Nâng cao tính chính đáng của đảng cầm quyền

Cập nhật lúc 05:56, 15/10/2010 (GMT+7)

- Trong thể chế nhất nguyên chỉ có một Đảng cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền, không có cạnh tranh quyền lực, không có nghĩa là Đảng có quyền chính đáng muốn làm gì thì làm.

LTS: TS. Đặng Đình Tân, giảng viên cao cấp, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để nâng cao vị thế lãnh đạo, uy tín và hiệu lực cầm quyền, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, thì việc xây dựng, đổi mới Đảng theo hướng nâng cao tính chính đáng trong vai trò cầm quyền của Đảng là rất quan trọng.

VietNamNet giới thiệu bài viết này.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Đã đến lúc phải có luật cho Đảng cầm quyền

Trong mọi xã hội chính trị, xây dựng tính chính đáng trong vai trò cầm quyền, thực hiện quyền lực chính trị là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu lực thực thi quyền lực chính trị nói chung, cũng như hiệu lực thực hiện của một mệnh lệnh, chỉ thị phát ra từ một chủ thể quyền lực. Việc cầm quyền, thực hiện quyền lực chính trị một cách chính đáng là một trong những nhân tố quan trọng nhất thắt chặt mối quan hệ giữa các chủ thể và khách thể thực hiện quyền lực, thúc đẩy các hành vi chính trị của quần chúng lên tầm tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo, qua đó tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong vai trò cầm quyền.

Nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh đổi mới theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, phát huy dân chủ, đồng thời với xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh hội nhập với thế giới. Do vậy, để nâng cao vị thế lãnh đạo, uy tín và hiệu lực cầm quyền, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, thì việc xây dựng, đổi mới Đảng theo hướng nâng cao tính chính đáng trong vai trò cầm quyền của Đảng là rất quan trọng.

Làm tốt, không chỉ nói hay

Để nâng cao tính chính đáng trong vai trò cầm quyền của Đảng ta, theo chúng tôi cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là: Đảng phải giữ được vị trí tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, đổi mới chính trị.

Mô tả ảnh.
100% đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trang thông tin điện tử Đại hội XI

Sau khi Đảng lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đánh đổ đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Điều đó là chính đáng, bởi trong cuộc đấu tranh đó, Đảng ta đã tỏ rõ là vị trí tiên phong lãnh đạo về đường lối, chiến lược, sách lược và về nghệ thuật tập hợp lực lượng cách mạng, Đảng đã giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với nhiều lực lượng, nhiều xu hướng chính trị khác nhau.

Nhưng không phải cứ ngồi trên vị trí cầm quyền rồi thì Đảng sẽ có vị thế chính đáng quyền cầm quyền mãi mãi. Gramsci, một nhà tư tưởng chính trị đã nhấn mạnh rằng, để một lực lượng nào đó vươn tới nắm quyền lực (chính quyền) thì bắt buộc lực lượng đó phải nắm được vị trí “tiên phong” trước khi chiếm được chính quyền. Nhóm này sau đó sẽ trở thành nhóm cầm quyền. Nhưng ngay cả khi nắm vững quyền lực trong tay, nhóm này vẫn bắt buộc phải tiếp tục vai trò tiên phong của mình, nếu không có thể sẽ mất quyền.

Hai là: Đảng phải được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ trong thực hiện các phương thức cầm quyền.

Trong thể chế nhất nguyên chỉ có một Đảng cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền, không có cạnh tranh quyền lực, không có nghĩa là Đảng có quyền chính đáng muốn làm gì thì làm.

Đảng hướng tới dân chủ, nhưng dân chủ trong bầu cử cũng mới chỉ là tiêu chí tối thiểu của dân chủ, trong khi bầu cử ở Việt Nam chưa thật sự dân chủ. Một tiêu chí góp phần để có dân chủ đầy đủ là Đảng phải có phương thức cầm quyền đúng, có chính sách đúng, hợp lòng dân, hợp quy luật, thúc đẩy phát triển. Sức mạnh của Đảng không chỉ dựa vào sức mạnh của bạo lực. Nhưng ngay khi dựa vào sức mạnh bạo lực, thì "cách sử dụng sức mạnh hiệu quả nhất khi dùng vũ lực chính đáng chứ không phải dùng sức mạnh mà không cần quan tâm chính đáng hay không".

Đảng có giữ được vai trò cầm quyền lâu dài hay không, giờ đây tùy thuộc vào sự tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng trong các cuộc bầu cử các cơ quan quyền lực công, vào tính đúng đắn của chính sách công. Có làm cho dân tin mới giành được sự tin cậy của dân. Điều này lại tùy thuộc vào việc nâng cao năng lực, phẩm chất, sức chiến đấu của Đảng.

Năng lực cầm quyền của Đảng còn phải thể hiện ở năng lực thuyết phục, tạo uy tín, lòng tin trong xã hội. Để tiếp tục khẳng định vai trò cầm quyền chính đáng của mình, Đảng phải giữ được vị trí tiền phong trong một hoàn cảnh lịch sử mới: thời kỳ Đảng thực hiện lời hứa của mình trước toàn dân tộc là đưa đất nước ta trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, thực hiện công bằng, xã hội dân chủ và văn minh. Dân cần ở Đảng, ở mỗi đảng viên là làm tốt, chứ không chỉ nói hay. Toàn Đảng và mỗi đảng viên phải sống mãi trong lòng nhân dân. Đảng phải được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Sức mạnh của Đảng giờ đây thể hiện ở chỗ là khả năng thuyết phục, tập hợp nhân dân xung quanh Đảng.

Muốn vậy, trong mỗi chủ trương, mỗi hành động, đảng phải hướng đến dân; ngoài lợi ích của dân tộc và nhân dân, Đảng không còn lợi ích nào khác. Mỗi tổ chức đảng và mỗi đảng viên phải là những người tiên phong, đi đầu, làm gương trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân, tất cả vì dân; gian khổ, hy sinh phải trước thiên hạ; hưởng thụ, sung sướng phải sau thiên hạ. Đảng viên không thể là cha mẹ dân. Không thể khi Đảng được dân giao quyền rồi sử dụng quyền ấy để hành dân. Nguồn gốc của quyền lực và không thể có quyền lực chính đáng nếu quyền lực đó được xây dựng không dựa trên lòng dân, nếu quyền lực đó là vô trách nhiệm.

Trong thực hiện quyền lực, Đảng phải chính danh, không lấn vào các công việc của nhà nước. Vì dù là Đảng cầm quyền, Đảng vẫn chỉ là tổ chức chính trị, lãnh đạo chính trị, chứ không phải là cơ quan công quyền. Những vấn đề quan trọng này phải thấm vào máu thịt trong mỗi tổ chức đảng và đảng viên.

Quyền lực phải được kiểm soát

Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Thứ ba: Đảng cầm quyền nhưng Đảng phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền Việt Nam, các quyết sách của Đảng phải đưa đất nước phát triển. Nói khác đi, Đảng cầm quyền chính đáng là Đảng phải đảm bảo quyền lực của dân, không vi phạm dân chủ, nói đi đôi với làm và phải mang lại hiệu quả.

Muốn vậy, quyền lực của Đảng cầm quyền cũng phải được kiểm soát. Đảng không thể đứng ngoài sự kiểm soát. Sự cầm quyền không phải bao giờ cũng nằm trong khôn khổ, chuẩn mực của luật pháp. Thực tế, có nhiều biểu hiện tổ chức đảng và nhất là đảng viên vượt ngoài chuẩn mực pháp luật. Trong điều kiện hệ thống một đảng, điều này luôn có khả năng xảy ra, và đã xảy ra. Do đó, cần kiểm soát quyền lực đảng từ nhiều phía: kiểm soát bằng quyền lực nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và gắn với nó, cần có cả cơ chế để chế tài; kiểm soát xã hội đối với Đảng, thông qua thực hiện hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đồng thời Đảng phải đẩy mạnh quá trình tự kiểm soát thông qua công tác kiểm tra của Đảng.

Nâng cao tính chính đáng của Đảng cầm quyền là vấn đề lớn, cần quán triệt trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng và cần được coi là một nội dung đổi mới, xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ tới.

  • Đặng Đình Tân

Ý kiến của bạn

Các tin khác