Sốt ruột với cải cách

Cập nhật lúc 10:57, 13/10/2010 (GMT+7)

- Cả quan chức Bộ Nội vụ - cơ quan Chính phủ chủ trì cải cách hành chính (CCHC), lẫn đại diện 23 tỉnh, thành phía Bắc có mặt ở Hạ Long ngày 12/10 đều tỏ ra sốt ruột với tốc độ cải cách cũng như mức độ đầu tư tiền bạc vào công cuộc này. Lương vẫn là bức xúc lớn nhất.

Lương và "lậu" của công chức
Xóa bao cấp tiền lương công chức
2015: Lương công chức 4.000 USD/năm?
Chuyên gia Úc bàn chuyện lương công chức Việt Nam
Muốn tăng lương công chức, phải cắt bớt những "kẻ ăn theo"

Muốn mua nhà: Nhịn... 21 năm không ăn uống
Công chức túng nên phải ’tính’

Quá lâu

Phát biểu ở hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết chương trình tổng thể CCHC 10 năm qua và xây dựng chương trình 10 năm tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Văn Thiệp dừng lại khá lâu với hai phương án mà Bộ Nội vụ đang còn lưỡng lự. Đó là: đến năm 2017, tiền lương được cải cách cơ bản, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức (CBCC) và gia đình, hoặc đến 2015, CBCC có thu nhập tiền lương ở mức trung bình khá của xã hội.

Mô tả ảnh.
Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Tất Tiệp so sánh chương trình tổng thể CCHC với đề án 112 và đề án 30. Ảnh: VA

Dù biết đây là những mục tiêu đã từng được phấn đấu mà không đạt 10 năm qua, ông Thiệp không tránh khỏi cảm thán: "2017 là quá lâu, chúng tôi không thể chờ được. Lương tôi phó giám đốc sở, chuyên viên cao cấp bậc một, 5 triệu đồng/tháng nói thật là không thể sống ở Hà Nội. Lương không bằng con cái vừa tốt nghiệp đại học nhưng không làm nhà nước".

Sở hữu tiền lương khiêm tốn, phụ cấp chức vụ "chỉ uống được vài cốc bia", trách nhiệm thì nặng nề, ông Thiệp đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu làm sao để Chính phủ thời gian tới cải cách triệt để tiền lương cho CBCC, không để giậm chân tại chỗ như 10 năm qua.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Chính cũng nói báo cáo tổng kết cần bỏ từ "cơ bản" rất chung chung trong mục tiêu cải cách lương. Ông Chính cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến tài chính công, đến nay "chỉ là phép cộng chứ không thực chất", mâu thuẫn giữa biên chế và nhu cầu công việc: luôn đòi hỏi giảm biên trong khi đầu việc tăng.

Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Tất Tiệp lại chạnh lòng khi làm phép so sánh giữa chương trình tổng thể CCHC và đề án 112 (tin học hóa bộ máy hành chính) hay đề án 30 (đơn giản hóa thủ tục).

Ông Tiệp cùng một số đại diện các tỉnh khác cho rằng Bộ Nội vụ còn thiếu quyết liệt trong công tác tham mưu cho Chính phủ: "Có năm nào Chính phủ đề cập mục tiêu ngân sách cho CCHC chưa? Không biết có tỉnh nào được đầu tư không, chứ tỉnh tôi không có. Bộ Nội vụ nhìn lại xem Bộ có bao nhiêu văn bản đề nghị Chính phủ cấp ngân sách cho CCHC? Duy nhất có một công văn, cấp 200 nghìn đồng/tháng cho công chức bộ phận một cửa, mà phải thông qua HĐND tỉnh. Tỉnh tôi bảo không đáng gì nên không trình HĐND, mà không đáng gì nên cũng không cấp luôn".

Về khoản 200 nghìn đồng này, Phó Giám đốc Sở Hà Nội Phùng Văn Thiệp nói thẳng, nó "quá bèo bọt", "chẳng cần thông qua HĐND, chúng tôi tham mưu cho thành phố hỗ trợ luôn 500 nghìn. Huyện Từ Liêm còn hỗ trợ cho công chức một cửa của họ thêm 1 triệu nữa. Thế mà vẫn chẳng hút được người về".

Không còn quá tham vọng

Lương chưa đủ, bộ máy công quyền lại còn phải chịu sự xáo trộn tách - nhập. Như Hà Nội, 10 năm xáo 4 lần. "Bộ máy không ổn định, làm sao chuyên nghiệp được. Mỗi lần tách - nhập, tài liệu phân tán, tài sản mất mát", như lời ông Thiệp nói.

Mô tả ảnh.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Chính: Cần bỏ từ "cơ bản" rất chung chung trong mục tiêu cải cách lương. Ảnh: VA

Ông Thiệp cũng cho rằng không nên "mê mải" với chuyện tinh giản bộ máy bằng cách giảm số bộ hay sở nhưng thực chất "phình" bên trong, bởi "vô hình trung, ông giám đốc sở hay bộ trưởng không thể nắm hết được các mảng, dưới tổng cục lại nắm vấn đề sâu hơn".

Thừa nhận các phát biểu là xác đáng, bức xúc hơn cả ở cuộc hội thảo tuần trước lấy ý kiến các bộ, ngành, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa giải thích vì sao nhiều mục tiêu đặt ra từ 2001 đến nay "vẫn còn nguyên giá trị". Ông Hòa kể vào thời điểm đó, khi Nghị quyết TƯ 7 nêu rõ cải tiến chế độ tiền lương, chính những người soạn thảo chiến lược CCHC 2001-2010 đã nghĩ lương CBCC được cải cách đến nơi rồi.

Rút kinh nghiệm khi xây dựng chương trình 2010-2020, ông Hòa khẳng định sẽ không "quá tham vọng" nữa, nhưng nếu nói mục tiêu về tiền lương đến tận 2017 là quá chậm thì Bộ sẽ phải nghiên cứu lại cho kỹ những mục tiêu đề ra. "Có thể phải viết đậm đà hơn", "thuyết phục hơn", làm sao để bộ máy con người trong cơ quan công quyền được yên tâm công tác, cống hiến, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực.

Về đề xuất của đại diện tỉnh Nam Định Trần Tất Tiệp phải in đậm trong chương trình cho 10 năm tới câu "Cần bố trí đủ nguồn tài chính cho chương trình này", ông Đinh Duy Hòa cho biết đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm từ chương trình cũ - phải tính toán chi phí cho công cuộc CCHC. Mục đích: đến 2020, sẽ không phải ngồi lại để thấy nhiều cải cách vẫn chưa tiến được mấy bước, như hôm nay, khi so với 2001.

  • Vân Anh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác