Cuộc sống và ước mơ trong khu "ổ chuột" ở Baghdad

Cập nhật lúc 04:55, 10/09/2010 (GMT+7)

Tầng lớp nghèo khổ nhất Iraq đang sống chung với rác, ngủ cùng chuột và uống nước mất vệ sinh. Tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới này, hàng triệu người vẫn phải sống đói rách, bất chấp sự thật rằng Mỹ đã rót khoảng 53 tỷ USD cho công cuộc tái thiết ở đây.

“Tập đoàn” chuột xuất hiện ban đêm, khi gia đình Saad Kadi Saad đang ngủ say. Chúng luồn lách qua những khe hở của đống đồ dân dụng linh tinh mà Saad dựng lên thành “chiến lũy” bao quanh ngôi nhà xập xệ nằm bên đống rác. Chúng chí chóe dưới tấm nệm nát vụn mà 5 thành viên nhà Saad nằm chen chúc bên trên. Sau đó, chuột kéo vào nhà xí, nằm cách giường “lộ thiên ngàn sao” chỉ vài bước chân.

Quang cảnh trên không quá xa lạ với người dân ở Sadr, thành phố vệ tinh nghèo nàn phía đông Baghdad. Khoảng 3 triệu người bị bần cùng hóa đang tập trung ở khu ngoại ô do người Hồi giáo dòng Shiite kiểm soát. Từ những năm 1960, nông dân ở các tỉnh đã ùn ùn kéo về đây mưu cầu một cuộc sống hiện đại và mới mẻ. Nhưng thay vào giấc mơ này, họ đối diện với cảnh năm hộ gia đình sống chung trong vài căn phòng chật, rác thải, nước cống chảy ngập những phố phường bàn cờ.

a
Quang cảnh nhà Saad bên đống rác

Với những gia đình như gia đình của Saad Kadi Saad, tình cảnh thật tồi tệ. Họ tồn tại quanh môi trường phế thải, phải bò qua một cái lỗ tường thủng ngăn cách khu “ổ chuột” với thành phố Sadr.

Xây dựng từ thứ bỏ đi

Khu vực trên đống rác, nơi những người nghèo nhất ở Baghdad sinh sống, được gọi là “làng Teneke”. Trong ngôn ngữ Arập, Teneke chỉ những hộp kim loại đựng dầu động cơ mô tô. Ở các nước phát triển, các hộp Teneke rỗng đã qua sử dụng bị xem là thứ rác thải loại nguy hiểm, cần xử lý đặc biệt. Nhưng ở Iraq, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, dân cư các khu “ổ chuột” vẫn dùng hộp Teneke rỗng và dầu cũ còn sót để dựng tường, lều lán. Theo cách này, gia đình Saad Kadi Saad mới có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với thứ “vàng đen của Iraq”.

Chúng tôi nhặt nhạnh hộp Teneke rỗng trong đống rác và bán chúng để kiếm sống" - Saad Kadi Saad nói. Anh ta đói rũ vì trong nhà không có gì ăn. Nhúm gạo vợ Saad thổi cơm để dành cho ba đứa trẻ. Cứ ba ngày một lần, gia đình Saad gom được một túi to hộp Teneke, nhưng chỉ bán được khoảng 4 USD. Số tiền này không đủ mua rau và càng xa xỉ khi nghĩ tới thịt.

Gia đình Saad rơi vào cảnh khốn cùng, nhưng họ vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. “Vợ chồng tôi ước ao thằng con trai Haidar có thể cắp sách tới trường”- Saad nói. Nhưng trước khi thực hiện ước mơ, những vết thương của Haidar cần được chữa lành. Hai năm trước, khi gia đình chuyển từ “nhà quê lên… ngồi lê bãi rác thành phố”, Haidar - 6 tuổi, đã chịu vô số nhiễm trùng ở chân và da đầu.

Tôi bầu cho phe Sadrist” - Saad tự tin khẳng định. Phe Sadrist là phong trào chính trị cấp tiến chống Mỹ của người Hồi giáo Iraq dòng Shiite do giáo sĩ Muqtada al-Adr lãnh đạo. Các thành viên của phe này kết hợp chặt chẽ lòng mộ đạo cũng như trung thành với thủ lĩnh, rất tự hào về việc họ thân cận được với người dân và trở thành những anh hùng đứng về phía người yếu thế. Trong các cuộc đàm phán gần đây nhằm thành lập chính phủ, phe Sadrist nắm thế cân bằng quyền lực.

"Dự án và cái ví tội lỗi"

Phe Sadrist cùng một số đảng phái chính trị khác bênh vực người nghèo là niềm hy vọng lớn của 7 triệu người Iraq sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn Liên hợp quốc (dưới 2 USD/người/ngày).

Trong bảy năm qua, Mỹ đã “bơm” khoảng 53 tỷ USD viện trợ dân sự vào Iraq với mục đích tạo dựng một nền kinh tế thịnh vượng, dựa trên nông nghiệp phát triển và tầng lớp trung lưu vững vàng.

Đáng tiếc hiện thực không như vậy. 1/4 số hộ gia đình không có đường ống dẫn nước. Gần 60% nước thải được bơm thẳng ra sa mạc mà không qua xử lý ô nhiễm. Tại thủ đô Baghdad, hệ thống điện xuống cấp tới mức khách hàng chỉ được cấp điện 3 tiếng mỗi ngày.

g
Đường vào “làng Teneke” đầy rác rưởi và đồ phế thải

Sự khổ sở trên là bởi bế tắc chính trị kéo dài ở Iraq. Chính phủ thiếu năng lực hành động, trong khi Quốc hội suốt 9 tháng qua không tài nào thông qua được một dự luật. Trên hết là tình trạng tham nhũng lan tràn. Nhiều chính trị gia sống cuộc sống xa hoa ngay bên cạnh các khu “ổ chuột”. Một số tổ chức quốc tế coi Iraq là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng tồi tệ nhất thế giới. Ông Christine McNab thuộc Chương trình Phát triển LHQ ở Iraq cho rằng nhiều khoản tiền tái thiết Iraq đã rơi vào những “dự án và cái ví tội lỗi”.

"Chúng tôi cần một Mahatma Gandhi"

Trên cổng vào thành phố Sadr có treo tấm biển: "Để giúp Iraq, bạn hãy giúp chính mình”. Đó cũng là điều mà Ali Kamel đang cố thực hiện. Từ lâu, Ali không còn tin sẽ có một chính trị gia nào đó giang tay cứu giúp ông. Cuối tháng 8 vừa qua, ông lê lết từ thành phố Sadr tới quảng trường Tahrir ở Baghdad để đòi công lý.

Ali sống cùng vợ và bốn đứa con trong một căn phòng ẩm thấp, chật chội. Tại đó, ông trưng tấm bảng kêu gọi giúp đỡ đứa con trai 10 tuổi của mình. “Đói triền miên. Vấn đề của tôi bắt đầu từ năm 1990 và tới tận bây giờ tôi chưa tìm ra giải pháp”- bảng viết bằng 2 thứ tiếng Arập và Anh.

Vào năm 1990, khi còn khỏe mạnh, Ali mất việc trong quân đội chính quyền Saddam Hussein. Chú của Ali bị xử tử vì từng là thành viên của đảng Hồi giáo Dawa. Khi Mỹ “đổ bộ” vào Iraq năm 2003, Ali hân hoan: cuối cùng “độc tài” đã bị lật đổ. Khi Nouri al-Maliki, lãnh đạo đảng Hồi giáo Dawa, lên làm Thủ tướng Iraq năm 2006, Ali hy vọng có thể được phục hồi việc làm hoặc ít ra nhận được bồi thường. “Nhưng chả ai mang lại điều gì cho tôi, không nghề nghiệp, không giúp đỡ” - Ali, 50 tuổi, cay đắng nói. Vợ Ali mắc ung thư vú, chân Ali lấm chấm vết thương mưng mủ. Họ nghi rằng nước bẩn khiến họ bệnh. Nước máy bốc mùi… phân và hóa học nhưng gia đình Ali không đủ tiền mua nước đóng thùng.

Vợ chồng Ali ốm đau chỉ có thể lo một bữa ăn trong ngày cho lũ trẻ, nhờ sự giúp đỡ từ bộ tộc của họ. Các bộ tộc đang cố trợ giúp người dân tại các khu vực mà mọi mạng lưới an sinh xã hội khác đã ngưng trệ. Tuy nhiên, mặt trái là cấu trúc của các bộ tộc tạo thuận lợi cho chủ nghĩa vây cánh, bè phái, khiến bất cứ nỗ lực dân chủ hóa nào cũng khó thành công.

Các thủ lĩnh bộ tộc luôn tìm cách củng cố địa vị quyền lực bởi quyền lực gắn liền với tiền bạc. Trong bầu không khí tranh giành “đồng tiền xương máu” như vậy, không có chính trị gia nào muốn thành lập liên minh. Bộ tộc của họ nhìn nhận thỏa hiệp là mất đi lợi nhuận kinh tế. Chính vì thế, 5 tháng sau bầu cử, Iraq vẫn không thể thành lập được chính phủ mới.

Khá nhiều người Iraq tin rằng cấu trúc bộ tộc cứng nhắc có thể bị xóa bỏ trong một cuộc nội chiến mới. Bất chấp nỗi đau thể xác, Ali vẫn lạc quan tin tưởng về con đường khác. “Chúng tôi cần một Mahatma Gandhi như của Ấn Độ. Đó là người có thể thấu hiểu nỗi đau của nhân dân và quyết định chấm dứt nỗi đau ấy một cách hòa bình” - Ali khao khát.

  • Võ Giang (Theo Spiegel)

Ý kiến của bạn

Các tin khác