Miền Bắc 10 độ, Nam Trung Bộ chống lũ

Cập nhật lúc 06:39, 01/11/2010 (GMT+7)

– Không khí lạnh đang tăng cường gây rét đậm ở miền Bắc, có nơi lạnh đến 10 độ. Trong khi đó, không khí lạnh lan tỏa đến các tỉnh nam Trung bộ, khiến khu vực này vừa đối mặt với không khí lạnh vừa lo chống mưa lũ lớn.

Tây Bắc lạnh 10 độ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong những ngày tới, các tỉnh miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa có cường độ mạnh nên đêm và sáng trời rét, trưa và chiều trời nắng.

d
Thị trấn Sa Pa chìm trong sương mù và giá rét (Ảnh: VietNamNet)

Dự báo phía Tây Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 14 - 17 độ C, có nơi nhiệt độ giảm mạnh xuống chỉ còn 10 - 12 độ C (Sìn Hồ - Lai Châu; Sa Pa – Lào Cai). Nhiệt độ cao nhất ở khu vực này dự báo dao động trong khoảng 21 - 24 độ C.

Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 14 - 17 độ C, có nơi 11 - 13 độ C. Khu vực Hà Nội nhiệt độ thấp nhất từ 15 - 18 độ C, cao nhất từ 23 - 26 độ C. Khu vực Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế gió bắc đến tây bắc cấp 3 – 4, nhiệt độ thấp nhất từ 16 - 19 độ C, cao nhất từ 21 - 24 độ C.

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Nhiệt độ thấp nhất từ 16 - 19 độ C, cao nhất từ 25 - 28 độ C. Các tỉnh Tây Nguyên có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Nhiệt độ thấp nhất từ 16 - 19 độ C, cao nhất từ 24 - 27 độ C.

Khu vực Nam Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác. Gió đông bắc cấp 2 - 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 21 - 24 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 28 - 31 độ C.

Lũ tiếp tục lên ở nam Trung Bộ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết ngày 31/10, lũ hạ lưu sông Cái Phan Rang tại Phan Rang đã đạt đỉnh: 4,76m (lúc 9 giờ), trên BĐ3: 0,26m.

d
Lũ tiếp tục lên ở nam Trung Bộ, các tỉnh, thành phố từ Phú Yên đến Ninh Thuận cần triển khai chỉ đạo phương án chống lũ theo cấp báo động (Ảnh: VietNamNet)
Hiện nay, lũ trên các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận đang xuống song các tỉnh cần đề phòng trong đêm 30/10 và sáng 1/11, lũ các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại vì mưa vẫn chưa dứt. Các địa phương từ Phú Yên đến Ninh Thuận cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông thuộc địa phận tỉnh mình.

Nguyên nhân của đợt mưa lớn đang diễn ra tại các tỉnh nam Trung bộ được xác định là do ảnh hưởng của gió đông bắc mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao và một vùng áp thấp ở vào khoảng 5 – 7 độ vĩ Bắc, 108 – 109 độ kinh Đông đang có xu hướng di chuyển chậm về phía Tây, nên khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có mưa dông mạnh.

Mưa tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng, lượng mưa đến 01h ngày 31/10 phổ biến từ 50 – 100mm, riêng khu vực từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận từ 100-200mm, có nơi trên 250mm, như Nha Trang (Khánh Hòa): 450mm, Cam Ranh (Khánh Hòa): 280mm.

Trước tình hình mưa lớn diễn ra tại khu vực này, ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Phú Yên đến Ninh Thuận cần triển khai chỉ đạo phương án chống lũ theo cấp báo động.

Các địa phương từ Phú Yên đến Ninh Thuận cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động tổ chức sơ tán dân; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn xảy ra; đồng thời kiểm tra các hồ chứa, bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập.

Giao thông gián đoạn

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã di dời 70 hộ/289 người dân, tỉnh Ninh Thuận đã di dời 451 hộ/1.331 người đến nơi an toàn. Tại Phú Yên, nước làm ngập ruộng ven sông Bàn Thạch, không ngập nhà dân (tỉnh đã có 1 người chết vì lũ cuốn trôi).

Quốc lộ 1A gián đoạn giao thông tại Km1360+900 (khu vực Đèo Cả, địa phận Phú Yên) do sạt lở taluy dương, hiện đang giao thông một chiều. Đường sắt bị ách tắc tại km 1320+700 (khu vực Đèo Cả) do sat lở đất, đá, có 3 đoàn tầu Bắc Nam phải dừng hành trình. Hiện ngành giao thông đã tổ chức khắc phục xong.

d

Sạt lở gây ách tắc trên đèo Cả, Phú Yên (Ảnh:VietNamNet)

Tại Khánh Hòa tỉnh lộ 2; tỉnh lộ 9 bị ngập 0,5-0,8m. Trên quốc lộ 1A và quốc lộ 27 qua huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận có 5 vị trí bị nước lũ tràn qua qua đường gây ngập sâu từ 0,1-0,5m. Lực lượng công an và các lực lượng xung kính đã tổ trức trực để hướng dẫn giao thông an toàn.

Khánh Hòa có 5 xã thuộc Ninh Hòa bị ngập, độ sâu 0,5-1.0m. Tỉnh Ninh Thuận có 18 xã của 4 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m (Ninh Phước; Ninh Hải; Thuận Bắc; Phan Rang).

Tỉnh Khánh Hòa có 2 chiếc ghe bị trôi, đã cứu hộ được 1 chiếc còn một chiếc đang tổ chức cứu hộ, trên ghe có 2 người. Tỉnh Bình Định: lúc 14h30 ngày 30/10, tầu BĐ 50377-TS với 10 ngư dân bị hỏng máy tại vùng biển Trường Sa, hiện đang được tổ chức cứu hộ. Lúc 12h30 ngày 30/10 tầu BĐ96247-TS với 8 ngư dân bị gẫy lái trôi dạt ra vùng biển Sa Huỳnh Quảng Ngãi, đã cứu hộ được 7 người, còn mất tích 1 người.

Ninh Thuận: Nhiều nơi bị cô lập trong nước lũ

Liên tiếp trong 3 ngày (từ 29,30 đến 31/10) tại Ninh Thuận có lượng mưa từ 150mm đến 300mm, mưa trải rộng đều trên các địa bàn huyện thị và thành phố Phan Rang –Tháp Chàm.

d
Hình ảnh ngập lụt tại Ninh Thuận
Đến cuối ngày 31/10, hạ lưu các con sông nước dâng cao cộng với lũ từ thượng nguồn đổ về, làm cho nhiều địa phương như huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và TP Phan Rang – Tháp Chàm bị ngập cục bộ, hàng trăm nhà dân ven sông ngập sâu trong nước lũ.

Các nơi như xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Phước, huyện Thuận Bắc và ngay tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nhiều con đường đã ngập lên đến gần 1m nước. Rất nhiều nhà cửa bị ngập hoàn toàn chỉ còn thấy mái nhà chơi vơi giữa mênh mong biển nước.

Theo báo cáo nhanh, thiệt hại ban đầu của toàn tỉnh có 12 căn nhà bị sập hoàn toàn, 150 căn nhà ngập chìm từ 0,5m đến 3m, gần 7.000 ha lúa và hoa màu bị ngâm trong nước hai ba ngày nay, 70 ha ao nuôi tôm, cá nước ngọt bị cuốn trôi, chìm 6 ghe đánh bắt của ngư dân.

Phần lớn các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn ở các vùng nói trên bị nước ngập từ 0,7 đến 1m, có nơi bị ngập trên 2m, bị ngăn cách hoàn toàn, hàng ngàn ngôi nhà ở ven sông Cái bị ngập từ từ 1 đến 3,5m, nhiều vùng bị cô lập. Tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km1382+500 -Km1383+600 bị nước lũ làm trôi vai phía hạ lưu 38, sâu 0,5m, rộng 0,8m.

Các lực lượng công an quân sự phối hợp cùng các địa phương đã tổ chức sơ tán 4.548 người. Ban Chỉ huy phòng chống lục bão các cấp đã kiểm tra tình hình những vùng trũng thấp, ven sông suối, đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất và khẩn trương tổ chức di dời các hộ dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng bị ngập, vùng thấp trũng ven sông, ven biển, đặc biệt chú ý cảnh báo và ngăn chặn không cho người dân tự vượt qua các sông, suối, vùng bị chia cắt khi đang lũ.

Trước thời tiết hiêng đang còn diễn biến phức tạp nên Sở Giáo dục – Đào tạo Ninh Thuận đã khẩn cấp thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong hai ngày 1 và 2-11-2010.

  • Ngọc Anh - Võ Tấn

Tin liên quan

Các tin khác