Cứ "lót tay", việc mới "chạy"

Cập nhật lúc 05:44, 14/10/2010 (GMT+7)

- Kết quả ban đầu của khảo sát trực tuyến về cải cách hành chính do UNDP phối hợp với VietNamNet thực hiện cho thấy, gần 70% người dân khi được hỏi trả lời rằng họ phải đưa thêm tiền mới giải quyết được công việc liên quan đến thủ tục hành chính.

>> Gần 1.500 người ’hiến kế’ cải cách hành chính
>> Sốt ruột với cải cách

Khảo sát được tiến hành trên diện rộng, với sự tham gia của người dân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, từ doanh nhân cho đến công chức, nông dân, nội trợ. Có tới 1.466 người dân ở 63 tỉnh, thành đã tham gia, từ Hà Nội cho đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Phản ứng chung của người dân tham gia khảo sát, đó là mỗi khi phải "cậy" đến cửa công quyền, phải có "phong bì lót tay" và dựa vào các mối quan hệ thì mới mong được việc.

Cò, lót tay và quan hệ tốt

Đứng đầu bảng những thủ tục gây phiền hà nhất cho dân chính là thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gần 45%). Tình trạng rắc rối trong cấp giấy chứng nhận diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành, từ Hà Nội cho đến Vĩnh Long, Phú Thọ... Kế tiếp là các loại thủ tục cấp phép xây dựng nhà, khiếu nại tố cáo, đăng ký hộ khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế nhà đất, đăng ký kinh doanh...

Mô tả ảnh.
Đứng đầu bảng những thủ tục gây phiền hà nhất là thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Riêng ở Hà Nội, tình trạng phiền hà được người dân phản ánh diễn ra ở hầu hết các quận như Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai... và một số sở.

Do vậy, nhờ cò, "lót tay" và "quan hệ tốt" là ba chìa khóa để mở cánh cửa thủ tục.

Một doanh nhân ở Nam Định chia sẻ: "Cứ phải lót tay cho cán bộ mới xong việc". Còn người khác ở Hà Nội cho rằng, "phải quan hệ tốt, phải chi tiền, nếu không thì không bao giờ xong được việc".

Còn một người dân ở Long An thì nêu kinh nghiệm tạo mối quan hệ tốt, phong bì tận tình chu đáo. Bí quyết của anh là xin số điện thoại của cán bộ để có cớ gặp riêng, "giấy tờ kiểu gì cũng sai, nếu không có phong bì nằm gọn trong hồ sơ".

Nhưng đôi khi, "phong bì" rồi mà vẫn chưa xong việc.

Một nữ nhân viên làm hành chính ở Hà Nội phản ánh, khi cần làm thủ tục gì đó, chị đều phải đi đi về về rất nhiều lần. "Mỗi lần đến lại phát sinh thêm chuyện thiếu giấy tờ. Sau khi đưa thêm phong bì thì được nhận hồ sơ và hẹn tuần sau sẽ gọi lại. Nhưng đợi tuần sau tôi gọi lại thì hẹn sẽ kiểm tra lại hồ sơ. Sau nhiều lần tôi gọi hỏi kết quả thì lại nói là đợi sếp duyệt. Đã gần 2 tuần rồi, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể".

Vậy là sinh ra chuyện chạy đến "cò" để giải quyết mớ bùng nhùng không biết bao nhiêu tiền cho xuể.

"Có sẵn một đường dây xuyên suốt từ vẽ bản vẽ, đo đạc, cấp giấy đến cục thuế. Nếu tự làm đi tới, đi lui, bị hành sắp chết luôn. Tốt nhất cứ quăng ra 1 cục tiền rồi ngồi rung đùi chờ ngày lấy", một nhân viên kế toán làm việc ở TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm đi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một kỹ sư công nghệ thông tin ở Hà Nội chuyển sang kinh doanh cũng tâm sự: "Khi đăng ký kinh doanh ngành nghề mới, không thể đoán được mình phải đi xin ở đâu, giải đáp tại các cơ quan nhà nước là chỉ vào bảng hướng dẫn mà dịch vụ mới thì không có rồi. Tốt nhất là tìm người quen làm công ty luật giúp đỡ, họ có kinh nghiệm lách luật".

Ngay khi bình chọn "thủ tục, cơ quan làm thủ tục thuận lợi nhất" thì đa phần người dân cũng giải thích mọi việc "đầu xuôi đuôi lọt" vẫn là nhờ lót tay, quan hệ tốt và cò. Cá biệt mới có trường hợp tự tin cho rằng mình hiểu rõ quy trình thủ tục cũng như nhờ cán bộ niềm nở, tận tình.

Chưa hài lòng về công chức

Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi hầu hết người dân tham gia khảo sát không hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương họ. Có tới hơn nửa số người trả lời cho rằng họ không nhận được những thông tin rõ ràng về thủ tục cần làm. Không phải ai cũng nhận được lịch hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục và rất nhiều trong số những người nhận được lịch hẹn phản ánh rằng công chức nhà nước cũng không được đúng hẹn cho lắm. Trình độ nghiệp vụ của đội ngũ công chức đa số được cho là chưa tốt.

Mô tả ảnh.
Không phải phường nào cũng có thông tin rõ ràng về thủ tục hành chính như UBND phường Nguyễn Du, Hà Nội. Ảnh: VA

Một trong những giải pháp được đa số người trả lời khảo sát (60%) đề xuất, đó là cần phải cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, đơn giản cho người dân.

Giải pháp cấp bách tiếp theo là đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, chú trọng xây dựng người giỏi về chuyên môn, có đức độ và trách nhiệm. Song song là nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo hướng đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm ngân sách. Chuyển những dịch vụ công không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước cung ứng cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ đảm nhiệm.

Ngoài ra, nhiều người cũng kiến nghị phải thiết lập chế độ tiền lương cạnh tranh theo vị trí công tác của công chức cũng như tạo ra cơ chế cho người dân và báo chí tham gia phát hiện, tố cáo những hành vi tiêu cực của công chức trong thực thi công vụ.

Không thể thiếu những giải pháp khác liên quan đến công nghệ như cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh triển khai các ứng dụng về công nghệ thông tin...

Từ ngày 8/6 đến 15/9/2010, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và VietNamNet lần đầu tiên thực hiện khảo sát trên mạng Internet (tại www.hienkecchc.vn - trang web này đã hết hiệu lực) để hỏi về kinh nghiệm và cảm nhận của người dân khi tương tác với các cơ quan hành chính ở địa phương nơi họ sinh sống và làm việc.

Khảo sát nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục. Khảo sát tập trung hỏi cảm nhận của người dân về kết quả cải cách thủ tục hành chính ở địa phương, về kinh nghiệm thực tế khi cậy đến cửa công, khi đi làm thủ tục hành chính, và nhờ người dân chỉ ra thủ tục nào rườm rà nhất và thuận lợi nhất.

Khảo sát cũng lấy ý kiến của người dân về một số định hướng cải cách hành chính trong thời gian tới. Khảo sát đã thu hút được 1.466 câu trả lời có hiệu lực, trong đó 62,48% là nam giới và 37,52% là nữ giới. Người trả lời khảo sát đến từ 63 tỉnh, thành phố, trong đó 49,86% từ các thành phố trực thuộc trung ương.

Hy vọng rằng khảo sát là cầu nối giữa người dân với Chính phủ, góp phần phản ánh ý kiến và nguyện vọng của người dân đối với quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam.

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Các tin khác