221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1232192
“Con đến trường, ai đi bóc tôm chữa bệnh cho cha?”
1
Article
null
Gập ghềnh đường đến trường:
“Con đến trường, ai đi bóc tôm chữa bệnh cho cha?”
,

- Cha mẹ bỏ rơi khi vừa chập chững biết đi. Trẻ nhỏ côi cút được ông bà ở tuổi “xưa nay hiếm” cưu mang, lọ mọ kiếm rau cháo qua ngày rồi cho đi học. Ở miền quê nghèo tít tận "ngón chân cái" của đất nước, hành trình tìm đến con chữ của các em cũng lắm nỗi gian nan… 

“Nếu tôi có chuyện gì, nó mồ côi tội lắm…”  

Nhìn từ xa, căn nhà của hai ông cháu Huỳnh Thị Nhớ - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trung Hưng, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau chỉ như cái chòi lá tạm bợ bằng lá dừa. Căn chòi nhỏ xíu, nằm chơ vơ, mỗi lần trời mưa, gió mạnh là căn chòi lại lắc lư như muốn đổ. 

ong Trach
Ông Huỳnh Văn Trạch đang đứng trước "cửa" căn nhà của hai ông cháu.
Ông Huỳnh Văn Trạch - 68 tuổi - bảo mỗi lần trời mưa, hai ông cháu cũng muốn đóng kín "cửa", ở bên trong cho an toàn. Nhưng ngó đi ngó lại, vách nhà được lợp bằng mấy tấm lá dừa ông cóp nhặt, chỉ đủ dựng được… 3 vách, còn lại phía mà ông gọi là "cửa" là cả khoảng không, nhìn ra chỉ thấy sông nước mênh mông, bãi cỏ lau sậy cao ngút ngàn. 

Rồi ông nói vui, trời nắng ngồi trong căn nhà mà cứ tưởng đang ngồi giữa trời, nắng rọi chẳng bỏ sót ngóc ngách nào. "Trời mưa, nước dột khắp nhà lêng láng… Đành chịu! Muốn hứng nước mưa dột cũng không được, nhà làm gì có xô chậu để hứng" - ông nói.

“Những lúc đó, hai ông cháu đành chui xuống gầm giường để nấp thay vì đóng kín cửa như những căn nhà khác” - Nhớ kể.   

Trên bốn ụ đất đắp cao đang nứt dần, là một cái mà ông cháu của Nhớ gọi là "giường", gồm mấy tấm ván ép lại với nhau, thủng lỗ chỗ. Đây là "món quà" mà những người hàng xóm tốt bụng "tặng" cho ông cháu.  

Căn chòi chưa tới chục mét vuông được ngăn làm hai để có nơi “riêng tư” cho cô cháu gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Hai phòng được ngăn với nhau bằng tấm bạt chẳng rách thêm được nữa.

Nhắc đến chuyện đi học của Nhớ, mắt hai ông cháu cùng đỏ hoe: Lên cấp 2, cứ nghĩ nó phải nghỉ học vì tiền học phí chỉ được miễn 1 nửa (cấp 1 Nhớ được miễn 100% vì có sổ nghèo) chưa tính tiền sách vở, bút mực…  

“May mắn có người biết chuyện, thương rồi đóng tiền trường giúp nên mới được đi học tiếp. Thế nhưng cứ nhìn nó ăn cơm với nước mắm, ngày lội bộ cả mấy cây số đường đất trơn trợt, tôi xót xa lắm…” - ông Trạch tâm sự.  

“Giờ tôi chỉ ước có chiếc xuồng nhỏ, hàng ngày chèo đi lượm ve chai kiếm tiền nuôi nó. Tôi còn sống ngày nào, hai ông cháu dù nhịn đói, ăn cơm với mắm nhưng nó còn cơ hội được đến trường, ông cháu nương nhau mà sống. Lỡ chẳng may tôi có chuyện gì, nó sẽ côi cút  bơ vơ không ai chăm sóc…”

Cha mẹ Nhớ bỏ nhau khi em mới lên 3. Từ ngày đó, một mình ông nội tảo tần thức khuya dậy sớm nuôi đứa cháu khôn lớn rồi cho đi học. Lúc còn khỏe, ông đi làm mướn có đồng ra đồng vào… Từ ngày ông yếu rồi bệnh tật quanh năm, hai ông cháu có gì ăn đấy, sống bằng sự cưu mang giúp đỡ của bà con chòm xóm.  

Nhớ tâm sự, gần 70 tuổi lẽ ra ông nội phải được an nhàn hưởng tuổi già quây quần bên con cháu. Vậy mà ngày nào ông cũng phải lọ mọ đi nhặt từng chai mủ, bọc ni lông… kiếm năm bảy ngàn nuôi em đi học. Thương ông nhưng em cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng học tốt! 

Nhớ viết: “Bạn bè con được cha mẹ yêu thương, chăm sóc. Con cũng có cha mẹ, nhưng sao thấy mình côi cút, khổ sở và tủi thân quá. Con chỉ mong cha mẹ thương con mà đến thăm 1 lần, để con không phải tủi phận với bạn bè, để con không phải nghe những lời xì xào, bàn tán của hàng xóm láng giềng rằng con “mồ côi"… 

“Con đến trường, ai đi bóc tôm chữa bệnh cho cha?”  

Câu nói được phát ra từ cô bé mới học lớp 4, Nguyễn Ngọc Diễm, học sinh Trường Tiểu học Trung Hưng nhưng đủ khiến cha mẹ em thắt lòng. Vẻ hồn nhiên, hay cười của em không giấu nổi sự lo lắng khi nghĩ đến chuyện mình phải nghỉ học, xa trường lớp bạn bè khi mới lên lớp 4.  

Không chỉ Diễm có nguy cơ phải bỏ học mà hai đứa cháu gái đến tuổi mẫu giáo, lớp 1 của ông Chung là Nguyễn Ngọc Trân, 7 tuổi và Nguyễn Thị Bé, 5 tuổi cũng sắp phải bỏ học.  

em Be
Nguyễn Văn Chung và em Bé trước căn nhà của cả gia đình 3 thế hệ với 11 nhân khẩu.
Ông Nguyễn Văn Chung, 65 tuổi kể: Trân và Bé là hai đứa cháu ngoại. Cha mẹ nó lấy nhau rồi chia tay, để lại cho ông bà già hai đứa cháu côi cút, tội nghiệp này. “Thậm chí cha nó (cha Bé - PV) còn nhẫn tâm bán nó cho người ta với giá 200.000 đồng. Cũng may khi đó vợ tôi biết chuyện, kiên quyết không đồng ý rồi đem nó về nuôi. Suốt thời gian sau, nó mới lên 2 nhưng đã phải uống sữa bột, ăn cháo trắng rồi cơm nhão để khôn lớn…”, ông Chung nói.  

Đôi mắt đen, to tròn của Bé lúc nào cũng đượm vẻ u buồn. Từ ngày ý thức được mình “mồ côi” cha mẹ, Bé dành trọn tình thương cho bà ngoại, xem đó như người mẹ duy nhất của mình. Mỗi lần nghe ai nhắc đến cha, Bé chỉ ngồi im rồi lẳng lặng tìm chỗ khác để trốn . Mấy năm trời, hàng xóm bảo cha các em lấy vợ khác ở xã bên nhưng chưa một lần về thăm đứa con bé bỏng, tội nghiệp của mình…  

Những năm trước, ông Chung và vợ ông, bà Lê Thị Mười còn khỏe đều có thể đi làm kiếm tiền. Ông Chung đi phụ hồ, bà Mười làm mướn cỏ lúa cho người ta. Thế nhưng từ năm ngoái, ông phải đi cấp cứu liên tục, bà cũng không có việc làm vì chẳng ai thuê. Nhà đã thiếu nay càng túng bấn hơn…  

Đầu tháng 8, khi Diễm chuẩn bị lên lớp 4, Trân vào lớp 1 và Bé bắt đầu học mẫu giáo thì gia đình ông Chung không kham nổi tiền học phí vì “chạy ăn hàng ngày còn chưa xong, nói gì đến chuyện đi học”.  

Thế là để có tiền chữa bệnh cho cha, mấy chị em Diễm đều phải đi làm mướn. "Ba em đi mần lò gạch tận Bình Dương, tháng làm được vài đồng gởi về. Em thích đi học lắm nhưng nhìn cảnh nhà nghèo quá, gạo còn chạy ăn từng bữa, huống chi chuyện học hành” - Diễm kể.  

Vừa học hết lớp 3, thân hình nhỏ như cái kẹo nhưng mỗi ngày cô bé phải đi bóc tôm từ 0h tới 3 - 4h sáng để kiếm 30.000 đồng mang về…  

“Nó mới mấy tuổi đầu đã phải nghỉ học, đi lột tôm kiếm tiền thử hỏi sao không xót. Phải chi tôi đừng bệnh, tôi sẽ đi làm phụ hồ kiếm tiền nuôi nó ăn học, đằng này…”, ông Chung bộc bạch.  

em Be
Em Bé đang đứng trong căn nhà trống hoác từ 2 phía.
Căn nhà dột nát, rách bươm chưa đầy 50m2 nhưng là nơi sinh sống của đại gia đình 3 thế hệ với 11 nhân khẩu. Đảo mắt quanh nhà, thứ đồ quý giá nhất là 3 chiếc giường làm bằng những tấm ván ép. Giường ngoài nhà được kê giữa tứ bề trống hoác, chỉ duy nhất mái lợp phía trên thay vì 4 vách tường lá dừa xung quanh. Mỗi lần trời mưa, ngồi trên giường mà nuớc cứ tạt vào, ướt như đang đứng ngoài đồng.  

Gian nhà trong, nước dột tứ phía. Cứ đêm nào trời mưa, cả nhà đều mất ngủ bởi mọi xô chậu trong gia đình đều được huy động ra hứng nước nhưng “xô chậu nào hứng cho hết!”, bà Mười thở dài.  

Rồi bà chỉ tay ra phía giường chỗ ông Chung và em Bé đang ngồi, vách tường rách nát hở khoảng không rộng cả mét, mặt trời rọi nắng chiếu thẳng vào khuôn mặt hai ông cháu đang ngồi… trong nhà.  

Nghe tin cả ba con, cháu trong gia đình ông Chung phải nghỉ học, một người dân ở cùng xã tốt bụng đã cho tiền đóng tiền trường để các em được tiếp tục đi học. Đối với ông bà Chung, chỉ mong con cháu học được cái chữ, lên lớp chừng nào hay chừng đó còn cấp 3, ĐH với người dân nơi đây dường như là điều xa xỉ, chẳng dám mơ…  

Thái Phương

Còn rất nhiều những em học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái xa gần. Một cuốn sách, một chút tiền của bạn đọc lúc này sẽ góp phần nâng bước các em đến trường.

Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: bandoc@vietnamnet.vn;


1 - Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

2 - Bạn đọc giúp đỡ theo địa chỉ trực tiếp toà soạn xin liên hệ:
Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. ĐT: (04)3 7722729
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 65 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.
.

(Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường")

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,