ADMM+: Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng Luật Biển LHQ

Cập nhật lúc 16:49, 12/10/2010 (GMT+7)

- Không nằm trong chương trình nghị sự chính thức song một số nước ASEAN và đối tác đã nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội sáng 12/10.

Mỹ đề xuất đối thoại an ninh biển

Trao đổi với báo chí ngay sau kết thúc hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho hay trong đánh giá, nhìn nhận quan điểm tình hình an ninh trong khu vực cũng như trình bày chính sách quốc phòng đối với khu vực, một số Bộ trưởng các nước đã nêu tình hình an ninh trên Biển Đông.

Mô tả ảnh.
18 nước ký Tuyên bố chung của ADMM mở rộng lần thứ nhất.

Trong đó, thống nhất nhận thức chung phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC).

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay tại hội nghị, Việt Nam đã đề xuất nỗ lực tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) - bộ quy tắc được cho có tính pháp lý ràng buộc hơn DOC.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng xác nhận với báo chí bên hành lang hội nghị trước đó rằng trong số các nước nêu vấn đề Biển Đông, ngoài một số nước ASEAN, có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thứ trưởng Vịnh cho rằng vấn đề Biển Đông đã được đề cập tại hội nghị với khoảng thời gian đủ, vừa phải.

An ninh biển là một trong những vấn đề thảo luận chung được các Bộ trưởng dành nhiều quan tâm tại hội nghị ADMM+ đầu tiên này.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, đây cũng là một trong 5 lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ được tất cả Bộ trưởng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng 18 nước tham dự hội nghị thống nhất. Tại hội nghị, Mỹ đưa ra đề xuất đối thoại an ninh biển và phối hợp tuần tra chung chống cướp biển, Malaisia và Úc đề xuất chủ trì tổ chức nhóm chuyên gia về an ninh biển.

“Không họp bàn để đó”

5 lĩnh vực hợp tác cụ thể trong ADMM+ được thống nhất gồm: hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và các hoạt động gìn giữ hòa bình. Một số nước nêu các đề xuất như Việt Nam và Trung Quốc đồng chủ trì nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (bìa phải) đề xuất đối thoại an ninh biển và phối hợp tuần tra chung chống cướp biển.

Là cơ chế hợp tác và tham vấn về quốc phòng và an ninh cao nhất cấp bộ trưởng về các vấn đề an ninh khu vực giữa các nước thành viên ASEAN và 8 nước “Cộng”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh giá trị của ADMM+ khác biệt so với các diễn đàn, cơ chế an ninh khác đó là “không chỉ nói, mà quan trọng phải làm, làm vừa sức mình, cụ thể, thiết thực, hiệu quả” và “không phải đến họp bàn, rồi để đó”.

Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng 18 nước đã thông qua và ký Tuyên bố chung của ADMM mở rộng lần thứ nhất. Các bên thống nhất sẽ tiến hành hội nghị lần hai tại Brunei vào năm 2013.

Trong Tuyên bố chung, các bên đồng thuận thiết lập Hội nghị Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN Mở rộng (ADSOM+) để thực hiện các thỏa thuận và quyết định của ADMM+ cũng như giao ADSOM+ thiết lập các Nhóm công tác chuyên gia về những vấn đề an ninh cùng quan tâm.

VietNamNet giới thiệu một số hình ảnh về hội nghị ADMM+ đầu tiên tại Hà Nội :

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch ASEAN 2010 dự hội nghị.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Tổng thư ký ASEAN bên lề hội nghị

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ duyệt đội danh dự quân đội nhân dân Việt Nam

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Lễ đón các Bộ trưởng Quốc phòng các nước

Mô tả ảnh.
Trước giờ hội nghị

Mô tả ảnh.

Mô tả ảnh.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Việt Nam - nước Chủ tịch hội nghị

Mô tả ảnh.

ADMM+ : cơ chế hợp tác an ninh quốc phòng cao nhất cấp Bộ trưởng đầu tiên bao trùm 18 nước gồm ASEAN, Đông Á và Mỹ, Nga

  • X.Linh – P.Loan
    Ảnh: Lê Anh Dũng

Ý kiến của bạn

Các tin khác