mức điều chỉnh học phí của các trường ĐH công lập ở mức độ có thể bù được khoảng 50% trượt giá.

Chính phủ xác định mức học phí áp dụng khởi đầu năm nay là 240.000 đồng/tháng. So với mức trần học phí đã thu năm học trước thì học phí năm nay tăng thêm 1/3, từ 180.000 lên 240.000 đồng/tháng.

Nghị quyết của Quốc hội là luật, Nghị định của Chính phủ cũng là một văn bản quy phạm pháp luật. Các trường ĐH phải có trách nhiệm tuân theo các văn bản quy phạm pháp luật đó. Không thể lấy bất kỳ lý do gì để thu vượt quy định.

- Thưa ông, hiện nay một số trường ĐH công lập thuộc Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ấn định mức thu học phí 500.000 đồng/tháng. Khi có thắc mắc thì nhà trường giải thích khoản thu đó gồm học phí và kinh phí đào tạo; vì trường không được Bộ GD-ĐT cấp kinh phí đào tạo nên người học phải đóng. Thực hiện như vậy là các trường đã "lách luật"?

Theo tôi, đây không phải lách luật mà là làm trái quy định của pháp luật. Và như vậy thì phải xử lý.

Các trường phải trả lại phần lạm thu của SV.

Đồng thời, phải có hình thức xử lý đối với những trường lạm thu, đối với những cá nhân đã có quyết định lạm thu.

Không thể lấy lý do trường này thuộc Bộ GD-ĐT hay không, vì dù sao vẫn là trường công.

 Và nghị quyết của Quốc hội và nghị định Chính phủ áp dụng cho toàn bộ các trường công lập, chứ không phải chỉ cho các trường thuộc Bộ GD-ĐT.

Không thể so sánh với các trường dân lập, tư thục bởi vì kinh phí đào tạo ở các trường công được ngân sách nhà nước đảm bảo. Học phí chỉ bù đắp phần nào cho chi phí đào tạo thôi.

Cơ quan quản lý phản ứng chậm

- Cũng có trường lý giải dù mức trần học phí đã tăng lên 240.000 đồng/tháng vẫn không đủ đào tạo nhân lực chất lượng cao, mà tối thiểu phải 500.000 đồng/tháng. Quan điểm của ông về vấn đề đặt ra?

"Trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị là không được đề ra những quy định trái pháp luật. Đề ra quy định trái luật là đã sai. Không kiểm tra, để cho những quy định trái luật ngang nhiên tồn tại là sai tới hai lần. Đến lúc người dân phát hiện ra mà vẫn không sửa, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và gây bức xúc trong dư luận thì không thể chấp nhận được".

Nghị quyết của Quốc hội đã nói rất rõ, tăng học phí phải có lộ trình.

Song song với lộ trình đó, các trường phải thực hiện "3 công khai" và kiểm định chất lượng giáo dục để nâng cao dần chất lượng giáo dục.

Khó có thể nói rằng thu nhiều tiền lên thì ngay lập tức chất lượng đào tạo sẽ tăng lên, ví dụ thu gấp 3 lần thì chất lượng đào tạo tăng 3 lần.

Tôi cho lý giải đó không đúng vì khi chưa có quy định mà thu học phí vượt khung là trái luật.

- Một trong những lý do các trường biện minh cho việc làm trái luật đó là khi chuyển sang đào tạo tín chỉ thì áp mức học phí theo từng tín chỉ. Như vậy, việc quy định khung học phí cho niên chế đã lạc hậu so với thực tế?

Việc một số trường chuyển sang đào tạo theo tín chỉ nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành quy định về thu và sử dụng học phí theo học chế tín chỉ thì theo tôi, đây cũng là sự phản ứng chậm của cơ quan quản lý nhà nước.

Lẽ ra khi khuyến nghị các trường chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ thì cũng phải có hướng dẫn thu và sử dụng học phí thích hợp.

Tuy nhiên, dựa vào lý do áp dụng học chế tín chỉ để biện minh cho việc lạm thu là không đúng.

Mức thu đối với từng tín chỉ cộng lại phải bằng tổng học phí của cả quá trình đào tạo mới thuyết phục được SV.

Vả lại, liệu có nhiều SV học quá nhiều tín chỉ đến mức số SV phải nộp học phí cao phổ biến như vậy không?  

Rất ít trường có thể dạy tín chỉ

- Như ông vừa phân tích thì các trường ĐH thu vượt khung đều sai và phải trả lại số lạm thu cho SV. Vậy "ai" sẽ là người đưa ra quyết định sai ở đâu và phải trả lại SV những khoản nào?

Cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT có trách nhiệm thanh tra và đưa ra kết luận.

Phần lớn các trường hợp, trách nhiệm này thuộc về Bộ GD-ĐT.

Duy nhất Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) được công nhận là “Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ đi vào ổn định”

Đây là kết quả đánh giá chung 20 trường ĐH đầu tiên tham gia kiểm định chất lượng giai đoạn 2005 – 2008, hầu hết là các trường "tốp trên".

Theo kết quả này, về chương trình đào tạo, các trường mới chỉ đáp ứng được 80% yêu cầu, đặc biệt về “chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh” thì có 3 trường ĐH mới đạt 50% - 60% yêu cầu của các tiêu chí.

Đặc biệt, ở cả 20 trường, sinh viên không hài lòng với chất lượng giảng dạy.

(Theo Người lao động)

Đối với các trường dạy nghề (bao gồm cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trường dạy nghề), cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Cơ quan chủ quản của các trường cũng phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, kết luận và xử lý.

Trong quá trình kiểm tra, cũng cần làm rõ các trường có đào tạo theo tín chỉ thật không. Theo tôi, ở nước ta hiện nay rất ít trường ĐH có thể thực hiện dạy học theo tín chỉ vì không đủ phòng học và giảng viên để dạy.

Đào tạo theo tín chỉ có nghĩa là SV được chủ động kế hoạch học tập. Năm nay chọn học một số môn này, sang năm chọn một số môn khác và SV được quyền chọn thầy. Tín chỉ có thể dạy song song ở 3 lớp khác nhau cùng một môn học/chương trình do 2 hoặc 3 thầy khác nhau giảng dạy.

Hiện nay ĐHQG Hà Nội là một trong những cơ sở GD ĐH được ưu ái nhất và có truyền thống nhất cũng chưa thực hiện được đào tạo tín chỉ thật sự.

- Thực tế, việc lạm thu không chỉ diễn ra trong năm học này, mà các năm học trước đã xảy ra ở phần lớn các trường không thuộc Bộ GD-ĐT quản trực tiếp. Thế nhưng hiện tượng này chưa được chấn chỉnh là do quản lý yếu hay Bộ GD-ĐT không xử lý được tiêu cực của các trường thuộc Bộ khác?

Tôi cho rằng, các bộ chủ quản cũng phải thực hiện thanh tra và chịu trách nhiệm của cơ quan chủ quản về hoạt động của các trường thuộc phạm vi của mình phụ trách.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT hoàn toàn có đầy đủ thẩm quyền để thanh tra và có biện pháp xử lý. 

Thực tế, khi các địa phương, các bộ đệ trình các dự án lên để mở trường, nâng cấp trường bao giờ cũng hứa hẹn và thể hiện sự quan tâm.

Nhưng sau khi đã được việc rồi thì người ta cũng dễ dàng quên những lời hứa, những khoản mục ghi trong đề án.

Theo tôi, vấn đề này, Bộ GD-ĐT cũng cần phải kiểm tra, thanh tra chặt chẽ; nếu thấy có vấn đề thì phải can thiệp và báo cáo Thủ tướng để có phê bình cơ quan chủ quản chưa làm hết trách nhiệm.

Về mặt quản lý nhà nước thì Bộ GD-ĐT hoàn toàn có quyền yêu cầu các cơ quan chủ quản kiểm tra.

Còn nể nang thì chẳng giải quyết được gì

- Như vậy, Bộ GD-ĐT đã làm hết chức năng hay quy mô các trường phát triển quá nhanh dẫn đến quản lý nhà nước không theo kịp?

"Có một thực tế là hiện nay các trường đều tuyển sinh vượt gấp 2-3 lần chỉ tiêu được hưởng ngân sách. Có nghĩa giữa chỉ tiêu được cấp ngân sách với chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT duyệt vênh nhau rất lớn. Thường thì ngân sách nhà nước chỉ cấp được cho khoảng 1/3 số SV của nhà trường. Ví dụ, nếu trường tuyển 1.200 SV thì số SV được đầu tư ngân sách chỉ 400".

Vài năm gần đây, quy mô các trường ĐH phát triển với mức độ khá nhanh.

Tôi nghĩ sự thanh minh đó không có lý vì tại sao lúc xin mở trường và duyệt mở trường không nghĩ đến chuyện quản lý, đến khi có vấn đề lại nói mình không đủ lực lượng thanh tra?

Mặt khác, vấn đề không phải là thanh tra được tất cả các trường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nói: “Nếu đi một vòng hết các ĐH để thanh tra thì phải mất từ 3 đến 4 năm". Cá nhân tôi cũng cho rằng không nhất thiết phải đi hết mà phải chọn đúng điểm cần thanh tra và nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm.

Chỉ cần xử lý nghiêm một vài trường hợp thì các trường nhìn vào đó không dám làm sai.

- Từ những vụ việc "nóng" báo chí phanh phui đã có rất nhiều cuộc thanh tra, nhưng không xử lý được đến cùng hoặc xử lý không đủ răn đe. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Tôi nghĩ phải đi vào từng vụ việc cụ thể mới giải thích được là do cái gì.

Nhưng tôi cho có một nguyên nhân là cơ quan quản lý không đủ nhạy cảm để thấy được tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề mà dư luận nêu.

Ngoài ra, cũng có thể có sự nể nang - nể cơ sở đó, bộ chủ quản đó và nể nang cả những người đi trước đã quyết theo hướng đó... Nếu còn nể nang thì chẳng giải quyết được vấn đề gì.

- Xin cảm ơn ông!

·         Kiều Oanh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,