221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1176210
Càng nhiều vùng cấm, càng có khoảng tối cho tham nhũng
1
Article
null
Càng nhiều vùng cấm, càng có khoảng tối cho tham nhũng
,
  - Quốc gia nào cũng có lí do để giữ bí mật. Nước nào cũng có bí mật quốc gia. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc giữ bí mật những việc không cần thiết bí mật - Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Martin Rama nói.
 
Chính phủ không thể làm hết

- Vấn đề tham nhũng gần đây rất nóng với vụ PCI. Là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam, WB đánh giá như thế nào về nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam thời gian qua?

Ông Martin Rama: "Chính phủ phải quyết tâm chống tham nhũng và đặt cơ chế để thực hiện". Ảnh: PLoan

Chúng tôi tin tưởng những cam kết chống tham nhũng mạnh mẽ của Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực trong 3 năm qua, đặc biệt là trong xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với quy chuẩn quốc tế. 

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước công nghiệp như Mỹ những năm đầu thế kỷ 20, cũng như kinh nghiệm của Singapore trong khu vực, có thể thấy, đây là cuộc chiến khó khăn và thành công không đến qua một đêm.

Chúng ta phải nhận diện và sắp xếp các thách thức sẽ phải đối mặt: Ví dụ các cơ quan luật pháp phải được tổ chức mạnh hơn. Việc hỗ trợ các cơ quan chính phủ, các tổ chức có liên quan trong việc thay đổi cách hoạt động và ứng xử trong dịch vụ công, từ đó hạn chế khả năng tham nhũng. 

Chỉ riêng việc này cũng tốn thời gian. Thử hình dung, chỉ cần đưa tất cả các quy hoạch về sử dụng đất và thông tin liên quan trên mạng một cách công khai, minh bạch đã không dễ. 

Chính phủ có thể làm nhiều điều, nhưng không thể làm hết. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của sự tham gia của các nhà báo, giới truyền thông, cũng như việc phản hồi thông tin, ví dụ khảo sát của Tp.HCM về việc người dân có hài lòng với dịch vụ công. Có rất nhiều cơ chế, sáng kiến và thông tin về tham nhũng không xuất phát từ Chính phủ. 

Đương nhiên, Chính phủ phải quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ và đặt ra các cơ chế để thực hiện. Tuy nhiên, cũng có những việc chống tham nhũng bắt đầu từ những phản ảnh, góp ý của người dân, những thông tin của báo chí và cả những sáng kiến mà chúng tôi sẽ hỗ trợ trong Ngày Sáng tạo Việt Nam.

- Có lí do gì đặc biệt để chọn chống tham nhũng là chủ đề của Ngày Sáng tạo Việt Nam năm nay? Liệu có bất kì quan ngại đặc biệt nào về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam?

Ngày Sáng tạo Việt Nam là một cơ chế để mang sáng kiến của người dân vào chính sách công. Chúng tôi đã nhận được khoảng 140 kế hoạch dự thi, đến từ nhiều vùng khác nhau trong cả nước, từ các tổ chức khác nhau, cả khu vực tư và khu vực công. Điều đó cho thấy người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm và muốn tham gia vào cuộc chiến này.

Giống như bắt buộc đội mũ bảo hiểm, điều cần thiết trong chống tham nhũng là người dân nói không với tham nhũng, hối lộ. Ảnh minh họa: thevnchannel.vn

Vấn đề này cũng nằm trong mục tiêu hỗ trợ dài hạn của WB cho Việt Nam. Thách thức dài hạn lúc này với các bạn là Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Việc hỗ trợ trong phòng chống tham nhũng cũng giống như những hỗ trợ trong vấn đề pháp lý, môi trường và kết quả của nó sẽ định vị Việt Nam khi trở thành một nước thu nhập trung bình. Những sáng kiến đều đóng góp vào việc làm thế nào Việt Nam trở thành một trong quốc gia giàu có, hội nhập sâu rộng.

"Giống như bắt buộc đội mũ bảo hiểm..."

- Thế nhưng tham nhũng lại thường ở trên, và ở trong, nơi những người có quyền lực?

Giống như trường hợp bắt buộc đội mũ bảo hiểm, việc cần làm là tạo cho người dân ý thức đội mũ bảo hiểm vì sự an toàn của mình, trong trường hợp này, chúng ta cần có những người nói "không" với tham nhũng, hối lộ. 

Quyết tâm chống tham nhũng nhưng đôi khi chúng ta thiếu thông tin để hành động. Nhiều trường hợp, cần một cơ chế để có thể xóa đi những phần mờ của thông tin. Khi thông tin chưa rõ, người ta e ngại chống tham nhũng vì không biết mình sẽ phải đối mặt với điều gì sau đó.

Trách nhiệm cuối cùng để chống tham nhũng thuộc về chính phủ, nhưng thông tin và hành vi đều rất quan trọng và nó cần sự tham gia của mọi người dân.

- Hiện nay, việc phát hiện các vụ tham nhũng, hối lộ ở Việt Nam đa phần nhờ người dân và báo chí. Trong khi đó, thông tin để họ tiếp cận lại không dễ dàng bởi quy định về bảo mật thông tin. Bình luận của ông?

Báo chí cần được cung cấp thông tin để chống tham nhũng - Ảnh: VNN
Càng có nhiều vùng cấm, càng nhiều dấu mật được đóng lên các văn bản, càng nhiều những khoảng mờ tối cho tham nhũng. 

Quốc gia nào cũng có lí do để giữ bí mật. Và nước nào cũng có bí mật quốc gia. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc giữ bí mật những việc không cần thiết bí mật.

Điều tôi thấy tiến bộ là có thời gian, ngân sách còn là bí mật quốc gia, còn bây giờ, Việt Nam đã thảo luận công khai về chi tiêu ngân sách ở Quốc hội. 

Tôi hi vọng Luật về quyền tiếp cận thông tin và một vài điểm trong Luật báo chí sẽ từng bước thúc đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa. Nó đã được đẩy nhanh trong vài năm qua nhưng không phải ai cũng có thể kiên nhẫn chờ mà cần đẩy nhanh hơn nữa.

Giới hạn về thông tin mật ở mức tối thiểu

- Ông vừa nói đến Luật Tiếp cận thông tin mà Việt Nam đang xây dựng. Có thể kì vọng gì ở luật này?

Giới hạn về thông tin mật ở mức tối thiểu. Làm sáng rõ các quy chuẩn, không để mờ xám. Khi người ta nhìn thấy các khoảng mờ đó, người ta sẽ e ngại vì không biết hệ quả sẽ là gì nếu mình vượt qua. Xây dựng Chính phủ điện tử cũng sẽ giúp ích.

- Sau PCI, Việt Nam và Nhật Bản thành lập Ủy ban hợp tác chống tham nhũng. Các nhà tài trợ khác thì sao? Có cần cách tiếp cận chung?

Trên thế giới, không có hệ thống nào là hoàn hảo. Hệ thống của Việt Nam vẫn là hệ thống của một nước đang phát triển.Trong điều hành và quy trình xử lý, Việt Nam vẫn áp dụng các hệ thống song song. Để cạnh tranh, Việt Nam cần hài hòa hóa, thuận lợi hóa thủ tục, giảm thiểu chi phí giao dịch mà các nhà tài trợ phải bỏ ra.

Các nhà tài trợ khác không cần thiết lập một cơ chế như Việt Nam và Nhật Bản vì họ không có những vụ việc như với Nhật Bản. Nếu phải đối mặt với một vụ việc tương tự, có thể chúng tôi sẽ xem xét về những hành động và cơ chế đặc biệt. 

150.000 USD cho 10 đề án chống tham nhũng

Ngày 9/12/2008, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại VN phát động Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009 với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng”.

Theo quy định, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương có tư cách pháp nhân của VN được Nhà nước công nhận có thể tham gia cuộc thi này, trừ các cơ quan, tổ chức và đơn vị thuộc ngành thanh tra ở cấp TƯ, các đơn vị, ban quản lý dự án thuộc WB, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng quân đội, công an nhân dân.

Sáng kiến, ý tưởng dự thi được khuyến khích tập trung vào các chủ đề: Tăng cường cải cách hành chính, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước người dân, thúc đẩy và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch và chi tiêu ngân sách ở địa phương, đặc biệt là phần ngân sách do nhân dân đóng góp, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính...

Nội dung ý tưởng liên quan đến quyền tiếp cận thông tin cũng được khuyến khích như tăng cường nhận thức của người dân và cách tiếp cận thông tin về các chính sách, luật, quy định và ngân sách của Chính phủ, cải thiện sự chủ động từ phía chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến người dân như pháp luật về khiếu nại, tố cáo...

Một trong những tiêu chí đầu tiên để ý tưởng, sáng kiến được lựa chọn, đó là phải có tính sáng tạo, tính khả thi, tính bền vững và khả năng nhân rộng.

Sẽ có ít nhất 10 đề án xuất sắc nhất được lựa chọn và tài trợ kinh phí thực hiện. Mỗi đề án có thể được cấp tối đa 15.000 USD để thực hiện.

Hạn chót nhận bài dự thi là ngày 9/3/2009. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào đầu tháng 5/2009.

Thông tin chi tiết về chương trình Ngày Sáng tạo VN 2009 được đăng tải trên trang web của Ngân hàng Thế giới: www.worldbank.org/vn, trang web của ngành Thanh tra: www.thanhtra.gov.vn và trên báo Thanh tra.

  • Phương Loan

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,