221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1092890
Tản quyền - mô hình tổ chức cho Hà Nội mới
1
Article
null
Tản quyền - mô hình tổ chức cho Hà Nội mới
,

 - "Với địa bàn rộng lớn hiện nay, Hà Nội có thể lập những tổ công tác ở một vài huyện để nắm bắt kịp thời nhu cầu của dân, tránh "bệnh" quan liêu", GS. TS. Phạm Hồng Thái, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Hành chính quốc gia) nói.

>> Toàn cảnh Hà Nội sau ngày mở rộng

Tiện lợi cho dân

- Thưa ông, nhiều người đang lo lắng rằng sau khi sáp nhập với Hà Tây, số lượng công việc sẽ tăng lên nhiều đối với các cán bộ sở, ngành. Có cách gì để cán bộ có trụ sở làm việc ở Hà Nội, Hà Đông gần dân hơn, đặc biệt dân ở xa như huyện Ba Vì?

GS. TS. Phạm Hồng Thái: "Các Sở Giao thông, Xây dựng, Tài nguyên môi trường nên đặt cán bộ ở một số huyện". Ảnh: VA

Khi nhập Hà Tây vào Hà Nội thì tính chất lãnh thổ sẽ thay đổi, phạm vi, số lượng công việc tăng lên nhiều nên số người quản lý cũng phải tăng lên.

Do vậy, có thể phân công công tác theo vùng, tức là có những người đặc trách trong một sở phụ trách các công việc ở vùng "Hà Tây".

Trụ sở các sở, ngành đặt ở Hà Nội hay Hà Đông thì cũng chỉ là biển hiệu. Thành phố hoàn toàn có thể lập những tổ công tác, có thể chỉ gồm 1 - 2 người, ở một vài huyện để trực tiếp chỉ đạo công việc.

Như thế sẽ tiện lợi cho người dân, còn đối với chính quyền, như thế sẽ nắm bắt kịp thời nguyện vọng của dân, tránh bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn. 

Trước mắt, Sở Giao thông, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường là những cơ quan đầu tiên nên đặt cán bộ ở một số huyện. Nếu vẫn áp dụng mô hình quản lý tập trung, cán bộ chỉ ở trung tâm chỉ huy (trụ sở cơ quan) Hà Nội hay Hà Đông, tôi e rằng sẽ không thể gần dân và dẫn tới quản lý lỏng lẻo.

- Chúng ta hay nói đến Chính phủ điện tử, giao ban trực tuyến... Nhưng chính tại Thủ đô Hà Nội - trung tâm hành chính của cả nước, công cụ này dường như chưa được phát huy. Địa bàn rộng lớn hiện nay có phải chính là cơ hội để Hà Nội phát triển hình thức này, nhằm giảm bớt việc đi lại cho cán bộ?

Họp hành, giao ban trực tuyến, trao đổi công việc qua mạng thì tốt quá. Cán bộ các huyện xa sẽ không phải di chuyển mất thời gian, công sức, chi phí xăng xe... để tập trung vào công việc chính cho tốt. Điều này cũng giúp giải quyết vấn đề giao thông.

Với địa bàn hoạt động 3.324,92 km2, 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn, bộ máy chính quyền mới của Hà Nội sẽ gặp không ít thách thức. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tất nhiên, những vấn đề mang tính chất bí mật thì lãnh đạo thành phố phải chỉ đạo trực tiếp, không thể công khai tất cả được.

Chọn mô hình chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả

- Trước đây, ông đã từng tham gia nghiên cứu đề tài khoa học nghiên cứu về Thiết lập mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, trong đó đề xuất chia Hà Nội thành hai cấp. Đề án này có còn nguyên giá trị khi Hà Nội mở rộng như hiện nay không?

Trên thế giới, chính quyền địa phương rất đa dạng, không nước nào giống nước nào, như Singapore, một quốc gia chỉ có mỗi quốc đảo, không chia thành quận, huyện mà vẫn tổ chức quản lý tốt, cả nước coi như một thành phố. 

"Thành phố Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh về cả không gian và quy mô.

Chính quyền nên tập trung và dành nhiều đầu tư hơn cho nghiên cứu chiến lược, quy hoạch, trong đó chọn mô hình chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu cần hướng tới".

Ở mình, chính quyền địa phương được Hiến định thành 3 cấp rồi.

Do vậy, trong đề án, chúng tôi đề xuất chia Hà Nội thành hai cấp, cấp trên là thành phố còn cấp dưới gọi là quận cũng được, phường cũng được, chỉ cấp thành phố có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, còn cấp thứ hai không có hội đồng nhân dân, chỉ có cơ quan hành chính. 

Đó là áp dụng cho nội thành, còn ngoại thành thì tính chất tự quản nhiều hơn, đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá khác hơn so với cuộc sống đô thị nên vẫn giữ ba cấp, nhưng cấp huyện không có hội đồng nhân dân.

Cấp trung gian: quận, phường sẽ được tổ chức lại cho phù hợp với đời sống đô thị. Hai cấp này chỉ cần thành lập cơ quan hành chính mà không cần thành lập hội đồng nhân dân.

- Lợi ích của mô hình chính quyền hai cấp này là gì, thưa ông?

Chúng tôi đề xuất như vậy là bởi ở nội thành, hội đồng nhân dân phường, quận thực chất chỉ mang tính hình thức. Phường không thể ra chính sách hay lên kế hoạch các vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trên địa bàn mà chỉ tổ chức triển khai, thực hiện. Quận cũng vậy, đây là cấp trung chuyển quyền lực, thực hiện các chính sách do thành phố ban hành.

Tổ chức đô thị thì phải liên thông, nếu cứ duy trì kiểu quản lý như hiện nay theo địa bàn phường, quận thì có những điểm tích cực nhưng ở đô thị đang bộc lộ rất nhiều bất cập.

Những vấn đề giao thông, môi trường, cấp thoát nước... nếu xảy ra ở địa phận giáp ranh thì phường nọ đẩy cho phường kia, quận nọ đẩy cho quận kia.

Nhưng ở ngoại thành, cấp xã lại cần đến hội đồng nhân dân bởi tính chất tự quản cộng đồng.

Vấn đề này không chỉ đang được xem xét ở Hà Nội mà còn ở TP. Hồ Chí Minh. Trước đây, từ năm 1997 đã có nhiều những công trình nghiên cứu về chính quyền đô thị, các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều phương án khác nhau. Nhưng giữa nghiên cứu và thực tiễn còn có nhiều vấn đề nên cần làm thí điểm để rút kinh nghiệm dần và nhân rộng.

Thành phố Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh về cả không gian và quy mô. Chính quyền nên tập trung và dành nhiều đầu tư hơn cho nghiên cứu chiến lược, quy hoạch, trong đó chọn mô hình chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu cần hướng tới.

  • Vân Anh
     
    Ý kiến của bạn:

     
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,