221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1247618
Biên giới đất liền- kinh nghiệm giải quyết vấn đề Biển Đông
1
Article
null
Biên giới đất liền- kinh nghiệm giải quyết vấn đề Biển Đông
,

 - Các bài học trong giải quyết biên giới đất liền sẽ là kinh nghiệm quý báu cho VN và TQ tìm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông.

Việt Nam và Trung Quốc vừa ký 3 văn kiện pháp lý quan trọng: Nghị định thư về phân giới cắm mốc (PGCM), Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Các văn bản này sẽ có hiệu lực sau khi hai bên thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước. Ngày văn bản thông báo cuối cùng được gửi đi sẽ là ngày bắt đầu tính hiệu lực nếu không có quy định khác.

Nghị định thư PGCM, bản đồ và các phụ lục đính kèm sẽ được đăng ký và nộp lưu chiểu lên LHQ.

Thành quả hơn nửa thế kỷ

Đường biên giới Việt-Trung từ thế kỷ thứ 10 là đường biên giới vùng, mang tính tập quán, chưa được xác định bằng các văn bản pháp lý quốc tế. Với Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, Pháp và nhà Thanh đã xác định biên giới, đánh dấu bằng 314 cột mốc, ghi nhận trên bản đồ tỷ lệ 100.000.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực còn để trắng, chưa cắm mốc, chưa được giải quyết triệt để như Thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân, nhiều mốc qua thời gian và chiến tranh đã bị hư hại, dịch chuyển, địa hình tại thực địa nhiều nơi không phù hợp với bản đồ, gây khó khăn cho quản lý. 

Mô tả ảnh.
Cột mốc cuối cùng. Ảnh: Việt Long

Đường biên giới được thể hiện trong Nghị định thư PGCM và các bản đồ, phụ lục kèm theo ký trong tháng 11 năm 2009 là thành quả của hơn nửa thế kỷ quan tâm giải quyết của Đảng và Chính phủ hai nước.

Toàn bộ đường biên giới dài 1449,566km (trong đó đường biên giới trên đất liền là 1065,652km, đường biên giới nước là 383,914km) được đánh dấu bằng 1971 cột mốc cho 1378 vị trí mốc chính và 402 vị trí mốc phụ.

Mốc số 0 - giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc là mốc lớn được làm bằng đá hoa cương, có ba mặt, gắn quốc huy của ba nước, đặt trên đỉnh núi Khoan La San (Shi Ceng Da Shan), theo Hiệp định về ngã ba biên giới năm 2007 ký giữa CHXHCN Việt Nam, CHDCND Lào và CHND Trung Hoa.

Mốc cuối cùng 1378 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên phía Đông Nam bãi Dậu Gót (Heng Shi Sha Zhou). Mốc được thiết kế đặt trên đế mốc bằng bê tông hình tròn, cao gần 10m, bảo đảm khi thuỷ triều lên (4-5m), vẫn nổi trên mặt nước. Từ mốc cuối cùng này, biên giới theo trung tuyến sông kéo đến giới điểm 62 và cũng là điểm bắt đầu của biên giới biển trong Vịnh Bắc Bộ.

Phù hợp với luật pháp quốc tế, sau khi Nghị định thư PGCM có hiệu lực, bất kỳ sự thay đổi của địa hình, sông suối thực địa đều không làm thay đổi vị trí của đường biên giới đã phân giới, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Đường biên giới sẽ  được tiến hành kiểm tra liên hợp 10 năm một lần để bảo dưỡng, sửa chữa mốc giới.

Quy chế đặc thù với thác Bản Giốc

Hai khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân sẽ có quy chế pháp lý đặc thù. Nhằm tạo sự thuận lợi cho tàu thuyền hai bên qua lại khu vực cửa sông Bắc Luân và hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc, hai bên tiến hành đàm phán và sẽ ký kết hiệp định về quy chế tự do đi lại của tàu thuyền ở khu vực cửa sông Bắc Luân và hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc trong năm 2010.

Nghị định thư và các văn kiện đính kèm gồm bộ bản đồ địa hình khu vực biên giới Việt - Trung, có thể hiện đường biên giới và vị trí các mốc giới (35 mảnh); tập "Bảng đăng ký mốc giới"; tập "Bảng toạ độ, độ cao mốc giới" và tập "Bảng quy thuộc các cồn, bãi trên sông suối biên giới" có khối lượng hơn 2.200 trang văn bản. Đây là hiệp định biên giới đầy đủ nhất, lớn nhất mà Việt Nam ký với một nước láng giềng trong lịch sử của mình.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Việt Long

Tiếp theo Nghị định thư PGCM, việc ký chính thức Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu mở đầu cho thời kỳ mới trong quản lý biên giới hai nước. Hai văn kiện này sau khi có hiệu lực sẽ thay thế "Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa" ký ngày 7/11/1991.

Kinh nghiệm cho giải quyết vấn đề Biển Đông

Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu quy định rõ hệ thống cửa khẩu song phương và cửa khẩu quốc tế cùng chế độ pháp lý của chúng. Hai bên xác nhận 9 cặp cửa khẩu quốc tế đã được mở trên vùng biên giới gồm Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, Lào Cai - Hà Khẩu (đường bộ), Lào Cai - Hà Khẩu (đường sắt), Thanh Thủy - Thiên Bảo, Trà Lĩnh - Long Bang, Tà Lùng - Thủy Khẩu, Đồng Đăng - Bằng Tường (đường sắt), Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng và tên 13 cửa khẩu khác sẽ được mở khi có đủ điều kiện, thời gian và thể thức mở cụ thể sẽ do hai bên thoả thuận qua đường ngoại giao.

Hiệp định quy chế quản lý biên giới với 11 chương và 54 điều quy định cụ thể nội dung các hoạt động trên biên giới, các công trình biên giới, chế độ qua lại biên giới, chế độ kiểm tra, hợp tác giải quyết các vụ việc biên giới.

Ngoài ý nghĩa lần đầu tiên xác định rõ ràng một đường biên giới giữa hai nước nêu trên, việc ký kết 3 văn kiện lần này đã góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống Việt -Trung.

Hai trong ba vấn đề biên giới do lịch sử để lại trong quan hệ Việt - Trung là đường biên giới đất liền và Vịnh Bắc Bộ đã được giải quyết. Các bài học trong giải quyết phân định Vịnh Bắc Bộ và biên giới đất liền sẽ là kinh nghiệm quý báu cho hai nước cũng như các nước có liên quan hợp tác tìm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển của LHQ năm 1982.

  • Việt Long
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,