Chuyên gia Úc bàn chuyện lương công chức Việt Nam

Cập nhật lúc 07:30, 11/09/2010 (GMT+7)

- Theo GS người Úc Martin Painter, Việt Nam cần trao quyền quyết định trả lương thưởng cho người đứng đầu cơ quan, đồng thời đẩy mạnh tư nhân hóa các dịch vụ công.

>> Mời bạn hiến kế về cải cách hành chính

GS Martin Painter là Chủ nhiệm bộ môn Hành chính công, ĐH Tổng hợp Hồng Kông. Hôm nay (11/9), ông có mặt ở Hà Nội để dự Diễn đàn Định hướng cải cách tiền lương công chức giai đoạn 2011-2020.

Bình quân chủ nghĩa

Công chức Việt Nam hiện vẫn than phiền lương thấp không đủ sống, tăng lương không theo kịp tăng giá. Như quan sát của ông thì sao?

Mô tả ảnh.
GS Martin Painter: Thu nhập ngoài lương của công chức VN rất cao
- Theo tôi biết, ở Việt Nam, kể từ năm 2000, chi phí sinh hoạt (chỉ số giá tiêu dùng - CPI) gần như tăng lên gấp đôi trong khi lương công vụ cơ bản gần như tăng gấp ba lần.

Chính phủ đã nhận dạng các vấn đề tồn tại như lương thấp không đủ cho công chức sống ổn định, có sự nhập nhằng về vị thế của nhiều đối tượng hiện đang hưởng lương từ ngân sách, thiếu nhất quán về mức lương giữa những nhóm lao động có trình độ như nhau trong khu vực công vụ và hệ lụy của việc trả bằng hiện vật. Bên cạnh đó, vẫn chưa có sự phân định rõ giữa cán bộ và công chức, về ranh giới giữa Nhà nước và thị trường và về mối quan hệ giữa Đảng - Chính phủ.

TIN LIÊN QUAN

Một số vấn đề khác cũng chi phối chuyện tiền lương như kỹ năng tuyển dụng và giữ người, chuyện về tham nhũng và kỷ luật, tình trạng đi đêm, thu nhập phi chính thức dựa vào việc lợi dụng vị trí công vụ và các nguồn lực của nhà nước. Giữa hệ thống tiền lương và hiệu quả công tác có mối quan hệ lỏng lẻo.

Ở Việt Nam, các mức lương quá chật hẹp và ngạch bậc được thiết kế không khoa học.

Nên nhớ rằng lương thưởng - và các điều khoản hợp đồng lao động khác - là một nội dung lớn trong cải cách khu vực công và công vụ. Vấn đề đặt ra là điều khoản và điều kiện lao động nào, trong đó bao gồm chế độ lương thưởng và chính sách đãi ngộ gì, sẽ giúp hình thành nên một khu vực công trong sạch, hiệu quả và hiệu lực cao?

Theo ông, giải pháp là gì?

- Thứ nhất là áp dụng lương trọn gói, trong đó có cả các khoản thưởng. Thứ hai, trong các chuẩn mực đánh giá hiệu quả công việc, phải kể đến tính trung thực, trách nhiệm công dân, trách nhiệm giải trình và hiệu quả thực hiện. Cần lưu ý rằng lương thưởng chỉ là một trong những công cụ để đạt được mục đích này.

GS Martin Painter từng là Trưởng khoa Chính quyền và Hành chính công, ĐH Sydney, giáo sư mời giảng ở các trường ĐH Oxford, ĐH Quốc gia Australia và ĐH Queen’s University tại Canada. Ông tham gia góp ý các vấn đề chuyên môn chính trong quá trình xây dựng Báo cáo Khu vực công thế giới của LHQ năm 2004. GS đã nhiều lần làm tư vấn về cải cách hành chính công ở Việt Nam.
Hàng loạt câu hỏi có thể đặt ra cần phải giải quyết. Chẳng hạn, nên chăng có cơ chế đối xử khác nhau với mỗi loại công chức? Nên chăng có chính sách tiền lương theo thị trường với một số lĩnh vực trong khu vực công? Liệu một công việc ổn định cả đời có phải là một loại hình lao động có giá trị bù đắp cho mức lương thấp? Cần trích tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong lương/thưởng để trả sau theo chế độ hưu trí?

Điều mong muốn có phải là tạo ra khoảng cách tương đối nhỏ giữa mức lương tối thiểu và mức lương tối đa, hay nên nới rộng khoảng cách đó? Liệu hình thức hợp đồng ngắn hạn và “các gói lương” cho từng nhóm đối tượng hưởng lương có tạo ra một cơ chế mà qua đó công vụ sẽ đạt được kết quả cao hơn?

Liệu những người giữ vị trí đứng đầu cơ quan có được tính linh hoạt trong việc đưa ra các mức lương thưởng khác nhau cho từng loại công chức? Liệu trả lương theo hiệu quả lao động và các hình thức thưởng khác có nên nhập vào thành một hệ thống thưởng cho công chức hay không? Đâu là sự cân đối hợp lý giữa tăng lương tự động theo thâm niên cho người phục vụ lâu năm trong hệ thống công vụ và tăng lương đơn thuần theo hiệu quả công vụ?

Liệu tiền lương nên gắn với công chức hay với vị trí việc làm của công chức? Hệ thống lương thưởng trong công vụ đóng vai trò gì trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng?

Theo tôi, Việt Nam đang gặp phải những vấn đề phổ biến như thừa lao động, lương thấp, ăn cắp giờ làm việc của cơ quan, thiếu những kỹ năng cao cấp cần thiết. Ngoài ra, có những vấn đề khác mang tính đặc trưng cho quá trình đổi mới, mở cửa mà Việt Nam gặp phải do chịu ảnh hưởng từ hệ lụy của cách làm cũ.

Cụ thể là những vấn đề gì, thưa ông?

- Đó là thiếu sự phân định rõ ràng giữa nhân lực trong bộ máy chính phủ với nhân lực các khu vực khác trong nền kinh tế XHCN kiểu cũ. Đó là hệ lụy của lao động và chế độ lương thưởng từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, như kiềm chế giá, trả lương bằng hiện vật, bao cấp toàn bộ về nhà ở. Đó là văn hóa ban cho từ hệ lụy của tư tưởng XHCN; là mối e ngại triền miên trong việc nới rộng khoảng cách bậc lương vốn mang nặng tính bình quân chủ nghĩa.

Người đứng đầu quyết lương, thưởng

Ông có thể phân tích rõ hơn?

- Hệ thống XHCN phụ thuộc nhiều vào phúc lợi hiện vật và kiềm chế giá. Vì vậy, lương thấp và khoảng cách bậc lương bị thu hẹp (theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa).

Cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 cần tập trung ưu tiên những nội dung nào?

Mời bạn tham gia khảo sát trực tuyến do VietNamNet và UNDP thực hiện, tại địa chỉ http://www.hienkecchc.vn/.

Quá trình đổi mới kinh tế đã tạo ra sức ép cần phải bình thường hóa tiền lương; tăng lương để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thu hút người tài.

Song trên thực tế, việc tăng lương tối thiểu không bắt kịp với nhu cầu và mong mỏi của công chức về tăng thu nhập, gây tâm lý chống đối việc nhà nước ngừng cấp phúc lợi và trợ cấp bằng tiền mặt và vật chất.

Thị trường hóa và phân cấp cùng với hệ lụy của việc kiểm soát ngân sách lỏng lẻo tạo đất tốt cho sự gia tăng nhanh chóng các cơ hội để có được lợi nhận ngoài ngân sách, do vậy phúc lợi và trợ cấp cũng được chuyển thành các khoản thu nhập “ngoài ngân sách”. Một thực trạng nữa là cấp trên làm ngơ với tình trạng ‘đi đêm’ của cấp dưới.

Hệ thống nhân lực trong khu vực công bị xé lẻ thành nhiều ê kíp thân quen, tạo điều kiện cho việc trục lợi và tham nhũng, lợi dụng dịch vụ công và phúc lợi công.

Vấn đề nằm ở chỗ thu nhập ngoài lương rất cao.

Nhiều người cho rằng thu nhập thấp dễ tạo động cơ cho tham nhũng. Vậy tăng lương có phải là giải pháp chính hạn chế tình trạng này?

- Theo tôi, trước hết cần giám sát chặt chẽ việc lập ngân sách và kiểm soát tài chính. Thứ hai là vấn đề cơ cấu, tổ chức - cần xác định rõ những chức năng nào, cơ quan nào, nhân lực nào nên nằm trong khu vực nhà nước.

Về điểm thứ nhất, cần củng cố và chuẩn hóa việc lập kế hoạch ngân sách ở tất cả các cấp: ngân sách của cơ quan/ban ngành phải mang tính tổng thể. Tất cả các khoản chi cho lương phải được đưa vào ngân sách. Các quỹ ngoài ngân sách phải được đưa vào một tài khoản riêng biệt, tài vụ giám sát chặt chẽ. Có hệ thống thông tin quản lý tài chính tập trung thực hiện chức năng giám sát.

Về điểm thứ hai, cần siết chặt quy định về hành vi của công chức và có các quy định chặt chẽ hơn về làm thêm bên ngoài. Quan trọng không kém, đó là phải nghiêm túc trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo tôi, hệ thống công vụ cần thực hiện phân cấp và có cơ chế tự chủ. Cần trao quyền quyết định trả lương thưởng cho người đứng đầu cơ quan/tổ chức, đồng thời đẩy mạnh tư nhân hóa các dịch vụ công.

Cần có biện pháp cải thiện văn hóa làm việc trong đội ngũ công chức, trong đó áp dụng các hệ thống đánh giá và khen thưởng dựa trên hiệu quả công tác, thận trọng nới rộng các khoảng cách giữa các bậc lương thưởng.

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

nguyen hai ha, TP.HCM, 13:15, 11/09/2010

Tôi cũng là một công chức nhà nước, tôi và các đồng nghiệp của tôi cũng đã làm việc rất cật lực, không phải chỉ ngồi chơi xơi nước như một số quan điểm cũ. Tuy nhiên lương chúng tôi cũng rất thấp so với những người có trình độ tương đương đang làm cho doanh nghiệp ở ngoài.
Nhưng hiệu quả của những việc chúng tôi làm tôi nhận thấy rất thấp vì chỉ có vài số liệu cố định nhưng phải xây dựng rất nhiều báo cáo khách nhau, như vậy để làm gì? Tại sao tất cả các cơ quan chỉ cần đọc 1 báo cáo tổng hợp là có thể biết được cái mình đang cần ở đâu. Rồi cứ thế đơn vị này báo cáo cho đơn vị kia, cứ chạy lòng vòng như thế. Mất rất nhiều thời gian và nhân lực trong bộ máy nhà nước.
Tại sao chúng ta không nghiên cứu giảm bớt những điều này, để giảm nhân sự, tăng lương, tăng trách nhiệm cho nhân viên, họ sẽ làm việc có trách nhiệm hơn.

nguyen dong, 12:20, 11/09/2010

Không cần phỏng vấn một ông người Úc làm gì. Người Việt Nam nào chẳng biết cơ cấu chính sách của Việt Nam bất hợp lí. Quan trọng là có chịu thay đổi hay không thôi.

Nguyễn Tường Hưng, 12:06, 11/09/2010

Chuyên gia này hiểu biết về Việt Nam quá. Tôi cảm nhận thấy ông đã bắt đúng bệnh của hệ thống lương thưởng công chức Việt Nam.


Mr Việt, Hà Nội, 11:16, 11/09/2010

Tôi nhớ là đọc được 1 bài báo mới đây nói rằng lương trong cơ quan nhà nước là rất cao chứ không phải thấp. Cụ thể là như thế này. Cứ cho lương tháng của 1 người là 2 triệu đi. Xem ra thì thấp. Nhưng xét đến số giờ làm việc và hiệu quả công việc thì đem chia ra lại rất cao.
Thật ra lương nhà nước thấp là do bộ máy quá cồng kềnh. Công việc chỉ cần 1 người làm nhưng có đến 4 người chung tay. Người ta vẫn có câu chuyện vui nhưng rất thật là 1 người VN giỏi hơn 1 người Nhật nhưng 3 người VN kém hơn 3 người Nhật. Cái gốc rễ là ở đó!!!

Quỳnh Anh, Hà Nội, 10:53, 11/09/2010

Tôi rất tán thành bài này, họ nói đúng quá. Cứ xem việc mua nhà tại các khu đô thị mới ở TP HCM và HN thì biết, toàn của các cấp huyện, trưởng phó phòng các tỉnh mua nhà thôi, họ lập cả làng ở 2 TP lớn nhất này, kể cả các hiệu trưởng, hiệu phó các trường cao đẳng, đại học các tỉnh... Vậy mà các công chức thường thì đâu có nhà mà ở.

Trung Thành, Cầu Giấy, Hà Nội, 10:20, 11/09/2010

Tôi thực sự tâm đắc ý kiến của GS Martin Painter: "Theo tôi, hệ thống công vụ cần thực hiện phân cấp và có cơ chế tự chủ. Cần trao quyền quyết định trả lương thưởng cho người đứng đầu cơ quan/tổ chức ...".

Ở nước ta hiện nay, quyền quyết định trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu được quy định tại điều 8, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ: Chế độ trả lương gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; nguồn trả lương và theo quy chế trả lương của cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau khi trao đổi với ban chấp hành Công đoàn cùng cấp có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chế trả lương để thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị. Quy chế trả lương phải được gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, kiểm tra và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị.

Như vậy, có thể hiểu ở nước ta thủ trưởng đơn vị đã được trao quyền quyết định trong việc trả lương (có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chế trả lương để thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị), như ý kiến của GS Martin Painter. Đúng, nhưng để thực hiện được quyền đó, người đứng đầu không dễ gì thực hiện được (đại đa số là không thể), mặc dù rất muốn. Bởi lẽ, thứ nhất quy định còn chung chung, không có hướng dẫn cụ thể; thứ hai cơ chế trả lương "theo đúng thang bảng lương nhà nước" đã ăn sâu vào tiềm thức CBCCVC nên người đứng đầu không thể làm thay đổi chỉ với quy định ngắn gọn như trên.

Thiết nghĩ, cần có quy định chi tiết hơn, hướng dẫn cụ thể hơn trong việc trao quyền quyết định trả lương, thưởng cho người đứng đầu, để họ có "căn cứ" thực hiện quyền được giao.

huy, 09:10, 11/09/2010

Nếu làm được đúng theo những gì chuyên gia phân tích và đóng góp thì công chức không còn cái kiểu tay trong, tay ngoài, giáo viên không phải dạy thêm.

vhh, HN, 08:47, 11/09/2010

Theo GS người Úc Martin Painter, VN cần trao quyền quyết định trả lương thưởng cho người đứng đầu cơ quan, đồng thời đẩy mạnh tư nhân hóa các dịch vụ công.
Theo tôi:
- Hoàn toàn đúng với 2 điểm trên nhưng hiện Việt Nam chưa thể thực hiện được hoàn toàn.
Thứ nhất: nếu trao quyền quyết định trả lương thưởng cho người đứng đầu cơ quan với tình hình hiện nay dẫn đến người đứng đầu cơ quan thích trả lương cho ai bao nhiêu đều theo cảm quan và theo mối quan hệ, ai quan hệ tốt (tiêu cực) thì được trả lương cao. Hiện nay cơ chế chính sách cũng như nhà nước chưa đủ tầm quản lý và kiểm soát, ví như một đống thóc lớn được đựng trong 1 chiếc bao bé.
Tôi cụ thể xin dẫn chứng: vừa qua 88 người/83 triệu công dân VN được vinh danh chống tham nhũng đều cười trong nước mắt.
Do vậy: chỉ có thể thực hiện được điều thứ 2 đó là: Đẩy mạnh tư nhân hóa các dịch vụ công. thông qua việc làm này, tự động mối quan hệ về tiền công và các vấn đề phổ biến như được nêu sẽ được tự điều chỉnh.

thungan, 136QL, 13, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP HCM, 08:33, 11/09/2010

Theo như tôi thấy hiện nay vấn những người làm nhà nước mặc dù thu nhập thấp nhưng lúc nào nhà cũng biệt thự, đất đai nhiều, và những khoản thu nhập ngoài lương nữa. Cơ chế quản lý của nhà nước ta quá lỏng lẻo, nhân viên lấy tiền công đi ăn nhậu chơi bời. Có chị bạn làm cùng cơ quan của tôi kể chồng chị làm bên điện lực, thỉnh thoảng đi Vũng Tàu chơi ăn nhậu dắt thêm vợ con chơi nữa không tốn tiền, tiền đó nhà nước trả hết, vậy tiền đó là nhà nước ta chi tiêu vào mục đích gì? Hiện nay những người làm cơ quan nhà nước giàu lắm. Nói như ông "GS Martin Painter: Thu nhập ngoài lương của công chức VN rất cao" là đúng, một người nước ngoài cũng nhận biết được điều đó thì thử hỏi những người trong bộ máy nhà nước ta sao không nhìn nhận ra được điều này? Lương thấp nhưng thu nhập của họ rất cao, và cũng có những khoản kiếm thêm ngoài, nói như giáo sư, vậy lương cao thì những khoản phụ thu khác có được dừng lại hay không. nếu thang lương lên nữa vô tình tạo ra sự mất cân bằng giàu nghèo.

Phạm Gia Khải, B22 Hoàng Cầu, Hà Nội, 08:10, 11/09/2010

Cách tính và trả lương của VN rất khó cải thiện được thái độ công tác của cán bộ nhân viên, trừ trong thời chiến mà mọi người đều hi sinh cho việc chung, lẽ sống còn của cộng đồng. Trước hết, VN có quá nhiều người ăn lương Nhà nước, nhưng hiệu quả công tác lại kém, có người khá nhưng đồng lương và tiền thưởng không xứng đáng với những đóng góp của họ, có nhiều người chỉ là gánh nặng cho cơ quan nhưng vẫn được hưởng chế độ đãi ngộ như người khác, có một số trường hợp được tăng lương, tăng thưởng liên tục, nhưng về đánh giá thực chất lại không xứng đáng. Nên phát triển thêm nhiều cơ sở tư nhân để giảm bớt tình trạng này, kiểu như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng khi hạ tầng cơ sở về tổ chức lao động thay đổi thì thượng tầng kiến trúc cũng phải thay đổi, VN có khả năng chuyển mình trong đau đớn này được không? Nhưng không đổi thì sẽ thụt lùi dần.

Các tin khác