221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1248688
Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trở nên cấp thiết
1
Article
null
Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trở nên cấp thiết
,

 - Các học giả nổi tiếng, nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông trong khu vực và trên thế giới đã có mặt tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất khai mạc sáng nay (26/11) tại Hà Nội. Sự kiện do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.

Hội thảo có chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" diễn ra trong hai ngày 26 và 27/11, được tổ chức như một diễn đàn hoàn toàn mang tính khoa học.

Hội thảo xoay quanh các nội dung chính: Tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình và an ninh khu vực, vị trí của Biển Đông trong chiến lược của các quốc gia liên quan, nguồn gốc và diễn biến tình hình các tranh chấp hiện nay từ các góc độ pháp lý, chính trị và quan hệ quốc tế, đánh giá về hệ lụy đối với an ninh và hòa bình khu vực của những diễn biến mới đây trên Biển Đông. 

Mô tả ảnh.

Các đại biểu đánh giá, phân tích hệ lụy đối với hòa bình và an ninh khu vực trước những diễn biến mới đây ở Biển Đông. Ảnh: XL

Các đại biểu cũng sẽ đánh giá về hiệu quả các các cơ chế hiện có trong khu vực, nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng và thúc đẩy hợp tác, chia sẻ các mô hình hợp tác hiệu quả, đề xuất các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường lòng tin và đề xuất các cơ chế giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng tăng cường hợp tác, tìm kiếm các phương thức giải quyết tranh chấp và xử lý các thách thức để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo ông Quảng, trong thập kỷ qua đã có những tiến bộ nhất định trong nỗ lực hợp tác nhằm kiềm chế căng thẳng và tìm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể là Tuyên bố ASEAN năm 1992 về Biển Đông, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc - bước đầu tiên trong quá trình tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - và Thỏa thuận thăm dò địa chấn giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines năm 2005.

"Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan không hề thuyên giảm ở Biển Đông. Ngược lại, những diễn biến gần đây, nhất là các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp", ông Quảng nhấn mạnh.

PGS.TS Quảng cho rằng trong bối cảnh đó, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như hợp tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân trong khu vực Biển Đông... "đòi hỏi các bên liên quan phải cùng nhau hành động và tìm ra giải pháp hữu hiệu" nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của tình hình.

Nhận định tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời việc tìm giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp ở Biển Đông không thể đạt được trong ngày một ngày hai, ông Quảng hy vọng các ý kiến tại hội thảo sẽ chứa đựng tính gợi mở cho các bên liên quan trong việc tìm cơ chế giải quyết những tranh chấp và các vấn đề còn tồn tại.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông mang tính khoa học hướng tới những mục tiêu:

- Hình thành mạng lưới các nhà nghiên cứu về Biển Đông để chia sẻ quan điểm, cách tiếp cận, các kết quả nghiên cứu về Biển Đông từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau như khoa học pháp lý, chính trị và quan hệ quốc tế...

- Chia sẻ các đánh giá, phân tích hệ lụy đối với hòa bình và an ninh khu vực trước những diễn biến mới đây ở Biển Đông.

- Ở mức cao hơn, đề xuất, kiến nghị việc xây dựng những cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực chức năng và khả năng giải pháp đối với các tranh chấp ở Biển Đông.

  •  Xuân Linh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,