Thủy điện xả lũ, dân sắp "chết chìm"
– Mưa lớn tiếp tục hoành hành và được dự báo sẽ kéo dài trong vài ngày tới. Lũ trên các sông nam Trung bộ được cảnh báo sẽ lên nhanh ở mức đặc biệt lớn, và lũ sẽ kéo dài. Thế nhưng, bất chấp tình trạng ngập lụt đang diễn ra rất nghiêm trọng ở các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, các hồ chứa thủy điện đang lên kế hoạch xả lũ và thực tế có nhiều nơi đã xả hoặc để nước tràn tự do. Tính mạng người dân hạ lưu đang bị đe dọa bởi các hồ chứa thủy điện.
Mưa còn dài, lũ còn lên
21h30 ngày 2/11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã phát đi thông báo về tình trạng lũ khẩn cấp trên các sông từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Gia Lai.
Theo đó, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai đạt đỉnh và đang xuống, riêng hạ lưu sông Ba và hạ lưu hệ thống sông Vu Gia Thu Bồn đang lên.
Tại các tỉnh nam Trung bộ, mưa còn kéo dài, lũ còn lên cao trong những ngày tới (Ảnh: VietNamNet) |
Đỉnh lũ trên sông Dinh tại Ninh Hòa: 5,99m (lúc 15 giờ ngày 2/11), trên BĐ3: 0,49m; mực nước tại sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 12,66m (lúc 15 giờ ngày 2/11), trên BĐ3: 1,66m; mực nước sông Ba tại Củng Sơn: 34,85m (lúc 20 giờ ngày 2/11), trên BĐ3: 0,35m.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, đêm 2/11 và ngày 3/11, lũ các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai có khả năng lên lại.
Sáng 3/11, mực nước các sông có khả năng đều áp sát báo động 3. Tình trạng ngập lụt ở tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận bắt đầu giảm dần. Các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối.
Thủy điện “đổ thêm dầu vào lửa”
Trước diễn biến như trên về mưa lũ, các hồ thủy điện lại thi nhau xả lũ.
Báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW vào sáng 2/11 cho biết các hồ có cửa tràn như Suối Dầu, Am Chúa, Láng Nhớt (Khánh Hòa); Tân Giang, Sông Châu, Sông Sắt (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận) đang xả lũ theo quy trình và vẫn đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, còn nhiều hồ tràn tự do mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 20 đến 120cm đang tràn tự do về hạ du, cơ quan chức năng cũng đánh giá vẫn ”an toàn“.
Trong ngày 2/11, lần lượt các hồ thủy điện Phú Yên xả lũ. Cụ thể là hồ thủy điện Ba Hạ, hồ thủy điện Sông Hinh, hồ thủy điện Krông H’Năng. Dự kiến nếu cả 3 hồ xả lũ đồng loạt, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ thành biển nước chỉ sau vài giờ.
Thủy điện “đổ thêm dầu vào lửa”, dân lãnh đủ - (Ảnh: VietNamNet) |
Lý do các cơ quan chức năng đưa ra khi đề xuất xả lũ đồng loạt ở các hồ thủy điện là do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến lượng nước tích trong hồ quá cao, nếu không xả sẽ xảy ra nguy cơ vỡ hồ thủy điện.
Thế nhưng, không phải cứ có lý do chính đáng là được chấp nhận. Nhận thấy việc xả lũ đồng loạt không còn an toàn, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã cực lực phản đổi việc xả lũ từ hồ thủy điện.
Báo SGTT cho biết: Chiều 2/11, khi nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đề xuất xả lũ với lưu lượng 7.000m3/giây, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiêm trưởng ban chỉ huy Phòng chống bão lụt – tìm kiếm cứu nạn tỉnh này đã cực lực phản đối với lý do nếu xả lũ với mức độ đó, cộng với nhiều hồ thủy điện khác trên bậc thang sông Ba cùng xả lũ, sẽ vô cùng nguy hiểm cho vùng hạ du.
“Bây giờ phải thực hiện theo luật chứ không thể theo lệ nữa, thủy điện nào vi phạm quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành thì sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, Ông Lộc nói.
Không chỉ riêng Phú Yên rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” vì xả hồ thủy điện. Tại Khánh Hòa, nước lũ cũng dâng cao vì có tới 8 hồ chứa nước đã đồng loạt xả lũ.
Tại Khánh Hòa có đến 8 hồ chứa đã đồng loạt xả lũ khiến tình trạng ngập lụt thêm trầm trọng - (Ảnh: VietNamNet) |
Báo SGTT đưa tin: Tính đến ngày 2.11, tỉnh Khánh Hòa đã phải mở cửa xả lũ đối với 5 hồ chứa nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, 3 hồ chứa nước khác có dung tích nhỏ, nước lũ đã vượt trên mức nước dâng bình thường, nên nước qua tràn tự do. 8 hồ nói trên có tổng dung tích chứa trên 120 triệu m3.
Một số hồ chứa nước lớn như: Đá Bàn (46 triệu m3) đã bắt đầu xả lũ từ ngày 2/11 với lưu lượng bước đầu đạt 17,5 m3/giây; hồ chứa nước Suối Dầu có dung tích 31 triệu m3, đã xả 3 cửa với tổng mức 250 m3/giây; hồ chứa nước Cam Ranh cũng đã xả cả 3 cửa, với lưu lượng 131 m3/giây.
Theo ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, hiện nay mực nước trên các sông trong tỉnh đang dâng trở lại. Tại sông Cái (Nha Trang) và sông Dinh (Trạm Ninh Hòa), mực nước đều vượt mức báo động II.
Không khí lạnh đã tràn về Bắc bộ Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đêm 2/11 không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở bắc Trung Bộ. Dự báo đêm nay và ngày mai (03/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác thuộc bắc Trung Bộ; gần sáng và ngày mai (03/11) sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc phía tây Bắc Bộ, Trung và Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ không mưa, trời rét, các tỉnh bắc Trung Bộ có mưa vài nơi, gió đông bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5; ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 – 9, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ, khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 – 10 và có mưa dông mạnh, biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to; ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh. |
· Ngọc Anh (Tổng hợp)