221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1075914
Đổ tiền tỷ cho con học trường quốc tế
1
Article
null
Đổ tiền tỷ cho con học trường quốc tế
,

 - Đầu tư nhiều tiền cho con được học... ít đi - ngày càng nhiều phụ huynh lựa chọn các trường học đáp ứng được mong muốn thực tế: con mình lưu loát ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ; có phong cách tự tin, độc lập, vừa được học, được chơi.

Tại Hà Nội, một số trường giảng dạy chương trình quốc tế hoặc có yếu tố "quốc tế" được các phụ huynh "nhắm" tới như Uniworld, Unis (dạy chương trình quốc tế bằng tiếng Anh), Alexandre Yersin (trường quốc tế Pháp), quốc tế Hà Nội và gần đây là các trường như Dream House, Brendon, VIP School... Tuy nhiên, mỗi trường lại có những đặc thù và đối tượng phục vụ khác nhau.

Chọn trường "gửi" con

Mô tả ảnh.

Một giờ học ngoại khóa của HS Trường quốc tế Dream House, HN. Ảnh: Bảo Anh

Anh Nguyễn Kỳ Nam, một tiến sĩ khoa học có quốc tịch Úc, khi về Việt Nam sinh sống (năm 2006) phải mất khá nhiều thời gian để lựa chọn trường cho cậu con trai đã học hết lớp 1 ở Úc. Anh muốn con không chỉ lưu loát tiếng Anh và văn hóa nước ngoài mà phải biết tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam.

Sau khi tìm hiểu chương trình của Trường quốc tế Uniworld, (Vạn Bảo), anh Nam đã cho cháu Kỳ Anh vào học hệ song ngữ, sáng chương trình tiếng Anh, chiều tiếng Việt. Theo anh Nam, nếu cho con học hệ quốc tế thì đã để con học ở bên Úc.

Khác với quan điểm của anh Nam, chị Hương (quận Ba Đình) lại cho 2 con vào học ở trường hoàn toàn theo chương trình tiếng Anh và tiếng Pháp. Chị Hương cho biết, cháu lớn đã học đến lớp 11 ở Trường quốc tế Liên hiệp quốc Unis, còn cháu nhỏ học ở Trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin từ mẫu giáo và đến nay đã lên lớp 5.

Gia đình chị Hương kinh doanh buôn bán lâu đời, dù không biết cả 2 thứ tiếng trên nhưng với mong muốn con có môi trường học tập tốt, học được sự tự tin và độc lập của HS quốc tế nên anh chị quyết định gửi con vào học trường quốc tế. "Kết quả học tập của các con luôn được nhà trường thông báo đến từng phụ huynh. Trong trường hợp phụ huynh còn thắc mắc hoặc không hiểu con học thế nào thì sẽ có giáo viên người Việt sẵn sàng giải đáp những thắc mắc", chị Hương cho biết.

Thuận lợi hơn chị Hương, chị Yến là một chuyên gia tiếng Pháp nên có thể dễ dàng kiểm soát được trình độ của con. Con của chị Yến vào trường Yersin từ tuổi mẫu giáo và đến nay đã học hết lớp 3. Chị Yến nhìn nhận, học ở đây con chị không có sức ép, không học thêm, có thời gian để chơi, để "mơ màng". Đặc biệt, trường Yersin không xếp hạng HS nên các cháu đến trường vừa học vừa chơi mà không phải lo tỵ nạnh, ganh đua nhau về điểm số. Mỗi đứa trẻ có khả năng phát triển riêng và sự tiến bộ trong học tập được nhìn nhận qua chính mỗi HS. Đây chính sự khác biệt để chị Yến gửi con vào đây học.

Chị Nguyễn Kim Giao (Hà Nội) có con học lớp 3 Trường quốc tế Uniworld xác định, ai cũng chuẩn bị để dành cho con một ngôi nhà, nhưng thay vì mua nhà chị đầu tư kiến thức cho con. Người Việt Nam rất chiều con nên trẻ thường ỷ lại. Do đó, chị Giao muốn cho con vào học trường quốc tế để học được tư duy của người nước ngoài, dám đưa ra ý kiến của mình, có tính độc lập cao. 

Dành nhà bạc tỷ trả học phí cho con

Để chuẩn bị hành trang cho con trở thành những công dân toàn cầu, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, chi phí các bậc phụ huynh bỏ ra không nhỏ. Đặc biệt, nếu xác định cho con vào học các chương trình của nước ngoài thì phải theo đến hết lớp 12 vì khả năng "quay đầu lại" là bất khả thi.

Chị Kim Giao xác định ngay từ đầu, cho con vào học trường quốc tế bằng số tiền hơn 1 tỷ để dành mua nhà cho con. Theo tính toán của chị, Trường Uniworld, trung bình học phí mỗi năm là 6.000 USD, khoảng hơn 100 triệu đồng. Như vậy, sau 12 năm học ở đây, chi phí để cho con học mất đúng bằng ngôi nhà.

Cháu lớn nhà chị Hương vừa học xong lớp 10 Trường Unis, học phí năm qua đóng cho con là 18.000 USD. Được biết, đây là trường quốc tế có học phí cao nhất trong cả nước. Cộng thêm chi phí cho cháu nhỏ học Trường Yersin khoảng 700-800 USD/tháng thì hàng năm riêng tiền học cho các con chị phải chi gần 30.000 USD. Xác định phải cho các con theo học đến hết lớp 12 nên chị Hương cũng lên kế hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, cái mà các con chị Hương nhận được khi vào học ở trường quốc tế, ngoài kiến thức, khả năng ngoại ngữ còn là môi trường học tập thoải mái, không có áp lực và đặc biệt không phải miệt mài học ngày, học đêm.

Cho con vào học trường tiếng Pháp Yersin, chị Yến bớt phần lo lắng đến việc học của con nhưng lại chịu "áp lực" lớn khi lo tiền đóng học cho con. Chị Yến cũng nhận thấy, nếu kinh tế khủng hoảng, anh chị không lo nổi tiền học cho con thì cháu rất khó để vào một trường công nào đó ở Việt Nam.

Không đủ điều kiện cho con vào các trường Unis, Uniworld, một số phụ huynh chọn các chương trình đào tạo HS vừa có khả năng tiếng Anh, được tiếp cận với một số giáo trình nước ngoài nhưng vẫn học theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

Cho con học trường Dream House, Quỳnh Anh cho rằng, chi phí cho một năm học khoảng hơn 3.000 USD là sự lựa chọn của những gia đình Việt Nam ít con và có điều kiện khá giả. Trường hợp xấu nhất, nếu bố mẹ không đủ điều kiện cho con theo học các lớp tiếp theo thì vẫn còn thể chuyển con về bất cứ trường nào của Việt Nam.

  • Bảo Anh

(* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Bài 2: Chương trình: "Quốc tế" đến đâu?

>>> Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,