Lời thầy cô lẫn tiếng... "trẻ khóc, chó sủa"
- Trong giờ học đang im phăng phắc, bỗng dưng vang lên tiếng… trẻ con khóc, rồi ếch kêu, chó sủa, hay những câu thoại kiểu như: “Hàng về, hàng về, nhấc máy đi em ơi” hoặc “nhấc máy nhanh em, rung hết cả…đùi anh rồi"...
Có một thực tế hiện nay là nhiều bậc phụ huynh đã trang bị điện thoại di động cho con em mình để tiện bề quản lý, song việc học sinh hiện nay đua nhau thể hiện “đẳng cấp” bằng các chú “dế” đắt tiền, sành điệu và sử dụng chúng một cách “vô tội vạ” khi đến trường đang tác động mạnh đến việc học tập của các em và tạo nên biết bao tình huống bi hài.
Không chỉ có vậy, việc học sinh dùng điện thoại trong lớp còn gây ức chế lớn với các thầy cô giáo, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
“Hàng về, hàng về, nhấc máy đi em ơi”
Không chỉ lén mang điện thoại vào lớp trong tiết học, rất nhiều teen còn “vô tâm” không chịu để chế độ im lặng. Cô Ngọc Oanh (giáo viên Hóa học, THPT Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: “Nhiều hôm đang say sưa giảng bài thì ngay dưới lớp vang lên tiếng nhạc ầm ĩ của một em lén mang điện thoại vào lớp. Các em còn lại nhao nhao lên, thế là bao nhiêu hứng thú bài giảng cũng bay đi mất”.
Không chỉ vậy, teen còn thường thích “chơi” nhạc chuông “độc” khiến không ít thầy cô phải “choáng” khi trong giờ học bỗng dưng vang lên tiếng…trẻ con khóc, ếch kêu, chó sủa, hay những câu thoại kiểu như: “hàng về, hàng về, nhấc máy đi em ơi” hay “nhấc máy nhanh em, rung hết cả…đùi anh rồi"...
Cảnh cô giáo "tát" học sinh ở một trường PTTH tại TP Hồ Chí Minh được chính học sinh chụp lại bằng điện thoại rồi gửi đến phòng GD "tố cáo" cô giáo |
Cô B. một giáo viên ở Hà Nội cho biết: Có lần tôi phát hiện được một nhóm nam sinh trong trường xem một loạt ảnh mát mẻ của các cô gái quá cả tuổi các em. Khi hỏi thì các em chối bay chối biến, em này bao che cho em kia.
"Học sinh thường có khuynh hướng giấu giếm những việc không tốt của nhau. Em nào "đi mách" với thầy cô sẽ bị các bạn khác tẩy chay vì tội "bép xép". Do vậy, chỉ có khi nào bắt tận tay mới có thể giáo dục được các em", cô B. lo lắng chia sẻ.
Trên các diễn đàn dành cho giáo viên, chuyện học trò mang điện thoại vào lớp học cũng khiến những người làm nghề “gõ đầu trẻ” không khỏi bức xúc.
Một thành viên viết: “Việc học sinh lén mang điện thoại vào lớp không chỉ là làm trái nội quy mà còn thể hiện sự bất kính với thầy, cô giáo. Khi đang say sưa giảng bài mà bị ngắt ngang bởi tiếng nhạc chuông điện thoại thì cảm thấy rất ức chế”.
Sau vụ việc “đoạn clip cô giáo chửi học sinh 30 phút” và vụ cô giáo tát học sinh ở TP Hồ Chí Minh được phát tán trên mạng thì không chỉ các thầy, cô mà rất nhiều người cũng đã lên tiếng về chuyện cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.
Nickname Lê Anh nêu quan điểm: “Nếu học sinh được phép dùng điện thoại có khả năng quay phim, ghi âm trong giờ học sẽ khiến các thầy cô cảm thấy rất khó chịu vì luôn có cảm giác bị soi mói, bị theo dõi nhất cử nhất động. Như vậy sẽ không thể tự nhiên giảng bài và tất nhiên ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy”.
Một thành viên khác đồng tình: “Không chỉ vậy, nếu chẳng may trong tiết học có gì “hớ hênh, sơ xẩy”, thầy cô chắc gì đã không trở thành nhân vật "đóng các bộ phim hài" để học trò truyền tay nhau cười cợt”.
Độc chiêu "lách luật"
Dù hiện nay rất nhiều trường THPT, THCS đã có quy định cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng nhiều học sinh vẫn vắt óc nghĩ ra không ít “độc chiêu” để “lách nội quy”.
“Em đang dùng máy chơi điện tử trong giờ truy bài thì có giám thị vào kiểm tra, cuống quá không biết làm thế nào em tiện tay vứt luôn “con” 5230 vào…sọt rác. May mà em nhanh trí không bị thu thì lại mất công về “vòi” mẹ con mới” - một nam sinh hồn nhiên nói
Điện thoại di động đã trở thành một phần "tất yếu" trong đời sống học sinh thành thị - ảnh minh hoạ: nguồn Internet |
Khi đã dùng “trộm” điện thoại trong giờ thì không chỉ là nhắn tin, gọi điện, nhiều teen còn chơi game, thậm chí nghe nhạc ngay trong giờ học. Giấu kỹ dây nối trong áo, 2 chiếc tai nghe được mái tóc dài ngang vai ép thẳng làm “tấm bình phong” là chiêu mà K., học sinh Trường THPT VĐ (Hà Nội) thường áp dụng để có thể thoải mái nghe nhạc từ “dế” yêu trong những tiết học mà cô nàng “không ưa”.
Còn T. học sinh trường THPT QT kể: “Có lần, điện thoại rung ghê quá, lại là số máy lạ nên em cúi xuống gầm bàn vờ nhặt bút rơi để nghe máy, ai dè vừa nhắc máy là người bên kia cúp máy liền. Biết mình bị “chơi” mà không làm gì được. May mà hôm đó cô đang say sưa giảng bài nên không để ý”.
Bình thường đã vậy nên khi chiếc điện thoại thành phương tiện “kết nối tình yêu” thì các nữ sinh càng khó lòng mà rời xa, ngay cả là lúc đến trường. Vậy nên không ít nữ sinh sẵn lòng trốn vào WC hàng tiếng đồng hồ chỉ để buôn chuyện với…người yêu cho đỡ nhớ.
“Ở đấy an toàn lắm, là WC nữ nên chẳng có ai vào kiểm tra” - một teen girl hồn nhiên chia sẻ.
M., học sinh một trường THPT tại Hà Nội đã quen với việc nhắn tin cho người yêu mỗi buổi sáng. Hàng ngày, M. không chỉ được “đặc cách” làm vai trò chiếc đồng hồ báo thức riêng cho chàng, mà còn phải nhắn tin căn dặn, thúc giục.
Nhưng khổ nỗi, chàng lại đang là sinh viên nên thời điểm đón bình minh lại là lúc M. đang trong…tiết học. Vậy nên, cô giảng mặc cô, trường cấm mặc trường, không hôm nào chiếc điện thoại của M. ngừng "sột soạt" trong ngăn bàn trước giờ ra chơi tiết 3.
Không ít học sinh dường như còn “nghiện” dùng điện thoại đi động. Dù bị cô giáo khiển trách vì sử điện thoại trong lớp học và phải viết bản kiểm điểm để xin lại, nhưng Thùy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không thể dời “dế” yêu nửa bước.
“Em không thể không có điện thoại, mất điện thoại em có cảm giác như mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Không có nó là em không thể làm được việc gì, không thể chơi games, nghe nhạc, lướt net, không thể “chat” được với bạn bè” - Thủy tâm sự.
Ai cũng biết, một chiếc điện thoại đa chức năng có thể dùng để lưu lại những kỉ niệm thời học trò, để chia sẻ tài liệu học, để kể nhau nghe chuyện buồn, vui,…Nhưng cũng có khi nó lại trở thành công cụ để phát tán những đoạn phim, hình ảnh không lành mạnh hay khiến các em phung phí thời gian để chơi điện tử, lướt web, chat...
Sự lựa chọn cách sử dụng điện thoại thế nào không còn là của các em, mà còn là trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh, để điện thoại di động trở thành một "công cụ" hợp lý và lành mạnh.
- Cao Thùy Thơm