221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1237976
Học phí ĐH: Bộ chưa quy định, trường đã vượt khung
1
Article
null
Học phí ĐH: Bộ chưa quy định, trường đã vượt khung
,

 - Tháng 10 tới, Bộ GD-ĐT sẽ cử các đoàn thanh tra rà soát việc thu chi ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến CĐ, ĐH: nếu thu không đúng quy định sẽ phải trả lại.

Tháng 10, thanh tra lạm thu, xé rào học phí

Mặc dù mức điều chỉnh khung học phí của các trường ĐH công lập áp dụng trong năm học 2009-2010 không quá 240.000 đồng/ tháng/ sinh viên (SV) nhưng thực tế, có rất nhiều trường ĐH, CĐ công lập đã chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang hình thức đào tạo theo tín chỉ.

Và mức thu/số tín chỉ của nhiều trường đã "đội" lên gấp đôi khung quy định của Nhà nước, phổ biến ở mức  từ 400.000 - 450.000 đồng/ SV/ tháng.

 

Mô tả ảnh.
Chờ con thi ĐH năm 2009. Ảnh: Lê Anh Dũng

Việc các trường thu như vậy là không đúng với quy định, ông Ngữ nói: cách tính của các trường là lấy tổng học phí/ năm của ngành đào tạo cụ thể chia cho số tín chỉ đào tạo để thu.

Còn hiện nay, Bộ chưa có quy định mức thu học phí đào tạo theo hình thức tín chỉ.

Năm học này, các trường chỉ điều chỉnh khung học phí tại Quyết định 70 của TTCP ban hành từ năm 1998 trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính. 

Từ năm học 2010-2011, các trường sẽ thực hiện thu học phí theo cơ chế tài chính mới. Lộ trình điều chỉnh sẽ theo khung học phí mới.

Theo đề án học phí và cơ chế tài chính học phí trình Quốc hội thì năm học 2010 - 2011 sẽ quy định rất rõ mức học phí cho loại hình đào tạo đại trà, đào tạo chất lượng cao, đào tạo tín chỉ...

Không để công bố học phí một đằng, thu một nẻo?

Đó là nội dung được lãnh đạo Bộ khẳng định tại buổi họp báo trước thực tế một số trường dân lập công khai học phí một đằng nhưng lại áp dụng một nẻo, khiến SV bức xúc.   

Vẫn theo ông Ngữ, tháng 10 tới đây, Bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra đi kiểm tra việc thực hiện "3 công khai" (công khai chất lượng, công khai đội ngũ cơ sở vật chất và công khai tài chính) ở các cấp từ mầm non đến ĐH.

"Thời điểm này, trong hòm thư của Vụ trưởng Vụ Tài chính, đã có nhiều địa phương "hiến kế"  việc giám sát thu - chi" - ông Ngữ tiết lộ. Cụ thể, Sở GD-ĐT Hà Nội đã vào cuộc thanh tra những cơ sở đào tạo có phản ảnh thu sai quy định.

Còn Sở GD-ĐT Nghệ An "hiến kế": tiến hành kiểm tra các khoản thu, nếu thu không đúng phải trả lại. Những đơn vị lạm thu sẽ xử lý cá nhân, tập thể cố ý làm trái quy định của Nhà nước...

Bộ cũng sẽ thanh tra các trường ĐH về việc thực hiện mức "trần" học phí.  Nếu thực hiện không đúng quy định thì sẽ tuỳ theo mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý.

Với các trường ngoài công lập, theo quy định của Luật thì các trường tư thục được quyết định mức học phí và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, mức học phí phải công khai cho thí sinh, tránh tình trạng công khai học phí thấp, đến lúc sinh viên vào học lại thu mức cao hơn, ông Ngữ khẳng định.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet, những giải pháp cụ thể và lộ trình của Bộ GD-ĐT để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị "sẽ không còn duy trì các ĐH kém chất lượng, những ngành học không có SV đăng ký", ông Ngữ giải thích điều kiện thành lập trường và cho rằng, trong kết luận của Bộ Chính trị đã có cụ thể chương trình hành động và nêu rõ các giải pháp dự kiến cụ thể. Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng, Bộ Chính trị về các chương trình hành động triển khai.

Trong Quyết định 07 của Chính phủ quy định rõ về điều kiện thành lập, chia tách, giải thể trường ĐH; nâng tiêu chuẩn đối với các điều kiện, thủ tục thành lập trường ĐH. Vốn điều lệ thành lập trường ĐH nâng lên 30 tỷ đồng (trước là 15 tỷ đồng); quy định rất rõ về trình độ giảng viên......

Bộ cũng đặc biệt lưu ý một số trường mà báo chí đã có phản ánh về tình trạng lạm thu, thu không đúng quy định. 

Sắp tới, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cũng phải gắn với các điều kiện hiện có của các trường, ông Ngữ cam kết.

SV sẽ phải mua đồng phục?

Trước sai phạm của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng khi ép SV mua đồng phục, ông Ngữ cho hay ông nhận thông tin qua báo chí. Do vậy, tới đây Thanh tra Bộ sẽ thanh tra toàn diện. Việc thực hiện đồng phục cho SV phải dựa trên sự đồng thuận của SV, còn nếu ép là sai.

Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) Phùng Khắc Bình tiếp lời, hiện Bộ chưa có văn bản nào quy định SV phải mặc đồng phục, nhưng cũng không có quy định cấm các trường ĐH cho SV mặc đồng phục.

Ông cho biết, tới đây Bộ sẽ ban hành quy định SV trong trường ĐH mặc đồng phục. Theo ông Bình, ở một số ĐH nước ngoài, việc SV mặc đồng phục rất lịch sự và đẹp.

Tuy nhiên, khi dự thảo về quy định mặc đồng phục trong SV ban hành, Bộ sẽ cùng với các trường có định hướng, để việc mặc đồng phục đẹp nhưng không "phản cảm".

Liên quan đến việc chuyển đổi "mác", từ ĐH "tư thục" sang "quốc tế" - bà Lê Thị Kim Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) cho biết: theo quy định của Luật GD thì việc thành lập trường và đổi tên trường đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

"Và, việc quyết định đổi tên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng được căn cứ trên đề án của trường gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Quá trình đề án gửi lấy ý kiến các bộ chức năng và được đồng thuận. Lý do nêu trong đề án được thông qua khi trường thuyết trình: Vì một số chương trình đào tạo của trường có kiên kết với các đối tác nước ngoài, chất lượng đào tạo đạt chất lượng quốc tế nên được đổi tên", bà Dung thông tin.

  • Kiều Oanh

     

     19 nội dung sửa đổi Luật Giáo dục

    Chiều 28/9, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-Đt) Lê Thị Kim Dung cho biết, tại kỳ họp ngày 3/10 tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thêm 9 vấn đề dựa trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ngày 21/9/2009 và các ý kiến chỉ đạo của UBTV  Quốc hội tại phiên họp thứ 2.

    Cụ thể là: đầu tư cho định mức trong giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, sách giáo khoa, cơ sở giáo dục đại học, các trường quy định tại điều 49 là trường của các tổ chức chính trị của cơ quan nhà nước, thẩm quyền trong các hoạt động giáo dục, cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và hợp tác quốc tế trong giáo dục.

    So với dự án luật đã trình Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 22, phiên họp thứ 24 lần này sẽ tăng thêm 9 vấn đề. Nâng tổng số 19 vấn đề có liên quan đến 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật Giáo dục.

    Trong 120 điều của Luật Giáo dục, 10 vấn đề đã trình bày Quốc hội gồm: Chương trình giáo dục, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo các văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt, thành lập nhà trường, thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thẩm quyền cho phép thành lập trường ĐH, công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, nhà giáo.

    • Bảo Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,