221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1241504
Trường ĐH phải có trách nhiệm giải trình "bí mật nội bộ"
1
Article
null
Trường ĐH phải có trách nhiệm giải trình 'bí mật nội bộ'
,

- Cụm từ "tự chịu trách nhiệm" trong Luật Giáo dục chưa được giải thích rõ ràng. Từ đó, dẫn đến sự thiếu minh bạch trong hoạt động của các trường ĐH và gây nên những bức xúc của xã hội trong thời gian gần đây.

Mô tả ảnh.
SV ĐH Công nghiệp Hà Nội bức xúc vì các khoản đóng góp vô lí, thiếu minh bạch trong nhiều năm qua. Ảnh: KO

 

 Ngày 5/10/2009 báo VietNamNet đăng bài "Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội "choáng" phụ phí, học phí". Ngày 17/10/2009 VietNamNet lại có bài "Việc làm của sinh viên là ’bí mật nội bộ’?". Cùng ngày, VnExpress đăng bài "Sinh viên công lập đóng học phí cao ngất ngưởng".

Một thông tin chung được rút ra từ các bài báo này là nhà trường không có những lời giải đáp rõ ràng đối với sinh viên, phụ huynh và cả báo chí: "Sinh viên đã nhiều lần phản ánh lên khoa, lên trường, nhưng đều không nhận được một câu trả lời rõ ràng từ phía nhà trường" (VietnamNet 5/10/09), "Từ khi vào trường chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu có buổi đối thoại trực tiếp với sinh viên để giải thích những khoản thu ngoài lề cao vậy" (VnExpress 17/10/09),  "Bà Hương cho biết thêm, nhà trường đã tiến hành một khảo sát, và kết quả cho thấy: hơn 80% SV nhà trường sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm ngay tại các xí nghiệp, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi chúng tôi (phóng viên) đề nghị được xem bản khảo sát thì bà Hương từ chối với lý do đó là "bí mật mang tính chất nội bộ"" (VietnamNet 17/10/09).

Các bài báo trên đã thu hút sự chú ý của rất nhiều bạn đọc. Chỉ riêng 2 bài báo của VietnamNet cũng đã có tới trên dưới 70 ý kiến của độc giả bày tỏ bức xúc của mình về những khoản thu và sự giải thích thiếu minh bạch của nhà trường.

Tình trạng trên khá phổ biến trong các trường ĐH, CĐ của ta.  

Trong các văn bản pháp quy của Nhà nước về giáo dục cũng như nhiều bài phát biểu, bài viết về quản lý giáo dục ĐH ở nước ta, đi liền với cụm từ "quyền tự chủ" là cụm từ “tự chịu trách nhiệm”.

Chẳng hạn, đ
iều 60 của Luật Giáo dục (2005) có tiêu đề “Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học”; Điều 10 của Điều lệ trường ĐH (2003) có nội dung “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và điều lệ này về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự…”. 

Khi các trường ĐH được quyền tự chủ trong các hoạt động, đương nhiên không cần nói thì ai cũng hiểu rằng họ phải tự chịu trách nhiệm về các hoạt động ấy. Tuy nhiên, cụm từ “tự chịu trách nhiệm” được đưa vào văn bản pháp quy mà không được giải thích rõ ràng. Vì vậy, nó có thể khiến các trường ĐH hiểu rằng, họ được tự do hoạt động, và chỉ chịu trách nhiệm với chính mình chứ không chịu trách nhiệm với ai hoặc cơ quan, tổ chức nào. Và thực tế, cách ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý trường ĐH Công nghiệp HN đã thể hiện nhận thức đó.

Mặt khác, đối với các nhà quản lý giáo dục ĐH ở cấp nhà nước, cụm từ này có thể khiến họ nới lỏng trách nhiệm quản lý. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực của  một số trường ĐH trong những năm gần đây. 

"Tự chịu trách nhiệm" hay "trách nhiệm giải trình"? 

“Accountability” là một khái niệm quan trọng trong công tác quản lý giáo dục đại học. Đáng tiếc, thuật ngữ “accountability” đã được hiểu không đúng, rồi được đưa vào các văn bản pháp quy của Nhà nước về quản lý giáo dục bằng cụm từ “tự chịu trách nhiệm”. 

Nhiều học giả nước ngoài đã đưa ra những định nghĩa rõ ràng.

Chẳng hạn, GS trường ĐH Harvard - Henry Rosovsky định nghĩa như sau:

1) “accountability” liên quan trước hết tới những người có thẩm quyền và quy định họ cần thực thi nhiệm vụ của họ như thế nào.

2) “accountability” đòi hỏi sự sẵn sàng giải thích các quyết định có kèm theo bằng chứng khi sinh viên, đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai hỏi.

3) “accountability” còn có ý nghĩa là những người được giao quyền lực phải chịu trách nhiệm trước một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó. Chẳng hạn, các giáo sư phải chịu trách nhiệm trước chủ nhiệm khoa, nhất là trong trách nhiệm giảng dạy. Chủ nhiệm khoa chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng trường ĐH thành viên của một viện đại học. Vị hiệu trưởng này lại chịu trách nhiệm trước phó giám đốc thường trực hoặc giám đốc viện ĐH, người bổ nhiệm ông ta. Còn giám đốc viện ĐH chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị.
 

Như vậy nếu ta học tập hệ thống quản lý giáo dục của các nước và đưa vào công tác quản lý giáo dục của ta thuật ngữ “accountability” thì thuật ngữ đó cần được hiểu là “trách nhiệm giải trình”, chứ không phải bằng cụm từ "tự chịu trách nhiệm". 

"Trách nhiệm giải trình" yêu cầu các trường ĐH phải công khai, minh bạch, giải trình được mọi hoạt động của mình trước cơ quan chủ quản cấp trên, trước các tổ chức cung cấp tài chính, trước SV và phụ huynh, trước các nhà tuyển dụng… mà người ta gọi chung bằng từ “stakeholders” (những đối tượng có lợi ích liên quan). Tóm lại, trường ĐH có trách nhiệm giải trình một cách công khai, minh bạch về các hoạt động của mình khi xã hội yêu cầu.  

Vấn đề không phải là ở chỗ các nước nói gì thì ta nói nấy, làm gì thì ta làm nấy. Vấn đề là ở chỗ, trách nhiệm của các trường ĐH là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, xứng đáng với sự đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của nhân dân. Vì vậy, các trường phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước và của xã hội để hoàn thành tốt trách nhiệm ấy. Đây cũng là chỗ yếu trong công tác quản lý giáo dục ĐH của ta.  

Ở Việt Nam, trường ĐH phải báo cáo, giải trình với nhiều đối tượng khác nhau. Đó là Bộ GD-ĐT, các tổ chức (trong nước và quốc tế) cung cấp tài chính, các đối tác liên kết đào tạo hoặc nghiên cứu, SV, phụ huynh, các cơ sở sử dụng SV tốt nghiệp v.v 

Các nội dung mà các trường ĐH phải báo cáo, giải trình cũng sẽ rất phong phú, tuỳ theo yêu cầu của những đối tượng này. Đó có thể là nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, kinh phí do các tổ chức quốc tế và trong nước tài trợ, học phí của SV, các nguồn vốn liên kết… và việc sử dụng các kinh phí đó; chỉ tiêu đào tạo Nhà nước giao và việc thực hiện chỉ tiêu; chương trình đào tạo và việc thực hiện chương trình; việc cấp phát văn bằng; điều kiện ăn ở của SV trong ký túc xá.v.v.           

Như vậy, để giáo dục ĐH Việt Nam đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước thì các cơ quan quản lý GD phải tạo điều kiện cho các trường được "tự chủ", nhưng phải tăng cường "thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục” như Luật Giáo dục quy định.

Cần thay cụm từ “tự chịu trách nhiệm” bằng cụm từ “trách nhiệm giải trình” của các trường ĐH và bổ sung những nội dung liên quan đến khái niệm này trong Luật Giáo dục và Điều lệ trường đại học.

  • PGS.TS Ngô Doãn Đãi (nguyên giảng viên cao cấp, TT Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển GD (ĐHQG HN)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));