221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1242246
"Ta phân tích cho an lòng nhau"
1
Article
null
'Ta phân tích cho an lòng nhau'
,

 - Ngay trong ngày thảo luận đầu tiên ở các tổ, không ít đại biểu đã bày tỏ sự thất vọng. Chính phủ đang đứng trước cơ hội tái cơ cấu lại nền kinh tế, nhưng, đáng ngạc nhiên là những đánh giá về tình hình năm 2009 và định hướng cho 2010 lại không có điểm đột phá, nếu không muốn nói là rất nhiều con số "màu hồng".

 

 

Mô tả ảnh.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: LN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đã nói không e dè, có nhiều việc Chính phủ đọc lên nghe rất hay nhưng thực sự không dễ dàng mà làm cho được.  Ví dụ, “triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì làm sao có thể thực hiện trong năm 2010 được?".

Ông Thuận cho rằng, "nhiều việc, nhiều sự kiện nêu ra cứ giống nhau từ năm này qua năm khác. Ta phân tích cho an lòng nhau chứ thực sự chưa phải cái Quốc hội cần".

Nhiều đại biểu bày tỏ sự thất vọng khi nhận ra các giải pháp cho năm 2010 chính là những giải pháp mà Chính phủ trình với Quốc hội suốt nhiều năm trước đó. Trong báo cáo Chính phủ, có không ít đoạn nhận định tình hình... giống hệt nhau, chỉ khác ngày tháng.

Cầm trên tay báo cáo kinh tế xã hội 2008 và 2009 của Chính phủ, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nói thẳng: "Đọc báo cáo năm 2008 và năm 2009, chúng tôi thấy có nhiều đoạn hoàn toàn  trùng khớp với nhau, đều ghi ngày 19/10. Có nhiều số liệu rất đáng buồn"...

Tuy Chính phủ vẫn đánh giá rằng có nhiều lĩnh vực đã "đạt và vượt", được chứng minh bằng các số liệu cụ thể, nhưng ông Lợi đã chỉ ra, có không ít con số không đúng như báo cáo. Chỉ so sánh hai năm liên tiếp đã thấy ngay độ vênh.

Chẳng hạn, khi nói về thành tích lo cho dân nghèo, Chính phủ khẳng định, tổng số chi cho an sinh xã hội năm nay ước khoảng 22.470 tỷ đồng, tăng 62% so với 2008.

"Nhưng khi đọc lại tài liệu năm 2008 cho thấy, 4 tháng đầu năm chi cho an sinh xã hội 16 ngàn tỷ, như vậy chỉ tăng mấy phần trăm. Rõ ràng có nhiều con số, số liệu không đúng, không chính xác", ông Lợi phát hiện.

Trong khi đó, ranh giới giữa các chỉ tiêu đã đạt và không rất mong manh, chưa kể, nhiều chỉ tiêu chủ yếu sở dĩ đạt được (tăng trưởng, lạm phát...) do đã có một lần điều chỉnh lại.

Ông Lợi nhẩm tính, từ năm 1999 đến 2009, bình quân dân số tăng 1,2%, như vậy số lao động chỉ tăng 1,1 triệu người, vậy nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tạo mới 1,7 triệu việc làm (bất chấp bối cảnh lạm phát). Và chỉ tiêu này không đạt

"Có lần thẩm tra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói năm 2009 giải quyết được hơn 1,5 triệu lượt lao động. Nhưng sau đó Chính phủ lại sửa thành 1,5 triệu lao động, tôi cho là tính lượt thì chính xác hơn", ông Lợi nói.

Mô tả ảnh.
 2010 là năm đại biểu trông đợi Chính phủ sẽ khởi động chương trình tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: VA

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng phàn nàn về những con số "màu hồng" trong thành tích chống tham nhũng, hoặc tỷ lệ giải quyết được tới hơn 80% đơn thư khiếu nại tố cáo trong khi thực tế khác xa. 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Hoàng Văn Lợi băn khoăn về cách tính bội chi của Chính phủ là 6,9% GDP, nhưng "chưa tính chi trái phiếu Chính phủ và một số khoản khác".  Ông Lợi phân vân: "Một số khoản khác là gì, nếu phải tính vào thì bội chi sẽ lên đến bao nhiêu"?

 2010 là thời điểm kết thúc nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, cũng là năm đại biểu trông đợi Chính phủ sẽ khởi động chương trình tái cấu trúc nền kinh tế.

 Nhưng, theo các đại biểu, đang có sự khác biệt giữa cách đánh giá của Chính phủ và mong đợi của cử tri. Bởi vậy mà nhiều giải pháp đưa ra hình như là để cho "năm nào đó" chứ không phải cho 2010. 

"Trong khi Quốc hội chưa có cơ quan kiểm định độc lập để thống kê các con số chính xác hơn thì đại biểu vẫn phải dựa trên báo cáo của Chính phủ", ông Lê Văn Cuông phân tích.

Một trong những khó khăn tồn tại nhiều năm khiến đại biểu hoạt động chưa hiệu quả là tình trạng thiếu thông tin.

Ông Cuông lo ngại, Quốc hội vẫn chỉ thảo luận, phân tích, tranh cãi, góp ý, từ họp tổ cho đến họp ở Hội trường dựa trên những con số báo cáo "tương đối sạch sẽ", cứ như vậy liệu có giải quyết được những vấn đề bức xúc nhất hay không?

Bao giờ mới có các cơ quan phân tích độc lập để kiểm định chất lượng những thành tích về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp đại biểu có đủ thông tin để "cãi" với Chính phủ thay vì chỉ đặt ra những câu hỏi nghi vấn?

  • Lê Nhung

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,