221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1284419
10 sinh viên thực hành trên 1 con ếch
1
Photo
null
10 sinh viên thực hành trên 1 con ếch
,

- "Từ 2005 đến nay, việc cho phép thành lập mới các trường đại học, cao đẳng có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất đội ngũ giảng viên không bảo đảm, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương", Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi nhận xét trong báo cáo giám sát việc thành lập, đầu tư và đảm bảo chất lượng đại học.

>> Nóng bỏng nghị trường

Kết quả đợt giám sát này được trình bày trước Quốc hội sáng nay (7/6). Ngay sau đó, đại biểu dành trọn một ngày thảo luận chủ đề này. Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp.

Chưa có giảng viên vẫn tuyển sinh viên

Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (phải). Ảnh: VA

Chỉ từ 2005 - 2009, cả nước đã có tới 200/312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp, trong đó có 148 trường công lập, 52 ngoài công lập.

Các trường ngoài công lập có vốn đầu tư ban đầu nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí. Trong khi đó, việc thành lập dễ dãi các trường ĐH, CĐ công lập tại nhiều địa phương khiến việc đầu tư bị dàn trải, manh mún.

Từ 3 năm nay, tỷ trọng NSNN dành cho GD&ĐT đã tăng 20%. Tuy vậy, mức đầu tư tuyệt đối vẫn thấp, phần đầu tư cho cấp đại học chỉ chiếm từ 10% đến 12%.

Nhiều trường từ khi có quyết định thành lập đến khi được tuyển sinh khóa đầu tiên vẫn không đạt những tiêu chí cơ bản như số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng, trang thiết bị thí nghiệm...

"Duy trì nguyên trạng hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay về cơ bản sẽ không phù hợp với những đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế".

Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại VN Jocelyn Tran nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN sáng 26/5 ở Hà Nội

Vẫn còn khoảng 20% các trường mới thành lập, nâng cấp chưa thực hiện xây dựng trường tại địa điểm đăng ký, còn phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo và hầu hết là thiếu diện tích cho sinh viên vui chơi và hoạt động thể dục thể thao.

Một số trường ngoài công lập có đất nhưng chỉ đủ vốn đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cầm chừng. Tỷ lệ giảng viên thạc sĩ, tiến sĩ của các trường mới thành lập, nâng cấp còn rất thấp. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập thiếu, đa số là cán bộ về hưu.

Đáng chú ý là trong quy trình thành lập trường không có quy định tổ chức hậu kiểm đối với các cơ sở mới được thành lập. Do đó, nhiều trường mới nhận quyết định chính thức thành lập trường, chưa có đất đai, địa điểm, chưa xây dựng cơ sở vật chất và tuyển giảng viên nhưng đã được tuyển sinh và tổ chức đào tạo mà Bộ GD&ĐT không xử lý nghiêm.

30 sinh viên có 1 con chó để thực hành

Sự "dễ dãi" này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Chẳng hạn, từ 1987 đến 2009, tổng số SV cả nước tăng 13 lần nhưng số GV chỉ tăng 3 lần. Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm, gấp gần 4 lần so với quy định.

Mục tiêu đến 2015 đạt ít nhất 50% GV trình độ tiến sĩ nhưng đến nay mới đạt 10,16%. Suất đầu tư từ ngân sách cho 1 sinh viên là 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/năm (định mức là 6 triệu đồng).

Bên cạnh những trường chưa có cơ sở vật chất thì vẫn có trường lại tận dụng ưu đãi về đất đai dành cho giáo dục để đầu tư phần lớn lợi nhuận vào kinh doanh bất động sản mà không tái đầu tư để xây dựng hạ tầng, tăng cường trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Trang thiết bị thí nghiệm, thực hành ở phần lớn các trường thiếu thốn, lạc hậu. Không ít trường mở các ngành công nghệ nhưng không có phòng thí nghiệm, thực hành hoặc phòng thí nghiệm, thực hành không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của chương trình đào tạo.

Theo phản ánh của ĐH Y - Dược Cần Thơ, trước đây trong giờ thực hành giải phẫu, mỗi SV được thực hành trên một con ếch, 5 SV thực hành trên một con chó; nay do suất đầu tư thấp, 10 SV mới có một con ếch và 30 SV mới có một con chó để thực hành.

Giải thể các trường vi phạm

Từ những bất cập trên, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn.

Chỉ mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo. Rà soát lại các tiêu chí hợp lý làm căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh sát với năng lực đào tạo.

Hạn chế mở rộng quy mô đào tạo không chính quy và đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ.

Công khai kết quả kiểm định, làm cơ sở để phân loại chất lượng các trường; tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, nhất là với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm mà vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng.

Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về giáo dục ĐH. Về lâu dài, cần sớm xây dựng Luật Giáo dục đại học.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,
,
,
,