221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1256345
Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp Biển Đông
1
Article
null
Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường:
Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp Biển Đông
,

- Tại buổi họp báo sáng nay (6/1) ở Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường cho rằng giải pháp thiết thực hiện nay, đó là tạm gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết, trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước.

Mô tả ảnh.
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung - Việt. Ảnh: Trường Sơn

Chuẩn bị cho các hoạt động của Năm Hữu nghị Việt - Trung 2010, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường trong buổi họp báo đã thông báo các sự kiện cũng như đánh giá về tiến trình hợp tác 60 năm Trung - Việt.

"Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại"

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thừa nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đại sứ Tôn Quốc Tường nói kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt là "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại".

"Là láng giềng, là đồng chí, anh em, hai nước có 100 lý do để hợp tác và không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung - Việt. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, đặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa Trung - Việt ở vị trí quan trọng và trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, không ngừng làm hết sức đóng góp cho sự nghiệp chung của hai bên", Đại sứ nhấn mạnh.

Theo ông Tôn Quốc Tường, năm 2009, quan hệ hai nước có nhiều thu hoạch. Hai nước đã trao đổi 167 đoàn thăm viếng, làm việc, trong đó cấp thứ trưởng 108 đoàn. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn duy trì đà tăng trưởng, phấn đấu đạt 25 tỷ USD vào năm nay.

VietNamNet lược ghi phần hỏi - đáp giữa Đại sứ và các phóng viên Việt Nam về những vấn đề quan hệ song phương:

"Tạm gác lại tranh chấp"

Tuổi Trẻ: Xin Đại sứ cho biết chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông với Việt Nam?

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em. Nhưng cũng giống như quan hệ của các nước khác, trong quan hệ song phương của chúng ta chắc chắn tồn tại một số vấn đề. Tôi thường nói với các đồng chí lãnh đạo cũng như các bạn Việt Nam rằng trong gia đình dù là vợ chồng cũng có khi cãi nhau. Đây là vấn đề giữa anh em chúng ta.

Làm thế nào giải quyết vấn đề đó cũng nêu ra thách thức to lớn đối với ý chí và thiện chí, trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề này. Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề. Trong quan hệ hai nước còn có nhiều công việc cần cố gắng, nỗ lực, có nhiều hợp tác có thể tiến hành.

Trong khi phát triển quan hệ song phương và chờ đợi điều kiện chín muồi, hai bên có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa. Quan hệ Trung - Việt có 3 vấn đề lịch sử để lại: phân định biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và giải quyết vấn đề biên giới trên biển. Hai bên đã cố gắng giải quyết hai vấn đề trước và chỉ còn lại vấn đề Nam Hải (cách gọi Biển Đông của phía Trung Quốc - PV).

Khi hai bên đang đàm phán, giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, phóng viên Việt Nam hỏi tôi về đánh giá quá trình đàm phán giải quyết, tôi đã trả lời rằng giải quyết vấn đề biên giới đất liền có ý nghĩa quan trọng, không những tạo cơ sở cho vùng biên giới hai nước hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác, cũng như chứng minh với các nước trên thế giới rằng hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì không có vấn đề nào không thể giải quyết được.

Bây giờ quan hệ hai nước chỉ còn vấn đề trên biển. Chúng ta đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy tiến trình đàm phán. Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp nhất.

Mô tả ảnh.
60 năm qua, quan hệ hai nước đã trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng đó chỉ là một giai đoạn khúc khuỷu - Đại sứ Trung Quốc nói. Ảnh: Trường Sơn

VietNamNet: Theo Đại sứ, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên biển - vấn đề tồn đọng cuối cùng giữa hai nước?

Tôi nghĩ đây là vấn để nổi bật đang tồn tại trong quan hệ hai nước. Hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán và đang tiến hành thuận lợi. Về thuận lợi, hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo nên không có lý do nào không thể giải quyết được vấn đề tồn tại.

Nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của hai nước bây giờ là tiến hành công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa, phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Hơn nữa, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được nhận thức chung hết sức quan trọng. Đó là không để cho vấn đề Nam Hải ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước.

Vấn đề nào cũng sẽ có mặt không thuận lợi. Lãnh thổ là vấn đề phức tạp, khó khăn. Lập trường, quan điểm giữa hai bên khác nhau nhiều. Điều quan trọng nhất là làm thế nào đối xử vấn đề tranh chấp và những quan điểm khác nhau.

Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Ý nghĩa của nó là không nhắc đến vấn đề tranh chấp mà hai bên có thể tiến hành hoạt động phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai bên chúng ta. Bời vì đó là lợi ích hai bên cùng có lợi và cùng chia sẻ.

Trước khi vấn đề này có điều kiện giải quyết, sáng kiến đó có lẽ là con đường hiện thực, thiết thực mà hai bên có thể thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thúc đẩy.

"Trung Quốc đã đối xử nhân đạo, trách nhiệm"

Tiền Phong: Ở Việt Nam có rất nhiều thế hệ quý trọng tình hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc. Và tôi biết họ là những người hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị đó. Họ cảm thấy đau lòng về cách ứng xử của Trung Quốc thời gian qua đối với ngư dân Việt Nam. Bình luận của ông?

TIN LIÊN QUAN
Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật, một số không phải là sự thật. Tôi phải nói rằng Trung Quốc luôn ứng xử những vấn đề như thế này rất có trách nhiệm. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra ngay lập tức nhưng kết quả xác minh của chúng tôi lại khác với kết quả của phía Việt Nam.

Ví dụ có một số báo chí đưa tin phía Trung Quốc đã đối xử với ngư dân Việt Nam không nhân đạo. Về vấn đề này, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra rất nghiêm túc nhưng kết quả cho thấy đó không phải là sự thật. Ví như có lần Việt Nam đã can thiệp với Trung Quốc rằng Trung Quốc đã thu giữ những công cụ đánh bắt cá cũng như thủy sản đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi xác minh thì cho thấy phía Trung Quốc chỉ đuổi tàu cá ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc chứ không có hành vi tiếp xúc với ngư dân Việt Nam. Tôi cũng thắc mắc nếu không tiếp xúc làm sao thu giữ ngư cụ của ngư dân Việt Nam.

Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió cập cảng tại những cảng không phải cảng tránh gió của Trung Quốc, chúng tôi đã đối xử nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thể cập cảng. Nhưng khi rời cảng, họ lại chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo và làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc.

Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã trao đổi riêng với các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này. Phóng viên Việt Nam kiểm tra lại, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin.

2010, lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc thăm Việt Nam

Nhân Dân: Xin Đại sứ nêu những nét nổi bật quan hệ trong hai nước trong 60 năm qua?

Nói đến quan hệ Trung - Việt, mọi người thường nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vừa là đồng chí, vừa là anh em". Quan hệ Trung - Việt có một điều chung: chung chế độ và chung lý tưởng. Dù hai nước với diện tích đất nước, dân số, trình độ phát triển khác nhau cũng như trong 60 năm đã trải qua một giai đoạn khó khăn nhưng đó chỉ là một giai đoạn khúc khuỷu.

Tóm tắt lại quan hệ hai nước trong 60 năm, điều đầu tiên là hai nước đã tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau. Thứ hai là bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Thứ ba là xuất phát từ đại cục, cầu đồng, tồn dị. Tôi nghĩ đây là 3 điều kiện, cơ sở hết sức quan trọng trong phát triển quan hệ hai nước.

Một câu tóm tắt quan hệ hai nước, đó là cần tăng cường sự hiểu biết chính trị để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương. Hai nước tiến tới quan hệ ngoại giao, trong lòng mọi người đang suy nghĩ chúng ta đã trải qua 60 năm thì 60 năm tiếp theo chúng ta sẽ như thế nào? Nếu có thể phát triển quan hệ trên những nguyên tắc tôi nêu, trong tương lai, quan hệ hai nước phát triển thuận lợi và tươi sáng. Chúng tôi hết sức đầy lòng tin.

Tiền Phong: Quan hệ cấp cao giữa hai nước có sự thỏa thuận hàng năm trao đổi viếng thăm cấp cao. Hai năm qua, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc - Việt Nam viếng thăm nhau rất nhiều nhưng không thấy chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc. Theo Đại sứ, vì sao? Liệu năm 2010 có lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nào sang thăm Việt Nam?

Tôi phải sửa lại cách nói của bạn. Trong hai năm qua, hai bên đã tiến hành trao đổi viếng thăm cấp cao. Vì trong năm 2009, lãnh đạo cấp cao trong hệ thống Đảng, chính trị cũng như quân đội đều đã sang thăm Việt Nam. 6 tháng đầu năm, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam. Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam. Có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cũng đã sang thăm.

Nếu chỉ nhắc đến các đồng chí lãnh đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, tôi phải nói thẳng thắn rằng chương trình làm việc của lãnh đạo cấp cao hết sức bận rộn. Chúng tôi coi Việt Nam là anh em, sẵn sàng thúc đẩy quan hệ. Nếu điểm lại sẽ thấy những chuyến thăm cấp cao của Trung Quốc sang Việt Nam nhiều hơn so với chuyến thăm cấp cao của Trung Quốc sang các nước khác.

Chúng tôi nói vui rằng chúng tôi nợ rất nhiều các nước khác vì có một số nước trong 10 năm qua chưa có một đoàn cấp cao của Trung Quốc sang thăm. Chúng tôi phải trả nợ nhiều nước. Chúng tôi có chương trình bận rộn, coi Việt Nam là đồng chí, anh em nên chúng tôi phải trả nợ những đối tác khác trước.

Năm 2010, tôi xin hứa chắc chắn sẽ có lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc sang thăm Việt Nam.

VOV: Năm 2010, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Vai trò mới của Việt Nam tác động như thế nào đến quan hệ hai nước cũng như quan hệ chung giữa Trung Quốc và ASEAN, nhất là trong bối cảnh từ 1/1/2010, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN có hiệu lực?

Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm cương vị hết sức quan trọng là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách này. Quan hệ Trung Quốc và ASEAN trải qua chặng đường 30 năm và đang phát triển hết sức thuận lợi. Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 1,9 tỷ người, GDP đạt 65.000 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4500 tỷ USD. Có thể nói đây là tin vui to lớn với các nước ASEAN và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy giao thương cũng như vận tải hàng hóa giữa các nước. Tuy nhiên vì là khu vực thương mại tự do do các nước đang phát triển hình thành, có nhiều hàng hóa của Trung Quốc và ASEAN giống nhau nên tạo ra thách thức lớn cho nhau. Nhưng thách thức này sẽ thúc đẩy các nước tiến hành điều chỉnh cơ cấu thành phần kinh tế ở các nước.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi nước, là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế mỗi nước, nhưng là cơ hội dành cho phát triển thành phần kinh tế mới, thúc đẩy điều chỉnh, tái cơ cấu các thành phần kinh tế của Trung Quốc. Khu vực thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN cũng tương tự, nên cần nắm bắt thời cơ thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu các thành phần kinh tế trong nước, làm thế nào hàng hóa mỗi nước có sức cạnh tranh.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,