221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
987820
"Các nước ủng hộ VN tham gia Hội đồng Bảo an LHQ!"
1
Article
null
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:
'Các nước ủng hộ VN tham gia Hội đồng Bảo an LHQ!'
,

(VietNamNet) - Chuyến tham dự khóa họp lần thứ 62 Đại Hội đồng Liên hợp quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam từ 24-28/9 tại New York đã thành công tốt đẹp, mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc và với cộng đồng quốc tế.

>> Toàn cảnh quan hệ VN-LHQ và chuyến thăm LHQ của Thủ tướng
>> Việt-Mỹ ký kết nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD
>> Việt Nam sẽ làm hết sức cho sứ mệnh của LHQ
>> Việt Nam còn nhiều tiềm năng để có vị trí cao hơn trên trường quốc tế 

Chuyến tham dự khoá họp Đại hội đồng LHQ lần này sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam tham gia vào những công việc ở cấp độ toàn cầu. Nhân dịp này, nhóm phóng viên trong nước đi theo đoàn đã phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết quả chuyến công tác và triển vọng của Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nội dung cuộc phỏng vấn như sau:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 27/9 giờ New York, tức sáng sớm ngày 28/9 theo giờ VN. Ảnh Reuters.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 27/9 giờ New York, tức sáng sớm ngày 28/9 theo giờ VN. Ảnh Reuters.


* Phóng viên:  Xin Thủ tướng cho biết ý nghĩa, mục đích của việc Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khoá họp lần thứ 62 ĐHĐ LHQ?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:  Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp lần thứ 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải đối đầu với nhiều thách thức cũ và mới, đó là xung đột khu vực, nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, khủng bố, đói nghèo, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...Các thách thức ngày càng mang tính toàn cầu mà các quốc gia không thể giải quyết riêng rẽ.

Với trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc, trong hơn 30 năm qua Việt Nam luôn hoạt động tích cực cho sự nghiệp hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Đặc biệt là tại  Khóa họp lần này sẽ bầu Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, sẽ là cơ hội để Việt Nam cùng với Hội đồng Bảo an LHQ giải quyết các cuộc xung đột, bảo đảm chủ quyền, độc lập của các quốc gia; thúc đẩy các chương trình phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội toàn cầu; thiết lập mối quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế bình đẳng và cùng có lợi giữa các quốc gia.

Phiên thảo luận chung cấp cao là dịp tốt để chúng ta tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên LHQ, đồng thời tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với LHQ và các nước thành viên trong thời gian tới. Đây cũng là một hoạt động đối ngoại lớn của ta ở cấp cao ở Liên hợp quốc, một diễn đàn toàn cầu quan trọng để chúng ta gặp gỡ lãnh đạo nhiều nước và các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước.

* Phóng viên: Xin Thủ tướng đánh giá kết quả tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao và các cuộc tiếp xúc song phương trong thời gian tham dự Khoá họp 62 ĐHĐ LHQ ?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tại Khoá họp 62, lãnh đạo các quốc gia đều nhất trí rằng cần có những đồng thuận cao và những nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề cấp bách, thách thức mang tính toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh các vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, trong đó có việc giảm căng thẳng, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột khu vực, thảo luận các biện pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, bàn việc thúc đẩy thực hiện Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và vấn đề cải tổ LHQ.

Tại phiên thảo luận chung ngày 27/9, Trưởng đoàn ta đã có diễn văn đánh giá tổng quan về tình hình quốc tế, đề cao vai trò của LHQ, đề cập đến nguyện vọng chung của các nước về những ưu tiên, phương hướng hoạt động của LHQ trong thời gian tới. Đồng thời nêu bật những nỗ lực, đóng góp tích cực của Việt Nam đối với công việc chung của LHQ và khẳng định Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đảm đương tốt trách nhiệm làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ. 

Trong thời gian tham dự Khoá 62 Đại hội đồng LHQ, tôi và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao với Tổng thư ký LHQ, lãnh đạo một số nước Ủy viên thường trực và không thường trực HĐBA, các nước có vai trò và vị trí quan trọng ở các khu vực. Qua tiếp xúc, các nước và các tổ chức quốc tế đều bày tỏ khâm phục cuộc đấu tranh anh hùng giành độc lập dân tộc của ta trước đây, chúc mừng những thành tựu của ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, khẳng định mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ và ủng hộ Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Cũng trong dịp này, tôi đã thảo luận bàn tròn với Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, Hội đồng Tư vấn cấp cao Việt-Mỹ về nâng cao năng lực cạch tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp lớn của Mỹ. Các cuộc làm việc và tiếp xúc cho thấy, giới kinh doanh Mỹ ấn tượng về cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam thời gian qua, nêu bật mong muốn được đầu tư nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực quan trọng như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo và dịch vụ, giao thông vận tải và hệ thống cảng biển và hàng không...Các nhà đầu tư và kinh doanh Mỹ cũng tỏ quyết tâm và tin tưởng Mỹ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam trong tương lai gần.

Có thể nói tại Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 62 Đại hội đồng LHQ, Đoàn Việt Nam đã chuyển đến cộng đồng quốc tế một thông điệp rõ ràng “một Việt Nam tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế”.

* Phóng viên: Xin Thủ tướng cho biết triển vọng của việc Việt Nam ứng cử làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ? 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là vinh dự, trách nhiệm, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu đòi hỏi rất lớn đối với các quốc gia ứng cử không những đủ khả năng đảm đương mà phải được ít nhất 2/3 số thành viên LHQ, tức là ít nhất 128 nước, tín nhiệm bầu.

Kể từ khi quyết định ứng cử năm 1997, chúng ta tích cực giới thiệu với các nước ở nhiều cấp, kể cả ở cấp cao nhất về mong muốn cùng khả năng của Việt Nam đóng góp vào công việc của LHQ ở vị trí là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Đến năm 2002, các nước ASEAN đã nhất trí ủng hộ và tháng 10/2006, Nhóm các nước Châu Á tại LHQ đã nhất trí thông qua quyết định đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào chức vị này. Từ đó đến nay, chúng ta luôn khẳng định với bạn bè về cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế và những đóng góp thực tế của ta trong lĩnh vực này ở khu vực Đông Nam Á cũng như qua các hoạt động của LHQ.

Mặc dù  ngày 16/10 tới Đại hội đồng LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu 5 nước thành viên không thường trực HĐBA LHQ, trong đó có nước ta những qua các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước, chúng ta đều nhận được sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam có đầy đủ khả năng để đảm đương tốt trọng trách là uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ.  

Với vị thế mới của Việt Nam có được nhờ những thành tựu to lớn về đối nội và đối ngoại sau hơn 20 năm đổi mới toàn diện, tôi tin rằng, nếu được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, chúng ta sẽ hoàn thành tốt trọng trách này, đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế.

 Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng.

  • Việt Lâm (ghi)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,