221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
987388
Việt Nam sẽ làm hết sức cho sứ mệnh của LHQ
1
Article
null
Việt Nam sẽ làm hết sức cho sứ mệnh của LHQ
,

VietNamNet) - 17h45 ngày 27/9, theo giờ New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đại diện cho VN phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ. Thủ tướng cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

>> Toàn cảnh quan hệ VN-LHQ và chuyến thăm LHQ của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 27/9 giờ New York, tức sáng sớm ngày 28/9 theo giờ VN. Ảnh Reuters.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 27/9 giờ New York, tức sáng sớm ngày 28/9 theo giờ VN. Ảnh Reuters.

Tại Phiên thảo luận chung cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng 115 vị đứng đầu nhà nước, chính phủ , đại diện các nước thành viên LHQ thảo luận, đề ra hướng giải quyết về nhiều vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Tới dự phiên họp này, người đứng đầu Chính phủ mang tới tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh thông điệp của một VN “tích cực, hợp tác, xây dựng và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Thế giới đặt nhiều hy vọng vào LHQ

VN tích cực, hợp tác, xây dựng và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế - Đó là thông điệp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tới Đại hội đồng LHQ. Ảnh Reuters.

Thủ tướng mở đầu bài phát biểu bằng những nhìn nhận về môi trường quốc tế hiện nay. "Nhân loại bước sang thiên niên kỷ mới, các dân tộc đều kỳ vọng về một thế giới bình yên hơn, một mối quan hệ quốc tế hữu nghị và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng gần một thập kỷ qua, niềm hy vọng ấy chưa trở thành hiện thực".

Chúng ta vẫn phải sống trong một thế giới tuy có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy nghịch cảnh, thách thức... Không phải đối mặt với một cuộc chiến tranh thế giới nào, nhưng chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh cục bộ, nạn khủng bố quốc tế, và sự tiếp diễn chạy đua vũ trang, kể cả chạy đua vũ khí hạt nhân.

Nhờ những thành tựu về khoa học và công nghệ, cuộc sống của con người ngày càng được cải thiện hơn, song vẫn còn thực trạng đau lòng là khoảng cách về mức sống của các quốc gia và các tầng lớp dân cư ngày càng sâu rộng thêm. Trên hành tinh, vẫn còn trên 1 tỷ người sống ở mức nghèo khổ cùng cực.

Đồng thời đã nảy sinh nhiều vấn đề bức bách mang tính toàn cầu, trong đó, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu đang là những mối đe doạ nghiêm trọng đối với cuộc sống con người.

Ghi nhận sự phát triển của các thể chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Nhưng Thủ tướng cho rằng vẫn còn không ít biểu hiện của tình trạng đối đầu căng thẳng, can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, sự không công bằng và đối xử bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

Theo thông lệ của LHQ, mỗi đại diện của một nước sẽ có bài phát biểu 15 phút trước Đại hội đồng. Đây được xem là cơ hội để lãnh đạo các quốc gia thành viên, không phân biệt lớn bé, giàu nghèo, trở thành tâm điểm chú ý.

Tổng cộng có gần 200 bài phát biểu. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sẽ là người phát biểu đầu tiên, tiếp theo là người đồng cấp Mỹ George W. Bush và người cuối cùng sẽ là đại diện của Trinidad và Tobago.

Mỗi nước sẽ tự quyết định vấn đề mà họ muốn nêu lên. Người ta sẽ được theo dõi sát sao các bài phát biểu của những nước chủ chốt nhằm tìm ra bằng chứng về sự phản ánh hoặc thay đổi trong chính sách ngoại giao của họ.

"Thực trạng đó đòi hỏi tất cả chúng ta phải cùng nhau nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ vững hoà bình, ổn định ở mọi nơi, tạo lập quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, và bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của mọi dân tộc".

Thủ tướng nhận định: "trước những thách thức to lớn trong thiên niên kỷ mới, nhân dân các nước ngày càng đặt nhiều hy vọng vào LHQ".

VN chia sẻ định hướng của LHQ

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định VN hoàn toàn chia sẻ những định hướng hoạt động của LHQ về hoà bình, an ninh, hợp tác, phát triển được đề ra trong các Hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và 2005.

Đối với các vấn đề cụ thể, Thủ tướng nói, VN trông đợi LHQ sẽ cùng các quốc gia tăng cường nỗ lực, nhằm tạo dựng một nền hoà bình bền vững ở khu vực Trung Đông, trong đó có việc tìm kiếm một giải pháp thích hợp cho cuộc xung đột Israel - Palestine, chấm dứt xung đột và bạo lực ở một số nước châu Phi, tạo lập sự ổn định ở Iraq, Afghanistan, kiểm soát và ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân. VN ủng hộ việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ nguyện vọng hoà bình, thống nhất của nhân dân hai miền Triều Tiên.

VN mong muốn LHQ có những đóng góp nhiều hơn nữa cho các nước kém phát triển thoát khỏi đói nghèo, có điều kiện tiến cùng trào lưu phát triển chung. Với tinh thần đó, VN mong muốn sớm kết thúc vòng đàm phán Doha, nhằm mở rộng hơn nữa thương mại quốc tế công bằng.

VN ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia, và việc xây dựng quan hệ quốc tế bình đẳng về kinh tế, tài chính, thương mại, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt cho các nước đang phát triển và kém phát triển kể cả dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận, bao vây kinh tế. VN mong LHQ có thêm nguồn lực dành cho mục tiêu phát triển, ưu tiên thực hiện các chương trình hành động về xoá đói giảm nghèo, sự tiến bộ của phụ nữ, chăm sóc trẻ em, kế hoạch dân số, phòng chống HIV/AIDS.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại New York. Ảnh AP.

VN ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực chung, đặc biệt là của LHQ để bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với các thay đổi khí hậu toàn cầu.

Để LHQ có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trong một thế giới đã có nhiều thay đổi, từ nhiều năm qua, vấn đề cải cách LHQ đã được quan tâm, thảo luận. VN cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình này và nhất trí với thống nhất chung là cải tổ LHQ cần bảo đảm lợi ích của tất cả các nước thành viên.

Theo Thủ tướng, những hoạt động này cần tiến hành một cách minh bạch trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm đã qua, đồng thời có tầm nhìn bao quát cho tương lai.

VN luôn hoạt động tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển

Nhìn lại quan hệ VN - LHQ, Thủ tướng nói: năm 1945 LHQ ra đời, nhân dân VN cũng vừa giành được độc lập. Tin tưởng vào tôn chỉ, mục đích cao quý của LHQ, và mong muốn góp sức vào công việc chung của tổ chức quốc tế này, ngay từ tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước VN mới đã gửi thư tới khoá họp đầu tiên của Đại hội đồng.

Bức thư nêu rõ: "Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập thiết tha yêu cầu các ngài công nhận quyền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào LHQ". Tiếc rằng, cho tới năm 1977, VN mới chính thức trở thành thành viên của LHQ.

Trong 30 năm qua, với tư cách thành viên LHQ, VN luôn hoạt động tích cực cho sự nghiệp hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. VN đã đóng góp quan trọng vào việc đưa Đông Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ, đối đấu bởi chiến tranh trở thành một khu vực hoà bình, hợp tác và đang hướng tới hình thành cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội.

VN luôn ủng hộ những nỗ lực giải quyết hoà bình các cuộc xung đột, bảo đảm chủ quyền độc lập của các quốc gia, thúc đẩy các chương trình phát triển và các vấn đề xã hội toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon tại trụ sở LHQ. Ảnh: AP

VN đã xác lập mối quan hệ chính trị - kinh tế quốc tế một cách bình đẳng và cùng có lợi giữa các quốc gia. VN kiên trì thực hiện chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, phấn đấu vì hoà bình, độc lập, hợp tác và phát triển. Đồng thời, VN là thành viên tích cực của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực. Gần đây nhất, VN đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO. VN từng được tín nhiệm bầu vào các vị trí lãnh đạo của nhiều cơ quan quan trọng của LHQ và hiện đang cùng các cơ quan của LHQ thực hiện thí điểm tại VN sáng kiến một LHQ.

Chúng tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của các tổ chức LHQ dành cho VN. Những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã giúp VN hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là về xoá đói giảm nghèo, trong đó, có sự giúp đỡ rất có ý nghĩa của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi luôn quan tâm thúc đẩy sự hợp tác Nam - Nam. Tuy còn là một nước nghèo, nhưng VN đã rất tích cực tham gia hợp tác 3 bên giữa VN và một tổ chức của LHQ và một số nước châu Phi trong phát triển nông nghiệp và đã đạt được đáng khích lệ.

VN sẽ làm hết sức cho sứ mạng của LHQ

Xuất phát từ mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào những hoạt động của cộng đồng quốc tế, từ năm 1997, VN đã chính thức ứng cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009.

VN ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn và trách nhiệm nặng nề của cương vị Uỷ viên không thường trực HĐBA trong việc giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể cấp cao Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Website CP.

"Được bầu vào cương vị này, VN sẽ quán triệt tôn chỉ, mục đích và các nguyên tắc đặt ra trong Hiến chương LHQ, hợp tác chặt chẽ với các uỷ viên khác và sẽ làm hết sức mình để đóng góp vào việc thực hiện sứ mạng cao cả của HĐBA".

"VN sẽ nỗ lực cùng các nước góp phần làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các cuộc xung đột trên thế giới."

VN sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một quốc gia tham gia tất cả các điều ước quốc tế quan trọng về chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. VN lên án và ủng hộ loại trừ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế.

VN hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các cơ chế cả trong và ngoài HĐBA về việc tăng cường và hỗ trợ tái thiết cho những nước vừa trải qua xung đột, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của một quốc gia vừa trải qua quá trình tái thiết và phát triển với nhiều vấn đề phải xử lý và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Nhận rõ vai trò tích cực của các hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ, VN đã đóng góp tài chính và đã tham gia một số hoạt động của LHQ trong việc thiết lập hoà bình tại một số nước. VN đang hoàn tất quá trình chuẩn bị liên quan đến việc tham gia một cách có hiệu quả hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ phù hợp với các quy định của luật pháp VN.

Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại VN Peter Peterson chia sẻ cảm nhận về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước HĐBA:

Tôi nghĩ đây là một thông điệp hết sức đúng đắn. Nó đề cập tới một vấn đề quan trọng trong đời sống quốc tế, đó là không nên loại trừ bất kỳ quốc gia nào ra khỏi cộng đồng. Cũng như không nên loại trừ bất kỳ người nào ra khỏi cộng đồng vì làm thế, bạn chỉ tạo thêm kẻ thù cho mình. Vì thế ý tưởng kết nối mọi người, thay vì loại trừ là một ý tưởng tốt, nhằm tạo ra những giá trị chung giữa các nước, các dân tộc.

Tôi nghĩ, có thể VN đã nhận thấy mình có cơ hội để kết nối mọi người với nhau.

Để HĐBA hoạt động hiệu quả, VN chia sẻ quan điểm là cơ quan này cần đổi mới hơn nữa trên cơ sở tăng cường tính đại diện rộng rãi và dân chủ hơn trong phương thức hoạt động.

VN cũng ủng hộ HĐBA tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực.

Thủ tướng tin tưởng với chính sách rộng mở, mang tính xây dựng, và những đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh và hợp tác phát triển trên thế giới, VN sẽ được các nước thành viên bầu làm Uỷ viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện trọng trách này. VN sẽ luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, xứng đáng với sự tin cậy của các quý vị".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhà lãnh đạo cấp cao thứ ba của VN tham dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ. Trước đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tới New York dự họp lần lượt vào các năm 1995 và 2000.

Cùng ngày, tại trụ sở Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. 3 tháng trước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã có cuộc gặp Tổng thư kí Ban Ki-Moon ngay tại toà nhà này nhân dịp sang thăm chính thức Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại New York trong khuôn khổ Sáng kiến toàn cầu Clinton.

  • Việt Lâm - Phương Loan
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,