221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
988282
Gặp những người bạn cố tri trên đất Pháp
1
Article
null
Gặp những người bạn cố tri trên đất Pháp
,

(VietNamNet) – Ngày làm việc đầu tiên trên đất Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cuộc hội ngộ với những người bạn Pháp đã từng sát cánh cùng Việt Nam hàng chục năm qua từ chiến tranh cho tới thời bình. Thủ tướng cũng đã dành cả buổi chiều viếng thăm không gian Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil, ngoại ô Paris.

Những người bạn đặc biệt

10 sáng ngày 30/9, nhiều gương mặt quen thuộc xuất hiện ở tiền sảnh khách sạn nơi Thủ tướng ở. Trong đó có ba cụ già, tóc đã bạc phơ, tay chống batoong đứng trò chuyện sôi nổi với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Mạnh Dũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đoàn Đại đại biểu Đảng Cộng sản Pháp - Ảnh: Website Chính phủ

Charles Fourniau, giáo sư, tiến sỹ sử học 80 tuổi, từng là phóng viên thường trú của báo Nhân Đạo (Pháp) tại Hà Nội suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Là thành viên sáng lập Hội hữu nghị Pháp - Việt năm 1961, sau đó giữ chức Chủ tịch Hội suốt 40 năm, Charles Fourniau đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng cơ sở và đóng góp rất tích cực vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Pháp.

Đứng bên cạnh ông là Raymond Aubrac, người đã từng đón Bác Hồ về nhà ở trong chuyến Người thăm chính thức nước Pháp tháng 7/1946. Vừa trở về từ chuyến đi Việt Nam vốn không dễ dàng đối với một ông già đã ngoài 90 tuổi nhưng Aubrac vẫn cố gắng có mặt trong cuộc hội kiến với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Một gương mặt khác vốn không xa lạ với những người Việt Nam những năm 60, cụ Henri Martin, biểu tượng của phong trào chống chiến tranh Đông Dương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo Hội hữu nghị Pháp – Việt - Ảnh: Website Chính phủ

Trong câu chuyện với Thủ tướng Việt Nam, ông Jacques Maitre, đương kim Hội Hữu nghị Pháp - Việt nhắc lại nhiều lần mối tình cảm "đặc biệt và sâu sắc" của những người dân Pháp đối với Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng xúc động nhắc lại ký ức về sự ủng hộ của nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.

Từ những năm 46, phong trào phản đối chiến tranh của Pháp tại Đông Dương đã bắt đầu tại nước Pháp, mà biểu tượng của tinh thần tranh đấu, ông Henri Martin đang hiện diện trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Việt Nam.

Một nhân vật khác, ông Jacques Oudin lại có cách biểu lộ tình cảm riêng với Việt Nam. Từng là một thượng nghị sỹ, bạn thân của Tổng thống Pháp Jacques Chirac, khi ở trên cương vị Chủ tịch Hội đồng cấp cao vì sự phát triển và hợp tác kinh tế Pháp - Việt, ông Oudin đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Hội những người bạn Pháp của Việt Nam   - Ảnh: Website Chính phủ

Trước khi rời cương vị đảm trách, Jacques Oudin đã chủ động sáng lập ra Hội những người bạn Pháp của Việt Nam để có thể tiếp tục đóng góp cho tình hữu nghị Pháp - Việt, như ông nói.

"Những người bạn hữu nghị, thủy chung với Việt Nam, những người đã gắn bó rất lâu dài với dân tộc Việt Nam", người đứng đầu chính phủ nhiều lần gọi những người bạn Pháp như vậy.

Không gian Hồ Chí Minh trong lòng nước Pháp

Lịch sử của một tình bạn lâu dài được xác lập từ những năm 20 của thế kỷ 20, khi Bác Hồ tham gia Đảng Cộng sản Pháp cũng được kể lại trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam với lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp.

Trong câu chuyện với những người bạn Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhắc tới như nhân vật kết nối cho mối tình hữu nghị Pháp - Việt lâu đời.

Thành phố Montreuil đã dành riêng một không gian trong công viên thành phố để dựng tượng đài Hồ Chí Minh và bảo tàng Hồ Chí Minh.

Giữa trung tâm công viên, bức tượng đài Hồ Chí Minh tọa lạc giữa các khóm tre trúc và hoa tươi. Hàng chữ khắc trên tấm bệ đồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa.

Thủ tướng đặt hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên TP Montreuil.

Thị trưởng thành phố Montreuil, ông Jean Pierre Brard kể rằng khi quyết định xây dựng khu bảo tàng này, ông đã nhận được thư phản đối của một số người Pháp cho rằng đó là sự bôi nhọ đối với những người Pháp đã hi sinh trong chiến tranh Đông Dương.

Nhưng ông Thị trưởng, một người luôn tích cực hoạt động vì Việt Nam, sự phản đối đó không có nhiều ý nghĩa.

Dẫn Thủ tướng đi khắp một vòng quanh khu bảo tàng, ông Brard tự hào giới thiệu với Thủ tướng chiếc cánh cửa và lavabo lấy từ ngôi nhà số 9 ngõ Conpoint mà Bác Hồ đã từng ở trong suốt những năm ở Pháp.

"Tôi vô cùng xúc động trước những kỷ vật một thời gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người sống và làm việc tại Pháp. Tôi rất cảm kích trước những tình cảm trân trọng mà lãnh đạo thành phố Montreuil, ban Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil đã dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam", lưu bút trên sổ lưu niệm của Thủ tướng viết.

Những lá cờ đỏ bay phất phới trên nóc tòa thị chính, giăng ngang khắp các nẻo đường trên đường phố, Montreuil đón tiếp người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bằng tất cả tình cảm trọng thị nhất.

Chất xúc tác cho mối quan hệ mới

Đối với những người Pháp thiên tả, yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn là "biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, dân tộc đã chiến thắng cả chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc". 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếpĐoàn đại biểu Đảng Xã hội Pháp - Ảnh: Website Chính phủ

Vì thế, xu hướng tình cảm tự nhiên của họ cảm thấy gắn bó với Việt Nam. Tổng thống Mitterrand từng nhận định, lịch sử đã từng chia rẽ hai nước nhưng rồi lại gắn kết hai nước lại với nhau. Giữa Việt Nam và Pháp tồn tại một mối đồng cảm về văn hóa từ trong sâu thẳm, do những ảnh hưởng của lịch sử.

Nhưng làm thế nào để biến những tình cảm "thủy chung, truyền thống" đó thành chất xúc tác cho mối quan hệ mới với nước Pháp lại là câu hỏi mà cả những người bạn Pháp yêu Việt Nam và chính Việt Nam muốn tìm câu trả lời.

"Sự ủng hộ của nhân dân Pháp trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc hết sức quý báu. Chúng tôi cũng mong muốn có được sự ủng hộ đó của các bạn trong mối quan hệ mới với nước Pháp", Thủ tướng nhắn nhủ tới những người bạn Pháp.

Chuyến thăm lần này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ngay sau khi nước Pháp có Chính phủ mới cánh hữu của Tổng thống Sarkozy, có ý nghĩa xác lập khung quan hệ với nhóm lãnh đạo sẽ điều tiết mối quan hệ Pháp - Việt trong 5 năm tới.

Trồng cây lưu niệm trước không gian Hồ Chí Minh, TP. Montreuil.

Đương nhiên, như trong lịch trình thì Chính phủ mới của nước Pháp sẽ dành ưu tiên cao về kinh tế - thương mại, lợi ích làm ăn trong nghị trình đối thoại với Việt nam.

"Việt Nam với vị trí của một đất nước hết sức năng động nên chắc chắn Pháp sẽ cần Việt Nam cũng như Việt Nam cần Pháp. Vai trò của chúng tôi là làm sao bổ sung những chất xúc tác cho mối quan hệ phát triển trong thời kì mới", Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt đã nói với Thủ tướng.

Trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Pháp thì đề nghị hai bên tổ chức luân phiên một năm Việt Nam tại Pháp và một năm của Pháp tại Việt Nam.

Nói như một người bạn Pháp, Chính phủ có thể thay đổi, nhưng sợi dây nối Pháp - Việt vẫn tồn tại trong sâu thẳm nhiều người Pháp.

Đó là thứ tài sản tinh thần, thứ tình cảm bền chặt mà thời gian hay sự lên xuống của phe này hay phái kia không thể làm phai mờ.

Tạp chí Paris Match: "VN không thể không đến"

Tạp chí "Paris Match" số ra tuần này, đã có phụ trương đặc biệt dày 8 trang về Việt Nam với tiêu đề "Việt Nam không thể đảo ngược" (Vietnam Incontournable) nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Pháp từ ngày 29/9 đến 3/10.

Điểm nhấn của phụ trang là bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về mối quan hệ truyền thống Việt - Pháp.

Phụ trương viết về Việt Nam "như một con hổ ở châu Á đang thức dậy", vươn lên với một sức mạnh tiềm ẩn và một ý chí quyết tâm to lớn.

"Từ những cánh đồng lúa đến kỷ nguyên của kỹ thuật số, thế giới đang thấy một Việt Nam, với chính sách đổi mới, đã và đang mở cửa để phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và quyết tâm hướng tới tương lai".

Với Pháp, "VN gợi nhớ đến kỷ niệm về Đông Dương, mảnh đất mang những dấu ấn văn hóa Pháp. Đó cũng là đất nước với sức sống mãnh liệt, trong đó nền kinh tế đặc biệt năng động hiện đang thu hút nhiều doanh nghiệp trên thế giới".

Với nhiều hình ảnh minh họa sinh động về đất nước và con người Việt Nam, cùng với việc giới thiệu những thành tựu trong phát triển và xây dựng đất nước, "Paris Match" đã mời bạn đọc đến với Việt Nam để tận mắt chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của đất nước này.

"Giữa biển và núi, giữa truyền thống và hiện đại, hãy để nét quyến rũ tiềm ẩn của một trong những miền đất hấp dẫn nhất châu Á cuốn hút bạn" là thông điệp mà Paris Match muốn nhắn gửi tới độc giả Pháp.

  • Việt Lâm (từ Paris)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,